Viện Bảo tàng của chiếc tăng huyền thoại T-34

27/11/2011 14:15
Theo Nuocnga.net
Tại làng Sholokhov ở ngoại ô Mát-xcơ-va, có một viện bảo tàng là duy nhất trên toàn thế giới: viện bảo tàng về chiếc xe tăng T-34.
Xe tăng T-34-85 trên chiến trường
Xe tăng T-34-85 trên chiến trường
Chính ở đây, tháng 12 năm 1941, trong những ngày phản công ác liệt của quân đội xô-viết ở cửa ngõ thủ đô Mát-xcơ-va, các tiểu đoàn gồm những chiếc “ba mươi tư” đã xung trận: chưa bao giờ bọn phát-xít xâm lược ngờ rằng chúng sẽ vấp phải số lượng lớn những chiếc xe quân sự xô-viết hiện đại vào loại nhất thời đó như vậy.

Vào trước dịp kỷ niệm 60 năm đánh tan bọn Hitler ở ngoại ô Mát-xcơ-va, viện bảo tàng này đã được lập ra, để vinh danh chiếc xe tăng hạng trung ưu tú nhất thời chiến tranh thế giới thứ hai.
 
Năm 1940, vào thời điểm cỗ chiến xa này xuất hiện, thì trên thế giới còn chưa có loại xe nào tương tự. Chiếc tăng mang trong mình nó nhiều thiết bị kỹ thuật mới. T-34 được  trang bị động cơ điezel 12 xi-lanh công suất 500 mã lực – kinh tế hơn và đỡ hao nhiên liệu hơn là các động cơ xô-viết và các động cơ chủ yếu chạy xăng của các xe ngoại hồi bấy giờ.

Nhờ được lắp bánh xích rộng bản, T-34 có khả năng vượt qua địa hình không đường xá một cách dễ dàng. Hệ thống bảo vệ bọc thép chống đạn được suy tính và đạt đến độ tuyệt vời với công nghệ ghép lá thép. Tháp pháo không ghép mà đúc liền, trên có đặt pháo cỡ nòng 76 ly. Đạn pháo xuyên thủng dễ dàng những chiếc xe tăng Đức của thời đầu chiến tranh, ngay cả khi ở cự ly cách 1.500mét.

Ngược lại, thậm chí ở khoảng cách chỉ hơn 500 mét, đạn của tăng Đức vẫn chẳng làm gì được tăng T-34. Từ cuối năm 1943, xe bắt đầu được trang bị tháp pháo mới và khẩu pháo mạnh hơn, tầm xa hơn, cỡ nòng 85 ly, cho phép T-34 chiến đấu ngang sức với những xe tăng hạng trung mới nhất của Đức là những chiếc “Panther - Con báo”, rồi sau xe tăng xô-viết càng thêm tự tin hơn khi giáp trận và giành chiến thắng trước các “Tiger - Con hổ”, là xe tăng hạng nặng của nước Đức phát-xít.
 
Nhân đây cũng nên kể rằng,  ngay từ năm 1942, qua một chiếc xe mà quân phát-xít cướp được, các kỹ sư Đức đã cố mô phỏng mẫu xe T-34, nhưng họ đã không thể lặp lại được chính xác những kinh nghiệm của các công trình sư xô-viết, là Mikhail Koshkin, Alecsandr Morozov và Nikolai Kucherenko.

Trong chiếc xe tăng xô-viết bao hàm những giải pháp công nghệ mà người Đức còn chưa nắm vững. Qua những năm chiến tranh thế giới thứ hai, nền công nghiệp Liên Xô đã cho xuất xưởng gần 60 nghìn chiếc xe tăng theo mẫu này.

Tháng Tám năm 1945, T-34 đã tích cực tham gia vào công cuộc đánh tan bọn quân phiệt Nhật Bản ở miền Bắc Trung Quốc và ở Triều Tiên, những xe tăng xô-viết đã luôn luôn chiếm thế thượng phong tuyệt đối so với xe tăng của đối thủ. Sau đó, còn gần 10 năm nữa, loại xe tăng này có mặt trong hàng trang bị của Quân đội Liên Xô, và còn được cung cấp để tăng cường sức mạnh cho hàng loạt quân đội nước ngoài, trong đó có Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Bây giờ, tại Bảo tàng xe tăng đang hoàn tất các công tác để chuẩn bị một lần nữa đón ngày hội kỷ niệm trận đánh ngoại ô Mát-xcơ-va. Để có cái nhìn toàn thể sinh động hơn, các cán bộ Bảo tàng đã dựng lại một số hoạt cảnh chiến đấu, dưới dạng thu nhỏ, và thế là có một sa bàn mô phỏng chiến sự tuyệt vời.

Những chiếc xe tăng đồ chơi, những người lính tí hon, tiếng réo của đạn, ánh  lóe sáng từ các vụ nổ…, tất cả trông y như thật. Bà Larisa Vasilevna lãnh đạo tổ hợp bảo tàng, còn cho biết thêm về một vài chi tiết trong sa bàn này: “Ở đây mô tả cả những giờ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của các chiến sĩ ngoài mặt trận, rồi cảnh Quân y viện,… tóm lại, mô tả toàn bộ cuộc sống của lính tăng, chỉ có điều là với những hình mẫu kích thước thu nhỏ…”.
 
Trên các bệ, có đặt những xe tăng T-34 khác nhau, thứ tự theo những mẫu cải tiến, rồi những đồ vật được bảo quản cẩn thận của lính tăng và những người đã chế ra mẫu xe tăng này. Ở Bảo tàng, khách thăm có thể ngồi lên chiếc xe T-34 giành để huấn luyện.

Thậm chí bạn có thể tự mình tiến hành trận đánh ước lệ trên chiếc xe điện tử huấn luyện T-72 hiện đại. Đây là mục khiến các vị khách nhỏ tuổi say mê nhất khi đến thăm bảo tàng. Các em bé còn rất thích vuốt ve những chiếc xe tăng lưu niệm – theo nghĩa đen, như thế là được tận tay chạm vào lịch sử!
 
Bà Larisa Vasilevna trìu mến nhận xét rằng, các cựu chiến binh, những chiến sĩ mặt trận năm xưa, mỗi khi đến đây đều luôn cố gắng đưa ra cho các nhân viên bảo tàng những lời khuyên về đủ thứ, đôi khi các cụ soi đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Nhưng các cán bộ bảo tàng không khi nào phật ý, bởi chân lý bao giờ cũng quí giá hơn cả. “Các cựu chiến binh là những con người tuyệt vời, nghiêm khắc nhưng trung thực. Họ đòi hỏi chân lý, đòi mọi thứ phải đúng sự thật. Mà đặc biệt là các cựu binh xe tăng. Chúng tôi rất kính trọng các cụ, có nhận xét gì là chúng tôi chạy đến liền, ghi lại tất cả những gì các cụ nói, để rồi sau nghiên cứu đưa vào công việc, làm cho bảo tàng ngày càng tốt hơn…”
 
Bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng xe tăng Nga thường xuyên được bổ sung. Và hầu như tất cả các hiện vật mới đều liên quan đến cỗ chiến xa huyền thoại thời chiến tranh thế giới thứ hai - những chiếc xe “ba mươi tư” mà cho đến ngày nay vẫn là biểu tượng của đội quân xe bọc thép Nga, còn trong quan hệ kỹ thuật, thì là chiếc xe thủy tổ của tất cả các dòng xe tăng xô-viết và Nga thời hậu chiến: từ T-44 cho đến T-90.
 

Theo Nuocnga.net