Bông hồng ngày 8/3 tặng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến!

07/03/2015 06:00
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Nỗi bức xúc được chia sẻ trên fanpage tốt hơn rất, rất nhiều so với việc giải tỏa bằng nắm đấm trong hành lang bệnh viện.

Ngày 3/3/2015 bbc.co.uk đưa tin “Bộ trưởng Y tế (Nguyễn Thị Kim Tiến) có fanpage trên Facebook”. Bangkok Post (Thái Lan) ngày 4/3 cũng đưa tin về việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành Bộ trưởng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội.

Bông hồng ngày 8/3 tặng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến! ảnh 1Báo Thái nói gì về trang Facebook của Bộ trưởng Y tế Việt Nam?

(GDVN) - "Nó cho thấy một cách làm việc cởi mở, minh bạch và dân chủ trong quan hệ với công chúng của Chính phủ", Giáo sư Thuyết cho biết.

Trên thế giới, việc các chính khách, người nổi tiếng lập các trang cá nhân là chuyện bình thường. Vì sao truyền thông trong nước và thế giới lại chú ý đến việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lập fanpage? Vì sao một việc tưởng như rất bình thường lại trở thành điều đặc biệt?

Có thể lý giải sự đặc biệt vì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là quan chức cao cấp đầu tiên của Việt Nam công khai địa chỉ kết nối trên mạng xã hội và cũng do sự khẳng định là người trực tiếp quản lý fanpage của mình. 

Càng đặc biệt nếu biết rằng tại TP. Hồ Chí Minh, nơi bà Tiến từng công tác, “chỉ có 50% lãnh đạo sử dụng thư điện tử” (ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thành phố phát biểu tại buổi họp HĐND tháng 12/2014).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Một nữ Bộ trưởng tự mình quản lý trang thông tin cá nhân trong khi 17 Bộ trưởng còn lại chưa công khai, hoặc chưa có, trong khi  50% lãnh đạo thành phố năng động nhất cả nước không biết sử dụng thư điện tử phải chăng chính là nguyên nhân làm nên sự đặc biệt của Bộ trưởng Tiến?

Không khó để tìm thấy các trang web mang tên các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các trang này nêu đầy đủ tên tuổi, chức vụ của lãnh đạo kèm theo biểu tượng Quốc huy hoặc phù hiệu ngành. Chúng tồn tại công khai và không bị “tường lửa” làm cho người đọc có cảm tưởng đó là thông tin chính thống. 

Tuy nhiên, chỉ cần lướt qua một vài trang thì thấy các trang này lấy tin bài, nói một cách chính xác là “ăn cắp” tin bài từ các nguồn chính thống mà không xin phép, thậm chí bỏ cả tên tác giả và nguồn trích dẫn. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy đó đều là các kênh thông tin giả mạo. 

Tuy thế, không hiểu vì sao chúng vẫn tồn tại mà không hề có sự cải chính hay công bố cho người dân biết đó không phải là kênh thông tin chính thức của các vị lãnh đạo?

Ảnh chụp màn hình trang web giả mạo tên một Bộ trưởng.
 Ảnh chụp màn hình trang web giả mạo tên một Bộ trưởng.

Với người dùng thông thường, nhất là giới trẻ, mạng xã hội chỉ là một kênh giao lưu, kết bạn, “chém gió” giết thời gian. 

Với giới nghệ sĩ, cầu thủ… mạng xã hội được sử dụng như một kênh quảng bá hình ảnh cá nhân và điều không thể tránh khỏi là đôi khi nó cũng trở thành cái chợ để những người không biết kiềm chế chửi bới lẫn nhau.

Với các nguyên thủ quốc gia, các yếu nhân trong chính quyền, mạng xã hội được xem là kênh thông tin hữu hiệu bậc nhất nhằm kết nối họ với người dân trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Khẳng định đó là kênh thông tin hữu hiệu bậc nhất vì các vị lãnh đạo có nhiều cách kết nối với người dân như tiếp xúc cử tri, thăm và làm việc, trả lời phỏng vấn… song không một phương tiện nào có thể giúp toàn bộ dân chúng bày tỏ ý kiến trực tiếp với lãnh đạo.

Theo một khảo sát mới được Cổng thông tin thống kê (The Statistics Portal) công bố tại địa chỉ http://www.statista.com/statistics/249498/twitter-adoption-rate-amongst-heads-of-state/, năm 2014 trong số 167 nguyên thủ quốc gia thì 136 người (82%) sử dụng tài khoản Twitter làm công cụ kết nối, năm 2010 con số này chỉ là 20%. [1]         

Có một câu hỏi thú vị là tại sao phần lớn các nguyên thủ quốc gia lại sử dụng Twitter, mạng xã hội lớn thứ hai thế giới chứ không phải là Facebook?

Câu trả lời có lẽ nằm ở hai khía cạnh, thứ nhất chỉ đơn thuần là vấn đề thuật ngữ. Trong tiếng Anh, động từ “Twit” nghĩa là tiếng hò hét, la mắng nhưng  “Twitter” lại có nghĩa là tiếng líu lo, lời thỏ thẻ.

Bảng thống kê tỷ lệ sử dụng Twitter của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Ảnh chụp màn hình
Bảng thống kê tỷ lệ sử dụng Twitter của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Ảnh chụp màn hình

Twitter tạo nên sự tin cậy, thân thiện giữa những người giao tiếp trong mạng. Còn thuật ngữ “Fanpage” được ghép bởi “fan” nghĩa là “người hâm mộ” và “Page” nghĩa là “trang”. Người ta dễ có cảm tưởng “fanpage” (trang dành cho người hâm mộ) là dùng cho giới Showbiz, giới cầu thủ, nghệ sĩ… để quảng bá thương hiệu hơn là sự trao đổi tâm tình. Tất nhiên đây chỉ là suy đoán chứ không phải là điều khẳng định.

Thứ hai là về phương diện kỹ thuật, Twitter là dịch vụ mạng xã hội cho phép viết nhiều nhất là 140 ký tự, nó có tính tương thích với tin nhắn SMS (Short Message Service) mà người dùng điện thoại di động đã rất quen thuộc. 

Twitter bắt buộc người viết phải cân nhắc câu chữ tránh dài dòng, nó cũng giúp cho người đọc (các lãnh đạo) không mất quá nhiều thời gian đọc thông tin từ phía người dân.

Dù là dùng Twitter hay Fanpage thì đó cũng đều là con dao hai lưỡi, muốn trao đổi, cập nhật thông tin thì phải dành thời gian, công sức và đặc biệt là phải cân nhắc từng câu, từng chữ trước khi post lên mạng. Một câu trả lời không cân nhắc kỹ có thể gây thảm họa khó lường, cũng giống như một nụ hôn có thể gây bão cộng đồng mạng.

Việc làm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tuy bình thường nhưng là một sự dũng cảm cần được cổ vũ, nói thế bởi trên đó (fanpage) có người đã dùng những lời lẽ không được lịch sự đối với Bộ trưởng mà BBC tiếng Việt ngày 3/5/2015 đã trích đăng.

Người ta thường nói “niềm vui chia đôi được hai niềm vui, nỗi buồn chia đôi vơi đi một nửa”, với tư cách một người dân, xin nhắn gửi Bộ trưởng Tiến rằng, nếu fanpage của Bộ trưởng được sử dụng như là nơi cho người dân trút giận, với những ngôn từ (có thể) thiếu kiềm chế thì đó cũng chính là thành công chứ không phải thất bại. 

Nỗi bức xúc được chia sẻ trên fanpage tốt hơn rất, rất nhiều so với việc giải tỏa bằng nắm đấm trong hành lang bệnh viện.

Hy vọng trong tương lai, người dân có thể biết thêm nhiều Twitter của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức xã hội khác. 

Tuy chưa thật rầm rộ, nhưng đã có thể thấy những động thái đáng được người dân ghi nhận từ phía lãnh đạo cao cấp và một số Bộ trưởng. 

Có thể xem fanpage của Bộ trưởng Tiến như là sự hưởng ứng ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin chính thống đến với nhân dân.

Chúng ta hy vọng là sự mở đầu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ kéo theo các Bộ trưởng “mày râu” vào cuộc và khi đó, biết đâu hình ảnh về những nhóm người khiếu kiện tập thể trước các trụ sở tiếp dân sẽ dần giảm bớt. 

Khi nỗi bức xúc được xua tan, khi niềm tin trở lại thì đó cũng chính là sự trả công của nhân dân mà người lãnh đạo xứng đáng được nhận. 

Xin mượn bài viết này thay một bông hồng tặng các vị nữ lãnh đạo nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung nhân ngày 8/3/2015./.

[1] This statistic gives information on the adoption rate of Twitter amongst heads of state from 2010 to 2014. As of December 2014, 82 percent of world leaders had Twitter accounts set up in their personal name or through an official government office. This represents 136 heads of state from 167 countries.

XUÂN DƯƠNG