Trung Quốc đã có đột phá chiến lược về công nghệ mũi nhọn tàu sân bay?

07/03/2015 11:42
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, Mỹ độc quyền công nghệ máy phóng tàu sân bay, trong khi trang bị máy phóng là phương hướng phát triển tương lai của tàu sân bay.
Hình ảnh tình nghi là máy phóng trên Đài truyền hình CCTV Trung Quốc
Hình ảnh tình nghi là máy phóng trên Đài truyền hình CCTV Trung Quốc

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 6 tháng 3 đưa tin, theo CCTV, gần đây, hình ảnh vệ tinh tình nghi là cơ sở thử nghiệm máy phóng tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện trên các trang mạng quân sự nước ngoài, trong ảnh đã xuất hiện rõ một đường máy phóng và thiết bị thử nghiệm hỗ trợ cho nó.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc, chuyên gia quân sự Lý Lỵ cho rằng, nếu những hình ảnh này là thật, có nghĩa là Trung Quốc đã có đột phá mang tính "nền móng", tính chiến lược trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn quan trọng của tàu sân bay.

Theo bài báo, máy phóng của tàu sân bay là thiết bị quan trọng để máy bay cất cánh nhanh chóng trên tàu, cất cánh bằng máy phóng có hiệu quả cao hơn so với cất cánh kiểu nhảy cầu hiện có trên tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc; cất cánh bằng máy phóng là biện pháp cất cánh máy bay hải quân duy nhất hiện nay của Quân đội Mỹ.

Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng máy phóng điện từ trên tàu sân bay, Pháp cũng chỉ có thể mua sản phẩm của Mỹ. Máy phóng của tàu sân bay có vai trò quan trọng đối với việc máy bay hải quân nhanh chóng bước vào tác chiến đường không, nâng cao hiệu quả tác chiến. Trung Quốc phát triển máy phóng cho tàu sân bay là "việc làm hợp tình hợp lý" - báo Trung Quốc tuyên truyền.

Máy bay chiến đấu F/A-18 chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Bush CVN77 của Hải quân Mỹ
Máy bay chiến đấu F/A-18 chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Bush CVN77 của Hải quân Mỹ

Theo chuyên gia Lý Lỵ, hiện nay, tất cả thiết bị cất cánh bằng máy phóng đều được Mỹ độc quyền, chưa có bất cứ nước nào có khả năng chế tạo được máy phóng của mình, kể cả Nga, Anh, Pháp. Hình ảnh trên truyền thông quốc tế phản ánh thiết bị thử nghiệm mặt đất có kích thước đầy đủ, "nếu hình ảnh này là thật, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã có đột phá mang tính nền móng, tính chiến lược trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của tàu sân bay".

Theo Lý Lỵ, máy phóng được phân thành máy phóng hơi nước và máy phóng điện từ, phóng hơi nước có điều kiện sử dụng bị giới hạn, trong khi đó máy phóng điện từ giúp cho máy bay cất cánh trong các điều kiện như không tính tới khí tượng, có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Khi nói tới trong hình ảnh thể hiện loại máy phóng nào, chuyên gia Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng, khu vực thử nghiệm trong hình ảnh vừa có thể làm cơ sở thử nghiệm phóng hơi nước, vừa có thể để thử nghiệm phóng điện từ.

Theo Tào Vệ Đông, nghiên cứu chế tạo máy phóng là để thúc đẩy phát triển tàu sân bay trong tương lai. Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc hiện nay sử dụng đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu, nhưng đường băng kiểu này không thể cất cánh máy bay cảnh báo sớm cánh cố định, khiến cho năng lực tác chiến tổng hợp của tàu sân bay có hạn.

Tào Vệ Đông cho rằng, Trung Quốc không chỉ cần chế tạo một chiếc tàu sân bay, vì thế, trong tương lai cần tập trung vào một phương thức có năng lực tác chiến mạnh hơn. "Sử dụng máy phóng là phương hướng phát triển của tàu sân bay trong tương lai, nếu trình độ công nghiệp, vốn và năng lực công nghệ của Trung Quốc đầy đủ, bước tiếp theo, tàu sân bay nội có thể sử dụng máy phóng điện từ".

Hải quân Mỹ: Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cất cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Nimitz CVN68 trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2013
Hải quân Mỹ: Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cất cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Nimitz CVN68 trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2013
Việt Dũng