Trung Quốc triển khai tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu ở Biển Đông

16/11/2014 08:50
Đông Bình
(GDVN) - Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục điểm yếu săn ngầm, đẩy mạnh cải tiến, biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 phiên bản mới.
Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tờ “Tầm nhìn” Trung Quốc ngày 13 tháng 11 đăng bài viết “Báo Mỹ: Hải quân Trung Quốc triển khai 1 tàu chiến kiểu mới, chuyên dùng để săn ngầm Biển Đông”.

Theo bài viết, trang mạng Học viện hải quân Mỹ (USNI News) ngày 12 tháng 11 dẫn tờ “Jane's Defence Weekly” ngày 10 tháng 11 cho hay, Trung Quốc đã triển khai một chiếc tàu hộ vệ mới chuyên dùng cho tác chiến săn ngầm, tăng cường năng lực tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm ở Biển Đông.

Theo bài báo, tàu hộ vệ tên lửa này tên là Chu Châu và là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Giang Đảo Type 056 thứ 18 của Hải quân Trung Quốc, hơn nữa là chiếc tàu Type 056 đầu tiên Hải quân Trung Quốc có kế hoạch dùng để tiến hành tác chiến săn ngầm.

Căn cứ vào thông tin từ cuốn “Hạm đội tác chiến” của Học viện hải quân Mỹ, ngoài vài cụm tên lửa chống hạm và phòng không, thân tàu hộ vệ Type 056 cũng đã lắp thiết bị định vị thủy âm.

Tác giả Eric Wertheim của cuốn “Hạm đội tác chiến” (Combat Fleets) vào thứ Tư cho biết, Trung Quốc có một số tàu hộ vệ hạng nhẹ cũng đã trang bị hệ thống thiết bị định vị thủy âm kéo (sonar dây kéo, towed sonar).

Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Theo Eric Wertheim, những năm gần đây, Trung Quốc luôn tập trung phát triển hạm đội mặt nước của họ, thông qua phát triển tên lửa chống hạm và phòng không cỡ lớn để tác chiến tốt hơn với tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Nhưng, năng lực dò tìm và theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc đã bị cho là điểm yếu lớn nhất của Hải quân Trung Quốc.

Eric Wertheim nói: “Tác chiến săn ngầm của Hải quân Trung Quốc luôn bị coi là lỗ hổng, đây là một trong những điểm yếu cấp bách của Hải quân Trung Quốc”.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tăng cường năng lực tác chiến săn ngầm, hành động này của Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ lực lượng tàu ngầm đang mở rộng của các nước láng giềng.

Bài báo cho rằng, cuối năm 2013, Nga đã bàn giao cho Việt Nam chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo đầu tiên, trong vài năm tới Nga sẽ còn bàn giao các tàu ngầm lớp Kilo còn lại cho Việt Nam. Đồng thời, Nhật Bản cũng đang tăng cường chế tạo tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu, đây cũng được cho là một trong những tàu ngầm tấn công diesel-điện tiên tiến nhất trên thế giới.

Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tờ “Jane's Defense Weekly” cho rằng, 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo Nga chế tạo cho Việt Nam có thể tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh phát triển năng lực tác chiến săn ngầm nhằm bảo đảm cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc có thể đối phó với cái gọi là “xâm lược lãnh thổ” của tàu ngầm (thực ra thì Trung Quốc làm như vậy là để giữ các đảo đã xâm lược và mưu đồ xâm lược nốt các đảo còn lại ở Biển Đông).

Theo bài báo, Bắc Kinh và Hà Nội tồn tại “tranh chấp lãnh thổ” (do Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược gây ra), chủ yếu là chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Căn cứ vào Hiệp định quốc phòng gần đây giữa Philippines và Mỹ, tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ có thể sẽ tham gia chiến đấu khi xảy ra xung đột. Wertheim cho rằng, năng lực săn ngầm của tàu hộ vệ Type 056 Trung Quốc còn có cả máy bay trực thăng.

Cũng liên quan đến tàu hộ vệ Type 056, các tờ báo điện tử Trung Quốc gần đây cho biết, sáng ngày 13 tháng 11, Trung Quốc đã làm lễ biên chế tàu hộ vệ Type 056 phiên bản cải tiến mang tên Tam Môn Hạp, số hiệu 593 cho Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc.

Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Theo tờ “Đa chiều” tiếng Trung, Trung Quốc gọi Tam Môn Hạp là “tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới đầu tiên”, tức là nó không phải tàu hộ vệ Type 056 đơn giản, rất có thể là chiếc tàu hộ vệ săn ngầm đầu tiên.

Chuỗi đảo thứ nhất do Mỹ, Nhật kiểm soát đã không thể phong tỏa bước tiến của Hải quân Trung Quốc. Những năm gần đây, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc đã liên tiếp tiến ra Tây Thái Bình Dương gây lo ngại cho Mỹ-Nhật. Thấy năng lực săn ngầm của Hải quân Trung Quốc rất kém, Mỹ và Nhật Bản đã liên tục triển khai tàu ngầm hạt nhân và thông thường ở Biển Đông và biển Hoa Đông để theo dõi các động thái của Hải quân Trung Quốc.

Theo tờ “Đa chiều”, chiếc tàu hộ vệ Type 056 đầu tiên gia nhập Hải quân Trung Quốc vào tháng 3 năm 2013, hiện đã có 16 chiếc biên chế. Được biết, Trung Quốc sẽ chế tạo trên “80 chiếc” tàu loại này để thay thế cho tàu hộ vệ Type 053 và thuyền máy Type 037 cũ, trở thành tàu chủ lực phòng thủ biển gần của Trung Quốc.

Đối với tàu hộ vệ Type 056 phiên bản săn ngầm, có nguồn tin không chính thức gọi nó là Type 056A, còn Chu Châu – tên của tàu hộ vệ Type 056 vừa biên chế cho Hạm đội Nam Hải đã đặt theo tên của một thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Có nguồn tin cho rằng, Hải quân Trung Quốc đang ở thời kỳ biên chế tàu chiến cao trào.

Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ săn ngầm Chu Châu Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Đông Bình