Trung Quốc tìm cách thúc đẩy xuất khẩu tàu chiến cũ ở khu vực châu Á

19/08/2013 07:20
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc đã bán 2 tàu hộ vệ cũ Type 053H1 cho Myanmar, 1 tàu cho Bangladesh, 2 tàu cho Ai Cập và muốn bán tàu hộ vệ mới Type 054A...
Tàu hộ vệ Type F-22P Trung Quốc chế tạo cho Pakistan
Tàu hộ vệ Type F-22P Trung Quốc chế tạo cho Pakistan

Tạp chí "Kanwa Defense Review" Canada tháng 7 cho rằng, Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho tàu chiến cũ của họ để có tiền. Trước đây, Trung Quốc đã bán cho Myanmar 2 tàu hộ vệ Type 053H, muốn thúc đẩy các nước láng giềng như Bangladesh làm theo; đồng thời do tàu chiến cũ thời hạn hoạt động có hạn, những nước sử dụng sản phẩm của Trung Quốc muốn mua trang bị hoàn toàn mới để nâng cấp.

Theo bài báo, đầu năm nay, một tàu hộ vệ lớp Giang Hồ Type 053H1 của Hải quân Myanmar đã đi thăm các nước ASEAN và tham gia triển lãm hải quân ở Malaysia. Quan chức cấp cao Hải quân Myanmar cho biết, trong tương lai họ sẽ cử tàu này đi thăm nhiều nước hơn, điểm đến tới đây đang được cân nhắc là Singapore.

Tàu được Hải quân Myanmar điều đến tham gia triển lãm ở Malaysia là tàu hộ vệ F21, được Trung Quốc bàn giao vào tháng 3 năm 2012, việc đào tạo nhân viên cũng đã tiến hành ở nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu, Trung Quốc. Tàu này đã được cải tạo, sự thay đổi lớn nhất là lắp thêm tên lửa chống hạm C-802.

Tờ "Bình luận quốc phòng châu Á" Malaysia phỏng đoán, tàu chiến cũ Myanmar mua sẽ trang bị tên lửa C-802A tiên tiến hơn, nhưng thông tin này đã không đúng. Tầm phóng của C-802 và C-802A lần lượt là 120 km và 180 km, do kinh phí có hạn, Quân đội Myanmar đã lựa chọn tên lửa C-802 giá rẻ hơn và từ bỏ trang bị các thiết bị như tên lửa hạm đối không, thiết bị định vị thủy âm kéo cho tàu hộ vệ cũ.

Tàu hộ vệ Type 053H1 của Hải quân Myanmar, mua của Trung Quốc
Tàu hộ vệ Type 053H1 của Hải quân Myanmar, mua của Trung Quốc

Hai tàu hộ vệ cũ Hải quân Myanmar mua của Trung Quốc lần lượt là F21 và F23. Ngoài nhập trang bị cũ của Trung Quốc, Myanmar còn mua tàu tuần tra F36 của Anh.

Myanmar cũng đã nhờ Trung Quốc tiến hành cải tạo tàu F36, lắp thêm 4 tên lửa chống hạm C-704 và 1 pháo bắn nhanh 76 mm do Trung Quốc chế tạo. Tàu F36 có lượng giãn nước là 1.427 tấn, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ, được Myanmar dùng làm phương tiện bảo vệ quyền lợi khai thác dầu khí ở Andaman.

Theo Kanwa, tàu hộ vệ dòng 053 trong một thời gian tương đối dài từng là chủ lực tác chiến biển gần của Hải quân Trung Quốc, mãi cho đến khi tàu hộ vệ Type 054A tiên tiến hơn xuất hiện. Tàu 053H1 bán cho Myanmar là phiên bản nâng cấp tiếp theo của tàu hộ vệ 053H, nhiệm vụ chính là lấp chỗ trống sức chiến đấu giữa tàu khu trục và tàu ngầm.

Theo "Niên giám tàu chiến thế giới Jane's", lượng giãn nước tiêu chuẩn của tàu hộ vệ 053H1 là 1.565 tấn, lượng giãn nước đầy là 1.960 tấn, tốc độ tối đa là 25,5 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 3.000 hải lý (khoảng 5.400 km), thủy thủ 195 người (gồm 30 sĩ quan); vũ khí trang bị ngoài tên lửa chống hạm nêu trên, còn có 2 khẩu pháo hai nòng 100 mm Type 79A, 6 khẩu pháo cao xạ hai nòng 37 mm Type 76, 2 máy phóng rocket săn ngầm, 2 máy phóng bom phá tàu ngầm.

Tàu hộ vệ F23 Type 053H1 Hải quân Myanmar
Tàu hộ vệ F23 Type 053H1 Hải quân Myanmar

Tàu hộ vệ 053H1 chế tạo tổng cộng 12 chiếc, trong 10 chiếc Hải quân Trung Quốc sử dụng, ngoài chuyển bán cho Myanmar 2 chiếc, còn có 1 chiếc bán cho Bangladesh 24 năm trước, đổi tên là Othman. Trung Quốc còn chế tạo 2 tàu loại này hoàn toàn mới cho Hải quân Ai Cập, lần lượt tên là Najim Ali Zafer và Ali Nasr.

Vũ khí dùng cho tàu chiến do Trung Quốc chế tạo được cho là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu tàu chiến cũ. Hiện nay, Trung Quốc có thể cung cấp các loại tên lửa chống hạm, chúng đều trang bị radar, đầu dẫn hình ảnh hồng ngoại và truyền hình.

Những tên lửa này từ nhỏ đến to, tầm phóng từ 25 km đến 280 km, có hệ thống tấn công hỏa lực hoàn chỉnh. Tàu hộ vệ 053H1 của Hải quân Myanmar đã trang bị tên lửa C-802 có số lượng lớn nhất, được cho là có trình độ tương đương tên lửa Exocet của Pháp.

Theo bài báo, tuy Trung Quốc chào bán tàu chiến cũ giá rẻ, nhưng họ cũng thu được nhiều lợi nhuận nhờ vào bán kèm theo vũ khí và thiết bị điện tử trang bị cho tàu chiến. Những nước đã sử dụng tàu Trung Quốc, trong tương lai cũng có thể tiếp tục mua thêm.

Theo bài viết, ngoài Myanmar, các nước như Bangladesh cũng rất quan tâm tới tàu chiến cũ của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu chào bán tàu hộ vệ 054A mới, hy vọng trở thành "lái súng" lớn trên thị trường châu Á.

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Hải quân Trung Quốc
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình