Binh pháp quan trường - Kế thứ năm “Đa ngân đắc tước”

03/11/2014 06:06
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Bí quyết quan trọng nhất của kế “Đa ngân đắc tước” là đừng chọn tước cao, trèo cao có ngày ngã đau, hãy tập trung nguồn lực để chọn “tước béo” ...

Mấy từ Hán Việt “Đa ngân đắc tước” là nhặt tạm các từ có trong dân gian ghép lại cho có vẻ “nho nhe” một chút chứ thực tình người viết, một chữ nho bẻ đôi cũng không biết. Viết thế chẳng qua là cho phù hợp với tâm lý “đồ ngoại tốt hơn đồ nội” mà thôi, nếu các vị cao nho có chê là dốt thì xin chấp nhận ngay chứ tuyệt đối không dám “múa rìu qua mắt thợ”.

Theo giải thích của mấy bác tài xế ôm eo:  “đa” là nhiều, “ngân” là tiền, “đắc” là được còn “tước” thì là chức tước chứ không phải là tước vị.

Binh pháp quan trường - Kế thứ năm “Đa ngân đắc tước” ảnh 1“Ghế cao” cộng “văn hóa lùn” = ?

(GDVN) - Cổ nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu “Ra cát”?

Tước vị có những tiêu chuẩn rất chặt chẽ không thể mua bằng tiền, chẳng hạn với người Á đông: “Đế” chỉ dành cho Vua, “Vương” chỉ dành cho anh em, con cháu của Vua như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, còn họ hàng xa với Vua thì có thể phong tước “Hầu” như Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Ở châu Âu, tước vị có năm bậc từ cao xuống thấp là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. “Công tước” là bậc cao nhất của quan lại, quý tộc dưới Vua, “Nam tước” là bậc “bét nhất” trong hàng quý tộc. Ngày nay còn thêm tước “Hiệp sĩ” (tiếng Anh là Sir) dùng để phong cho những người có công với đất nước (không phân biệt quý tộc hay thường dân), chẳng hạn cựu huấn luyện viên trưởng đội MU, Alex Ferguson được Nữ hoàng Anh phong là Sir, tuy nhiên để tỏ lòng kính trọng người nào đó người ta cũng vẫn có thể gọi họ là “Sir” nhưng đó không phải là “Sir hiệp sĩ”.

Dân gian chẳng mấy người quan tâm đến chữ nho, họ bảo cứ huỵch toẹt “có tiền mua tiên cũng được”  hay “nén bạc đâm toạc tờ giấy” cho dễ nghe, dễ hiểu nhưng khổ nỗi đã chót “nho nhe” rồi, sửa chữa ngại lắm, nhất là khi cái tật cù lì nó đã ăn sâu vào tận chỗ ngồi, nhổm mông còn không muốn huống hồ sửa đi sửa lại.

Có thật là “có tiền mua tiên cũng được không”? Câu trả lời dứt khoát là không, đấy chỉ là chuyện ngày xửa ngày xưa các cụ nhà ta tiện nói theo vần nên mới đưa chữ “tiên” vào sau chữ “tiền”. “Tiên” chỉ là do trí tưởng tượng của con người chứ tìm đâu ra Tiên trên trần thế?.

Các cụ thế mà hóm, tiền đâu có thể mua được mọi thứ, nhưng mà nghĩ lại, không có tiền thì chắc chắn chẳng mua được thứ gì.

Ngày nay những vị túi rủng rỉnh thì thầm rỉ tai nhau: “nhiều “chỉ” mua dì xong béng”, chữ “dì” ở đây là “dờ cao – d” chứ không phải “dờ thấp - g”. Họ rất thực tế vì các “dì” chân dài, vòng một cỡ 90 tìm không khó, miễn là có nhiều “chỉ”. Chẳng thế mà khi ra hầu tòa dư luận mới biết anh em Chí Dũng – Tự Trọng ở Hải Phòng đều có những “căn cứ bí mật” tận tít các chung cư cao cấp cho “dì” và hậu duệ của mình.

Trở lại chuyện “Đa ngân đắc tước”, ở tận bên Mỹ quốc xa xôi, mỗi kỳ bầu Tổng thống, các ứng viên đều có Ủy ban vận động bầu cử, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của ủy ban này là kiếm tiền, nói văn vẻ là “gây quỹ vận động tranh cử”. Theo CNN, ba ứng cử viên Clinton, Obama, và Romney chỉ trong ba tháng đầu năm 2007 đã thu được số tiền ủng hộ trên 20 triệu USD để chi cho cuộc tranh cử .

Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào phương tiện truyền thông và phẩm chất chính trị chuyên nghiệp đã làm cho vận động bầu cử ngày càng tốn kém. Các ứng viên tổng thống chi 607 triệu USD trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, trong khi các ứng viên vào Quốc hội chi hơn 1 tỷ USD. [1]

Binh pháp quan trường - Kế thứ năm “Đa ngân đắc tước” ảnh 2Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”

(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được

Ngoài khả năng ứng đối và dự kiến các chính sách đối với quốc gia thì số tiền chi tiêu khổng lồ cỡ hàng chục nghìn tỷ (đồng Việt Nam) đã giúp một số người  đắc cử Tổng thống Mỹ, điều này cho thấy không có tiền làm sao giành được chức Tổng thống!

Bên Mỹ người ta dùng tiền để giành các loại “ghế” là công khai, còn bên ta việc này người nói có, người nói không, khó mà phân biệt ai đúng, ai sai.

Ông Trần Trọng Dực- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố Hà Nội phát biểu: “chạy công chức tốn không dưới 100 triệu đồng”. Trong khi đó ông Trần Huy Sáng- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội- cho biết “Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra xác minh, đến ngày 4/1/2013 chưa phát hiện trường hợp nào đưa và nhận tiền để chạy công chức”. Ông Sáng  khẳng định “thông tin chạy biên chế 100 triệu đồng mà Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đưa ra chỉ là tin đồn của dư luận”. [2] Người ngồi quán nước bảo nhau ông Trần Trọng Dực nói sai hoàn toàn, cái số tiền “muỗi” ấy làm sao mà chạy được công chức, ngay cả chân y tá bệnh viện công cũng còn to bằng con nhặng chứ không thể là “muỗi”!

Bí quyết quan trọng nhất của kế “Đa ngân đắc tước” là đừng chọn tước cao, trèo cao có ngày ngã đau, hãy tập trung nguồn lực để chọn “tước béo”, chẳng hạn các tước gắn liền với ODA, với đất cát, khoáng sản... Cứ nhìn PMU18, Huỳnh Ngọc Sĩ ở Sài Gòn, hay dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội là biết. Với nguồn vốn ODA vay của Nhật là 862.8 tỷ đồng mấy vị “tước rất lùn” bên đường sắt đã bỏ túi hơn 16 tỷ. 

Nhắc chuyện đất cát, lại nhớ đến ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch tình Bình Dương. Ông Cung bảo: “ông Dũng (“lò vôi”) sống được cũng nhờ “xương”, “máu” của tỉnh Bình Dương chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi”.

Ông Dũng “lò vôi” nhờ “xương”, “máu”, đất đai của tỉnh Bình Dương mà phất lên, còn ông Cung  thì ngược lại, tỉnh Bình Dương “phất lên” là do có công lãnh đạo của ông Cung, còn việc ông có tận dụng chút  “mủ”  từ mấy chục hecta cao su của Bình Dương (mà ông có được từ thời còn làm Phó huyện Bến Cát) để  xây biệt thự hay “đi đây đi đó” thăm hỏi “người quen”  thì đó là quyền công dân không ai được phép cấm đoán. Trên thế giới thiếu gì người văn hóa “ơ tì” mà vẫn là doanh nhân thành đạt, làm đến “chủ nọ tịch kia” huống hồ ở xứ ta, thế giới đều phục là có “gen thành đạt”.

Báo Tainguyenmoitruong.com.vn thuộc Bộ Tài Nguyên & Môi trường ngày 8/9/2014 thì lại “tăm tia” khá kỹ: “Việc thu hoạch vườn cao su ước tính 50 triệu đồng/ngày (tạm tính thu hoạch cao su từ năm 2000 – 2012 là khoảng 180 tỷ đồng – PV). Nếu thu nhập “khủng” như vậy, ông Lê Thanh Cung có kê khai tài sản, có kê khai thuế, và có thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân hàng năm với Nhà nước hay không? Và liệu có hay không việc trốn thuế?”. [3]

Vườn cao su vài chục héc ta của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có nguồn gốc là đất công? (ảnh và chú thích của báo Tainguyenmoitruong.com.vn)

Vườn cao su vài chục héc ta của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

có nguồn gốc là đất công? (ảnh và chú thích của báo Tainguyenmoitruong.com.vn)

Người đời chép miệng bảo:  ba cái thứ  “xương, máu, mủ” thì  có  khác nhau mấy đâu, cũng giống như “thờn bơn méo miệng” và “trai lệch mồm” mà thôi, chẳng biết đúng sai thế nào nên tốt nhất là đừng có bình luận.

Lại nữa, đừng có như mấy “tay mơ” cò con, cứ tưởng “thò ngân” là  “đắc tước”, thò không khéo có khi cả “bộ gõ”  đều rủ nhau lên hết mái nhà, mà các bác có nhớ ngày còn “mặc quần thủng rốn” (chẳng lẽ lại dùng cái từ thủng đ…) trẻ con nhổ răng sữa rồi ném đi đâu không?

Một vị làm ăn ở xóm “Bần  Tương”  tâm sự:  “em đến thăm mấy bác quen, sợ hoa quả bị giập nên lót ít giấy vụn có lẫn mấy tờ xanh, đỏ ở đáy túi, bị các bác đuổi thẳng cẳng. Ra quán kể chuyện, mấy đứa bạn bảo em ngu, nhà các bác ấy đủ các loại giấy báo trong nước, ngoài nước, mày “lót giấy” bị đuổi là phải. Nghe bạn khuyên, em tổ chức một chuyến đi khảo sát tình hình  thu hút vốn đầu tư  ODA (chứ không phải vốn tự có) tại miền đất được xem là năng động nhất nhì cả nước, sợ các bác không quen thông thổ nên phải bố trí mỗi bác một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tất cả đều tốt nghiệp loại ưu ở “Học viện ngoại ngữ Chỉ trỏ”. Ngày về, các bác đều khen món “hàng xách tay”  ấy quả là đáng “đồng sàng bát phở”. Ít lâu sau gặp lại, bác “nhớn nhất” cười rất vui, lại còn vỗ vai bảo “chú mày nhanh nhẹn, tháo vát thế phụ trách mảng văn hóa du lịch chắc hợp với năng lực”. Ngày em chuyển công tác, thằng bạn “quân sư quạt trần” nhăn nhó: “tao đang bị móm, mày còn ít giấy lót nào quẳng tao một nắm”, đành phải bảo nó “mày nhặt tạm chỗ nào dùng trước, vài tháng nữa mới có thể gom được chứ bây giờ tao còn “móm” hơn mày”.

Các cụ bảo “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” phải để “con chị nó đi” thì “con dì mới lớn”, mà khi “con dì” lớn hơn “con chị” thì lại phải để “nó đi”, chứ cứ khư khư ôm mãi “con dì” không muốn nhả ra thì có ngày lại theo ông “Đoản Tô”, “cóc chết ba năm, quay đầu về núi”, quê lúa xa tít mù tắp, thôi thì chẳng hẹn ngày về.

Kế sách này, chẳng qua là đạo ý tưởng của các bậc công tước, công hầu, công bộc… chứ nếu mà thành thạo đã chẳng phải ngồi mài chữ, kiếm mấy đồng bọ để uống bia cỏ, hút thuốc vặt với mấy chú hàng xóm.

Chuyện tiếu lâm hiện đại,  nghe lỏm một ít, bịa ra một ít, bác nào xìtin thì xìtin không tin thì xì ra, nhưng nhớ tìm chỗ gốc cây, bụi cỏ chứ đừng xì ra đường hay cạnh chỗ ngồi, kẻo người ta bảo ông Xuân Dương chỉ được cái xúi người lớn “ăn c. gà sáp”./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/tien-quy-van-dong-tranh-cu-my-co-tu-dau-1965759.html

[2] http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khong-co-chuyen-chay-cong-chuc-100-trieu-100494.bld

[3]http://tainguyenmoitruong.com.vn/vuon-cao-su-cu-chu-tich-tinh-binh-duong-co-nguon-goc-la-dat cong.html

XUÂN DƯƠNG