Không lẽ lại là Bộ ...“Tôn Thất nghiệp”

06/06/2018 07:04
Xuân Dương
(GDVN) - Đến bao giờ thì câu chuyện những “Bộ Tôn Thất” mới không còn là thời sự?

Sau Bộ Giao thông Vận tải đến Bộ Giáo dục và Đào tạo góp phần tạo nên không khí sôi nổi trên truyền thông vì chuyện phí và giá.

Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều phải lên tiếng trả lại tên cho các trạm thu phí BOT giao thông.

Thế Bộ trưởng gây căng thẳng chuyện “giá” liệu chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay nên tự nguyện xem lại chiếc ghế của mình?

Tiếp theo có phải sẽ là Tài chính, Y tế, Công thương, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, … đó là những bộ ít nhiều đều liên quan đến phí và giá?

Có một vài bộ có lẽ sẽ thoát cơn bão phí-giá này như các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch - Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Riêng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chẳng lẽ Bộ này không có gì khiến Quốc hội và quốc dân phiền lòng?

Và chẳng lẽ mấy chục bộ và cơ quan ngang bộ còn lại cũng chẳng có gì khiến dân phải phàn nàn?

Học giá, Viện giá, Lệ giá, Kinh giá và Ủy ban Vật … phí

Nghe nói từ thời phong kiến có chuyện dân gian không biết thực hư thế nào, đại ý người ta bảo các bộ trong triều thời ấy cũng như hầu hết các quan đại thần đều thuộc dòng dõi nhà vua, nam giới mang họ là “Tôn Thất”, phụ nữ họ là “Tôn Nữ”.

Tất cả các bộ như Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Lễ,… đều được đổi tên, chẳng hạn Bộ “Tôn Thất bát”, Bộ “Tôn Thất học”, rồi còn “Tôn Thất nghiệp”, “Tôn Thất đức”, “Tôn Thất thoát”, “Tôn Thất thu”, “Tôn Thất bại”,…

Ngày nay, có lẽ một số người vẫn nhớ câu chuyện này, thậm chí có người còn cho rằng đó là chuyện hôm nay chứ không phải thời phong kiến, về điều này người viết xin không bình luận.

Cuối năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 15”, thống kê trong Bản tin cho thấy quý 3 năm 2017 có khoảng 237 nghìn người có trình độ đại học thất nghiệp, tăng gần 54 nghìn người so với quý 2. [1]

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN

Năm 2016, tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, đã công bố con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đầu năm 2016 vào khoảng 225.000 người.

Giữa năm 2015, thông tin từ thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 cho biết, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp là 177.700 người, cử nhân cao đẳng thất nghiệp là 100.600 người, tổng cộng khoảng 280.000 người.

Đây mới chỉ là nói về nhóm người có trình độ đại học, cao đẳng, nếu tính toàn xã hội thì con số thất nghiệp vào khoảng hơn 1 triệu người trong đó tuổi vị thành niên và thanh niên (tuổi từ 15 đến 24) là 610.900 người. [1]

Không lẽ lại là Bộ ...“Tôn Thất nghiệp” ảnh 2Hiện có hơn 200 nghìn sinh viên ra trường là... thất nghiệp

Với thực trạng lao động thất nghiệp nhiều như vậy, liệu có nên gọi tên cơ quan chức năng phụ trách mảng này là “Tôn Thất nghiệp”?

Có điều hơi lạ là trong mấy năm gần đây, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người có trình độ đại học thất nghiệp luôn dao động trong khoảng trên dưới 250.000 người, nghĩa là chiếm 1/4 tổng số lao động thất nghiệp?

Kinh tế mấy năm luôn tăng ở mức trên 6%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giữa năm 2017 tổng vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 7 tháng của năm đạt gần 22 tỷ USD, tăng 52% (so với cùng kỳ năm 2016). [2]

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có những đánh giá khách quan về tiến trình cải cách của Chính phủ đang đi đúng hướng và nhận định Việt Nam đã có một năm thực sự thành công và đang là nền kinh tế mở cửa nhất thế giới. [3]

Báo Asian Correspondent (Phóng viên châu Á) thì cho rằng, Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. [4]

Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (2)

Các nhà chuyên môn và truyền thông quốc tế đều đánh giá kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ngoạn mục, vốn đầu tư nước ngoài rót vào nhiều và đương nhiên chẳng nhà tư bản nước ngoài nào đem tiền vào Việt Nam gửi tiết kiệm lấy lãi.

Tiền đổ vào là để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô có sẵn, xây nhà máy mới, siêu thị mới,… và đương nhiên tất cả đều cần tuyển dụng lao động.

Vậy vì sao số người thất nghiệp trong nhiều năm hầu như không thay đổi, phải chăng đó là những con số từ ngày xửa ngày xưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “tráng men” rồi đem công bố chứ chưa có một số liệu thực sự đáng tin cậy?  

Điều quan trọng không phải là công bố số người thất nghiệp mà là chiến lược làm giảm số người thất nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, điều này có thể “quá sức” vị tư lệnh ngành bởi còn phụ thuộc vào chất lượng lao động và sự phát triển sản xuất của các bộ, ngành khác.

Tuy nhiên, có một vấn đề chắc chắn không phải là trong tầm tay mà là trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đó là cải thiện tình trạng thất nghiệp  bằng cách xuất khẩu lao động.

Năm 2011 Việt Nam có khoảng 500.000 lao động làm việc tại nước ngoài. [5].

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017 cả nước đưa được hơn 134.751 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Trong năm 2018, sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.  [6]

Giả thiết mọi hợp đồng lao động đều có thời hạn 5 năm thì với số liệu nêu trên, đến năm 2018 này Việt Nam cũng chỉ có khoảng hơn 500.000 người lao động ở nước ngoài, nghĩa là không khác mấy so với năm 2011.

Với dân số tương đương Việt Nam, Philippines có khoảng 2,3 triệu người làm việc ở nước ngoài.

Không lẽ lại là Bộ ...“Tôn Thất nghiệp” ảnh 3Nói thật, Bộ trưởng đừng làm phiền lòng Dân và Đảng nữa

Theo trang Tradingeconomics.com, GDP danh nghĩa của Philippines trong năm 2015 đạt khoảng 292 tỷ USD, số tiền gửi về nước của lao động xuất khẩu vào khoảng gần 30 tỷ USD nghĩa là chiếm 1/10 tổng GDP danh nghĩa quốc gia. [7]

Những con số nêu trên có khiến các quan chức Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải suy nghĩ về sự năng động của mình hay do thể chế chính trị của Philippines khác ta nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng?

Nếu phải nói thêm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có lẽ tốt nhất là dẫn ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tìm thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7/2017:

Đây là việc không lùi được nữa, dứt khoát phải làm, không được chần chừ.

Khi hoàn thành, cơ sở dữ liệu sẽ là công cụ hỗ trợ rất tốt cho các đội quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ”. [8]

Hơn 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, Báo Qdnd.vn viết:

Theo thống kê của Cục Người có công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và nước bạn Lào, Campuchia.

Ngoài ra, có hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000 người”. [9]

Không lẽ lại là Bộ ...“Tôn Thất nghiệp” ảnh 4Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo

Hơn 500.000 liệt sĩ chưa tìm được thông tin nghĩa là hơn 500.000 gia đình vẫn hàng ngày mong mỏi tìm được phần mộ người thân, đây là vấn đề thuộc về đạo lý của người đang sống với thân nhân và những người đã cống hiến cuộc đời cho dân, cho nước.

Đến tận hôm nay mới “dứt khoát phải làm, không được chần chừ” có nghĩa là hơn 40 năm qua các cơ quan liên quan trong đó có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa làm tròn trách nhiệm hay là “quên” truyền thống đạo lý của người Việt?

Nếu quả như thế thì nên gọi cơ quan đó là “Tôn Thất” gì?

Nêu câu hỏi này không phải chỉ là thể hiện nguyện vọng của nửa triệu gia đình liệt sĩ mà còn là lời trách cứ mà người dân gửi đến những người hưởng lương từ thuế dân đóng góp nhưng chưa làm tròn nghĩa vụ mà dân giao phó cũng như đạo lý của những người ngồi ở chiếc ghế công quyền với cuộc sống chắc không thể nói là nghèo.

Đến bao giờ thì câu chuyện những “Bộ Tôn Thất” mới không còn là thời sự?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/35112802-237-nghin-cu-nhan-that-nghiep-trong-quy-iii-nam-2017.html

[2] http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/874916/dong-von-dau-tu-nuoc-ngoai-tang-truong-ngoan-muc

[3] http://dantri.com.vn/trien-vong-kinh-te.tag

[4] https://vov.vn/kinh-te/chuyen-gia-quoc-te-lac-quan-voi-trien-vong-kinh-te-viet-nam-nam-2018-728543.vov

[5]https://vi.wikipedia.org/wiki/Xu%E1%BA%A5t_kh%E1%BA%A9u_lao_%C4%91%E1%BB%99ng_Vi%E1%BB%87t_Nam

[6] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-01-19/muc-tieu-dua-110000-lao-dong-viet-nam-lam-viec-o-nuoc-ngoai-nam-2018-52884.aspx

[7]https://nongnghiep.vn/lao-dong-la-mon-hang-xuat-khau-hang-dau-cua-philippines-post182835.html

[8]http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Hoat-dong-cua-cac-Pho-Thu-tuong-ngay-10012017/20171/20773.vgp

[9] http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/som-hien-thuc-hoa-de-an-cong-thong-tin-dien-tu-ve-liet-si-534241

Xuân Dương