Tư lệnh Hải quân TQ vừa thị sát trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông

16/10/2014 13:34
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, lãnh đạo TQ đã trực tiếp quyết định xây 5 đảo nhân tạo ở Trường Sa, đã quy hoạch tổng thể BĐ, Tư lệnh Hải quân TQ đã thị sát các đá ngầm 1 tuần.
Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina TQ)
Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina TQ)

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 16 tháng 10 dẫn tờ "Liên hợp" Đài Loan đưa tin, ngày 15 tháng 10, tại Ủy ban ngoại giao-quốc phòng Viện lập pháp, người đứng đầu Cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan Lý Tường Trụ xác nhận, hành động lấn biển, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở các đảo trên Biển Đông tích cực hơn trước.

Trong đó, đá Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ban đầu lớn hơn 2 sân bóng rổ, sau một năm rưỡi, diện tích đã tăng lên 18 héc-ta, bằng một nửa đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Đài Loan kiểm soát ), vươn lên thành đảo lớn thứ ba ở Trường Sa.

Đối với động thái lớn (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông và trong tương lai có thể tuyên bố cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông", Lý Tường Trụ cho rằng: "Tôi thực sự rất lo ngại".

Ủy viên Lập pháp Quốc Dân Đảng, Lâm Úc Phương cho rằng, phải chăng tán thành điều Quân đội Đài Loan quay trở lại đảo Ba Bình để tăng cường phòng thủ cho các nhân viên Hải tuần (Cảnh sát biển)? Lý Tường Trụ cho rằng, nếu không phát ngôn theo tư cách chức vụ (chính thức), bản thân đồng ý chủ trương tăng quân.

Đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina TQ)
Đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina TQ)

Theo Lý Tường Trụ, trong các "đảo" do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp ở Biển Đông hiện nay, tổng cộng có 7 đảo đang được đắp bồi, trong đó có 5 đảo do bản thân nhà lãnh đạo Trung Quốc xem xét, quyết định, mục tiêu là "biến đảo nhỏ thành pháo đài" và "biến đảo lớn thành trận địa".

Theo Lý Tường Trụ, vào hạ tuần tháng 9, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã bỏ ra một tuần, đáp tàu chiến đến thị sát (bất hợp pháp) công trình lấn biển xây đảo nhân tạo ở những đá ngầm này - bài báo coi đây là hành động "chưa có tiền lệ trong lịch sử", đồng thời đã đến thị sát một cuộc diễn tập tác chiến liên hợp ở đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa (hành động diễn tập và thị sát này đều là bất hợp pháp), dựa vào đó tuyên bố đã có quy hoạch chiến lược tổng thể ở Biển Đông.

Lâm Úc Phương cho rằng, ngoài đá Châu Viên, Trung Quốc còn ra sức lấn biển (phi pháp) ở đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Gaven ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), diện tích các "đảo" nhanh chóng mở rộng, đồng thời xuất hiện các phương tiện, công trình như thiết bị máy móc hạng nặng, bến tàu, tòa nhà.

Về vị trí địa lý, đá Gạc Ma cách đảo Ba Bình 70 km về phía nam, đá Tư Nghĩa cách 57 km về phía đông nam, đá Gaven cách 30 km về phía tây nam, tạo ra thế "bao vây" đối với đảo Ba Bình. Có quan chức nước ngoài phán đoán, sau khi hoàn thành các công trình như bến tàu, căn cứ ở đá Châu Viên, đá Gạc Ma và đá Gaven, Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập (phi pháp cái gọi là) Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông.

Đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina TQ)
Đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina TQ)

Ông còn hỏi, nếu Trung Quốc thật sự thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, trong tương lai, máy bay vận tải C-130 của Đài Loan bay đến đảo Ba Bình tiếp tế phải chăng có thể bị Trung Quốc yêu cầu thông báo, thậm chí bị máy bay quân sự Trung Quốc giám sát? Lý Tường Trụ cho rằng, "rất lo ngại".

Đông Bình