Trung Quốc đang dùng thủ đoạn quân sự gì để mưu đồ chiếm Biển Đông?

11/05/2013 07:52
Việt Dũng
(GDVN) - Trên biển Đông, Trung Quốc sẽ tập trung triển khai tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, vũ khí chống người nhái DP-65 và "chiến thuật cây gậy nhỏ"...
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Các tờ báo “Strategy Page”, “Lợi ích quốc gia” Mỹ và “Bình luận an ninh Kuala Lumpur” của Malaysia cho rằng, sau khi Trung Quốc chuyển giao lượng lớn tàu chiến cũ cho các cơ quan hải giám, ngư chính, một lượng lớn tàu chiến và trang bị đặc chủng thích hợp cho tuần tra biển gần và tác chiến chống tập kích đã liên tiếp được biên chế.

Đặc biệt là hướng biển Đông, Hải quân Trung Quốc đang sử dụng “chiến thuật cây gậy nhỏ”, sử dụng rất nhiều tàu chiến không phải “tuyến 1” để dồn ép và thậm chí chiếm đoạt không gian của các nước chủ trương chủ quyền khác ở Đông Nam Á, cuối cùng thực hiện đòi hỏi lợi ích trong “đường lưỡi bò” (vô căn cứ và vô giá trị) trên biển Đông.

Tàu chiến hạng nhẹ - thủ đoạn chính áp đặt chủ quyền

Báo chí các nước quan tâm tới tàu chiến Hải quân Trung Quốc trên hướng biển gần đang có sự thay đổi rõ ràng khác với trước đây, ví dụ ở Biển Đông, tàu chiến hạng nhẹ trọng tải nhỏ đang trở thành trang bị chính tiến hành tuần tra thường xuyên. Ngoài tàu ngầm Type 037 tương đối cũ, từ tháng 8 năm 2012, Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận lượng lớn tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056.

Tờ “Strategy Page” Mỹ phỏng đoán, Trung Quốc sẽ chế tạo mấy chục tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, trong đó một bộ phận rất lớn sẽ trang bị cho Hạm đội Nam Hải, mục đích là để tăng cường dã tâm kiểm soát của Trung Quốc đối với biển Đông.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, Hải quân Trung Quốc

Tàu Type 056 nhỏ hơn so với tàu hộ vệ dòng 054A, 053 hiện có của Hải quân Trung Quốc, dài 89 m, lượng giãn nước chỉ 1.400 tấn, tốc độ cao nhất 25 hải lý/giờ; trên tàu trang bị 4 tên lửa chống hạm YJ-83 tầm phóng 200 km, 2 ống phóng ngư lôi 324 mm 3 nòng, 1 giá phóng tên lửa hạm đối không FL-3000N 8 nòng (tầm phóng 9 km), 2 pháo phòng không 30 mm và 1 pháo hạm 76 mm; đuôi tàu có thiết kế đường băng cho máy bay trực thăng cất/hạ cánh.

Tờ “Strategy Page” cho rằng, nơi sâu nhất ở biển Đông lên tới 5.559 m, nhưng vùng nước ở rất nhiều đảo, đá đều nông, dưới nước chứa đầy chướng ngại vật, nên tàu hộ vệ hạng trung mớn nước khá sâu, đi lại sẽ rất nguy hiểm, điều này có thể thấy được qua sự cố mắc cạn nửa tháng của tàu hộ vệ Đông Hoan Type 053H1G của Hải quân Trung Quốc năm 2012. Nhưng, tàu hộ vệ Type 056 có trọng tải nhẹ, mớn nước nông, thích hợp hơn cho “tuần tra trên biển Đông”.

Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với 6 tàu hộ vệ 053H1G được biên chế từ thế kỷ trước, sau đó triển khai những tàu chiến này ở tuyến đầu trên biển Đông để đòi hỏi cái gọi là "chủ quyền" (phi pháp). Như vậy, số lượng tàu chiến tác chiến biển gần triển khai trên biển Đông của Hải quân Trung Quốc sẽ tạo “ưu thế áp đảo” so với các nước đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông như Việt Nam, Philippines.

Tàu hộ vệ 053H1G lượng giãn nước chuẩn 1.425 tấn, lượng giãn nước đầy 1.661,5 tấn, dài 103,2 m, rộng 10,8 m, mớn nước 3,19 m, 2 động cơ 12PA68TC, tốc độ 28 hải lý/giờ, hành trình tối đa 7.200 km, biên chế 190 người.
Tàu hộ vệ 053H1G lượng giãn nước chuẩn 1.425 tấn, lượng giãn nước đầy 1.661,5 tấn, dài 103,2 m, rộng 10,8 m, mớn nước 3,19 m, 2 động cơ 12PA68TC, tốc độ 28 hải lý/giờ, hành trình tối đa 7.200 km, biên chế 190 người.

Khi tạo ưu thế trên biển Đông, Quân đội Trung Quốc cũng đang tăng cường xây dựng khả năng chống xâm nhập và chống tập kích trên biển, đặc biệt là đề phòng áp dụng cách đánh “tấn công đặc biệt dưới nước quy mô lớn”.

Theo báo “Strategy Page”, Quân đội Trung Quốc đang lắp đặt nhiều hơn súng phóng lựu đạn chống người nhái điều khiển từ xa DP-65 cỡ 55 mm trên tàu chiến và các đảo, đá, mục đích là để tấn công tàu ngầm mini bí mật xâm nhập và người nhái mang theo thủy lôi đặc chủng. Về khách quan, điều này không phải không cần thiết.

Theo bài báo, trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng đặc công của quân đội Việt Nam từng tiến hành vô số các hành động thâm nhập dưới nước và tiến hành tập kích, đã đánh chìm tổng cộng gần 1.000 tàu chiến lớn nhỏ của quân Mỹ và quân lực Việt Nam cộng hòa, trong đó có tàu sân bay hộ tống USS Card (CVE-11) của quân Mỹ.

Hệ thống vũ khí chống người nhái DP-65 của Quân đội Trung Quốc do Cục thiết kế Bazalt của Nga phát triển, dùng để theo dõi vùng biển và bảo vệ cho các công trình chiến lược, chiến thuật giáp biển không bị người nhái tập kích, vừa có thể lắp trên tàu chiến, vừa có thể bố trí ở các trận địa ven bờ, nhà máy điện hạt nhân, cảng biển, đảo đá và giàn khoan dầu khí.

Hệ thống phóng lựu tự động chống người nhái DP-65 cỡ 55 mm do Nga chế tạo
Hệ thống phóng lựu tự động chống người nhái DP-65 cỡ 55 mm do Nga chế tạo

DP-65 là hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn, có thể tự động thăm dò mục tiêu di động dưới nước, tự động phán đoán mức độ nguy hiểm, tự động khai hỏa mà không cần sự can thiệp của người chỉ huy, người chỉ huy chỉ cần điều khiển hệ thống máy tính là đủ. Nếu mục tiêu bị phát hiện, người điều khiển sẽ đưa ra mệnh lệnh tác chiến, hệ thống này có thể tự động định vị và tiêu diệt mục tiêu.

Tờ “Bình luận an ninh Kuala Lumpur” Malaysia còn phỏng đoán, vũ khí chống người nhái do Quân đội Trung Quốc triển khai trên đảo, đá ngoài sử dụng độc lập, còn có thể phối hợp sử dụng với các vũ khí khác.

Chẳng hạn trên đá Chữ Thập (Trung Quốc dùng vũ lực, bất chấp công lý chiếm của Việt Nam năm 1988), DP-65 bố trí ở bên cạnh pháo phòng không 25 mm 2 nòng, lợi ích của sự phối hợp vũ khí này là ở chỗ sử dụng thiết bị dò âm thanh nước của DP-65 để dò tìm người nhái, sau đó sử dụng thiết bị phóng lựu 10 nòng và pháo phòng không 25 mm cùng tiến hành tấn công đối với người nhái, tăng mạnh hiệu quả sát thương.

“Chiến thuật cây gậy nhỏ”

“Chiến thuật cây gậy nhỏ” của Trung Quốc được tổng kết sớm nhất từ phó giáo sư James Holmes và Toshi Yoshihara, Học viện chiến tranh Hải quân Mỹ. Hai chuyên gia quân sự Mỹ này cho rằng, “chiến thuật cây gậy nhỏ” thể hiện đầy đủ “chiến lược đâu vào đấy” của Bắc Kinh. Họ còn chỉ ra, “cây gậy nhỏ” của Bắc Kinh không chỉ là tàu chiến tác chiến biển gần của Hải quân Trung Quốc, mà còn có các tàu chấp pháp dân sự như tàu hải giám, tàu ngư chính.

Theo James Holmes và Toshi Yoshihara, “cây gậy nhỏ” vừa có thể thể hiện, thực ra là loè bịp dư luận thế giới rằng “Trung Quốc đang duy trì trị an ở vùng biển chủ quyền của họ”, vừa tránh được bị bên ngoài cho là lấy mạnh hiếp yếu.

Hai chuyên gia này nhấn mạnh, từ động thái chế tạo lượng lớn tàu hộ vệ Type 056 của Hải quân Trung Quốc có thể thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấy tàu chiến mặt nước biển gần làm chủ lực của “chiến thuật cây gậy nhỏ”, áp đặt chủ quyền trên biển Đông.

Holmes và Yoshihara cho rằng, cùng với việc số lượng tàu Type 056 của Hải quân Trung Quốc tăng mạnh, uy lực của “chiến thuật cây gậy nhỏ” cũng sẽ ngày càng lớn, bởi vì ở hướng biển Đông, khoảng cách thực lực giữa Hải quân Việt Nam, Philippines với Trung Quốc sẽ ngày càng lớn, đặc biệt Hải quân Philippines “gần như có thể không tính” đối với Quân đội Trung Quốc.

Trefor Moss, biên tập viên tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh thì cho rằng, ý đồ của TQ là cho khu vực thấy “chiến thuật cây gậy nhỏ hoàn toàn không phải là “việc xấu” đối với một số nước Đông Nam Á bởi vì nó cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không muốn làm cho tình hình nóng quá. Từ đó sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan của các nước mà TQ coi là đối tượng".

Trung Quốc đang tạo dựng một chính sách mới “quyết đoán kiểu bị động”, tức là không gây xung đột trước, nhưng một khi một số nước bị TQ đưa vào bẫy và khi đó Bắc Kinh sẽ đưa ra “đáp trả mạnh mẽ”.

Dựa trên thực lực quốc gia tổng hợp, Hải quân Trung Quốc muốn sử dụng “chiến thuật cây gậy nhỏ” để hiện thực hoá dã tâm chiếm toàn bộ Biển Đông để giành lấy ưu thế địa-chính trị ở khu vưch này, đồng thời không gây ảnh hưởng tới hình tượng vốn đang được Bắc Kinh ra sức tuyên truyền là “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc – một chính sách đầy toan tính này đối với một số học giả TQ thì nó “vẹn cả đôi đường”!.

Trung Quốc ưu tiên trang bị tàu chiến cho Hạm đội Nam Hải, triển khai trên biển Đông. Trong hình là tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương Type 054A vừa bàn giao cho Hạm đội Nam Hải.
Trung Quốc ưu tiên trang bị tàu chiến cho Hạm đội Nam Hải, triển khai trên biển Đông. Trong hình là tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương Type 054A vừa bàn giao cho Hạm đội Nam Hải.
Việt Dũng