Bốt gác khác cột điện thế nào?

02/03/2017 10:59
Xuân Dương
(GDVN) - Đã làm chuyện “động trời” ắt phải “có gan”, ông Hải hành pháp từng tuyên bố “không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh có hai ông “to” trùng tên là Ngọc Hải, một ông bên hành pháp đang làm Phó Chủ tịch quận “Nhứt” - theo cách nói của người miền Tây Nam Bộ.

Ông kia ở bên tư pháp, chức tước hình như “to” hơn một chút vì nghe nói “ông Hải tư pháp” ngoài chức vụ ở thành phố còn đảm nhiệm “thêm” công việc ở cơ quan tận Ba Đình - Hà Nội.

Mấy hôm nay, ông Hải hành pháp đang làm những việc “động trời”, ông cho xe cẩu cả xe ôtô công an, cả bục bảo vệ ngân hàng về quận xử lý. 

Cần phải thẩm tra tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Ngọc Hải

Không biết có phải bị “động chạm” hay không nhưng có người dựa vào một bức ảnh vu vơ đã gửi công văn yêu cầu ông bố trí gặp gỡ để làm “sáng tỏ” về bức ảnh mập mờ đó. 

May mà “dư luận” nói chung không bị mắc lừa, và “dư luận” cũng được minh oan khi người gửi công văn bị Bộ “bốn T” (Thông tin & Truyền thông) xử lý nghiêm khắc.

Đã làm chuyện “động trời” ắt phải “có gan”, ông Hải hành pháp từng tuyên bố “không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. 

Thực lòng, người viết mong ông đừng nản chí, phục vụ nhân dân hết mình với cái tâm trong sáng thì ngay cả khi “nhỡ” phải “về vườn” ông cũng chẳng việc gì phải “cởi áo”. 

Ông cứ diện “bộ củ” đàng hoàng, có thêm cái cà vạt hồng nơi cổ đến cơ quan tạm biệt đồng nghiệp, chẳng việc gì phải “lầm lũi mà đi” như ai đó mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng đề cập.

Quán ăn trên đường Nguyễn Hữu Cầu chiếm dụng vỉa hè kinh doanh, để xe (ảnh chụp ngày 27/2/2017 của tác giả P.L trên giaoduc.net.vn)
Quán ăn trên đường Nguyễn Hữu Cầu chiếm dụng vỉa hè kinh doanh, để xe (ảnh chụp ngày 27/2/2017 của tác giả P.L trên giaoduc.net.vn)

Nói được như ông Hải hành pháp, làm được như ông, dẫu chỉ là trong một quận cũng đủ để tự hào, vì bất kỳ ai một khi đã “đứng mũi” thì đương nhiên phải “chịu sào”. 

Điều thường thấy ở mình là xã hội ngày nay không thiếu người thích “chọc ngoáy”, khi “chọc ngoáy” họ dùng tất cả những thứ có thể mà thông dụng nhất có lẽ là “sào”, nếu ông Hải (hành pháp) có phải “chịu sào” thì cũng chẳng nên chấp nhặt, ông cứ vui vẻ đi vì “gái có công, chồng không phụ”. 

Người Tây có câu ngạn ngữ “chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến”, người Nga thì nói khác đi một chút: “chó sủa thì gió mang đi” (лай собак и ветер унес).

Thế nên làm việc nước mà sợ bóng sợ gió thì chẳng bao giờ làm được việc lớn, làm một quyết tâm phải mười.

Nói thế nhưng cũng mong ông “nhìn trước, nhìn sau” một tí, cái bục bảo vệ Ngân hàng Nhà nước ấy liên quan đến khối tài sản khổng lồ trong đó có cả tiền thuế của dân, bứng thì không sai nhưng để mấy anh bảo vệ hoặc công an đứng gác dưới trời mưa gió, nhỡ cảm cúm ốm đi viện thì chẳng nên chút nào.

Bốt gác khác cột điện thế nào? ảnh 2

Đôi điều mong đợi ở Bí thư Đinh La Thăng

Giá như ông bứng mấy cái chốt ấy rồi đặt ngay nó vào bên trong sân cơ quan thì vẹn cả đôi đường, việc quận ông hoàn thành mà những người thích “sào” cũng chẳng có lý gì để “chọc ngoáy”. 

Điều nữa là ông cũng nên dành thời gian kiểm tra lại chứ ngay sau khi giải tỏa, phóng viên vẫn chụp được vô số bức ảnh về lộn xộn vỉa hè thì bao nhiêu công lao bỏ ra chẳng lẽ vô ích?

Trong khi ông Hải (hành pháp) bận rộn thế thì ông Hải (tư pháp - Viện trưởng VKS nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) hình như lại ít bận rộn hơn, bằng chứng là báo Tuoitre.vn ngày 22/2/2017 viết:

Trong khi bị can và một số cơ quan báo chí phản ánh các cơ quan tố tụng TP.HCM cố tình kéo dài vụ án chìm tàu Cần Giờ thì Viện kiểm sát khẳng định mình làm đúng”…,  

Viện KSND TP.HCM cho thấy dù liên ngành tố tụng TP.HCM đã nhiều lần họp đánh giá chứng cứ và thống nhất quan điểm nhưng cho đến nay, vụ án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”? [1]

Tuy đánh giá là ít "bận rộn" hơn nhưng những việc làm của ông này không vì thế mà ít "ảnh hưởng" hơn với người dân, đặc biệt là hàng chục người đang bị ông này trực tiếp ký cáo trạng truy tố có dấu hiệu vi phạm pháp luật khiến chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ ngày 25/10/16 đến ngày 19/1/2017, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh phải liên tiếp hủy án, điều tra lại từ đầu, đó là các vụ án "Buôn lậu" mà các bị cáo là Nguyễn Lam Giang, Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà bị cáo là Nguyễn Thị Bạch Tuyết.....

Đó là chưa kể đến hàng chục vụ án mà ông này chỉ đạo đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh "trả đi, trả lại" vì không đủ căn cứ đưa ra xét xử, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ có loạt bài viết riêng về trách nhiệm của ông này trong loạt bài viết tới đây.

Ở Hà Nội, vụ việc liên quan đến một nguyên Phó Chủ tịch thành phố thì xuất hiện “Liên ngành tư pháp”, còn Thành phố Hồ Chí Minh là “Liên ngành tố tụng”, không biết 61 tỉnh thành phố còn lại sẽ xuất hiện thêm “Liên ngành” gì?

Bốt gác khác cột điện thế nào? ảnh 3

Viện KSND Tối cao yêu cầu làm rõ căn cứ truy tố bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết

Đúng là “cha mẹ sinh con, giời sinh tính”, tên giống nhau sao việc làm lại khác nhau thế?

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đang ra quân giành lại vỉa hè, có điều may lắm thì Hà Nội thành công được một nửa.

Nói một nửa không phải là nói mò bởi bà con buôn bán vỉa hè, phương tiện giao thông đậu đỗ thì dễ nhưng doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trên vỉa hè thì làm sao “bứng” đi được.

Đi khắp Hà Nội, chỗ nào cũng thấy cột điện trồng trên vỉa hè, thậm chí trồng ngay sát mép đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Hàng cột điện cao thế nghênh ngang ngay trên vỉa hè và mép đường như trong ảnh là phục vụ cho khu công nghiệp thực phẩm Hapro Lệ Chi (huyện Gia Lâm) mới được trồng gần đây.

Người ta ngang nhiên trồng cột điện ngay trước cửa nhà dân, vậy ai có thể “bứng” hàng cột điện này đi để đường thông, hè thoáng?

Chẳng lẽ người dân thủ đô sẽ phải học cách tiếp tục sống chung với “cột điện” như bà con đồng bằng Sông Cửu Long sống chung với lũ?

Cột điện cao thế UBND Hà Nội cho phép trồng trên vỉa hè cách đây không lâu (ảnh tác giả)
Cột điện cao thế UBND Hà Nội cho phép trồng trên vỉa hè cách đây không lâu (ảnh tác giả)

Nhìn hàng cột điện, có người nêu câu hỏi “sự khác nhau giữa bốt gác và cột điện là gì”?

Với câu hỏi trên không thể có câu trả lời chính xác vì thiếu các điều kiện cụ thể về không - thời gian. Phải thêm các điều kiện cột điện và bốt gác đặt ở đâu, vào lúc nào và trong hoàn cảnh nào. 

Giả thiết rằng bốt gác và cột điện đều cùng nằm trên vỉa hè, sự việc diễn ra tại hai thành phố quan trọng nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và cùng vào thời điểm đầu năm 2017 này.

Câu trả lời là “bốt gác có thể bị cẩu đi rồi đặt trả lại nhưng cột điện thì không”.

Còn một câu hỏi khác không chỉ dành cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ấy là giữa cột điện và “mạng nhện” đường dây điện, viễn thông có mối quan hệ họ hàng như thế nào?

Câu hỏi này không khó trả lời, đó là quan hệ “cùng cha khác mẹ”, cha là “thể chế”, mẹ là “chủ quản”. Vì là anh em nên có quan hệ cộng sinh.

“Cột điện” thu tiền từ “Mạng nhện”, “Mạng nhện” dựa vào “Cột điện” để kiếm tiền, hai bên cùng có lợi, chỉ có “bà con xóm giềng” là phải cắn răng chịu đựng.

Bốt gác khác cột điện thế nào? ảnh 5

“Xe đậu vi phạm là lập biên bản, cẩu về ngay, không có hoa hậu hoa hiếc gì hết.”

Giải tỏa vỉa hè chỉ cần vài cái ôtô, thêm cái cần cẩu mà một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng thêm cái loa tay là có thể phăng phăng hết phố này đến phố khác.

Giải tỏa “mạng nhện” mới là việc đáng nói, đáng làm và có lẽ ai đó nghĩ ra cách giải tỏa “mạng nhện” Việt Nam trong vòng 1 năm, người đó xứng đáng nhận giải "Nobel về môi trường" (nếu có giải thưởng như vậy).

Dẫu sao cũng phải nói lại, người viết hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Quận “Nhứt” Thành phố Hồ Chí Minh và ông Ngọc Hải về chiến dịch giành lại vỉa hè cho người dân.

Hoan nghênh chiến dịch giải tỏa Hồ Tây và khu phố cổ mà Hà Nội đang tiến hành, mong rằng chiến dịch này sẽ được làm triệt để như cấm pháo nổ, hay bắt đội mũ bảo hiểm. 

Câu “đầu voi đuôi chuột” nói ra lúc này là quá sớm nhưng sự thực thì chuyện ấy xảy ra như cơm bữa nên không thể không đề phòng, nhắc nhở.

Nếu sau một vài tuần đâu lại vào đấy thì lúc đó có lẽ không chỉ những người thích “chọc ngoáy” mà ngay người viết cũng phải tìm mua một cây sào.

Cầu mong chuyện ấy không xảy ra như người ta thường vẫn nghĩ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170222/vien-kiem-sat-khang-dinh-khong-treo-an-chim-tau-can-gio/1269160.html

Xuân Dương