"Sống chết mặc bay" và lời nói "không" của ông Chủ tịch huyện

23/04/2015 13:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Khi mà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nỗ lực mang đến niềm vui cho người nghèo thì ông Chủ tịch UBND huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) làm ngược lại.

Ai đã một lần đọc tác phẩm “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh những người nông dân chân lấm tay bùn, hoảng hốt và hoàn toàn tuyệt vọng trước lụt lội, còn viên quan sở tại thì an nhàn, hưởng thụ, mặc kệ dân đen đau khổ.

Những viên quan ấy tưởng như chỉ có trong xã hội phong kiến cách đây hàng trăm năm thì lại đang sống dậy trong đời sống hiện đại ngày nay với hai đặc điểm cố hữu: “Ăn chặn của dân” và “thờ ơ với người túng thiếu”.

Học sinh nghèo vượt khó tại huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) được trao quà năm 2014. ảnh: Báo Phú Thọ.
Học sinh nghèo vượt khó tại huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) được trao quà năm 2014. ảnh: Báo Phú Thọ.

Trong một buổi làm việc tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã cảnh báo: “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

Và đúng là trong đời sống thực tế đã xảy ra nhiều chuyện như vậy. Đấy là chuyện cán bộ mặt trận tổ quốc ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo. Đấy là chuyện hiệu trưởng câu kết biển thủ gần 3 tỷ đồng của học sinh dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa.

Rồi tới chuyện dê đi lạc vào trang trại của Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Chuyện hơn một nghìn con gà cấp cho người nghèo, nhưng lại chạy đến nhà của một loạt cán bộ xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Ở tỉnh Khánh Hòa, tiền hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi đa phần rơi vào tay trưởng thôn và người thân… rồi thì quan xã lập mưu ký khống, cấp “bò ảo” lấy tiền chia nhau.

Và mới nhất, chỉ cách đây hai ngày, dư luận thêm một lần nữa phẫn nộ khi ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch UBND huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) thẳng thừng từ chối 100 suất học bổng mà Báo Giáo dục Việt Nam vận động tài trợ, dành tặng học sinh nghèo (mỗi suất 500.000 đồng) của huyện này.

Cái cớ mà ông Sơn đưa ra là “Địa phương có rất nhiều người đã được giúp đỡ nhưng người được giúp thì hồ hởi, còn người không được thì lại có đơn thư gây khó khăn cho địa phương và đơn vị từ thiện...” và “Thời điểm này, cũng đang chuẩn bị đại hội các thứ nên họ cũng ngại…”.

Huyện Yên Lập đang là một trong những địa phương nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ, bởi vậy thật dễ hiểu khi hàng nghìn người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ trước thái độ thờ ơ với người nghèo của ông Nguyễn Trường Sơn.

Ông Sơn không ăn bò, dê, gà của dân… như một số quan xã, quan huyện ở những địa phương khác; nhưng hành vi từ chối quà dành cho người nghèo thì còn khủng khiếp hơn nhiều lần, vì nó thể hiện sự vô cảm trước đời sống bần hàn của nhiều cháu học sinh nghèo.

Cũng vì cái sự vô cảm ấy mà ông Chủ tịch huyện Nguyễn Trường Sơn đã hất bỏ những suất học bổng của 100 cháu học sinh nghèo. Phải chăng vì ông Sơn chưa bao giờ phải sống trong cảnh túng bấn nên không thấu hiểu được những khó khăn mà hàng trăm người dân nghèo ở huyện Yên Lập đang phải vật lộn mỗi ngày?

Khoản chi ấy, có thể là rất nhỏ với ông Chủ tịch huyện, nhưng lại rất lớn với những người mà thu nhập co kéo khéo lắm mới đủ ăn. Số tiền 500 ngàn đồng ấy có lẽ đã đủ để các em mua được một bộ sách giáo khoa, hoặc sắm đủ quần áo mới để đến trường đầu năm học.

Nhiều người bảo, hành vi của ông Chủ tịch huyện Yên Lập xứng đáng được cho điểm 0 về văn hóa ứng xử. Cũng có người bảo, ông Chủ tịch này cần phải được bồi dưỡng thêm về mặt tư tưởng, nhận thức, để mỗi hành động sau này của ông ta sẽ nghĩ cho dân nhiều hơn.

Các cụ ngày xưa đã dạy rằng “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Trước khi được làm quan, ông Sơn cũng là dân. Hết thời làm quan, ông Sơn cũng trở lại thành dân. 

"Sống chết mặc bay" và lời nói "không" của ông Chủ tịch huyện ảnh 2“Đừng nhìn cái chân ghế của mình!”

(GDVN) - Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khuyên lãnh đạo Đà Nẵng: để phát triển thành phố “cần nhìn ra người dân, đừng nhìn xuống cái chân ghế của mình!”

Chỉ tiếc một điều ông đã quên mất rằng, cái chức vụ Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cũng là do dân (thông qua đại diện của mình) bầu ra, để ông làm được những việc tốt cho dân, chứ không phải chỉ nhăm nhăm nhìn xuống cái chân ghế của mình.

Một ông Chủ tịch huyện đúng nghĩa phải là “công bộc của dân”, gần gũi và thấu hiểu dân, chứ không phải là “quan phụ mẫu”, hống hách, quan cách, thu bổng lộc và ra oai, ban phát ân huệ với dân. Nhưng có những cán bộ lãnh đạo (công bộc của dân) đã lầm lẫn sự uỷ quyền đó với quyền lực cá nhân.

Vì vậy, khi nhắc nhở cán bộ các cấp, Bác Hồ từng phê phán: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới người nghèo, người lao động. Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết.

Chuyến thăm thường bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ.

Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình.

Chị thốt lên: “Trời ơi, Bác… Gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu”. Bác cười hiền: “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?...”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc.

Cuộc đời của Bác, nếp sống giản dị mà chân thành của Bác là một tấm gương sáng để các thế hệ con cháu học tập, noi theo.

Trong thư gửi “Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 17/10/1945, Bác đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. 

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Ngẫm lời Bác dạy, rồi đây hàng trăm người dân nghèo ở huyện Yên Lập sẽ nghĩ gì và nói gì về hành vi thể hiện sự vô cảm của ông Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn?

Ngọc Quang