BÁO PHƯỢNG HOÀNG, HỒNG KÔNG:

"Trung Quốc đã có thể chọc thủng trở ngại của chuỗi đảo"

01/12/2011 09:27
Đông Bình (Theo báo Phượng Hoàng)
(GDVN) - Trung Quốc tăng cường tập trận ở đại dương có mục tiêu là đưa Hải quân từ lực lượng phòng thủ duyên hải phát triển thành lực lượng tác chiến tầm xa.

Ngày 29/11, tờ “Thời báo châu Á” Hồng Kông cho biết, trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ, Hải quân Trung Quốc (PLAN) tuyên bố sẽ tiến hành tổ chức tập trận ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Báo chí Hồng Kông cho biết, thông báo này đã gây sự chú ý, suy đoán và quan tâm rất lớn của khu vực. Có suy đoán cho rằng, đây là sự đáp trả của Trung Quốc đối với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố tăng cường ảnh hưởng của quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; và tăng quân ở Australia gây ra đối đầu gay gắt trong khu vực.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất (chạy xuyên qua vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và đảo Miyako), tiến ra Tây Thái Bình Dương tập trận
Hạm đội Hải quân Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất (chạy xuyên qua vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và đảo Miyako), tiến ra Tây Thái Bình Dương tập trận

Kế hoạch cuộc tập trận này hầu như đã khẳng định một quy tắc: đó chính là “trò chơi hải quân” là sự đột phá trong phát triển công nghệ của Hải quân Trung Quốc, mục tiêu là đưa Hải quân từ lực lượng phòng thủ duyên hải đẩy ra lực lượng tác chiến tầm xa.

Báo chí Hồng Kông cho biết, Bắc Kinh tuyên bố, cuộc tập trận này diễn ra theo “thường lệ”, “hoàn toàn không nhằm vào bất cứ nước nào”.

Ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố trên trang mạng riêng, cho rằng: “Đây là cuộc tập trận thông thường theo kế hoạch thường niên, nó hoàn toàn không nhằm vào bất cứ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào; đồng thời phù hợp với quy định của luật pháp và hiệp ước có liên quan”.

Tuyên bố cho biết: “Tự do hàng hải và các quyền lợi hợp pháp khác của Trung Quốc không nên bị cản trở”, nhưng hoàn toàn không công bố địa điểm cụ thể của cuộc tập trận.

Biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc

Nhật Bản theo dõi mọi động thái của Hải quân PLA

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 6 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc trong các ngày 22-23/11 đã chạy xuyên qua vùng biển giữa đảo Okinawa và Miyako.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc bao gồm 1 tàu thu thập tin tức tình báo, nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa và tàu tiếp tế. Nhưng, tuyến đường biển mà các tàu chiến Hải quân Trung Quốc đi qua hoàn toàn không vi phạm Luật biển quốc tế.

Hải quân và Không quân Nhật Bản đang quan tâm chặt chẽ hoạt động của các tàu chiến này. Báo chí Nhật Bản cũng đồng loạt đưa tin về sự kiện này.

Báo chí Hồng Kông cho biết, khu vực này lập tức đã gây sự chú ý rất lớn, Australia đã đưa tin về sự kiện này với tiêu đề “Cuộc tập trận trên Thái Bình Dương của Trung Quốc đã gây ra căng thẳng khu vực”.

Bài báo cho biết: “Sự lo ngại về tham vọng khu vực của Hải quân Trung Quốc rất có thể bị đốt cháy bởi thông báo về kế hoạch tập trận ở Tây Thái Bình Dương của Bắc Kinh…

Nhưng các chuyên gia chiến lược Australia cho rằng, hành động của Trung Quốc là sự đáp trả cố tình đối với Tuyên bố trong tuần trước của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuyên bố này cho hay, Mỹ dự định tiếp tục dùng sức mạnh quân sự kiểm soát khu vực Thái Bình Dương”.

Trung Quốc cho rằng Nhật Bản phản ứng thái quá về cuộc tập trận thông thường của họ tại Tây Thái Bình Dương. Hạm đội tàu chiến Trung Quốc đã bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản theo dõi chặt chẽ.
Trung Quốc cho rằng Nhật Bản phản ứng thái quá về cuộc tập trận thông thường của họ tại Tây Thái Bình Dương. Hạm đội tàu chiến Trung Quốc đã bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản theo dõi chặt chẽ.

Báo chí Hồng Kông cho biết, nhìn vào quan điểm lâu dài, Mỹ và các đồng minh có đủ lý do để tiếp tục quan tâm đến cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc tại khu vực. Từ khi thành lập vào ngày 23/4/1949 đến nay, Hải quân Trung Quốc là một lực lượng yếu nhất của PLA.

Trong thập niên Chiến tranh Lạnh, nền kinh tế yếu ớt của Trung Quốc khó mà nâng đỡ cho hải quân viễn dương (biển xa). Cũng chính vào lúc đó, con đường tiến ra các đại dương trên thế giới của Trung Quốc bị cản trở bởi các chuỗi đảo do Mỹ và đồng minh tạo nên - từ Hàn Quốc và miền bắc Nhật Bản, kéo xuống Đài Loan, nối với Thái Lan và Philippinese.

Vì vậy, trong một thời gian rất dài, Thái Bình Dương luôn được cho là “vịnh sau” (như sân sau) của Mỹ; đồng thời cũng là “vùng cấm” của quân đội Trung Quốc. Vì vậy, chiến lược của Hải quân Trung Quốc buộc phải lấy phòng thủ gần bờ hoặc duyên hải làm nền tảng.

Báo chí Hồng Kông cho biết, xét tới bối cảnh lịch sử này, ý nghĩa to lớn của cuộc tập trận hải quân lần này ở chỗ đánh dấu Trung Quốc hiện nay đã có thể chọc thủng trở ngại của “chuỗi đảo”, đồng thời tiến vào “vịnh sau” của Mỹ.

Trên thực tế, điều này cũng có nghĩa là quân đội Trung Quốc hiện có thể tiến ra Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành một loạt các hoạt động ở trên Thái Bình Dương. Nó đánh dấu sự thay đổi chiến lược to lớn.

Bằng tàu chiến và tên lửa, Trung Quốc có tham vọng gạt bỏ vai trò của quân Mỹ ở Thái Bình Dương
Bằng tàu chiến và tên lửa, Trung Quốc có tham vọng gạt bỏ vai trò của quân Mỹ ở Thái Bình Dương

Trong tương lai, nếu cần thiết, Hải quân Trung Quốc sẽ có thể phóng vũ khí mang tính tấn công từ Thái Bình Dương, chứ không phải là khu vực phòng thủ bờ biển mang tính “tiêu cực - bị động”. Điều này phù hợp với quan điểm của Mao Trạch Đông cho rằng: “Phòng thủ tốt nhất chính là tấn công tốt nhất”.

Theo báo chí Hồng Kông, Bắc Kinh cho rằng, cùng với việc mở rộng lợi ích của Trung Quốc trên toàn cầu, Hải quân Trung Quốc tất yếu trở thành hải quân viễn dương. Nước này cần một lực lượng hải quân mạnh để bảo vệ lợi ích “viễn dương” của họ.

Đối với Trung Quốc, đây cũng là một sự phát triển tự nhiên. Ngoài cuộc tấn công bất ngờ khủng bố có thể xảy ra ở khu vực xa xôi phía đông và khu vực tranh chấp với Ấn Độ, Trung Quốc phải đối mặt nhiều hơn với các cuộc đối đầu quân sự trên biển.

Tại các khu vực tách biệt gần nhất, Trung Quốc đối mặt với vấn đề Đài Loan. Đồng thời, còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, tranh chấp biển Đông với một số nước Đông Nam Á.

Phát triển tàu sân bay cho tham vọng chiến lược lâu dài tại khu vực và trên toàn cầu
Phát triển tàu sân bay cho tham vọng chiến lược lâu dài tại khu vực và trên toàn cầu

Báo chí Hồng Kông cho biết, trong quá trình tiến lên thành quân đội viễn dương, cuối năm 2008, Hải quân Trung Quốc đã tiến một bước mang tính cột mốc. Khi đó, họ bắt đầu triển khai hạm đội ở bờ biển Somalia để tấn công cướp biển và hộ tống tàu thương mại Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận vào cuối tháng 11 đã cho thế giới biết rằng, họ hiện đã có thể tác chiến ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo báo chí Hồng Kông, những năm gần đây, Trung Quốc luôn duy trì đổi mới “phần cứng” của hải quân nhằm thúc đẩy phát triển thành hải quân viễn dương. Để chúc mừng 60 năm thành lập Hải quân vào tháng 4/2009, trong cuộc phô diễn tàu chiến giữa Trung Quốc với 14 nước khác, trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai tàu ngầm động cơ hạt nhân.

Hải quân Trung Quốc hiện có 225.000 quân, sở hữu 10 tàu ngầm động cơ hạt nhân và tới 60 tàu chiến chạy bằng động cơ diesel, vượt xa bất cứ nước châu Á nào. Tàu ngầm động cơ hạt nhân lớp Tấn, Thương thế hệ thứ hai của Trung Quốc được công nhận là chỉ đứng sau tàu ngầm của Mỹ và Nga.

Lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng ra đại dương và toàn cầu
Lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng ra đại dương và toàn cầu

Báo chí Hồng Kông cho rằng, tháng 6/2011, Trung Quốc đã thừa nhận một dự đoán dài hạn, đó chính là họ đang nghiên cứu chế tạo tàu sân bay của mình.

Tàu sân bay đầu tiên là tàu Varyag (Thi Lang) lớp 67.500 tấn của Liên Xô cũ, đã trải qua cải tạo và được tiến hành chạy thử trên biển lần đầu tiên vào đầu tháng 8/2011.

Tóm lại, sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc trong đó có hải quân là một nhân tố quan trọng hàng đầu buộc phải xem xét khi Mỹ thực hiện chiến lược “quay trở lại châu Á”.

Đông Bình (Theo báo Phượng Hoàng)