Trung Quốc học kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay từ Brazil?

08/09/2013 07:18
Đông Bình
(GDVN) - Báo Mỹ khẳng định TQ đã học các yếu lĩnh tác chiến tàu sân bay từ Brazil, nhưng chuyên gia TQ đã phủ nhận điều này, vì TQ luôn chuẩn bị kỹ càng.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc

Trang mạng “Strategy Page” Mỹ vừa đăng bài viết nhan đề “Brazil dạy Trung Quốc nên làm những gì”. Bài viết đã giới thiệu tình hình có liên quan đến 2 tàu sân bay của Brazil, cho rằng, Trung Quốc đã học tập kinh nghiệm thành công tác chiến tàu sân bay của phương Tây từ Brazil.

Theo bài viết, sau khi tiến hành cất/hạ cánh lần đầu tiên máy bay hải quân, Trung Quốc còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề kỹ chiến thuật như cất/hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu và trong đêm.

Tháng 11 năm 2012, máy bay chiến đấu hải quân Trung Quốc đã hoàn thành cất/hạ cánh thành công trên tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh Trung Quốc, chỉ sau khi con tàu này biên chế cho hải quân 2 tháng. Điều này gây kinh ngạc cho phương Tây.

Bài báo cho biết, từ 10 năm trước, Trung Quốc bắt đầu huấn luyện phi công cho tàu sân bay, trong thời gian đó, Trung Quốc đã học tập các yếu lĩnh tác chiến tàu sân bay của Brazil. Đặc biệt là chỉ huy và điều khiển của nhân viên ở vị trí chiến đấu trên đường băng bảo đảm cho máy bay cất/hạ cánh.

Mặc dù Nga cũng có thể cung cấp những tri thức có liên quan, nhưng do tàu sân bay được các nước phương Tây phát minh 1 thế kỷ trước, Trung Quốc hy vọng học được kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay của hải quân phương Tây.

Bài viết cho rằng, 4 năm trước, Brazil đồng ý cho nhân viên Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện trên tàu sân bay Sao Paulo của Hải quân Brazil. Tiền thân của con tàu này là tàu sân bay Foch mua của Pháp, sau khi được nâng cấp đã đổi tên thành Sao Paulo. Do khó khăn về tài chính, Trung Quốc đã thay Brazil cấp kinh phí cho việc quét sơn con tàu này (?).

Tàu sân bay Foch (Sao Paulo) của Brazil
Tàu sân bay Foch (Sao Paulo) của Brazil

Theo bài viết, tàu sân bay Sao Paulo có lượng giãn nước là 33.000 tấn, thủy thủ 1.900 người, có thể mang theo 35 máy bay chiến đấu (các máy bay chiến đấu cỡ nhỏ như A-4) và 4 máy bay trực thăng. Brazil mua tàu sân bay sắp nghỉ hưu này chính là để huấn luyện phi công tàu sân bay.

Sau khi tàu này đưa vào hoạt động năm 2000, Hải quân Brazil đã cho nghỉ hưu tàu sân bay Minas Gerais lượng giãn nước 20.000 tấn, tức là tàu sân bay lớp Colossus của Hải quân Anh thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì vậy, Brazil tuy là quốc gia sở hữu tàu sân bay duy nhất ở Nam Mỹ, nhưng có kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay phong phú hơn Trung Quốc.

Về việc bài báo có cho rằng Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm thành công tác chiến tàu sân bay của phương Tây từ Brazil, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Trương Triệu Trung cho rằng, tàu sân bay của Brazil cơ bản là phóng bằng hơi nước, khác hoàn toàn phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu của tàu sân bay Liêu Ninh, cho nên không tồn tại khả năng nêu trên.

Sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đưa vào biên chế, máy bay chiến đấu hải quân đã nhanh chóng được cho bay thử, nhưng việc huấn luyện đã được bắt đầu từ nhiều năm trước, tuyệt đối không phải đợi đến khi tàu sân bay đưa vào hoạt động mới tiến hành huấn luyện phi công.

Máy bay chiến đấu J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh

Theo Trương Triệu Trung, vào thập niên 80 của thế kỷ 20, khi đó Lưu Hoa Thanh làm Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã có một sự thay đổi to lớn, yêu cầu các nhà trường, học viện của Hải quân phải viết giáo trình khi tàu chiến được chế tạo. Khi tàu chiến chế tạo được một nửa, binh sĩ tương lai của tàu này từ chỉ huy cho đến binh lính được điều đến nhà máy đóng tàu học kỹ thuật, khi đến lúc tàu chiến được đưa vào hoạt động thì những kỹ thuật này đã được nắm chắc hoàn toàn.

Khi chạy thử, kỹ thuật viên của nhà máy sẽ cùng lên tàu với các binh sĩ, do đó sức chiến đấu của tàu chiến mới được hình thành rất nhanh. Sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đưa vào hoạt động, từ tiếp nhận đến huấn luyện, nắm kỹ thuật này rất nhanh, tuyệt đối không phải đợi đến khi tàu hạ thủy, đưa vào hoạt động mới bắt đầu học, Hải quân Trung Quốc đã sớm làm việc này.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc có thể trang bị cho tàu sân bay trong tương lai
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc có thể trang bị cho tàu sân bay trong tương lai
* Đề nghị không sao chép, tái xuất bản với mục đích thương mại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình