Trước APEC 2014: TQ ra điều kiện cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

30/10/2014 14:51
Bình Nguyên
(GDVN) - TQ đổ lỗi hết cho Nhật Bản, cho rằng Nhật là người gây ra căng thẳng và cũng là người nắm các điều kiện cần để giải quyết để giảm căng thẳng chứ không phải TQ.
Nữ chuyên gia Shannon Tiezzi – Biên tập viên cộng tác của trang The Diplomat chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách ngoại giao, chính trị, kinh tế của Trung Quốc vừa có bài phân tích cho rằng mặc dù có nhiều đồn đoán tin cậy cho rằng sẽ có một cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 11 tới đây nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC nhưng các cơ quan truyền thông đại diện cho chính quyền Bắc Kinh dường như đang muốn ra điều kiện cho lãnh đạo của Tokyo, đồng thời TQ vẫn giữ tư thế “tay đặt trên cò súng” trong quan hệ với láng giềng Nhật Bản.

Lãnh đạo cao cấp Trung Quốc - Nhật Bản
Lãnh đạo cao cấp Trung Quốc - Nhật Bản

Tác giả Shannon Tiezzi cho biết chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là sẽ diễn ra sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC, nơi sẽ quy tụ tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp của những quốc gia trong khối tại Bắc Kinh, thủ phủ của TQ.

Trước sự kiện này, truyền thông Trung Quốc và quốc tế đều đề cập rất nhiều đến khả năng hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiến hành gặp gỡ và đó sẽ được xem là một trong những cơ hội tốt nhất để Bắc Kinh và Tokyo cùng nhau tìm giải pháp “phá băng” mối quan hệ vốn rất lạnh lẽo gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản xuất phát từ các tranh cãi, va chạm liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông.

Nếu được xúc tiến, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Trung – Nhật sẽ là cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đầu tiên của hai ông Tập Cận Bình và Shinzo Abe kể từ khi ông Tập và ông Abe lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2012.

Các phương tiện truyền thông của cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cho rằng chưa có kế hoạch chính thức được công bố. Có gặp gỡ hay không vẫn đang là vấn đề được sắp xếp. Một số tờ báo lớn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tỏ ra rất im lặng về chủ đề này.

Tuy nhiên, ngày 29/10/2014 vừa qua, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc cung đã đăng tải một bài bình luận về vấn đề này trong đó đưa ra dự đoán khả năng sẽ ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiến hành gặp gỡ.

Tân Hoa xã đưa ra bình luận nói rằng: “Dù trò chơi phỏng đoán có thể nào đi nữa thì một sự thật đơn giản vẫn còn đó: Qủa bóng vẫn nằm trên phần sân của Nhật Bản, quan hệ đóng băng Trung – Nhật có được cải thiện hay không phụ thuộc vào Tokyo”.

Bình luận này ám chỉ luận điệu đổ lỗi hết cho Nhật Bản, cho rằng Nhật là người gây ra căng thẳng và cũng là người nắm các điều kiện cần thiết để có thể giải quyết, giảm căng thẳng chứ không phải Trung Quốc.

Tân Hoa xã thừa nhận tầm quan trọng của việc cải thiện mối quan hệ ngoại giao, hợp tác song phương giữa Trung Quốc - Nhật Bản và nói rằng cần thiết phải đưa quan hệ hai nước trở về quỹ đạo bình thường.

Tuy nhiên, cũng như nhiều bài báo khác mang tính chất chủ nghĩa dân tộc, Tân Hoa xã nói rằng “bổn phận” sửa chữa quan hệ Trung – Nhật là bổn phận đầu tiên và cũng là cuối cùng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Dư luận hoàn toàn có thể nhận thức rằng các bình luận và tuyên bố được Tân Hoa xã đăng tải phản ánh lập trường và quan điểm lâu dài của các quan chức chính quyền Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo được tổ chức hôm thứ Hai đầu tuần qua, nữ phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh/ Hua Chunying khi được báo chí hỏi rằng liệu chuyến thăm của cựu Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đến TQ cách đây không lâu có phải là tiền đề, trải đường cho cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe bên lề hội nghị APEC hay không, bà Oánh cho biết:

“Lập trường của chúng tôi về vấn đề cải thiện và phát triển các quan hệ song phương với Nhật Bản đã được thể hiện rất rõ ràng trong nhiều trường hợp cụ thể. Thái độ và lập trường của Trung Quốc không thay đổi”.

“Thái độ và lập trường không thay đổi” của Trung Quốc được tuyền thông của Trung Quốc cắt nghĩa lại, cụ thể hóa ở 3 yêu cầu của Bắc Kinh đối với Tokyo, chúng gồm:

“Thứ nhất, Nhật Bản phải điều chỉnh, có thái độ thích hợp với vấn đề lịch sử. Trong con mắt của Trung Quốc Nhật Bản đnag cố gắng xóa bỏ các hậu quả của quá khứ quân sự của mình. TQ yêu cần Nhật Bản không tiến hành việc đó, phải có trách nhiệm với lịch sử, yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Abe không tiếp tục đến thăm viếng ngôi Đền chiến tranh Yasukuni”.

“Thứ hai, Nhật Bản phải thừa nhận tồn tại tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu ngư (thủ đoạn này dư luận thường thấy ở các hòn đảo, bãi đá ở Biển Đông mà TQ đã, đang và sẽ lăm le chiếm cho mình, hiểu hơn ai hết vấn đề này có lẽ dư luận Việt Nam và Philippines - PV), đồng thời phải cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề này bằng phương thức hòa bình”.

“Thứ ba, Nhật Bản phải làm sáng tỏ các ý định của mình trong việc cởi bỏ một số hạn chế để phát triển lực lượng quân sự. TQ muốn Nhật Bản làm như vậu để TQ và “các nước trong khu vực” có thể yên tâm rằng Nhật Bản không quay trở lại thời kỳ đế chế”.

Điều đáng lưu ý là trong khi một loạt các tờ báo quốc tế còn đang phỏng đoán liệu ông Tập và ông Abe có gặp gỡ nhau không thì bình luận của Tân Hoa xã được xem như một kiểu “vẽ trước lên cát” – tức ra điều kiện cho Nhật Bản.

Thực tế này cũng có thể ẩn chứa một phỏng đoán khác là chưa chắc Trung Quốc đã nhận được sự chào đón của lãnh đạo Nhật, bởi những điều kiện như thế này Nhật Bản không bao giờ chấp nhận.

Gần đây, như tờ The Diplomat đã đưa tin, một số báo cáo từ truyền thông Nhật Bản cho rằng rất có thể Thủ tướng Shinzo Abe sẽ bày tỏ thiện chí trong đó thừa nhận Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền về quần đảo Sekaku – một hình thức công nhận có tranh chấp nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là Senkaku thuộc quyền sở hữu của Nhật Bản.

Thiện chí có thể xuất phát từ ông Abe theo phỏng đoán của báo chí này có thể là tiền đề cho phép Trung Quốc và Nhật Bản tạm thời gác tranh chấp lại một bên trong lúc chính phủ của hai nước này tiến hành các cuộc đàm phán dài hơi hơn.

Tuy nhiên, với hai điều kiện thứ hai và thứ ba của Trung Quốc đặt ra với Nhật Bản thì bức tranh có vẻ như phức tạp hơn rất nhiều. Trong năm nay ông Shinzo Abe vẫn tiến hành các chuyến đi đến Đền Yasukuni, thậm chí nhiều quan chức trong nội cách của ông cũng đến nơi này và điều đó khiến TQ rất tức tối.

Hoàn toàn có thể dự đoán rằng việc ông Shinzo Abe công khai tuyên bố sẽ không đến Đền Yasukuni có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, ông Abe cũng có thể cung cấp cho Bắc Kinh một số đảm bảo riêng tư.

Tiếp đến, rất ít lý do có thể tin rằng Thủ tướng Nhật Bản sẽ thay đổi lập trường của mình về các vấn đề lịch sử như Trung Quốc yêu cầu. Có nhiều lý do để khẳng định nhưng thực tế rõ ràng nhất là lập trường này của ông Abe đã và sẽ giúp ông tìm kiếm và duy trì được sự ủng hộ của các thành viên theo quan điểm bảo thủ.

Trung Quốc chắc chắn cũng không thể thỏa mãn với bất cứ giải thích nào từ Nhật Bản về việc nước này cởi bỏ rào cản hiến pháp để phát triển quân đội. Đích thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã nhiều lần khẳng định mục đích xây dựng quân sự chỉ để phòng thủ và tự vệ. Tuy nhiên nói thế nào đi nữa thì Bắc Kinh cũng cho các hành động của Nhật Bản là “phục hồi chủ nghĩa Phát xít” và thù địch quân sự…

Bình Nguyên