Video: A Rập Saudi công khai tên lửa Đông Phong-3 trong diễu binh

05/05/2014 16:04
Lê Dũng Cường
(GDVN) - Tạp chí Mỹ Newsweek cuối tháng 1/2014 cho hay Trung Quốc cũng đã bí mật chuyển cho Ả Rập Saudi tên lửa tầm trung DF-21 tân tiến.

Các trang mạng, tạp chí thông tin quốc phòng như Defenseupdate, Jane’s Defence Weekly đưa tin cho biết,  29/4, Ả Rập Saudi lần đầu tiên công khai  tên lửa đạn đạo tầm trung Dong Feng-3 (DF-3) của mình trong lễ duyệt binh đánh dấu kết thúc cuộc tập trận lớn nhất của nước này trong năm nay.

Trang  Defenseupdate cho biết các quả tên lửa DF-3 mà Ả Rập Saudi vừa công bố chính là kết quả của việc chuyển giao bí mật giữa nước này và Trung Quốc vào năm 1987.

Trước đó, Ả Rập Saudi đã muốn sở hữu tên lửa đạn đạo từ khi xảy ra chiến tranh Iraq-Ira khi Washington từ chối bán tên lửa tầm ngắn cho Vương quốc này.

Đây được xem như là cách Ả Rập Saudi muốn cho các nước trong khu vực cũng như thế giới biết tới lực lượng tên lửa chiến lược của họ. Bên cạnh đó truyền thông Ả Rập Saudi cũng đưa tin về trụ sở làm việc của Bộ tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược của nước này tại Riyadh được khánh thành vào năm 2010.

Dong Feng 3 hay gọi tắt là DF-3 (định danh của NATO là CSS-2) là tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu lỏng một tầng, được phát triển bởi Trung Quốc trong những năm 1960-1970.

DF-3 được trạng bị động cơ nhiên liệu lỏng YF-20 với độ tin cậy thấp. Động cơ này gồm 4 vòi phun cung cấp lực đẩy tối đa 104 tấn, thời gian cháy liên tục 130 giây.

Tên lửa DF-3 có chiều dài 20,65 mét, đường kính 2,25 mét, tầm bắn thiết kế khoảng 2.650km, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân 3Mt hoặc đầu đạn thông thường, độ chính xác được đánh giá là nằm ở mức kém.

Tạp chí Mỹ Newsweek cuối tháng 1/2014 cho hay Trung Quốc cũng đã bí mật chuyển cho Ả Rập Saudi tên lửa tầm trung DF-21 tân tiến hơn, có khả năng tấn công vệ tinh và tàu sân bay trên biển, nhưng tên lửa DF-21 không được mang trưng bày trong cuộc duyệt binh vừa qua.

Ông Henderson cho biết mặc dù Mỹ vẫn là nhà cung cấp khí tài quân sự hàng đầu của Ả Rập Saudi, nhưng quan hệ hai nước hục hặc do vấn đề Iran và một số vấn đề ngoại giao khác khiến Ả Rập Saudi chuyển hướng sắm khí tài quân sự của các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Lê Dũng Cường