Trung Quốc sợ mất mặt, nên né vấn đề Biển Đông ở các hội nghị quốc tế

13/11/2015 13:15
Đông Bình
(GDVN) - Đứng trước những bất lợi về mặt pháp lý và sự phản ứng cứng rắn của Mỹ hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách tung ra các "chiêu" chiến thuật mới, vẫn tham lưỡi bò

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 13 tháng 11 đưa tin, theo báo chí Mỹ cùng ngày, trong khi Trung Quốc tìm mọi cách để né tránh vấn đề Biển Đông tại các hội nghị quốc tế.

Trong khi đó, Indonesia gần đây cũng đã gia nhập hàng ngũ thách thức (yêu sách "đường lưỡi bò" bành trướng, bất hợp pháp) của Trung Quốc, điều này cho thấy tính "nghiêm trọng" của tình hình khu vực Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đến thăm Việt Nam ôn lại tình hữu nghị Việt-Trung, nhưng sau khi sang Singapore, ông lại đòi yêu sách "đường lưỡi bò"
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đến thăm Việt Nam ôn lại tình hữu nghị Việt-Trung, nhưng sau khi sang Singapore, ông lại đòi yêu sách "đường lưỡi bò"

Người đứng đầu ngành an ninh Indonesia vừa cho biết, nếu Bắc Kinh và Jakarta không thể thông qua đối thoại giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, Indonesia có thể sẽ trở thành quốc gia thứ hai ở khu vực Đông Nam Á thách thức yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp, lố bịch) của Trung Quốc.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Panjaitan vào thứ Tư đã cho biết, Jakarta đang nỗ lực gian khổ cho việc giải quyết vấn đề này. Indonesia đang tích cực liên hệ với Trung Quốc, hy vọng thông qua đối thoại nhanh chóng giải quyết vấn đề, nếu không sẽ tiến hành kiện ở “Tòa hình sự quốc tế”.

Đối với tuyên bố của phía Indonesia, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ là Hồng Lỗi cho rằng: "Indonesia không đưa ra yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa của Trung Quốc (thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Chủ quyền quần đảo Natuna thuộc Indonesia, Trung Quốc cũng không bày tỏ dị nghị".

Được biết, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Panjaitan đã đưa ra phát biểu trên trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao APEC vài ngày.

Ông Tập Cận Bình tại Singapore ngày 7 tháng 11 năm 2015
Ông Tập Cận Bình tại Singapore ngày 7 tháng 11 năm 2015

Nhà lãnh đạo 27 quốc gia và khu vực sẽ đến Manila, Philippines vào tuần tới để tham dự hội nghị. Trung Quốc đã cho biết họ không muốn để vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề của hội nghị lần này.

Bài báo cho hay, mặc dù giữa Bắc Kinh và Manila xảy ra tranh chấp thường xuyên, nhưng ông Tập Cận Bình, người đứng đầu chính quyền Trung Quốc vẫn tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần này. Nước chủ nhà Philippines cũng cho biết, họ sẽ không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong hội nghị chính thức.

Trên thực tế, Trung Quốc vừa bị giáng những "đòn đau đớn" về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông, bởi vì Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc vừa bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, quyết định thụ lý vấn đề Biển Đông.

Quan chức Indonesia tuyên bố có thể kiện Trung Quốc lại là một "nắm đấm" pháp lý lao thẳng vào Trung Quốc. Việc Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông vào ngày 27 tháng 10 cũng đã trở thành một “đòn chí mạng” và trực tiếp phá bỏ yêu sách tham lam "đường lưỡi bò".

Chính vì vậy, Trung Quốc hiện nay rất sợ mất mặt trong các trường hợp quốc tế. Đối với họ, trốn tránh bàn đến vấn đề Biển Đông là "thượng sách", muốn tìm mọi cách làm lặng sóng để họ tiếp tục rảnh tay hành động.

Trung Quốc đã quyết theo đuổi yêu sách tham lam "đường lưỡi bò" ở Biển Đông
Trung Quốc đã quyết theo đuổi yêu sách tham lam "đường lưỡi bò" ở Biển Đông

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều có mối liên hệ với nhau, phát triển kinh tế luôn phải gắn liền với an ninh và ổn định, vấn đề kinh tế luôn gắn liền với vấn đề an ninh, chứ không phải như Trung Quốc tuyên truyền rằng Hội nghị cấp cao APEC chỉ nên bàn về vấn đề kinh tế.

Trên thực tế, các bên vẫn có thể tận dụng các cơ hội do tổ chức Hội nghị cấp cao APEC mang lại để bàn về các vấn đề an ninh khu vực ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của khu vực và quốc tế, ở đây rõ ràng là vấn đề Biển Đông không phải vô can, mà thực ra là liên quan trực tiếp.

Chỉ có đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì mới có thể đảm bảo cho các hoạt động kinh tế ở Biển Đông được diễn ra thuận lợi, thông suốt, các hoạt động kinh tế ở khu vực và liên khu vực với phát triển lành mạnh, ổn định. Trung Quốc và các nước chắc đều hiểu vấn đề này và đều cần có những tiếng nói và hành động có trách nhiệm.

Ngoài ra, theo bài báo, tranh chấp Biển Đông hiện nay không ngừng nóng lên và Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông. Vài tuần gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách "hạ nhiệt" vấn đề Biển Đông.

Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan đã giáng một đòn nặng nề đối với yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc
Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan đã giáng một đòn nặng nề đối với yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Daniel Chua của Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam - Đại học công nghệ Nanyang Singapore đã dụng một cụm từ mang tên "đợt tấn công quyến rũ" để hình dung Trung Quốc đang tích cực tiến hành các hoạt động lôi kéo các nước để làm dịu vấn đề Biển Đông.

Daniel Chua cho rằng, “đợt tấn công quyến rũ” của Bắc Kinh được bắt đầu từ trung tuần tháng 10, khi đó, Trung Quốc đề nghị cùng tổ chức "diễn tập trên biển" với các nước Đông Nam Á.

Ngoài ra, tại cuộc "hội đàm Tập Cận Bình-Mã Anh Cửu" ở Singapore vào tuần trước, cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan được Daniel Chua cho rằng cũng là một phần của "đợt tấn công quyến rũ" này.

Daniel Chua khẳng định: "Những sự kiện này hầu như cho thấy Trung Quốc có ý định lấy phương thức hợp tác để giải quyết xung đột hiện có".

Daniel Chua cũng cho rằng, trong thời gian của Hội nghị cấp cao APEC, Trung Quốc có khả năng sẽ đề xuất "hợp tác khai thác tài nguyên Biển Đông" hoặc thảo luận "phương pháp hợp tác" với tất cả các nước tồn tại “tranh chấp chủ quyền”.

Bắc Kinh có thể sẽ tập trung quan tâm vào "các dự án kinh tế chung", qua đó "xây dựng sự tin cậy" ở Biển Đông.

Quân đội Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông được cho là phù hợp với luật pháp quốc tế, tiếp tục giáng thêm một đòn nặng nề vào yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Quân đội Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông được cho là phù hợp với luật pháp quốc tế, tiếp tục giáng thêm một đòn nặng nề vào yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Những quan điểm trên là quan điểm cá nhân của Daniel Chua. Trên thực tế, trước những tác động vô cùng bất lợi gần đây, nhất là đối mặt với vấn đề pháp lý và các hành động cứng rắn của Mỹ, Trung Quốc cũng có thể đang muốn thay đổi chiến thuật của họ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, mọi dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc sẽ không thay đổi ý đồ bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự đã định của họ. Và trong mọi trường hợp, chắc chắn họ vẫn sẽ nói “chủ quyền thuộc về tôi (Trung Quốc)”.

Trong các chuyến thăm gần đây như đến thăm Mỹ, thăm Anh và thăm Singapore, người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh - ông Tập Cận Bình đều đã đưa ra lập trường, quan điểm chính thức của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Ở đó, mưu đồ bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự đã quá rõ ràng và đã không còn gì phải bàn cãi nữa. Nhưng, đó chỉ là tuyên bố ngang nhiên và bất chấp luật pháp quốc tế, mọi thành viên của cộng đồng quốc tế đều không ai thừa nhận.

Trên cơ sở đó, trong thời gian sắp tới, nếu Trung Quốc có đề xuất bất cứ hoạt động nào thì các nước liên quan đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vì, giới bành trướng Trung Quốc có thể lại dùng lời nói ngon ngọt mang tên “hợp tác cùng thắng” để xác lập yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của họ.

Indonesia đe dọa đưa Trung Quốc ra tòa vì yêu sách tham lam "đường lưỡi bò". Trong hình là Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Panjaitan vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.
Indonesia đe dọa đưa Trung Quốc ra tòa vì yêu sách tham lam "đường lưỡi bò". Trong hình là Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Panjaitan vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.

Thực tế là thời gian qua họ đã dùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ, đã dùng các quan chức kể từ cấp thấp đến cấp cao nhất của Nhà nước tuyên bố rằng Trung Quốc xây đảo nhân tạo và các công trình trên các đá ngầm ở Biển Đông là để “cung cấp sản phẩm an ninh công cho cộng đồng quốc tế”.

Dùng vũ lực đi ăn cướp đảo đá của nước khác đã là một hành động bất hợp pháp. Họ lại còn muốn dùng đảo đá đã cướp đó để làm việc nghĩa thì thật là vô liêm sỉ, trơ trẽn không còn lời nào có thể diễn tả được.

Cho nên, dù Trung Quốc đề xuất bất cứ nội dung hợp tác gì, phương pháp hợp tác ra sao, nếu những đề xuất đó đi ngược lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia của Việt Nam thì đều phải kiên quyết đấu tranh phản đối, bác bỏ.

Việt Nam là nước có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền lợi biển liên quan dựa trên luật pháp quốc tế. Chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia dân tộc là bất biến, được đặt lên trên hết, trước hết.

Dĩ bất biến ứng vạn biến, kiên trì về nguyên tắc, nhưng luôn biết linh hoạt về sách lược, trong đó có sách lược ngoại giao, pháp lý và quốc phòng. Chúng ta phải vận dụng linh hoạt các sách lược để làm cho kẻ thù không biết đâu mà lần, từng bước đánh bại mọi mưu đồ, hành động và thủ đoạn bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông.

Quân đội Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Quân đội Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Đông Bình