Tướng TQ Kiều Lương tự tin: "Y-20 hơn hẳn máy bay vận tại Nga IL-76!"

04/03/2013 06:00
Đông Bình
(GDVN) - Đây là tuyên bố của tướng học giả Kiều Lương - nếu đây là sự thật thì Quân đội Trung Quốc sắp có bước đột phá lớn về khả năng vận tải đường không.
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc bay thử lần đầu tiên
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc bay thử lần đầu tiên

Tờ “Khoa học Trung Quốc” vừa có bài viết cho rằng, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 bay thành công đã mang lại sự phấn chấn cho người Trung Quốc.

Nhưng, trên thực tế, phát triển máy bay vận tải cỡ lớn là một quá trình gian nan và lâu dài. Đối với Trung Quốc, chỉ dựa vào nhập khẩu máy bay vận tải cỡ lớn của nước ngoài để làm lực lượng chủ lực của không quân, rõ ràng là có rất nhiều vấn đề.

Theo bài báo tuyên truyền, Mỹ và Nga cũng sẽ không bán máy bay vận tải cỡ lớn tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Tuy các chỉ tiêu của máy bay Y-20 "đã vượt" IL-76 nhập của Nga, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thiếu tướng Kiều Lương, học giả quân sự, giáo sư Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc là người từng lái các loại máy bay vận tải gồm Y-5, IL-12, IL-14, An-24, An-30, nhưng chúng đều không phải là máy bay vận tải cỡ lớn. Vì vậy, đối với Kiều Lương, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 của Trung Quốc lần đầu tiên cất cánh gây nhiều cảm xúc.

Bài báo cho rằng, trong xây dựng quốc phòng và xây dựng kinh tế, lực lượng vận tải quân sự đường không đóng vai trò rất rõ ràng.

Ngay từ thập niên 60 của thế kỷ 20, Quân đội Trung Quốc đã ý thức được tầm quan trọng của vận tải quân sự đường không, đồng thời đã lần lượt nghiên cứu chế tạo ra máy bay vận tải quân sự Y-8 và Y-7H, sau đó trang bị hàng loạt cho quân đội.

Thiếu tướng Kiều Lương - giáo sư Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc
Thiếu tướng Kiều Lương - giáo sư Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc

Sau này, Quân đội Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều máy bay vận tải cỡ lớn IL-76, hình thành khả năng vận tải quân sự đường không nhất định. Những lực lượng vận tải đường không này chủ yếu dùng cho điều động binh lực, trang bị và vận tải khẩn cấp vật tư cứu hộ cứu nạn. Nhưng, sự ra đời của máy bay Y-20 được bài báo cho là mở ra một cục diện mới.

Tuy nhiên, Y-20 hầu như cũng còn tồn tại một số điểm còn phải chờ để cải thiện. Có phương tiện truyền thông Nhật Bản cho rằng, máy bay Y-20 bay thử thành công sẽ giúp Trung Quốc tiến thêm một bước tới “câu lạc bộ hàng không ưu tú” (quốc gia có thể tự chủ sản xuất máy bay vận tải hạng nặng xuyên lục địa). Nhưng, bay thử cũng có thể bộc lộ ra khiếm khuyết vẫn còn tồn tại của ngành hàng không Trung Quốc, đồng thời làm nổi bật những điểm yếu chiến lược khi một nước phải nhập khẩu động cơ.

Ba thách thức lớn nhất của một chiếc máy bay là cánh, vật liệu composite/luyện kim và động cơ.

Chế tạo cánh máy bay vẫn là một trong những lĩnh vực then chốt, các doanh nghiệp đỉnh cao như Boeing cũng rất ít thuê bên ngoài, trong khi đó Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (đơn vị nghiên cứu phát triển Y-20) vẫn để cho Công ty hàng không Antonov giúp họ phát triển cánh máy bay cho máy bay phản lực ARJ-21.

Luyện kim là một ngành khó, Nga từng đầu tư nguồn lực to lớn cho phương diện này, trong khi tri thức của Trung Quốc về nó hầu như vẫn chưa đủ.

Máy bay vận tải IL-76 Nga trang bị động cơ D-30KP-3.
Máy bay vận tải IL-76 Nga trang bị động cơ D-30KP-3.

Cuối cùng, động cơ máy bay vẫn là điểm yếu lớn nhất, là “nút cổ chai” của lĩnh vực hàng không Trung Quốc.

Thông thường, động cơ của máy bay vận tải quân sự được phân thành 4 loại: động cơ phản lực tuabin cánh quạt-turboprop, động cơ phản lực-turbojet, động cơ phản lực-turbofan, động cơ phản lực cánh quạt-propfan.

Động cơ turboprop thường dùng nhiều cho máy bay vận tải hạng nhẹ và hạng trung, động cơ turbojet và động cơ turbofan dùng nhiều cho máy bay vận tải hạng nặng hoặc chiến lược.

Vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, có một số máy bay vận tải sử dụng động cơ turbojet, nhưng so với động cơ turbofan được phát triển sau này, tỷ lệ tiêu hao năng lượng hơi cao, không kinh tế lắm, dần dần bị đào thải.

Máy bay vận tải quân sự cỡ lớn hiện nay đều sử dụng động cơ turbofan, tỷ lệ tiêu hao nhiên liệu thấp hơn, nhưng gia công có độ khó rất cao, chu kỳ nghiên cứu phát triển phải dài hơn máy bay.

Lý Kiệt, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc nói với báo chí rằng, chương trình Y-20 giống như các chương trình máy bay khác, cũng đang đối mặt với vấn đề nan giải tương tự, đó là động cơ.

Nhưng, nếu khắc phục được vấn đề khó khăn này, thì khả năng điều động lực lượng quân sự tới chiến trường hoặc khả năng vận chuyển vật tư của Quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ được tăng cường.

Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc

Ông Kiều Lương cho rằng: “Chu kỳ nghiên cứu phát triển động cơ máy bay thường dài hơn 5-6 năm trở lên so với chu kỳ nghiên cứu chế tạo thân một chiếc máy bay; việc nghiên cứu chế tạo động cơ luôn là “nút cổ chai” của ngành chế tạo máy bay Trung Quốc. Các nước phương Tây như Mỹ cũng tiến hành phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc”.

Hiện nay, máy bay vận tải Y-20 đã trang bị 4 động cơ D-30 của Nga, lực đẩy hơi nhỏ. Nhưng, ông Kiều Lương cũng tiết lộ, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển động cơ nội địa và sắp kết thúc, trong tương lai lượng tải trọng của Y-20 có thể còn tiếp tục tăng khoảng 10 tấn.

Đông Bình