Tranh luận không phải chỉ để vạch ra cái sai của người khác

09/03/2015 08:24
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Thế nào là “vi phạm hành chính nghiêm trọng”? Người thừa hành công vụ phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ hay các quy định khác?

Gần 7000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật là công bố của Bộ Tư pháp ngày 22/12/2010 tại Hội nghị toàn quốc về công tác tư pháp tổ chức tại Đà Nẵng. Năm năm qua con số này đã quá lạc hậu song vì chưa có những số liệu mới được công bố nên phải tạm chấp nhận. 

Còn số lẻ một (7001) là điều có thể diễn ra trong năm con Dê này, ấy là nói về văn bản số 58/CV-UBATGTQG của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Tranh luận không phải chỉ để vạch ra cái sai của người khác ảnh 1Đề nghị tịch thu ô tô, phạt tiền nặng, thu giấy phép nếu lái xe say rượu

(GDVN)- Đó là kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về thí điểm tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi tham gia giao thông...

Có hai luồng ý kiến xung quanh kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ý kiến phản đối được nhiều người quan tâm là của ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng nghiên cứu Lập pháp của Quốc Hội. Theo ông Thảo thì “người sử dụng chiếc xe đó vi phạm chứ bản thân chiếc xe đó không vi phạm gì cả. Không thể vì thế mà tịch thu chiếc xe đó được… Đề xuất đó không đúng với các quy định hiện hành của Hiến pháp cũng như pháp luật về quyền sở hữu…”.

Phía ủng hộ thì cho rằng, kiến nghị này là phù hợp với pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật  Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ban hành ngày 20/6/2012.

Điều 26: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

"Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức."

Vấn đề là người điều khiển phương tiện giao thông bị phát hiện có nồng độ cồn cao hơn quy định bị xử lý theo luật nào? Luật Giao thông đường bộ hay Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Có thể thấy một sự không đồng bộ giữa hai bộ luật, khoản 7, 8 điều 8 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định các hành vi bị nghiêm cấm nhưng không kèm theo chế tài xử phạt:

7. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Trong khi đó Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định chế tài xử phạt mà không định nghĩa rõ hành vi vi phạm (trong lĩnh vực giao thông), cụ thể là nếu người điều khiển “vi phạm hành chính nghiêm trọng” thì cơ quan chức năng  được phép tịch thu phương tiện vi phạm.

Vậy thế nào là “vi phạm hành chính nghiêm trọng”? Người thừa hành công vụ phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ hay các quy định khác?

Có thể thấy quan điểm của những người phản đối và ủng hộ văn bản số 58/CV-UBATGTQG vừa đúng luật, vừa trái luật. Sự bất cập một phần nằm trong chính bản thân luật, phần khác là ở những người thực thi luật mà cụ thể là các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Không thể tịch thu tài sản của người không vi phạm pháp luật, điều này là hiển nhiên vì tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ. Nhưng cũng không thể không tịch thu “phương tiện có liên quan trực tiếp” đến hành vi “vi phạm hành chính nghiêm trọng” vì Luật đã quy định như vậy, điều này cũng không cần bàn cãi.

Vấn đề ở đây là cơ quan kiến nghị, tức là Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mà cụ thể là các cán bộ của cơ quan này đã không có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đã không tìm hiểu luật một cách cặn kẽ trước khi nêu kiến nghị.

Xin trích dẫn khoản 1 điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính:  Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

1. …Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước”.

Nếu đã biết đến điều 126 nêu trên thì có lẽ sẽ không tốn giấy mực và thời gian của nhiều người, cũng không đến mức phải gay gắt với nhau rằng “người đưa ra đề xuất đó không nắm được bản chất của vấn đề giữa hành vi vi phạm và các luật liên quan đến việc sở hữu tài sản”. Người đưa ra đề xuất không nắm được bản chất của vấn đề đã đành, chẳng lẽ người nghiên cứu lập pháp lại cũng không nắm được luật khi luật đã được ban hành?

Tranh luận không phải chỉ để vạch ra cái sai của người khác ảnh 2Đề xuất tịch thu phương tiện: Phải báo cáo Thủ tướng trước 31/3

(GDVN) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia.

Trong trường hợp người tham gia giao thông vi phạm hành chính không phải là chủ sở hữu phương tiện thì phải trả phương tiện cho chủ sở hữu và áp dụng hình phạt bổ sung thay thế, nghĩa là quy đổi giá trị phương tiện thành tiền và buộc người vi phạm phải nộp khoản tiền đó vào công quỹ thay vì tịch thu phương tiện. Cách làm này không gây phiền hà đối với người cho mượn phương tiện bất kể đó là cá nhân hay nhà nước nhưng lại phù hợp với pháp luật hiện hành.

Việc nhỏ như vậy người chịu trách nhiệm phê duyệt đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có thể không nghĩ tới nhưng các “chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính” của Ủy ban chẳng lẽ không ai chịu bỏ thời gian tìm hiểu luật trước khi soạn thảo kiến nghị? 

Nếu quả thật các chuyên viên thuộc Ủy ban không tìm ra được điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cái sự “cao cấp” của các chuyên viên này là “cao cấp” về lĩnh vực gì? Liệu có nên xem họ là “chuyên viên 30%” theo cách nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Sự kiện này cũng bộc lộ phần nào khiếm khuyết trong một số điều của một số luật mà Quốc hội cần bổ xung, chỉnh lý. Rõ ràng là tất cả các luật phải dựa vào bộ luật cơ bản là Hiến pháp, khi Quốc hội ban hành luật mà chưa có một cơ quan “hậu kiểm” kiểu như “Tòa án hiến pháp” thì sự chồng chéo, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.

Vấn đề cần xem xét nằm về cả hai phía, các điều khoản của luật và người thực thi luật. Rõ ràng là điều 126 nêu trên vẫn còn khiếm khuyết khi chỉ chú ý đến “tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính” mà không đề cập đến chuyện  tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ không bị chiếm đoạt mà là đi mượn.

Tranh luận không phải chỉ nhằm mục đích vạch ra cái sai của người khác mà là nhằm hoàn thiện luật, xây dựng những luật không có kẽ hở để không chỉ người dân không thể “lách” mà còn khiến cho chính cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật không thể phạm luật.

Sự nghiêm minh của pháp luật không phải chỉ dành cho người dân mà trước hết là dành cho người thừa hành công vụ. Việc Bí thư Huyện ủy gây tai nạn chết người, việc xe biển 80B vượt đèn đỏ không phải là người dân không nhìn thấy, việc cảnh sát giao thông nhận “tờ rơi” từ người dân vi phạm quy định khi tham gia giao thông cũng đã được báo chí đề cập…

Răn đe người vi phạm bằng cách phạt nặng liệu có dẫn tới tình trạng người dân chuẩn bị thật nhiều “tờ rơi” để đối phó?. Với người dân, mất một ít “tờ rơi” rõ ràng vẫn tốt hơn nhiều là mất hẳn cả chiếc xe máy hay ôtô.  Đề xuất của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia có góp phần làm cho giao thông an toàn hơn hay cùng với đó cũng góp phần làm cho ai đó nhận được nhiều “tờ rơi” hơn?

Để tránh xuất hiện văn bản vi phạm pháp luật thứ 7001, Thủ tướng Chính phủ đã quy định thời hạn từ nay đến 31/3/2015. Thiết nghĩ chừng đó thời gian là đủ để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cân nhắc  điều chỉnh lại kiến nghị./. 

XUÂN DƯƠNG