Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay hạt nhân sau năm 2020?

07/04/2012 17:07
My Thái (Theo Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Đến năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm 2 tàu sân bay thông thường và sau đó là tàu sân bay hạt nhân.
Hiện tại, Hải quân Trung Quốc có khoảng 200 tàu chiến hiện đại. Đến năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm hai tàu sân bay thông thường và sau đó là tàu sân bay hạt nhân, cùng với đó là nâng cấp máy bay chiến đấu trên tàu sân bay J-15, lực lượng tàu ngầm và tên lửa.
Tàu sân bay Varyag của Hải quân Trung Quốc sắp đi vào hoạt động
Tàu sân bay Varyag của Hải quân Trung Quốc sắp đi vào hoạt động

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, những năm gần đây, trong khi Mỹ, Pháp, Anh, Nga đều đang có kế hoạch cắt giảm lực lượng hải quân, thì Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác đang có xu hướng tăng cường xây dựng và phát triển lực lượng này.
Hiện nay, dư luận quốc tế chú ý hơn đến các tham vọng của Hải quân Trung Quốc hơn là sự cố gắng để trở thành một cường quốc hải quân Ấn Độ vì điều này sẽ tác động lớn đến an ninh của toàn khu vực châu Á.
Năm 2007, Ấn Độ bắt đầu công cuộc xây dựng một chiến lược hải quân mới trong vòng 15 năm, với tham vọng đến năm 2022, nước này sẽ xây dựng được một lực lượng hải quân có vị thế vững chắc trên bản đồ thế giới.
Chiến lược mới của Hải quân Ấn Độ nhằm mục đích thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản đó là, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tuyến đường biển; đảm bảo an ninh quốc gia; bảo vệ quyền kiểm soát các vùng biển ở Ấn Độ Dương và ngăn chặn Mỹ và Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Nam Á.
Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc

Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ còn có nhiệm vụ ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng để bảo vệ nguồn tài nguyên biển và do thương mại trên biển; chống lại các mối đe dọa phi quân sự, vi phạm lãnh hải, buôn lậu và buôn bán ma túy.
Trên thực tế, Ấn Độ luôn coi Pakistan là mối đe dọa thường trực nhất, cùng với đó là đề cao cảnh giác sự lớn mạnh không ngừng của Hải quân Trung Quốc, kiềm hãm không cho lực lượng này có thể mở rộng ra sang khu vực Ấn Độ Dương.
Còn Trung Quốc hiện nay vẫn đang tiếp tục nâng cao sức mạnh và hiện đại hóa lực lượng Hải quân với nhiệm vụ chính là để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích hàng hải của mình.
Hiện Trung Quốc đang duy trì lực lượng mạnh nhất của mình tại khu vực Thái Bình Dương, kiềm chế và phá vớ chuỗi hải đảo “phong tỏa” mà Mỹ đang thiết lập tại đây.
Tại khu vực Ấn Độ Dương, hiện Trung Quốc chưa có tiềm lực tương xứng để cạnh tranh sự thống trị vùng biển này với Ấn Độ.

Nhiệm vụ chính của lực lượng Hải quân Trung Quốc tại đây chủ yếu là để duy trì nguồn cung cấp năng lực từ Pakistan và bảo vệ cho tàu thuyền của mình đi lại qua đây.
Các chuyên gia phương Tây đang lo lắng, các tàu tuần tra Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển này đang tạo ra sự khởi đầu cho tham vọng bá chủ Ấn Độ Dương trong tương lai của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tham vọng này của Trung Quốc đang vấp phải sự ngăn cản quyết liệt từ phía Ấn Độ.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể thiết lập được vị trí của mình tại khu vực quần đảo Maldives, bởi sự chậm trễ trong kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm tại đây của Trung Quốc.
Không những thế, cuộc đấu đầu giữa hải quân Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Biển Đông thậm chí còn đang trở nên căng thăng hơn, khi Ấn Độ đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực này bằng các cuộc tập trận chung và các hợp đồng vũ khí.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ

Cho dù như vậy, về tổng thể sức mạnh của Hải quân Ấn Độ cũng không thể so sánh với Hải quân Trung Quốc.
Hiện tại, Hải quân Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng các vũ khí trang bị đều nhập khẩu từ Nga và Pháp. Ấn Độ không có ngành công nghiệp đóng tàu vững mạnh, cho dù nước này đang đẩy mạnh việc từ sản xuất các tàu chiến, thậm chí cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.
Theo kế hoạch đến năm 2020, Hải quân Ấn Độ sẽ có thêm 3 tàu sân bay, 70 tàu hộ vệ và tàu khu trục, 15-20 tàu ngầm và 6 tàu ngầm hạt nhân. 
Trong khi Hải quân Trung Quốc hiện đang có khoảng 200 tàu chiến hiện đại và đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm 2 tàu sân bay thông thường nữa và sau đó là kế hoạch xây dựng tàu sân bay hạt nhân và các loại vũ khí trang bị khác để hỗ trợ cho nhiệm vụ của các tàu sân bay này.
My Thái (Theo Thời báo Hoàn Cầu)