Trung Quốc hậm hực vì Mỹ đã đánh giá thấp năng lực quân sự

20/06/2013 07:58
Đông Bình
(GDVN) - Quân đội Trung Quốc có nhiều điểm yếu, nhưng cũng có nhiều điểm mạnh, tạo mối đe dọa cho Mỹ trong cả xây dựng chính sách và triển khai chiến lược.
Quân đội Trung Quốc đang chuyển đổi (hình ảnh minh họa: nguồn military.china.com)
Quân đội Trung Quốc đang chuyển đổi (hình ảnh minh họa: nguồn military.china.com)

Trong cuốn sách mới mang tên "Sự bành trướng của con rồng: Sức mạnh quân sự Trung Quốc vươn ra toàn cầu", cựu quan chức cấp cao Quân đội Mỹ, Chủ tịch Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, ông Wortzel đã trình bày về sự thăng trầm của quan hệ quân sự Mỹ-Trung, lịch sử hiện đại hóa của Quân đội Trung Quốc và sự thất vọng của ông đối với việc giới nghiên cứu Mỹ tiếp tục đánh giá thấp năng lực quân sự của Trung Quốc. Tuần san "Tin tức Quốc phòng" Mỹ đã nhận được bản sao của bản thảo này trước khi cuốn sách được xuất bản.

Tờ tuần san "Tin tức Quốc phòng" ngày 16 tháng 6 cho biết, mặc dù các nhà quan sát và các nhà nghiên cứu lâu năm Trung Quốc thường coi Quân đội Trung Quốc là một lực lượng chiến đấu có hiệu suất không cao, nhưng ông Wortzel cho rằng, "Quân đội Trung Quốc đang chuyển đổi thành một quân đội hiện đại, có lý luận tác chiến độc đáo".

Đương nhiên, Wortzel hoàn toàn không quên những điểm yếu của Quân đội Trung Quốc. Ông cho rằng, mặc dù năng lực tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã được hiện đại hóa, hơn nữa toàn bộ lực lượng tên lửa của Trung Quốc đều có thể di động, nhưng Quân đội Trung Quốc luôn tồn tại khó khăn về việc phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Mặc dù Quân đội Trung Quốc đã cho bay thử hai loại máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31, và đã sao chép thành công máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga, nhưng mấy chục năm qua, ngành quốc phòng của Trung Quốc luôn gặp phải khó khăn trên phương diện chế tạo động cơ máy bay tính năng cao. Nhưng cùng với sự thay đổi của thời gian, Trung Quốc sẽ khắc phục những điểm yếu này.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc

Theo bài viết, năng lực chống can dự/ngăn chặn khu vực của Trung Quốc đã buộc Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế ra một kế hoạch "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" hoàn toàn mới để đối phó.

Bài viết chỉ ra, cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 làm cho Quân đội Trung Quốc rất khiếp sợ, làm cho họ "đã thay đổi lớn mô hình tư duy".

Sau đó, lý luận tác chiến của Quân đội Trung Quốc có thể cơ bản được gọi là "chiến tranh có giới hạn trong điều kiện công nghệ cao", đã đưa vào "vũ khí thông minh", đã phát triển một loại cấu trúc tình báo và thông tin trên không linh hoạt hơn, tích hợp dẫn đường chính xác và vệ tinh vào trong vũ khí và phương tiện mang theo vũ khí.

Kết quả, loại tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên đã có thể bắn trúng tàu sân bay Mỹ trong các cuộc khủng hoảng tiếp theo. Năm 2010, Trung Quốc tiếp tục phô diễn năng lực tấn công vệ tinh. Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa từ mặt đất để tấn công vệ tinh, sử dụng chùm laser gây nhiễu vệ tinh gián điệp, phóng 1 chùm vệ tinh cỡ nhỏ gây nhiễu vệ tinh Mỹ.

Bài viết chỉ ra, Quân đội Trung Quốc hiện nay có năng lực tiến hành phòng thủ khu vực ở Tây Thái Bình Dương, nơi cách bờ biển Trung Quốc khoảng 2.000 km.

Trên một số phương diện khác, đặc biệt là về năng lực vũ khí hạt nhân chiến lược, đối với Wortzel và những người khác thuộc lĩnh vực này, Trung Quốc vẫn là một câu đố.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 Trung Quốc

Theo bài viết, đối với quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhận thức của mọi người có sự bất đồng. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc sở hữu khoảng 55-65 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, khoảng 200 đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London và Đài Loan cho là con số này phải gấp đôi, còn cựu Tham mưu trưởng lực lượng tên lửa chiến lược Nga Viktor Yesin lại dự đoán, Trung Quốc có thể có tới 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân và bom hạt nhân.

Tướng Yesin cho rằng: "Sự khác biệt trong đánh giá về quy mô kho vũ khí của Trung Quốc này đã ảnh tưởng to lớn, bởi vì chúng đã ảnh hưởng đến chính sách răn đe của Mỹ, những quyết định về phòng thủ tên lửa đạn đạo và đàm phán kiểm soát quân bị, đặc biệt là đàm phán kiểm soát quân bị với Nga".

Bài viết cho rằng, nếu nhân viên thiết kế của Quân đội Trung Quốc kiên trì học thuyết tác chiến của họ, thì Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ nhìn thấy số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc nhằm vào Nhật Bản gia tăng, trong khi đó cùng với sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa, radar và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 ở Nhật Bản và Okinawa cũng không ngừng mở rộng.

Trung Quốc có thể sẽ còn tấn công mạng để gây phiền phức cho Mỹ, làm chậm phản ứng của Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khi tin tặc tiến hành tấn công đối với hệ thống mạng Internet công khai được quân Mỹ sử dụng.

Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tàu khu trục mới Type 052D
Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tàu khu trục mới Type 052D
Đông Bình