Trung Quốc sẽ phải đối mặt với "gọng kìm trên hai đại dương" từ Mỹ

06/12/2013 08:13
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ chọn Nhật Bản làm điểm triển khai đầu tiên, tăng cường khả năng săn ngầm cho các đồng minh, bán P-8I cho Ấn Độ - đối thủ của Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ

2 máy bay săn ngầm P-8A Mỹ đã đến Nhật Bản

Tân Hoa xã ngày 5 tháng 12 dẫn tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 4 tháng 12 đưa tin, 2 máy bay tuần tra săn ngầm trên biển P-8A Poseidon đã đến căn cứ Kadena quân Mỹ, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Trong vài tuần tới, Quân đội Mỹ sẽ còn triển khai 4 chiếc P-8A ở căn cứ này. Đây là lần đầu tiên quân Mỹ triển khai máy bay P-8A ở căn cứ nước ngoài. Máy bay săn ngầm P-3C hiện triển khai ở Okinawa, Nhật Bản sẽ từng bước được máy bay P-8A thay thế.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ, mục tiêu cơ bản của máy bay tuần tra săn ngầm P-8A là tàu ngầm thông thường thế hệ mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.

Trong tháng 10 năm 2013, Chính phủ hai nước Mỹ-Nhật xác nhận, từ tháng 12 năm nay trở đi, sẽ triển khai máy bay P-8 ở Nhật Bản. Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Triển khai được tiến hành theo kế hoạch đã định, không có liên quan đến việc Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không".

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản, Quân đội Mỹ đang tăng cường cường độ theo dõi do thám ở Thái Bình Dương là nhằm đối phó với việc Hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động.

Về "sát thủ săn ngầm đỉnh cao" P-8A, chuyên gia Lý Lỵ cho rằng, một đặc điểm lớn nhất của P-8A chính là có năng lực chống tàu ngầm chống tàu nổi tầm xa, không chỉ có thể chống tàu ngầm, mà còn có thể tấn công tấn công tàu chiến mặt nước. Cho nên, nó có năng lực tương đối mạnh.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon

Nhìn vào thời gian biên chế, năm 2009 bay thử lần đầu tiên, tháng 11 năm nay vừa hình thành năng lực tác chiến ban đầu, đầu tháng 12 máy bay P-8A triển khai ở Okinawa, thời điểm này tương đối nhạy cảm. Trước kia máy bay săn ngầm P-3C có thời gian đi vào hoạt động tương đối dài, quân Mỹ đóng tại Nhật Bản có nhu cầu đổi mới toàn diện, cũng là tình hình khách quan cơ bản.

Lý Lỵ cho rằng, triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A, tức là, Mỹ xác định tàu ngầm thông thường thế hệ mới có thể xuất hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai sẽ là mục tiêu cơ bản, vì vậy, nó chủ yếu có năng lực săn ngầm.

Người phát ngôn Hải quân Mỹ cho biết, chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-8A đã đến Nhật Bản vào ngày 1 tháng 12. Phạm vi hoạt động chủ yếu của máy bay tuần tra bao trùm vùng biển tây Nhật Bản. Quân Mỹ triển khai 6 máy bay săn ngầm P-8A ở căn cứ Kadena, Okinawa lần này là để thay thế máy bay săn ngầm P-3 hiện có. Ngày 26 tháng 11, Quân đội Mỹ đã thông báo vấn đề này cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Gần đảo Senkaku, sẽ tuần tra biển Hoa Đông

Theo tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 3 tháng 12, truyền thông Mỹ cho biết, phi đội VP-16 của Hải quân Mỹ bắt đầu triển khai máy bay săn ngầm P-8A Poseidon hoàn toàn mới. Chiếc đầu tiên xuất phát từ bang Florida vào ngày 29 tháng 11 năm 2013, bay đến căn cứ Kadena, đảo Okinawa, Nhật Bản, căn cứ này cách đảo Senkaku chỉ hơn 400 km. Việc triển khai này đã có kế hoạch từ mấy tháng trước, lần đầu tiên công bố kế hoạch vào ngày 3 tháng 10 năm 2013.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon

Theo truyền thông Mỹ, do Trung Quốc thiết lập Khu nhận biết phòng không ở khu vực này, trong tương lai, tàu chiến và máy bay xuất hiện ở khu vực đảo tranh chấp ngày càng nhiều, điều này cũng làm cho việc triển khai máy bay P-8A ở Kadena có hàm nghĩa ở cấp độ khác.

P-8A được cho là máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến nhất trên thế giới, có thể mang theo ngư lôi săn ngầm Mk-54, tên lửa Harpoon và rất nhiều thiết bị thu thập tình báo và săn ngầm.

Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A ở căn cứ Kadena sẽ hỗ trợ cho Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ tác chiến như săn ngầm, trinh sát, tuần tra ở dải khu vực từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren trả lời báo chí cho biết, trong tương lai, máy bay tuần tra săn ngầm P-8A sẽ cùng với các máy bay chiến đấu quân Mỹ khác tiếp tục bay qua Khu nhận biết phòng không Hoa Đông của Trung Quốc, tiến hành hoạt động bay thường lệ.

Là máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa mới nhất, tiên tiến nhất của quân Mỹ, P-8A trang bị hệ thống radar kiểu mới, hệ thống sonar chống tàu ngầm, có thể mang theo ngư lôi và tên lửa chống hạm. Các tính năng như khoảng cách chạy liên tục, năng lực dò tìm tàu ngầm chạy êm của nó ưu việt hơn nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion.

Mỹ trang bị máy bay P-8A để thay thế máy bay P-3C (trong ảnh)
Mỹ trang bị máy bay P-8A để thay thế máy bay P-3C (trong ảnh)

Triển khai máy bay tuần tra săn ngầm trên biển  ở khu vực biển Hoa Đông là động thái mới nhất của quân Mỹ sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông. Ngày 26 tháng 11, 2 máy bay ném bom B-52 quân Mỹ từng xâm nhập Khu nhận biết phòng không và bay qua khu vực đảo Senkaku. Quân đội Trung Quốc cho biết, họ theo dõi được toàn bộ hành trình và kịp thời nhận dạng được máy bay của Mỹ.

Mục tiêu nghiên cứu chế tạo máy bay săn ngầm P-8 là phát triển một loại máy bay mới dùng để thực hiện nhiệm vụ săn ngầm, đánh chặn tàu chiến trên biển và thu thập tin tức tình báo. Máy bay này có thể mang theo ngư lôi, bom phá tàu ngầm, tên lửa tuần tra SLAM-ER, tên lửa chống hạm Harpoon và các vũ khí khác. Máy bay này có trang bị thiết bị điện tử radar mới và thiết bị săn ngầm như phao sonar mới, ngoài ra còn có năng lực điều khiển máy bay không người lái.

P-8A kết hợp với Global Hawk, Mỹ phối hợp với các đồng minh

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 4 tháng 12 dẫn hãng tin Reuter cho rằng, trong tình hình khu vực căng thẳng hiện nay (sau khi Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông), việc triển khai lần này sẽ tăng cường rất lớn năng lực theo dõi chống hạm và săn ngầm cho quân Mỹ áp sát các vùng biển của Trung Quốc.

Bài báo còn dẫn tờ "The Stars and Stripes" ngày 2 tháng 12 cho biết, 2 máy bay tuần tra săn ngầm P-8A đã cất cánh từ căn cứ lực lượng hàng không Hải quân ở Florida vào ngày 29 tháng 11, giữa đường được tiếp dầu, sau đó đến Okinawa. Hải quân Mỹ cho biết, đây là việc triển khai thường lệ đã có kế hoạch từ trước, không có liên quan đến việc Trung Quốc lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông.

Ngày 2 tháng 12 năm 2013, chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-8A đầu tiên của Hải quân Mỹ đã đến căn cứ không quân Kadena, Okinawa, Nhật Bản.
Ngày 2 tháng 12 năm 2013, chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-8A đầu tiên của Hải quân Mỹ đã đến căn cứ không quân Kadena, Okinawa, Nhật Bản.

Tờ "The Stars and Stripes" tiết lộ, phối hợp với máy bay P-8A, máy bay do thám không người lái Global Hawk cũng đang được nghiên cứu chế tạo, trong mấy năm tới sẽ triển khai ở Guam. Loại máy bay không người lái này có thể tuần tra trên biển liên tục trong mấy chục giờ đồng hồ, một lần bay có thể trinh sát 7 triệu km2 biển, hơn nữa sẽ không để xảy ra hiện tượng phi công mệt mỏi sau tuần tra thời gian dài như máy bay có người lái.

Xuất phát từ sự lo ngại đối với hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc, ngoài tăng cường triển khai các loại máy bay săn ngầm tiên tiến ở các căn cứ châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ còn tăng mạnh lực lượng săn ngầm cho đồng minh. Hiện nay, các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia đều đã sớm trang bị máy bay săn ngầm P-3C, đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, họ có năng lực săn ngầm tương đối khả quan.

Ngày 31 tháng 10 năm 2013, Đài Loan chính thức tiếp nhận chiếc máy bay săn ngầm P-3C đầu tiên trong hợp đồng mua 12 chiếc của Mỹ. Lô máy bay săn ngầm này tuy là hàng cũ, nhưng Mỹ đã tiến hành cải tạo toàn diện trước khi bàn giao, có thể tiến hành chia sẻ tin tức với mạng lưới tình báo trên biển của Mỹ ở Đông Á.

Trong khi đó, Ấn Độ đã đặt mua máy bay săn ngầm P-8I, loại máy bay được cải tạo trên nền tảng P-8A. Ngày 15 tháng 5, chiếc P-8I đầu tiên đã bàn giao cho Ấn Độ, ngoài tác chiến chống hạm và săn ngầm, nó còn có thể tiến hành nhiệm vụ chống cướp biển và tình báo điện tử.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon

Bao vây Trung Quốc trên 2 đại dương?

Tờ "Phương Đông" Trung Quốc ngày 3 tháng 12 có bài viết dẫn quan chức quốc phòng Okinawa (thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản) cho biết, quân Mỹ lần lượt triển khai 6 máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon ở căn cứ Kadena, tỉnh Okinawa. Nhưng, đây hoàn toàn không phải là động thái duy nhất của loại máy bay săn ngầm tiên tiến nhất này.

Theo bài báo, quân Mỹ sẽ dùng 6 máy bay săn ngầm P-8A này thay thế máy bay săn ngầm P-3C Orion hiện có ở căn cứ Kadena. Trước đó có tin cho biết, Mỹ trong tương lai cũng sẽ P-8A để thay thế P-3C ở căn cứ Misawa, Aomori, Nhật Bản.

Bài báo còn cho biết, chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-8I thứ ba Công ty Boeing chế tạo cho Ấn Độ đã đến Ấn Độ vào ngày 23 tháng 11 năm 2013. P-8I là phiên bản xuất khẩu được Mỹ nghiên cứu chế tạo riêng cho Ấn Độ trên nền tảng của P-8A.

Năm 2009, Ấn Độ và công ty Boeing đã ký hợp đồng mua 8 chiếc máy bay săn ngầm P-8I. Năm 2011, Hải quân Ấn Độ đã đặt mua thêm 4 chiếc. Do hiện nay chỉ có Hải quân Mỹ đã trang bị P-8A, vì vậy Ấn Độ cũng là khách hàng nước ngoài đầu tiên của máy bay săn ngầm dòng P-8. Tháng 12 năm 2012, Hải quân Ấn Độ đã tiếp nhận chiếc P-8I đầu tiên từ Mỹ. Việc hai nước Ấn Độ và Mỹ hầu như đồng thời tiếp nhận P-8, điều này có màu sắc rất “đặc biệt”.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon đầu tiên của Hải quân Ấn Độ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon đầu tiên của Hải quân Ấn Độ

Tờ "Deccan Herald" Ấn Độ ngày 7 tháng 8 từng cho rằng, máy bay trinh sát trên biển P-8I Poseidon mới nhất của Ấn Độ vào ngày 5 tháng 8 đã lần đầu tiên đến quần đảo Andaman và Nicobar, điều này cho thấy Ấn Độ có ý định tăng cường sử dụng quần đảo này để theo dõi 3 tuyến đường hàng hải quan trọng dùng để vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc.

Có chuyên gia cho rằng, xét thấy máy bay P-3C đã có thời gian hoạt động mấy chục năm, rất nhiều máy bay đã hết hạn sử dụng, vì vậy, quân Mỹ dùng P-8 thay thế P-3C phần nào có thể hiểu được. Nhưng, việc triển khai và xuất khẩu như vậy của Mỹ làm cho họ rất khó bị nghi ngờ là có ý đồ ngăn chặn Hải quân Trung Quốc, nhất là lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.

Nhưng, theo báo Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc cũng mới công khai tình hình lực lượng tàu ngầm hạt nhân của họ cho thấy một sự "tự tin chiến lược". Có tin cho rằng, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu chế tạo máy bay tuần tra săn ngầm mới. Do đó, trong tương lai, đối mặt với "gọng kìm trên hai đại dương", Trung Quốc cũng "có cách" đối phó.

Mỹ phủ nhận dùng P-8A đối phó Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 4 tháng 12 đưa tin, sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thiết lập Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông vào ngày 23 tháng 11, Nhật Bản đã lập tức phản đối gay gắt, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ.

Máy bay P-8I Poseidon của Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay P-8I Poseidon của Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ

Tạp chí "Chính sách ngoại giao" Mỹ ngày 3 tháng 12 cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2 thăm Nhật Bản, đã từ chối ra Tuyên bố chung với Nhật Bản về Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, nhưng đồng thời, Mỹ đã triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon ở Nhật Bản.

Bài báo cho biết, ông Biden tuyên bố ủng hộ đồng minh Nhật Bản, trước đó vài giờ, chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ đã đến Nhật Bản.

Quân đội Mỹ tuyên bố cho biết, việc triển khai máy bay săn ngầm lần này không phải là để làm tăng mâu thuẫn giữa Trung-Mỹ, mà kế hoạch triển khai máy bay săn ngầm ở căn cứ không quân Kadena, Okinawa đã được xác định từ tháng 10 năm 2013. Ngoài ra, quan chức Hải quân Mỹ tiết lộ, máy bay P-8 trang bị ngư lôi mới sẽ rời khỏi Mỹ vào ngày 6 tháng 12 để đến Nhật Bản, loại máy bay này cũng sẽ trang bị cho Hải quân Ấn Độ.

Theo bài báo, Trung Quốc hiện đang không ngừng mở rộng thực lực trên không. Tháng 11, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung đã cảnh báo, yêu cầu cảnh giác với máy bay ném bom H-6 mới có năng lực ném bom tầm xa của Trung Quốc.

1 máy bay P-8A gấp 3 máy bay P-3C

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, P-8A Poseidon là máy bay tuần tra săn ngầm cỡ lớn thế hệ mới được nghiên cứu chế tạo để thay thế cho máy bay P-3C, triển khai ở các căn cứ mặt đất trên bờ biển. Máy bay này bay thử lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 4 năm 2009, tháng 3 năm 2012 bàn giao cho Hải quân Mỹ, tháng 11 năm 2013 bắt đấu có năng lực tác chiến.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ

Máy bay săn ngầm P-8A được phát triển trên nền tảng máy bay chở khách động cơ phản lực Boeing 737-800. So với máy bay săn ngầm P-3C sử dụng động cơ phản lực cánh quạt, tốc độ của P-8A nhanh hơn, trần bay cao hơn, sức chứa của thân máy bay lớn hơn, tải trọng hiệu quả lớn hơn, thiết bị cũng tiên tiến hơn.

Khi tiến hành tác chiến săn ngầm, 1 chiếc máy bay P-8A có thể theo dõi, giám sát 64 phao sonar bị động, 32 phao sonar chủ động, hiệu quả săn ngầm hơn 3 máy bay P-3C. Về trang bị vũ khí, 5 điểm treo bên trong và 6 điểm treo bên ngoài của P-8A có thể mang theo các vũ khí như ngư lôi săn ngầm, bom và thuỷ lôi, đồng thời có thể phóng tên lửa chống hạm Harpoon tấn công tàu chiến mặt nước đối phương.

Công ty Boeing tuyên bố, trong tương lai, P-8A cất cánh từ căn cứ Okinawa có thể đến Eo biển Đài Loan trong vòng 20 phút, bán kính tuần tra trên 200 hải lý (khoảng 300 km).

Theo bài báo , kế hoạch dùng máy bay săn ngầm P-8A từng bước thay thế P-3C ở Nhật Bản đã được Hội nghị "2+2" Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật-Mỹ xác nhận vào tháng 10 năm 2013 tại Tokyo. Có phân tích cho rằng, Nhật-Mỹ ra sức tăng cường năng lực săn ngầm như vậy không thể không nhằm vào Trung Quốc.

Về tính năng cụ thể của máy bay P-8A, chuyên gia Lý Lỵ cho rằng, P-8A là máy bay động cơ phản lực, tuy chỉ trang bị 2 động cơ, nhưng tốc độ đạt hơn 800 km/giờ, năng lực săn ngầm khẩn cấp rất mạnh. Chẳng hạn ở biển Hoa Đông, nếu như điều động máy bay săn ngầm P-3C phải mất thời gian khá dài. Với cự ly tương tự, nếu điều máy bay P-8A, cất cánh từ Okinawa bay đến hầu hết biển Hoa Đông chỉ cần 20 phút, năng lực ứng phó khẩn cấp của nó rất mạnh.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ

Ngoài ra, trình độ dò tìm của thiết bị định vị thủy âm máy bay P-8A mạnh hơn rất nhiều máy bay P-3C trước đây, tuy radar thể tích nhỏ, nhưng khoảng cách dò tìm đã được tăng cường, trong đó có độ nhạy cảm; vùng biển bao quát và mục tiêu trinh sát cụ thể của nó cũng đã gia tăng rất lớn. Cho nên, năng lực săn ngầm tổng hợp được cải thiện rất lớn - từ tốc độ, động cơ, hành trình cho đến toàn bộ.

Các thông số chính:

Thành viên: 2 phi công, 7 nhân viên kỹ thuật

Dài: 39,47 m

Sải cánh: 37,64 m

Trọng lượng rỗng: 62,7 tấn

Trọng lượng cất cánh tối đa: 85,82 tấn

Động cơ: 2 động cơ phản lực cánh quạt CFM-56-7B, lực đẩy 1 động cơ là 120 kN

Tốc độ lớn nhất: 907 km/giờ

Tốc độ tuần tra: 815 km/giờ

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 của Hải quân Mỹ

Hành trình tối đa: 2.222 km. Trong nhiệm vụ tuần tra săn ngầm có thể hoạt động 4 giờ ở khu vực nhiệm vụ.

Trần bay thực tế: 12.496 m

Điểm treo vũ khí: 5 điểm bên trong thân máy bay, 6 điểm treo bên ngoài

Chủng loại vũ khí có thể mang theo: Tên lửa hành trình AGM-84H/K, SLAM-ER, thuỷ lôi, ngư lôi, ngoài ra còn có "vũ khí tác chiến săn ngầm tầm xa" (HAAWC) đang được phát triển.

Thiết bị điển tử hàng không: Radar tìm  kiếm mặt nước đa năng APY-10 của Công ty Raytheon, phao sonar, máy dò từ tính.

Hải quân Mỹ sẽ trang bị 117 máy bay săn ngầm P-8A

Tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 14 tháng 11 cho biết, Hải quân Mỹ có kế hoạch mua 117 máy bay săn ngầm P-8A Poseidon thế hệ mới, thay thế máy bay săn ngầm P-3C đã hoạt động lâu năm, phụ trách các nhiệm vụ như tác chiến săn ngầm tầm xa, tác chiến chống tàu nổi, theo dõi tình báo và trinh sát.

Được biết, hãng Boeing đã đưa ra phương án thiết kế máy bay tuần tra săn ngầm thế hệ mới vào năm 2004, máy bay này được thiết kế trên nền tảng máy bay Boeing 737, đã giành được hợp đồng trị giá 380 triệu USD, sau đó đã tiến hành chế tạo máy bay mẫu.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon

Chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên bắt đầu bay thử vào năm 2009, sau khi trải qua nhiều lần thử nghiệm, đánh giá, tháng 11 năm 2013, P-8A Poseidon đã có năng lực tác chiến ban đầu, đồng thời đến nay, tháng 12 năm 2013, Mỹ đã triển khai loại máy bay này ở Nhật Bản. Hiện nay, Công ty Boeing đã sản xuất 37 máy bay săn ngầm P-8A cho Hải quân Mỹ.

Công ty Boeing cho biết, so với máy bay săn ngầm P-3C, máy bay săn ngầm P-8A có thời gian tuần tra và hành trình dài hơn. Nó có thể mang theo 5,5 tấn vũ khí, bao gồm ngư lôi và tên lửa không đối hạm Harpoon. Ngoài quân Mỹ, hải quân Ấn Độ cũng trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên sau khi máy bay săn ngầm P-8 sản xuất hàng loạt.

Có bài báo cho rằng, phần lớn máy bay săn ngầm P-8A sẽ triển khai cho Hạm đội Thái Bình Dương của quân Mỹ. Trong tương lai, máy bay săn ngầm P-8A cất cánh từ căn cứ Okinawa Nhật Bản có thể đến Eo biển Đài Loan trong vòng 20 phút, bán kính tuần tra trên 200 hải lý, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu chuyển đổi quân đội hiện nay của Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ
Đông Bình