Trung Quốc thèm khát dầu khí ở Biển Đông và cả Bắc Cực, Nam Cực

02/02/2013 18:07
Việt Dũng
(GDVN) - TQ đã sở hữu tàu lặn Giao Long có thể lặn sâu trên 7.000 m và giàn khoan dầu khí 981 (hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, có thể khoan tới độ sâu 12.000 m), dự kiến đều sẽ triển khai ở biển Đông vào năm 2013.
Báo Trung Quốc gần đây tiếp tục đề tài biển đảo, bàn về tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku giữa Trung-Nhật, cho rằng vấn đề tranh chấp này đã tạo ra mầm họa to lớn cho phát triển quan hệ hai nước, nó dễ leo thang thành xung đột vũ trang.

Giàn khoan khổng lồ "Dầu khí hải dương 981" của Trung Quốc.
Giàn khoan khổng lồ "Dầu khí hải dương 981" của Trung Quốc.

Tân Hoa xã tỏ thái độ coi thường, cho rằng, một số nhà lãnh đạo Nhật Bản “nhận thức không đúng về lịch sử”, phủ nhận tội ác xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ hai, “muốn dùng thủ đoạn bất hợp pháp để hợp pháp hóa thứ đã đạt được”, gây ra sự thực đã rồi.

Tờ Tân Hoa xã từng viết, Nhật Bản đã “sử dụng trước” biện pháp quân sự (như sử dụng máy bay chiến đấu F-15 chặn đường máy bay hải giám Trung Quốc), khiến cho Trung Quốc cảnh giác rất cao.

Ngoài ra, theo Tân Hoa xã, cùng với sự biến đổi của môi trường biển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc khai thác, sử dụng biển của loài người phổ biến và có chiều sâu hơn.

Các nước cũng chuyển từ quan tâm ở “lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” mở rộng ra “biển sâu, đáy biển quốc tế, Bắc Cực và Nam Cực”.

Mức độ bảo vệ và mở rộng quyền lợi biển của các nước đang gia tăng, cuộc chạy đua vũ trang do tranh giành ưu thế phát triển trên biển giữa hải quân các nước cũng quyết liệt hơn.

Về phát triển sự nghiệp biển của Trung Quốc, ngoài kế hoạch khai thác dầu ở Biển Đông, trước sau năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch đưa vùng biển thăm dò “từ Tây Thái Bình Dương mở rộng đến Ấn Độ Dương, Nam Cực, Bắc Cực”,

“về tài nguyên dầu khí và khoáng sản, sẽ khảo sát và xác định được những vùng biển chủ yếu có tàng trữ và có khoáng hóa”. “Về khả năng khai thác và sử dụng biển, sản lượng nghề cá 60 triệu tấn, khai thác tài nguyên mới sinh vật biển, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”.

Theo các nguồn tin, hiện nay Trung Quốc đã có nhiều khả năng vươn ra các đại dương, dựa trên sức mạnh trên biển được tăng cường, chẳng hạn họ đã có hạm đội viễn dương, đến tận vịnh Aden, vùng biển Somalia để hộ tống tàu thuyền, “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương đang được triển khai tích cực.

Trung Quốc mua 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr của Ukraina
Trung Quốc mua 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr của Ukraina

Hải quân Trung Quốc đã sở hữu tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh và đang tìm cách hình thành sức chiến đấu cho nó, xây dựng thành cụm chiến đấu tàu sân bay có cả chiến đấu cơ và các tàu hộ tống; đồng thời tự chế tàu sân bay mới.

Trung Quốc mua 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr của Ukraina, đồng thời được cấp phép sản xuất. Zubr có lượng giãn nước 550 tấn, chiều dài 57,3 m, chiều rộng 25,6 m, tốc độ 60 hải lý/h, thủy thủ đoàn 27 người.

Hải quân Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo các tàu khu trục, tàu hộ vệ kiểu mới, tàu vận tải/tấn công đổ bộ, mua tàu đệm khí lớn nhất thế giới của Ukraine…; thường xuyên tổ chức diễn tập đổ bộ đoạt đảo, săn ngầm, chống hạm…; liên tiếp tổ chức thành biên đội tàu chiến xâm nhập các vùng biển Nhật Bản, vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”, vươn ra Thái Bình Dương diễn tập, phô diễn sức mạnh, làm nóng mặt Nhật Bản…

Trung Quốc cũng đã sở hữu tàu lặn Giao Long có thể lặn sâu trên 7.000 m và giàn khoan dầu khí 981 (hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, có thể khoan tới độ sâu 12.000 m), dự kiến đều sẽ triển khai ở biển Đông vào năm 2013.

Trung Quốc còn nhiều lần đưa tàu khảo sát tới Bắc Cực thăm dò, đồng thời họ cũng được cấp phép thăm dò tài nguyên ở hai khu vực thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…

Tân Hoa xã còn cho rằng, đến năm 2013, hợp tác bảo vệ an toàn hàng hải giữa các nước sẽ được tiếp tục, nhưng tranh chấp trên biển vẫn sẽ tồn tại, tình hình an ninh trên biển ở khu vực xung quanh Trung Quốc khó được cải thiện, “Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt với sóng biển cuồn cuộn khi lái con tàu Trung Quốc”.
Việt Dũng