Trung Quốc tham vọng có phiên bản giống F-35B để tác chiến ở Biển Đông?

11/04/2015 07:56
Việt Dũng (nguồn mạng sina, sohu TQ)
(GDVN) - Theo chuyên gia Nga, Trung Quốc có khả năng phát triển thành công máy bay J-31 phiên bản cất cánh cự ly ngắn và hạ cánh thẳng đứng tương tự F-35B Mỹ...
Máy bay chiến đấu J-31 bay biểu diễn có phun khói (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Máy bay chiến đấu J-31 bay biểu diễn có phun khói (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Trang mạng Sputnik Nga ngày 8 tháng 4 đưa tin, thông tin Trung Quốc lần thứ hai cân nhắc chế tạo máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã gây chú ý ở Trung Quốc.

Bài báo dẫn chuyên gia Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, sự xuất hiện của loại máy bay mới này sẽ nâng cao rất lớn năng lực tác chiến của Không quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương, nhất là khu vực Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược.

Theo bài báo, bản thân vấn đề này tiếp tục được xem xét hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Khả năng thực hiện thành công chương trình này rất cao. Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo tàu tấn công đổ bộ. Nó có thể chở theo nhiều máy bay, có đường băng tương đối rộng. Tàu tấn công như vậy một khi trang bị máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng sẽ có thể được sử dụng như tàu sân bay hạng nhẹ, tiến tới tăng cường năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Theo bài báo, Trung Quốc là một nước đưa ra yêu sách chủ quyền (phi pháp) đối với đảo nhỏ với rất nhiều quốc gia láng giềng ở vùng biển rộng lớn - Biển Đông. Những đảo này phần lớn rất nhỏ, rất khó xây dựng căn cứ không quân ở đó. Mà xây dựng đường băng ở đó sẽ nâng cao rất lớn tiềm lực tác chiến của Trung Quốc ở khu vực trọng yếu chiến lược này.

Máy bay chiến đấu J-31 bay biểu diễn có phun khói (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Máy bay chiến đấu J-31 bay biểu diễn có phun khói (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Ở vùng núi, ví dụ ở Tây Tạng, ở đó thiếu đường băng máy bay. Nhưng, ở vùng núi hoặc khu vực nhiệt đới, sử dụng máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng sẽ gặp phải một số khó khăn về công nghệ. Ở những khu vực này, hiệu quả của động cơ sẽ giảm đi.

Theo bài báo, có thể suy đoán, khi chế tạo máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ sở nghiên cứu phát triển của máy bay chiến đấu mới J-31. J-31 có thân máy bay tương tự như máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, trong khi đó, một phiên bản máy bay chiến đấu F-35 chế tạo cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ lại là máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng.

Chương trình này một khi khởi động sẽ đem lại cơ hội hợp tác mới cho hai nước Nga-Trung. Liên Xô và Anh là 2 quốc gia trên thế giới giành được thành công trong việc tự chủ nghiên chứ chế tạo máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Liên Xô bắt đầu cho bay thử máy bay chiến đấu cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng siêu âm Yak-141, nó có hiệu quả bay và tác chiến tốt.

Theo bài báo, Liên Xô tan rã và sau đó cắt giảm hải quân đã buộc Nga phải từ bỏ nghiên cứu chế tạo và sản xuất loại máy bay này, tập trung nguồn lực vào nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu truyền thống. Mặc dù vậy, Nga vẫn sở hữu tài liệu công nghệ, kinh nghiệm và chuyên gia trên lĩnh vực này.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Tài liệu công nghệ Yak-141 Nga bán cho Mỹ năm 1995 đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu chế tạo F-35B của người Mỹ. Hiện nay, Nga cũng có thể dùng phương thức tương tự để đẩy nhanh thực hiện chương trình của Trung Quốc.

Ngoài ra, Nga có kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo động cơ đặc chủng và thiết bị khác cho loại máy bay này, chẳng hạn, cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng cần sử dụng ghế ngồi bắn đặc chế, máy bay không may xảy ra bất trắc khi cất hạ cánh thì có thể giúp cho phi công bắn ra và hạ cánh an toàn. Liên Xô từng chế tạo ghế ngồi như vậy.

Bài báo cho rằng, khác với rất nhiều lĩnh vực hợp tác quân sự khác, hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay cất cánh cự ly ngắn/hạ cánh thẳng đứng sẽ không gây cạnh tranh cho công nghiệp quân sự Nga, bởi vì Nga đã không còn nghiên cứu chế tạo loại máy bay này. Chương trình hợp tác chỉ có thể đem lại hiệu ích lớn nhất cho đầu tư của thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đồng thời mở rộng loại máy bay xuất khẩu đối với Trung Quốc.

Cũng liên quan đến máy bay chiến đấu J-31, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 10 tháng 4 cho hay, theo Trưởng phòng xuất khẩu dịch vụ và tài sản đặc biệt không quân của Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Sergei Kornev, máy bay chiến đấu J-31 phiên bản xuất khẩu Trung Quốc sẽ trang bị động cơ phản lực cánh quạt RD-93 Nga.

Máy bay chiến đấu J-31 Cốt Ưng Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-31 Cốt Ưng Trung Quốc

Theo Sergei Kornev: “J-31 trang bị động cơ RD-93 Nga được cho là máy bay chiến đấu kiểu xuất khẩu, có thể cạnh tranh với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Mỹ trên thị trường khu vực”.

Trung Quốc cho bay thử lần đầu tiên máy bay chiến đấu J-31 vào ngày 31 tháng 10 năm 2012, Trung Quốc hiện đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu chế tạo loại máy bay này.

Theo tờ “Kanwa Defense Review” Canada ngày 25 tháng 1, mặc dù Trung Quốc cho rằng máy bay chiến đấu J-31 sẽ có thể chống chọi máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, nhưng, loại máy bay chiến đấu này có thể sẽ tồn tại hạn chế về động cơ.

Thông qua hoạt động bay biểu diễn của J-31 tại Triển lãm hàng không Chu Hải, trong quá trình lộn nhào trên không, hệ số lực nâng của J-31 không tốt lắm, động tác leo cao xem ra rất tốn sức. Cánh đuôi thẳng đứng khổng lồ và bề mặt cánh chính nhỏ cho thấy thiết kế của nó hầu như không tính quá nhiều tới lực nâng hiệu quả của máy bay chiến đấu phản lực.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Việt Dũng (nguồn mạng sina, sohu TQ)