Vệ tinh Bắc Đẩu TQ đã được Liên Hợp Quốc chính thức cho phép?

07/12/2014 09:01
Việt Dũng
(GDVN) - Hệ thống Bắc Đẩu được chính phủ ủng hộ, lắp hệ thống dẫn đường cho hơn 50.000 tàu cá trong đó có tàu ở khu vực Biển Đông, ngoài ra muốn phủ sóng toàn cầu.
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, Trung Quốc
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 tháng 12 dẫn trang mạng "Thời báo New York" Mỹ ngày 4 tháng 12 đăng bài viết "Hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc tiến một bước về phía trước" cho rằng, hệ thống dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc đã được Tổ chức hàng hải quốc tế công nhận. Đây là một bước đi quan trọng để hệ thống này hướng tới mục tiêu của nó: được toàn thế giới tiếp nhận, có thể so sánh với hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS).

Tại hội nghị từ ngày 17 đến ngà 21 tháng 11, Ủy ban an toàn hàng hải - Tổ chức hàng hải quốc tế phụ trách xây dựng tiêu chuẩn vận tải biển quốc tế của Liên hợp quốc chính thức đưa hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc vào hệ thống dẫn đường vô tuyến điện toàn cầu.

Điều này có nghĩa là, sau GPS của Mỹ và GLONASS của Nga, hệ thống dẫn đường của Trung Quốc đã trở thành hệ thống dẫn đường vệ tinh trên biển được Liên Hợp Quốc công nhận.

Chuyên gia Kevin Pollpeter, Đại học California, người chuyên phụ trách nghiên cứu chương trình vũ trụ Trung Quốc và chiến tranh thông tin cho rằng, đây là "thừa nhận hệ thống Bắc Đẩu có thể cung cấp thông tin định vị đầy đủ, chính xác trong phạm vi phủ sóng của nó".

Vào năm 2000, Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống Bắc Đẩu, sau đó đầu tư nguồn vốn khổng lồ để phát triển nó nhằm triển khai cạnh tranh với GPS và giảm lệ thuộc của nước này vào GPS của Mỹ. Trung Quốc đã quy định các cơ quan Chính phủ phải sử dụng Bắc Đẩu, bao gồm Bộ Công an cùng với các cơ quan như cứu nạn và du lịch. Trung Quốc còn lắp hệ thống dẫn đường này trên hơn 50.000 tàu cá, trong đó có các tàu ra vào khu vực Biển Đông.

Nhưng, chuyên gia phân tích cho rằng, hệ thống Bắc Đẩu còn chưa hoàn thiện và hầu như không thể chống lại GPS trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, GPS chiếm 95% thị trường dẫn đường Trung Quốc. "Tôi hoàn toàn không cho rằng thông báo (của Tổ chức hàng hải quốc tế) sẽ làm tăng vọt nhu cầu đối với hệ thống Bắc Đẩu" - Kevin Pollpeter nói. Theo Kevin Pollpeter, nguyên nhân ở chỗ độ tin cậy, độ chính xác được công nhận mấy chục năm qua của GPS cùng với chi phí đầu cuối giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, hệ thống Bắc Đẩu được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, năm 2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc từng thúc giục các nhà nghiên cứu nâng cao tính năng chống gây nhiễu cho hệ thống Bắc Đẩu, đồng thời cho biết hệ thống này là một "cột mốc" trong xây dựng thông tin hóa quốc gia và quân đội. Năm tiếp theo, Ủy ban phát triển cải cách quốc gia Trung Quốc đã xây dựng quy hoạch phát triển trung và dài hạn "ngành nghề Bắc Đẩu".

Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn không thỏa mãn với việc hệ thống này chỉ ứng dụng ở trong nước, mà còn có kế hoạch phóng 35 vệ tinh quỹ đạo tĩnh và không tĩnh trước năm 2020 để thực hiện mục tiêu phủ sóng toàn cầu. Theo truyền thông Trung Quốc, để thúc đẩy các nước châu Á khác sử dụng Bắc Đẩu, Trung Quốc luôn cung cấp dịch vụ dân dụng miễn phí.

Lượng lớn tàu cá Trung Quốc ra biển
Lượng lớn tàu cá Trung Quốc ra biển

Kevin Pollpeter cho rằng, do lo ngại Mỹ "làm gián đoạn hoặc làm yếu đi tín hiệu GPS cung cấp cho Trung Quốc, dẫn tới vũ khí dẫn đường chính xác của họ 'mất thông minh', Bắc Đẩu hy vọng hạ thấp sự lệ thuộc vào GPS.

Ngoài ra, đằng sau việc thúc đẩy phát triển hệ thống Bắc Đẩu còn có nhân tố kinh tế. Đế năm 2020, "sản phẩm dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc và quy mô thị trường dịch vụ hứa hẹn đạt 400 tỷ nhân dân tệ", Trung Quốc hy vọng Bắc Đẩu chiếm 70 - 80% thị phần.

Việt Dũng