Trung Quốc sợ “đối đầu hạt nhân toàn diện” với Mỹ

13/12/2012 06:00
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)
(GDVN) - Theo các chuyên gia Mỹ, Bắc Kinh sẽ duy trì một lực lượng tàu ngầm hạt nhân có "khả năng răn đe tối thiểu", tránh đối đầu hạt nhân toàn diện với Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc

Trong năm qua, những vấn đề có liên quan đến Hải quân Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận, như tranh chấp đảo Senkaku, tàu sân bay, hay phải chăng Trung Quốc có khả năng “phản kích hạt nhân lần 2” trên thực tế.

Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung vừa trình Quốc hội Mỹ một bản báo cáo cho rằng, Hải quân Trung Quốc sắp kết thúc thời đại “lực lượng răn đe hạt nhân dưới nước mang tính tượng trưng”, chuyển sang triển khai tên lửa xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm cho tác chiến thực tế. Như vậy, giới tư tưởng Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến thực trạng và xu thế phát triển của lực lượng “giao long dưới đáy biển” Trung Quốc.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu mới nhất, giáo sư Toshi Yoshihara và phó giáo sư James Holmes, Học viện chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, giới nghiên cứu Mỹ có quan điểm bất đồng về tương lai của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc:

Một phái cho rằng, lực lượng hạt nhân của Trung Quốc vẫn đang theo đuổi sự phát triển ổn định, lực lượng tên lửa trên bộ sẽ phát huy vai trò chính như trước đây.

Tàu ngầm Trung Quốc phóng tên lửa
Tàu ngầm Trung Quốc phóng tên lửa

Một phái khác dự đoán, Trung Quốc muốn thực hiện chiến lược “nâng cấp hạt nhân toàn diện”, tức là duy trì sự tiến bộ của tên lửa xuyên lục địa cơ động trên bộ (ICBM), đồng thời đẩy nhanh các bước đổi mới tên lửa xuyên lục địa phóng ngầm (SLBM), “với tình hình phát triển này, trong 10 năm tới, tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trung Quốc (SSBN) sẽ tiếp cận hơn với Mỹ về chất lượng và số lượng”.

Phái này thậm chí dự đoán, trong tương lai, Trung Quốc trái lại có thể thực hiện chiến lược “răn đe hạt nhân hạn chế” mang tính tấn công.

James Holmes và Toshi Yoshihara đều không đồng ý với quan điểm của hai phái trên; xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, họ tiến hành phân tích đánh giá lực lượng hạt nhân dưới nước của Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân với số lượng nhiều hơn, hoàn toàn không nhất định báo hiệu Trung Quốc từ bỏ “chính sách hạt nhân mang tính phòng ngự”, trái lại, lực lượng hạt nhân dưới nước với quy mô thích hợp sẽ chỉ tiếp tục tăng cường hiệu quả “răn đe hạt nhân tối thiểu” mà Bắc Kinh đang thực hiện.

Giống như Mỹ, Nga, Anh và Pháp, khi xây dựng lực lượng hạt nhân dưới nước, Trung Quốc đối mặt với vài vấn đề cơ bản: áp dụng loại cơ cấu lực lượng nào, nhân tố nào sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách chú trọng hơn lực lượng tàu ngầm hạt nhân? Cần bao nhiêu tàu ngầm hạt nhân tên lửa mới đủ? Rõ ràng, tàu ngầm hạt nhân không chỉ sẽ tạo ra gánh nặng to lớn cho tài chính quốc gia, mà còn gây ra “phản ứng mang tính cạnh tranh” cho đối thủ tiềm tàng.

Biên đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 Hải quân Trung Quốc

Đối mặt với khả năng đáp trả của Mỹ

James Holmes và Toshi Yoshihara cho rằng, tàu ngầm hạt nhân tên lửa có các ưu thế như tính tàng hình mạnh, tính cơ động tốt, khả năng chạy liên tục không giới hạn, có thể giảm thấp rủi ro bị đối phương “đánh đòn phủ đầu”, nhưng, những ưu thế lý thuyết này không thể thúc đẩy Trung Quốc hoàn toàn dựa vào tàu ngầm hạt nhân.

Ở góc độ chính trị, Chính phủ Trung Quốc trước hết phải bảo đảm kiểm soát có hiệu quả đối với kho vũ khí hạt nhân, một khi lực lượng tàu ngầm mở rộng quy mô, chính phủ TQ có giao quyền kiểm soát tác chiến cho sĩ quan chỉ huy tiền phương hay không, là một vấn đề cần phải cân nhắc nghiêm túc.

Đồng thời, Trung Quốc muốn mở rộng lực lượng tàu ngầm hạt nhân, cũng cần ngăn ngừa gây ra rủi ro bị Mỹ “phản ứng kịch liệt”, bảo đảm cho Trung-Mỹ duy trì cục diện răn đe tương đối ổn định.

Để kho vũ khí hạt nhân dưới nước của Trung Quốc đạt được mức “vẹn cả đôi đường” thực ra là một việc gai góc. Theo hai chuyên gia trên, nếu Trung Quốc sở hữu 4 tàu ngầm hạt nhân – mỗi tàu mang theo 12 tên lửa JL-2 (tầm phóng 8.000 km), mỗi tên lửa lắp 3 đầu đạn hạt nhân, thì kho vũ khí hạt nhân dưới nước của Trung Quốc sẽ có 144 đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng từ tàu ngầm
Tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng từ tàu ngầm

Nếu Trung Quốc triển khai 6 tàu ngầm hạt nhân cùng loại, mỗi tên lửa trang bị lắp 6 đầu đạn hạt nhân, thì tổng số đầu đạt hạt nhân sẽ tăng vọt lên 432, tăng trưởng số lượng này có thể sẽ gây ra sự chú ý đối với Washington, thậm chí thúc đẩy Mỹ áp dụng biện pháp, tiếp tục duy trì ưu thế hạt nhân mang tính áp đảo đối với Trung Quốc.

James Holmes đặc biệt nhấn mạnh, trong tương lai gần, nước có thể đồng thời phát động “tấn công phủ đầu” đối với lực lượng hạt nhân Trung Quốc từ trên đất liền và trên biển chỉ có thể là Mỹ. Nói cách khác, tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc chỉ sẽ luyện cách ứng phó với mối đe dọa ở hướng Thái Bình Dương.

Đồng thời, xét thấy số lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công và phi đội săn ngầm hàng không giảm đi rõ rệt sau Chiến tranh Lạnh, trong 10 năm tới, Mỹ không có nhiều khả năng làm được nhiều việc trên phương diện làm suy yếu khả năng sống sót của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, hơn nữa, hệ thống phòng thủ tên lửa đang được Mỹ xây dựng cũng khó đánh chặn được tên lửa xuyên lục địa phóng ngầm, bất ngờ.

Trong tình hình đó, cho dù lực lượng hạt nhân trên bộ của Trung Quốc mất đi hiệu quả toàn bộ trong vòng tấn công đầu tiên, Trung Quốc chỉ cần một tàu ngầm hạt nhân tên lửa lắp nhiều đầu đạn sống sót thì họ vẫn có thể triển khai “trả thù hạt nhân” có khả năng phá hoại mạnh.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093 của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093 của Hải quân Trung Quốc

Xuất phát từ góc độ này, hai nhà quan sát trên kết luận, Trung Quốc có thể nghiêng hơn về lựa chọn mô hình Anh, Pháp, xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân có quy mô hạn chế, tức là với loại trang bị tin cậy, duy trì 4-6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa cần thiết cho “răn đe hạt nhân tối thiểu”, trong đó 2 tàu luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nghĩa là khi một tàu bị tiêu diệt thì có thể duy trì sự sống sót của một chiếc khác.

Ba sách lược có thể sử dụng luân phiên

Giới tư tưởng quốc phòng Mỹ chủ yếu tin rằng, Trung Quốc muốn triển khai tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở biển Bột Hải và biển Hoàng Hải, do tàu ngầm hạt nhân tấn công, lực lượng hàng không bờ biển và tàu chiến mặt nước “bảo vệ”, tiến hành phản kích đối phương có ý đồ xâm phạm.

Tuy nhiên, loại “chiến lược pháo đài” này cũng tồn tại rủi ro – giới hạn tàu ngầm hạt nhân ở vùng biển khá nhỏ hẹp, khác nào đã trói buộc phạm vi tuần tra của chúng, chắc chắn làm gia tăng xác suất bị đối phương phát hiện, khó phát huy đầy đủ tính tàng hình (ẩn núp) của tàu ngầm hạt nhân. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn muốn xây dựng hải, không quân có quy mô lớn hơn để bảo vệ tàu ngầm hạt nhân núp trong “pháo đài”.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược 092 của Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược 092 của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài “chiến lược pháo đài”, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc cũng có thể tuần tra ở vùng ven dọc tuyến bờ biển dài, dưới sự yểm hộ của các lực lượng khác (đơn vị bạn). Những năm gần đây, lực lượng hàng không và tàu chiến mặt nước của Hải quân Trung Quốc có tốc độ đổi mới khá nhanh, giúp họ có khả năng giành ưu thế trên biển-trên không cục bộ ở “chuỗi đảo thứ nhất” về phía tây, một khi thành công, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể tự do tuần tra ở vùng biển dọc bờ đông của đại lục châu Á, gọi là “tuần tra duyên hải”.

James Holmes và Toshi Yoshihara phỏng đoán, Trung Quốc còn có một sự lựa chọn đầy tham vọng, đó chính là triển khai tàu ngầm hạt nhân trước ở Tây Thái Bình Dương, đưa nhiều mục tiêu hơn vào tầm phóng.

Việc “tuần tra biển quốc tế” này (hay “triển khai tuyến đầu”) chắc chắn buộc Mỹ triển khai nhiều tàu ngầm và máy bay hơn đến vùng biển quốc tế để theo dõi tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, do đó đã kiềm chế lực lượng cơ động của quân Mỹ ở hướng khác.

Tuy nhiên, “triển khai tuyến đầu” cũng làm cho Trung Quốc đối mặt với nguy cơ gia tăng xảy ra “đối đầu hạt nhân toàn diện” với Mỹ - tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trung Quốc trước đây chưa từng triển khai tuần tra mang tính răn đe thực sự, vì vậy, dù là mô hình triển khai tuyến trước thích hợp thì cũng truyền đi tín hiệu Trung Quốc thay đổi chiến lược hạt nhân, từ đó tăng cường đáng kể khả năng đe dọa của Mỹ.

Mô hình tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu mới của Trung Quốc (nguồn: china.com)
Mô hình tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu mới của Trung Quốc (nguồn: china.com)

Theo báo Trung Quốc, điều cần nhấn mạnh là, “chiến lược pháo đài”, “tuần tra duyên hải” và “tuần tra vùng biển quốc tế” hoàn toàn không loại bỏ lẫn nhau, có thể căn cứ vào sự thay đổi của môi trường an ninh để luân phiên áp dụng.

Trong thời bình, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể sẽ áp dụng nhiều hơn phương thức triển khai “pháo đài”; khi xảy ra xung đột, có thể triển khai tuần tra duyên hải hoặc xâm nhập vùng biển quốc tế tích cực hơn nhằm đáp trả sự “đe dọa hạt nhân” của đối phương tiềm tàng.

Tàu ngầm hạt nhân 095 Hải quân Trung Quốc (dân mạng lưu truyền)
Tàu ngầm hạt nhân 095 Hải quân Trung Quốc (dân mạng lưu truyền)
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)