Đã thấy đông về trong gió thu

13/10/2015 05:00
Xuân Dương
(GDVN) - Phải chăng chính vì để con người có lúc trầm xuống, có lúc bình tâm đánh giá bản ngã của mình mà thiên nhiên đã tạo ra mùa thu?

Một chàng trai tuổi trẻ tài hoa nghe tin “Viện Hàn lâm Im Lặng” khuyết một viện sĩ liền gửi đơn xin ứng cử.

Trong buổi thuyết trình “im lặng” theo nguyên tắc của viện, vị “già làng” đặt trước mặt ứng viên một cốc nước đầy tận miệng. Ý của vị này là ở đây, tài năng phải đầy như cốc nước, không thể đầy hơn. 

Ứng viên ngắt một cánh hoa hồng từ lọ hoa trên bàn đặt nhẹ trên cốc nước, bằng hành động đó ông được công nhận là thành viên trẻ nhất của Viện Hàn lâm Im Lặng.

Có ý kiến cho rằng, khi ngôn ngữ không đủ lời ca ngợi tình yêu thì âm nhạc lên tiếng, khi âm nhạc không diễn tả hết cảm xúc dâng trào thì phải nhờ đến sự tĩnh lặng của hội họa. 

Cũng vì thế, nói về tình yêu quê hương, đất nước không thể không mượn một chút thơ, một chút nhạc, một bức vẽ, tiếc rằng với kiến thức của ông giáo nhà quê, chỉ có thể mạo muội thốt lên đôi lời theo kiểu “chen ngang” chứ tuyệt không dám thêm vào một cánh hoa hồng.

Ca khúc “Khoảnh khắc” của Trương Quý Hải mở đầu như một câu thơ: “Chỉ còn một chiếc lá, cuối thu mong manh. Chỉ còn một mình em xót xa chờ anh…

Đã thấy đông về trong gió thu ảnh 1
Phong cảnh mùa thu. Ảnh minh họa

Ca từ của bài hát có cái gì đó khiến người nghe nao nao, một sự day dứt đến khó tả. Ở đây âm nhạc đã chắp cánh cho ngôn từ và dường như người nghe còn, hoặc sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng hàm chưa phía sau sự trau chuốt của nét nhạc. 

Đối diện mùa thu, nhất là khi trên cành cao “chỉ còn một chiếc lá mong manh” không thể không buồn, nỗi buồn có thể nhẹ nhàng, man mác về sự cô đơn của cả tự nhiên lẫn con người. Và làm sao tránh khỏi cũng có lúc, đó thực sự là nỗi buồn đẫm nước mắt. 

Phải chăng chính vì để con người có lúc trầm xuống, có lúc bình tâm đánh giá bản ngã của mình mà thiên nhiên đã tạo ra mùa thu? Mùa thu vàng óng, rực rỡ không phải vào lúc bình minh mà vào lúc chiều tà, sao lại như vậy? 

Sao các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ không ca ngợi mùa thu dưới ánh bình minh phương Đông mà lại dưới ánh nắng chiếu từ phía Tây, sao hai chữ “chiều thu” lại được nhắc nhiều hơn hẳn các từ “sớm thu” hay “trưa thu”?

Phải chăng khi mùa thu đã đi hết chặng đường thiên định của mình, khi đã trao lại cho đời nét rạng rỡ ẩn sau vẻ đẹp u hoài, khi chiếc lá vàng cuối cùng xa cành thì cũng là lúc mùa đông ngự trị, là những tháng ngày mưa phùn, gió bấc mà cả thiên nhiên và con người hiếm khi nhìn thấy trời xanh, mây trắng? 

Phải chăng, nhờ có tình yêu mùa thu, mà người xưa nói là “Thu tình” (Cúc ngạo Thu tình, hương vạn hộc) nên con người mới đủ nghị lực vượt qua nỗi truân chuyên mùa đông, mới quyết giành giật sự sống để chờ đón xuân về?

Có một điều lạ là những bức ảnh mùa thu, cả bên trời tây lẫn ở ta ít khi có bóng dáng con người, muông thú, chỉ thấy một khung cảnh vàng óng, lung linh huyền ảo, màu sắc tuyệt đẹp của các bức ảnh, tranh về mùa thu không phải được tạo bằng hoa mà bằng sắc lá.

Một trong những bậc thầy của nền hội họa thế giới, họa sĩ Nga Isaac Ilyich Levitan đã để lại cho kho tàng nghệ thuật nhân loại bức tranh phong cảnh nước Nga xưa, được đánh giá là kiệt tác vĩnh hằng “Mùa thu vàng” (1889).

Nổi bật toàn khuôn tranh là màu vàng rực của rừng thu, là hình ảnh những cây phong khẳng khiu bắt đầu trút lá, là dòng suối mang trong mình bầu trời xanh thẳm và xa xa, tít phía tận cùng là mấy ngôi nhà lúp xúp mái ngói sẫm màu. 

Đưa cái màu nâu lạc lõng, bé xíu của ngôi nhà trên nền thu vàng  có phải Levitan muốn nói, mùa thu dẫu đang bước những bước cuối chặng đường vẫn vô cùng quyến rũ, còn con người sao lại cứ tự làm cho mình trở thành nét xấu của tự nhiên, sao lại cứ lụp xụp, già nua mà không thể hay không muốn thay đổi để chờ đón xuân về? 

Mùa thu vàng, tranh Levitan
Mùa thu vàng, tranh Levitan

Nói đến mùa thu, chợt nhớ “Bài thơ tình ở Hàng Châu” nổi tiếng của Tế Hanh:

Mùa thu đã đi qua còn gửi lại

Một ít vàng trong nắng, trong cây

Một ít buồn trong gió, trong mây

Một ít vui trên môi người thiếu nữ
”.

Mùa thu của Tế Hanh thật đẹp, nhất là khi nó vương lại chút vui trên môi người thiếu nữ. Người viết dùng chữ “chút vui trên môi người thiếu nữ” không phải là thiếu tôn trọng nhà thơ mà chỉ vì bản thân cảm thấy “một chút buồn”, “một chút vui” hợp với mình hơn là “một ít buồn”, “một ít vui”.

Đã thấy đông về trong gió thu ảnh 3

Mùa thu - mùa thay lá

(GDVN) - Lá vàng sợ mùa thu, nhưng cả rừng sồi vẫn rụng lá để sang xuân lại đâm chồi nảy lộc, không như tàu lá chuối, rũ xuống ôm lấy thân cây và không xanh trở lại.

Có lẽ Tế Hanh để dành cho người đọc một chút liên tưởng, rằng khi thu qua cũng là lúc đông tới, và người thiếu nữ sau chút vui đọng lại trên môi sẽ trở thành nàng dâu, ấy là khi “rau muống mùa đông, nàng dâu nhường mẹ chồng”. 

Câu thành ngữ dân gian vốn không phải như vậy mà là “rau muống tháng 9, nhịn cho mẹ chồng”.

Có người khen nàng dâu hiếu thảo, tháng 9 ta là cuối thu, rau trở nên khan hiếm, nhường mẹ chồng ăn cho mát ruột, có kẻ chê nàng dâu tệ, rau muống tháng 9 chát, ăn không ngon nên dành cho mẹ chồng.

Âu đó chính là một nét riêng của người mình, cái gì cũng có thể khen, cũng có thể chê. Khen những cái xấu nhất, chê những cái đẹp nhất đôi khi lại được coi là “nét văn hóa” thời hiện đại.

Níu kéo mùa thu là không thể, đón nhận mùa đông lại không muốn, vậy làm sao để có mùa xuân? Con người cứ tưởng bằng trí tuệ của mình có thể làm chủ thiên nhiên, cứ muốn kéo dài sự sống đến độ thiên tuế, vạn tuế, ngây thơ hay khờ khạo? 

Người viết đã có lúc:

Khi em nói với tôi lời giã biệt

Trời vẫn trong và lá còn xanh biếc

Thu bâng khuâng chưa nhuộm đỏ tán bàng

Lạnh đâu mà cứ ngỡ đông sang…

Và cũng có lúc

Chia tay em không nói

Lời đọng tròn trên mi

Mắt em như hồ biếc

Sóng từ đâu thầm thì…


Cuối thu tùy hứng mấy dòng gửi bạn đọc yêu quý thay lời phúc đáp thư và bình luận các bạn gửi đến Xuân Dương. Cũng là cảm tạ chân tình các bạn dành cho báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Xuân Dương