Xem sinh viên dân sự Việt Nam tập trận đánh chiếm đầu cầu

18/02/2012 17:45
Ngọc Khánh
(GDVN) - Những sỹ quan làm công tác huấn luyện phải tạo ra môi trường giáo dục phù hợp tính chất, đặc điểm môn học và tâm lý của sinh viên.
Trung tâm Giáo dục quốc phòng (GDQP) Hà Nội 1 thuộc Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội là một trong gần 20 trung tâm giảng dạy quốc phòng trên cả nước.

Thành lập vào tháng 9/1994, đến nay với gần 18 năm hình thành và phát triển, trung tâm đã liên kết giáo dục quốc phòng cho sinh viên của 14 trường đại học, cao  đẳng, lưu lương trên 12.000 học sinh, sinh viên hàng năm. 

Với nội dung các môn học như đường lối quân sự, công tác quốc phòng an ninh, kỹ chiến thuật bộ binh...trung tâm có năng lực tổ chức GDQP – AN cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và phổ thông trung học. Đồng thời, trung tâm cũng đào tạo giáo viên GDQP, sĩ quan dự bị. Công việc giảng dạy bộ môn GDQP mang tính chất đặc thù bởi mỗi cán bộ sỹ quan phải có năng lực chuyên môn tốt về mặt lý luận và trên thao trường. Đối với việc huấn luyện quốc phòng với sinh viên cần phải có sự linh hoạt, mềm dẻo trong cách chuyển tải nội dung đào tạo vốn “khô”, “khó” này. Từ thực tiễn đào tạo, đòi hỏi những sỹ quan làm công tác huấn luyện phải tạo ra môi trường giáo dục phù hợp tính chất, đặc điểm môn học và tâm lý của sinh viên.
Đại tá Đinh Tùng Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm GDQP Hà Nội 1 khẳng định tầm quan trọng của việc thực nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự với công tác giảng dạy.

“Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học được coi là trọng tâm.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của trung tâm đều nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra và trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, nâng cao trình độ, nhất là trình độ sư phạm cho  các giảng viên”, ông Sơn cho biết.

Hiện nay, hơn 80% số các bài giảng của trung tâm được soạn thảo theo phương pháp giáo án điện tử.

Thực tế giảng dạy GDQP, an ninh thường gắn liền với hoạt động của chiến sỹ trên chiến trường, vì vậy đào tạo giáo viên GDQP đòi hỏi có một trình độ tương đương sĩ quan lục quân thì mới đáp ứng được nhu cầu thao trường, bãi tập, cơ sở vật chất huấn luyện. 
Khu sinh hoạt nội trú của trung tâm được đầu tư xây dựng thêm 3 dãy nhà 5 tầng khang trang, sạch sẽ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt cho các chiến sỹ. Trung tá Nguyễn Văn Vốn – Trưởng phòng hành chính tổng hợp công tác chính trị, Trung tâm GDQP Hà Nội 1 cho biết:

Thời gian tập quân sự tại trung tâm với những nội dung học và sinh hoạt khác hơn đời thường nên chúng tôi xây dựng thời gian biểu cho 1 ngày hoạt động. Ban ngày, các em học trên giảng đường, thao trường.Buổi chiều sau khi học xong thì các em lại chơi trò chơi tập thể như kéo co, đá cầu, ai có nhiệm vụ đi dọn vệ sinh thì phải làm. Như vậy, mọi người sẽ cuốn vào những hoạt động phong trào, tạo cảm giác gần gũi, thân thiết với nhau hơn.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, phần lớn các giảng viên quân sự đang công tác tại trung tâm đều trưởng thành trong hoà bình. Vì vậy đòi hỏi mỗi người phải có tư duy khoa học biện chứng, nghiên cứu tìm tòi, trao đổi kinh nghiệm.

Thực tiễn cuộc sống đặt ra những yêu cầu bức thiết về việc đào tạo, rèn luyện thế hệ trẻ có phẩm chất chính trị vững vàng, biết quan tâm tới cộng đồng nên những ngày làm lính tại “doanh trại” đặc biệt này sẽ là nền tảng vững chắc trong hành trang vào đời của các bạn sinh viên.

Dưới đây là video ghi hình nội dung huấn luyện chiến thuật "Đánh chiếm đầu" cầu cấp phân đội dành cho đối tượng sinh viên tại Trung tâm:
Ngọc Khánh