"Tôn sư trọng đạo", đừng để cái xấu làm lu mờ điều tốt đẹp

18/03/2019 06:17
Trần Phương
(GDVN) - Quan hệ thầy trò từ ngàn xưa tới nay luôn là mối quan hệ đáng kính và đáng trân trọng.

Nhưng ngày nay nhiều học trò dường như đã quên mất lễ nghi với thầy cô, thiếu sự tôn trọng với thầy cô, coi thường việc học.

Ở đâu đó chúng ta còn thấy những thầy giáo không đủ tư cách làm tấm gương, những cô giáo thiếu tinh thần trách nhiệm, những học trò bàng quan với việc học với tương lai, cuộc đời.

Thậm chí, nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức thầy-trò.

Những thông tin xấu về giáo dục như học sinh không tôn trọng giáo viên, thầy cô bạo lực với học trò, phụ huynh với giáo viên, tình trạng thiếu công bằng, gian lận trong thi cử, chuyện mua bán các kết quả học tập được lan truyền trên các phương tiện đại chúng khiến hình ảnh giáo dục nước ta ngày càng tệ.

Những hình ảnh đẹp về thầy cô, về tình thầy trò rất nhiều ở thực tế học đường phần nào bị lu mờ do quá nhiều người chia sẻ những những hình ảnh xấu lên mạng xã hội.

Mỗi khi có một vụ việc liên quan đến những lệch chuẩn về quan hệ giữa thầy và trò, dư luận lại nổi lên cơn “cuồng nộ”.

Sự quy chụp trút lên cả một nền giáo dục, trong khi đó chỉ là chuyện của những cá nhân, những con sâu làm rầu nồi canh.

Thầy cô như mẹ hiền. (Ảnh: Báo Phú Thọ Online.)
Thầy cô như mẹ hiền. (Ảnh: Báo Phú Thọ Online.)

Điều đó đang thiếu công bằng với những người ngày đêm cống hiến vì sự nghiệp giáo dục.

Sự phát triển của nền giáo dục nước ta hiện nay là sự vận động của cả một hệ thống. Trong quá trình phát triển của giáo dục không tránh khỏi những tồn tại và hạn chế nhất định của giáo dục.

Cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng đối với các thầy cô giáo hiện nay, sự thiếu hụt về kỹ năng sống đã khiến một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội.

"Tôn sư trọng đạo", đừng để cái xấu làm lu mờ điều tốt đẹp ảnh 2Các tổ chức xã hội ở đâu trong mối quan hệ thầy trò?

Đó có thể coi là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.

Tuy nhiên, toàn xã hội đang phải đối mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.

Đối với học sinh đang có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống: thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình và nhà trường; vô lễ với cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn tuổi; thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái không dám đấu tranh…

Mối quan hệ thầy – trò cũng có nhiều thay đổi theo nền kinh tế thị trường.

Tuy vậy, mối quan hệ thầy – trò dù có thay đổi về hình thức nhưng không thể thay thế được bản chất bởi “Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc ta. Đó không chỉ là sự tôn kính người thầy mà còn thể hiện đạo lý làm người.

Thái độ “tôn sư” của dân tộc ta bắt nguồn từ tinh thần hiếu học và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Ngày nay, dù có sự thay đổi trong phương thức giáo dục, song mối quan hệ giữa thầy – trò vẫn luôn được đề cao.

Mối quan hệ đó không chỉ là nét đẹp văn hoá, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà cũng là một con đường để tiếp nhận văn hoá một cách tốt nhất.

Cô Trần Thị Thúy - cô giáo trường làng, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường Trung học phổ thông Đức Hợp (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) được vinh danh top 50 Giáo viên toàn cầu. (Ảnh: VNE)
Cô Trần Thị Thúy - cô giáo trường làng, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường Trung học phổ thông Đức Hợp (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) được vinh danh top 50 Giáo viên toàn cầu. (Ảnh: VNE)

Không thiếu những thày cô giáo trên những miền cao ngày đêm gieo chữ trên non cao, những người cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để góp phần đổi thay những xóm làng còn gian khó.

Ở miền xuôi, không thiếu những gương thầy cô đang ngày đêm sáng tạo ra những bài học hay, những sáng tạo mới cho bài học.

Đã có rất nhiều học sinh Việt Nam giành nhiều giải, nhiều huy chương vàng quốc tế trong những kỳ thi quốc tế.

Nhìn vào tổng thể nền giáo dục hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục của nước ta hiện nay đang phát triển rất nhanh.

Nền giáo dục toàn dân đã và đang đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân và chất lượng nguồn nhân lực đang được nâng cao khi trình độ giáo dục đào tạo trình độ kỹ năng nghề nghiệp của người lao động được cải thiện.

"Tôn sư trọng đạo", đừng để cái xấu làm lu mờ điều tốt đẹp ảnh 4Tết của thầy Quý với học trò là bánh chưng tự gói, ít kẹo và chai nước ngọt

Việc tiếp cận đối với giáo dục cũng đang có nhiều tiến bộ nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới đã được đảm bảo.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã và đang được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục.

Công tác Xã hội hoá giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng từ đó có thể thấy cơ sở vật chất - kĩ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng thêm và từng bước hiện đại hoá.

Đoàn Việt Nam tham dự Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 lần thứ 29. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn Việt Nam tham dự Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 lần thứ 29. (Ảnh: TTXVN)

Không phải ngẫu nhiên, tháng 7/2018, nhóm chuyên gia Giáo dục của Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện thực hiện ghi chép về “Nguồn vốn nhân lực Việt Nam: Thành tựu Giáo dục đáng ghi nhận và những thách thức trong tương lai”.

Trong ghi chép, nhóm Giáo dục của Ngân hàng thế giới đã nhấn mạnh tác động mạnh mẽ từ các cam kết mạnh mẽ và liên tục của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển giáo dục, với cơ chế giải trình trách nhiệm cao và quyền tự chủ cho các trường học, được hỗ trợ hệ thống báo cáo và giám sát nội bộ và từ bên ngoài mạnh mẽ, có tác dụng thúc đẩy việc mở rộng và cải thiện hệ thống Giáo dục một cách liên tục.

Việc chi tiêu ngân sách vào đầu tư cho giáo dục cơ bản ở mức tương đối cao, với đầu vào căn bản và sự công bằng.

Có thể thấy, thế giới đang đánh giá cao sự phát triển của Giáo dục Việt Nam.

Do đó, dẫu có những điều chưa tốt nhưng nếu chỉ nhìn vào những cái xấu để đánh giá giáo dục thật không công bằng.

Đừng để những cái xấu làm mờ đi những điều tốt đẹp mà các thầy, cô đang đem lại cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Trần Phương