"Trung Quốc là nước lớn nhưng luôn cô độc"

12/02/2013 10:51
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc tỏ ra đầy tham vọng trong nghiên cứu phát triển các loại vũ khí thế hệ mới để hậu thuẫn cho các tham vọng và những gì TQ tự coi là "lợi ích cốt lõi" của họ.
J-31: máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 thứ hai của Trung Quốc
J-31: máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 thứ hai của Trung Quốc

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc vừa dẫn các nguồn tin cho biết, ngày 31/10/2012, nhiều tờ báo Trung Quốc đã loan tin chiếc máy bay chiến đấu tàng hình mới do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương-Công nghiệp Hàng không Trung Quốc nghiên cứu chế tạo đã bay thử thành công. Chiếc máy bay tàng hình này được phổ biến cho là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-31.

Được biết, vào khoảng 10 giờ ngày 31/10/2012, chiếc máy bay chiến đấu mới này đã lần đầu tiên chạy theo quán tính và bay thử thành công, dưới sự hỗ trợ của một chiếc máy bay chiến đấu khác, J-11BS. Nhìn bề ngoài, máy bay này được thiết kế giống máy bay tàng hình Mỹ khá rõ rệt, trang bị 2 động cơ, 1 chỗ ngồi, 2 đuôi buông, cửa nạp kiểu “trai”.

Tuần san hàng không Mỹ phỏng đoán, loại máy bay chiến đấu tàng hình mới này là J-31, trong tương lai có thể trang bị cho tàu sân bay Trung Quốc. Ngoài ra, có cơ quan truyền thông TQ cho rằng, đây là chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 thứ hai sau J-20, như vậy Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đồng thời cho bay thử hai loại máy bay nguyên mẫu thế hệ 5. Trước đó, chỉ có Mỹ đồng thời đã nghiên cứu chế tạo 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là F-22 và F-35.

Về vấn đề này, phía tập đoàn nghiên cứu sản xuất cũng như ngành Công nghiệp hàng không Trung Quốc không tiết lộ bất cứ thông tin gì.

Trang mạng Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc từng thông báo cho biết, ngày 30/10/2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc tập đoàn này đã đến Trung tâm chế tạo thử tốc độ nhanh máy bay mới của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương để kiểm tra công việc, lắng nghe báo cáo tình hình nghiên cứu chế tạo của chương trình trọng điểm.

Tập đoàn máy bay Thẩm Dương trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, là doanh nghiệp chế tạo máy bay hiện đại cỡ lớn, chủ yếu làm nhiệm vụ chế tạo sản phẩm hàng không, thống nhất trong nghiên cứu khoa học, sản xuất, thử nghiệm và bay thử, là cơ sở nghiên cứu chế tạo, sản xuất máy bay tiêm kích quan trọng của Trung Quốc.

Muốn "so găng" với F-35 của Mỹ?

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm AMF (J-31) dài khoảng 16-17 m, sải cánh khoảng 10 m, thuộc máy bay chiến đấu hạng trung hai động cơ điển hình, thể tích tổng thể của máy bay khoảng giữa F-15 và MiG-29, diện tích cánh máy bay khoảng 40 m2. Đầu và thân máy bay có hình thoi, hai cánh đuôi buông thẳng nghiêng ra bên ngoài. Là máy bay chiến đấu được thiết kế tàng hình.

Cách đây hơn 1 năm, các nhân viên tình báo phương Tây đã tiết lộ, một loại máy bay chiến đấu F-35 phiên bản Trung Quốc đang được chế tạo ở Công ty Máy bay Thẩm Dương, và chỉ ra máy bay này sẽ bay thử vào tháng 9/2012.

Hiện nay, dư luận có 3 loại đồn đoán về công dụng của máy bay này: Một là “phối hợp cao thấp” với máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng J-20. Hai là phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu tàng hình. Ba là phát triển thành máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, thay thế J-15, trang bị cho Hải quân.

So với máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, máy bay J-31 của Trung Quốc sải cánh lớn hơn, thân dài và mỏng hơn, dung tích mặt cắt thân máy bay nhỏ hơn F-35A. Vì vậy báo chí TQ tuyên truyền rằng nó có ưu thế về tính năng bay và tính cơ động; nhưng dung tích khoang đạn của nó nhỏ hơn F-35A, lượng dầu mang theo và hành trình cũng nhỏ hơn F-35A.

J-31 thích hợp làm máy bay chiến đấu hải quân?

Có phương tiện truyền thông phỏng đoán, trong tương lai, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 có thể trang bị cho tàu sân bay. Chuyên gia hàng không Từ Dũng Lăng ngày từng trả lời phỏng vấn cho rằng, sự phỏng đoán này có lý lẽ nhất định.

Máy bay J-11BS tháp tùng J-31 bay thử
Máy bay J-11BS tháp tùng J-31 bay thử

Trước đó, cũng có những lời đồn đoán về việc Trung Quốc có thể trang bị các loại máy bay chiến đấu như J-11, J-20 cho tàu sân bay. Theo Từ Dũng Lăng thì hai loại máy bay chiến đấu này có trọng lượng tương đối lớn, đều thuộc máy bay hạng nặng.

Xuất phát từ sự cân nhắc đến khả năng tác chiến, máy bay trang bị cho tàu sân bay Trung Quốc cần phải có từ 40 chiếc trở lên, tàu sân bay Mỹ cơ bản trang bị tới 50-70 máy bay. Theo đó, J-31 chắc chắn là một sự lựa chọn, sự phỏng đoán của dư luận bên ngoài cũng có căn cứ nhất định.

Theo các nguồn tin, sự xuất hiện của J-31 có thể là tạo thành sự “phối hợp cao thấp” với máy bay chiến đấu tàng hình đã nhiều lần bay thử J-20. Từ Dũng Lăng phân tích cho rằng, máy bay chiến đấu J-20 có trọng tải tương đối lớn, trọng lượng cất cánh gần 30 tấn. Nếu làm máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo trang bị toàn diện, nhìn vào sức mạnh quốc gia và các mặt khác thì không thích hợp lắm. Vì vậy sẽ lựa chọn những máy bay nhẹ hơn, máy bay chiến đấu J-31 trên thực tế dường như là sự lựa chọn hợp lý đối với TQ.

Sử dụng động cơ nhập từ Nga

Ngày 1/11/12, trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 đã được tháp tùng bởi máy bay J-11BS, đã bay thử trong thời gian khoảng 10 phút, trong thời gian đó, bánh đáp đều không thu lại.

F-22
F-22

Hình ảnh về J-31 xuất hiện sớm nhất vào tháng 9/2012. Nhiều tờ báo đã gọi nó là J-21, sau đó đổi thành J-31 và F-60. Nhìn bề ngoài, J-31 có rất nhiều điểm giống với F-22 và F-35 của Mỹ, tức là đã áp dụng bố cục hai đuôi buông, thiết kế cửa nạp cũng tương tự như máy bay Mỹ. Điểm khác với máy bay Mỹ là, J-31 trang bị 2 động cơ.

Chuyên gia của tạp chí “Flight International” cho rằng, trong lần bay thử lần này, J-31 đã lắp 2 động cơ RD-93 do Nga chế tạo. Sử dụng động cơ này còn có máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo. Còn việc có đổi trang bị động cơ khác hay không, có khả năng cất/hạ cánh cự ly ngắn (thẳng đứng) hay không vẫn còn chưa rõ.

Trong khi đó, ngày 1/11/2012, tờ “Press Trust of India” Ấn Độ bình luận, máy bay chiến đấu J-31 ra đời đánh dấu Trung Quốc đạt được “cột mốc quan trọng” về mặt đuổi theo công nghệ Mỹ, nhưng bài báo đồng thời nhấn mạnh, động cơ của máy bay chiến đấu tàng hình bay thử hoàn toàn không phải do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, mà là do Nga chế tạo.

Bài báo cho rằng, các nguồn tin cho thấy, J-31 đã hoàn thành bay thử lần đầu tiên, nhưng các chuyên gia hàng không cho rằng, loại máy bay chiến đấu này muốn trang bị cho quân đội thì vẫn cần một khoảng thời gian rất dài.

Theo bài báo, mặc dù Trung Quốc đã giành được đột phá quan trọng trong lĩnh vực công nghệ điện tử hàng không của máy bay chiến đấu, nhưng Trung Quốc hiện vẫn còn chưa chế tạo được động cơ của họ. Hầu như tất cả các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, kể cả J-10, đều phải trang bị động cơ nhập khẩu từ Nga.

J-31 bay thử, “Thời báo Hoàn Cầu” được dịp tô vẽ cho Quân đội TQ

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc cho rằng, J-31 ra đời đánh dấu Trung Quốc trở thành nước thứ hai trên thế giới đồng thời nghiên cứu chế tạo, sản xuất 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Trước đó, trên thế giới chỉ có Mỹ sở hữu 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm – là F-22 và F-35.

Tờ báo này cho rằng, những năm gần đây Trung Quốc tiếp tục đầu tư, kiên trì theo đuổi trình độ tiên tiến của thế giới, khoảng cách trình độ với thế giới nhất định sẽ từng bước rút ngắn. Nhưng trong quá trình đó, phải chú ý rằng, sự đột phá về vũ khí mũi nhọn vẫn chỉ là sự đột phá “điểm”, nên phải để cho những “điểm” đó ngày càng nhiều lên, tạo thành “mảng” (loạt điểm), hình thành hệ thống trang bị quốc phòng hoàn chỉnh.

Trong một khoảng thời gian dài nữa, Trung Quốc không thể so được với Mỹ về sức mạnh quân sự tổng hợp, cũng không thể sánh được với Nga. Vì vậy, người Trung Quốc không nên có tư tưởng “đối đầu toàn cầu” với Mỹ. Trung Quốc phải lấy bảo vệ “lợi ích cốt lõi” làm ranh giới (giới hạn) trong các cuộc xung đột, va chạm với Mỹ - điều này Trung Quốc sẽ kiên trì lâu dài.

Báo Trung Quốc phỏng đoán, bên ngoài sẽ không dám lấy “lợi ích không cốt lõi” của họ để thách thức “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và theo đó thừa nhận rủi ro trong cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc. Nhưng không có nghĩa là, họ không dám chiến đấu với Trung Quốc trong tất cả mọi trường hợp.

Bài báo nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược quốc phòng – “phòng thủ duyên hải”. Chiến lược này đã vạch ra khuôn khổ cơ bản về phạm vi “lợi ích cốt lõi” mà Quân đội Trung Quốc (PLA) cần phải bảo vệ. Khả năng quân sự của Trung Quốc trong phạm vi đó đang tăng lên nhanh chóng, từng bước có thể đánh được điểm yếu của bất cứ cường quốc quân sự nào. An ninh/an toàn của Trung Quốc trong phạm vi đó chắc chắn sẽ trở nên hết sức vững chắc.

Tuy nhiên, bài báo thừa nhận, tham vọng chiến lược của Trung Quốc còn phải thúc đẩy lâu dài, Trung Quốc vẫn rất khó kiểm soát được các loại rủi ro trong những năm tới. Không chỉ có siêu cường Mỹ, các nước “choai choai” (nhỡ, đang lớn) cũng có thể vì “lợi ích cốt lõi” của họ mà mạo hiểm đối đầu quân sự với Trung Quốc. Cho nên, Trung Quốc mạnh thế nào không chỉ tùy thuộc vào sức mạnh quân sự, mà còn tuy thuộc vào việc sử dụng sức mạnh quân sự như thế nào.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc không chỉ cần phát triển sức mạnh quân sự, mà còn phải phát triển sức mạnh mềm, tích lũy kinh nghiệm về vận dụng sức mạnh. Theo bài báo, Trung Quốc là nước lớn cô độc. Trung Quốc còn nhiều thứ chưa quen với việc phối kết hợp giữa sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa với sức mạnh quân sự. Nhưng, chỉ dựa vào sức mạnh quân sự, đặc biệt là dựa vào vài loại vũ khí mũi nhọn nhất định sẽ không đi được xa.

Báo Trung Quốc kêu gọi nước này phải nhẫn nại, coi việc phát triển vũ khí mũi nhọn là bắt buộc, tuy rất đắt, nhưng không phải hàng xa xỉ.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc đã lớn mạnh đến mức độ nào rất khó xem xét, người Trung Quốc khi thì tự đại, khi lại tự ti.

Báo Trung Quốc kêu gọi nước này kiên trì đáp trả “các hành động khiêu khích” của bên ngoài, nhưng phải làm rõ cái gì là khiêu khích thuần túy, cái gì là đối đầu “lợi ích cốt lõi”, "tính kỹ để nắm chắc phần thắng trong cuộc đối đầu sức mạnh".

Theo bài báo, Trung Quốc đã đi ra nơi “đầu sóng ngọn gió” của chính trị quốc tế, không còn đường lui nữa. Mỗi một vũ khí mũi nhọn sẽ tăng thêm sự “tự tin” (mạnh bạo) cho họ.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Việt Dũng