Trung Quốc lặng lẽ từ bỏ kế hoạch tàu tấn công tam thể tàng hình?

11/03/2013 07:23
Đông Bình
(GDVN) - Báo Mỹ nhận định như vậy và chỉ ra nguyên nhân là do Trung Quốc tập trung cho phát triển hạm đội tầm xa, có thể tác chiến ở vùng biển quốc tế.
Tàu cứu hộ Bắc Cứu 143 (BJ-143) Trung Quốc có kết cấu tam thể
Tàu cứu hộ Bắc Cứu 143 (BJ-143) Trung Quốc có kết cấu tam thể

Trang mạng “Strategy Page” Mỹ vừa có bài viết cho rằng, mấy năm trước, Hải quân Trung Quốc phát triển một loại tàu tấn công tàng hình kiểu mới tốc độ cao có kết cấu tam thể (FAC).

Loại tàu chiến cỡ nhỏ này (dưới 1.000 tấn) ban đầu được cho là một loại tàu thử nghiệm, sau này có thể phát triển thành trang bị tác chiến thông dụng hơn, tức là giống như chương trình tàu tuần duyên (LCS) của Mỹ.

Nhưng, kết quả hoàn toàn không được như vậy. Sau khi chế tạo một lượng nhỏ, loại tàu chiến này hoàn toàn không được sử dụng làm tàu chiến. Thực tế chứng minh, Hải quân Trung Quốc đã lặng lẽ từ bỏ thiết kế, phát triển loại tàu chiến này, trong đó ít nhất có một chiếc đã trang bị thiết bị cứu sinh, đổi tên là “Bắc Cứu 143” (BJ-143), dùng cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở bờ biển phía bắc.

Theo bài viết, khi tàu có kết cấu tam thể của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện, có người cho rằng, khi công nghệ loại tàu chiến này (gồm thân tàu) của Mỹ đang ở giai đoạn thiết kế và thực nghiệm, Trung Quốc đã tiến hành thiết kế tam thể tiên tiến cho thấy, họ có khả năng "tham khảo" công nghệ tàu tốc độ cao tiên tiến của châu Âu và Australia – công nghệ của họ dẫn trước Mỹ một chút.

Tàu cứu hộ Bắc Cứu 143
Tàu cứu hộ Bắc Cứu 143

Trong chiến tranh Iraq năm 2003, mặc dù Mỹ từng sử dụng tàu tốc độ cao do Australia thiết kế, nhưng bản thân Mỹ còn chưa thể chế tạo loại tàu chiến này. Thân tàu kết cấu tam thể làm cho tàu chiến có khả năng chạy tốc độ cao trong điều kiện thời tiết xấu, đồng thời còn tạo được không gian sàn tàu lớn với nhiều công dụng.

Bài viết cuối cùng chỉ ra, nguyên nhân làm cho Trung Quốc có thể tạm dừng công tác phát triển tàu chiến có kết cấu tam thể là, trong 10 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã từ “hạm đội duyên hải” (sở hữu lượng lớn tàu chiến tên lửa tốc độ cao cỡ nhỏ) chuyển sang “hạm đội biển quốc tế” với nhiều tàu hơn (như tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu khu trục cỡ lớn lớp mới hạ thủy gần đây).

Hơn nữa, việc cải tạo tàu kết cấu tam thể thành tàu “Bắc Cứu 143” có thể chỉ là muốn xem loại tàu này hoạt động lâu dài như thế nào trong tình hình biển xấu.

Hạm pháo tự động cỡ nhỏ của tàu tam thể Trung Quốc
Hạm pháo tự động cỡ nhỏ của tàu tam thể Trung Quốc
Tàu cứu hộ Đông Cứu 335 (DJ-335) của Hải quân Trung Quốc áp dụng thiết kế tam thể
Tàu cứu hộ Đông Cứu 335 (DJ-335) của Hải quân Trung Quốc áp dụng thiết kế tam thể
Đông Bình