Trung Quốc sẽ tự sản xuất được động cơ hiện đại trong 2-3 năm nữa?

11/08/2012 07:56
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực động cơ hàng không, nhưng họ đang rất quyết tâm phát triển được động cơ tiên tiến.
Động cơ AL-31FN của Nga tại Triển lãm Hàng không Bắc Kinh.
Động cơ AL-31FN của Nga tại Triển lãm Hàng không Bắc Kinh.

Gần đây, trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho biết, Trung Quốc có thể đưa con người vào không gian và phóng tên lửa lên quỹ đạo gần Trái đất, nhưng điều khó tin là, công nghiệp quốc phòng của họ lại không thể chế tạo được động cơ hiện đại cho máy bay, máy bay trực thăng và tàu chiến mặt nước.

Bình tĩnh xem xét, cần thấy rằng công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có thể sản xuất thiết bị động cơ cho các trang bị vũ khí tương đối đơn giản – một số loại máy bay vận tải, tàu tuần tra, xe tăng chiến đấu và xe vận tải bọc thép.

Nhưng, việc nghiên cứu phát triển động cơ cho máy bay tác chiến công nghệ cao, tàu khu trục và các hệ thống khác đã gặp khó khăn nghiêm trọng. Chỉ có tàu ngầm là ngoại lệ, cho dù thực sự chưa rõ công nghệ của họ từ đâu tới.

Trung Quốc mua 123 động cơ phản lực cánh quạt đẩy trục đôi AL-31FN trị giá hơn 500 triệu USD của Nga tiếp tục chứng minh họ lạc hậu trong lĩnh vực động cơ hàng không. Cộng với số động cơ cung cấp trước đây (bắt đầu từ năm 2001), tổng số động cơ loại này được Trung Quốc nhập khẩu đã lên tới 930 chiếc.

Động cơ AL-31FN được sử dụng cho máy bay chiến đấu J-10, J-11A/B và máy bay chiến đấu J-15 đang nghiên cứu. Động cơ RD-93 của Nga được sử dụng cho máy bay chiến đấu JF-17. Máy bay trực thăng Z-11 đã sử dụng động cơ của Pháp. Máy bay chở khách phản lực dân dụng ARJ-21 đã sử dụng động cơ của Mỹ.

Máy bay trực thăng hạng nhẹ Z-11W của Trung Quốc.
Máy bay trực thăng hạng nhẹ Z-11W của Trung Quốc.

Tàu ngầm động cơ diesel lớp Tống trang bị động cơ do hãng MTU Đức sản xuất. Tàu khu trục lớp Lữ Hải sử dụng động cơ tua-bin chạy ga của Ukraine và động cơ diesel của Đức.

Xe chiến đấu bộ binh ZBL-09 trang bị động cơ Deutz của Đức. Xe tăng chiến đấu Type 99 trang bị động cơ được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng công nghệ Đức.

Do trên thế giới chỉ có số ít công ty thực sự nắm chắc việc nghiên cứu chế tạo động cơ có hiệu suất cao. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhà cung cấp hàng hoá nước ngoài đã khiến cho Bắc Kinh hết sức nhức nhối/đau đớn.

Nhưng, trong một báo cáo chi tiết công bố trên trang mạng China SignPost, các nhà nghiên cứu Mỹ, Geb Collins và Andrew Ericson cho rằng, Trung Quốc đã bắt đầu dốc sức phát triển nhà máy chế tạo động cơ quân dụng.

Tác giả cho rằng, “sự phát triển của công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc lấy “mệnh lệnh tuyệt đối” của 4 chiến lược làm điều kiện, bởi vì nó theo đuổi mục tiêu sản xuất hết khả năng động cơ hàng không hiệu suất cao – (1) tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp hàng hoá nước ngoài; (2) không muốn sử dụng động cơ của Nga; (3) đảm bảo độc lập trong xuất khẩu máy bay; (4) từ bỏ dịch vụ hậu mãi động cơ Nga khiến khách hàng không vừa lòng”.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc đã gặp phải vấn đề độ tin cậy của cánh quạt động cơ hàng không và kiểm soát chất lượng, bị hạn chế về lựa chọn vật liệu, không có hệ thống thiết kế, tích hợp, nghiên cứu chế tạo, sản xuất, quản lý sản phẩm tiên tiến nhất.

Các tác giả của báo cáo cho rằng, ông trùm độc quyền của công nghiệp hàng không Trung Quốc – Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), một tập đoàn có 10 phân bộ và 400.000 nhân viên làm việc, hiện đang dốc sức nghiên cứu phát triển động cơ phản lực, có kế hoạch đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) trên hướng này trong 5 năm tới.

Điều này đặc biệt quan trọng, bởi vì Nga ngày càng không sẵn sàng đóng vai trò nhà cung cấp hàng hoá động cơ, điều này một phần là do nhu cầu trong nước của Nga tăng lên, một lý do khác là sức cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc đang tăng lên.

Chính sách này có thể cản trở Trung Quốc cải tiến các máy bay chiến đấu J-10, J-11, J-15 và J-20. Trong đó, J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, hiện đang được nghiên cứu chế tạo. Nhưng, Moscow dường như đã quyết định không cung cấp động cơ 117S cần thiết cho loại máy bay này.

Nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, Trung Quốc cần 2-3 năm nữa mới nắm chắc sản xuất động cơ hiện đại, tiến hành sản xuất hàng loạt “động cơ đẳng cấp hàng đầu dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm” cũng cần tới 5-10 năm nữa.

“Nếu Trung Quốc có thể đạt trình độ của Mỹ 20 năm trước và nắm chắc việc sản xuất động cơ thế hệ thứ tư, thì điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc, một nước lớn về hàng không quân sự của khu vực, đồng thời sẽ được các nhà chính trị quan tâm”.

Collins và Ericson coi việc Trung Quốc hiện chưa thể sản xuất quy mô lớn động cơ phản lực tiên tiến có chất lượng cần thiết là “gót chân Achilles” của công nghiệp hàng không nước này.

Nhưng những nỗ lực tích cực phát triển trên hướng này của công ty AVIC có thể đạt được thành quả và những thành quả này có thể được dùng cho nghiên cứu chế tạo động cơ của các hệ thống vũ khí trên bộ và hải quân.

Tàu ngầm thông thường 039G lớp Tống của Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm thông thường 039G lớp Tống của Hải quân Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)