Trò nói thầy “ngu muội”, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có giật mình?

07/11/2014 06:27
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Phước ở thành phố Hồ Chí Minh không biết có giật mình khi biết mình đã lựa chọn người đại diện cho mình như vậy?

Sau vụ công kích ông Dương Trung Quốc, chuyện ông Hoàng Hữu Phước tiếp tục viết blog công kích Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH đoàn TP.HCM không còn làm ai ngạc nhiên.

Trò nói thầy “ngu muội”, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có giật mình? ảnh 1“Cách hành xử của ông Phước không thể chấp nhận được”

(GDVN) - Đó là nhận định của TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về bài viết trên blog cá nhân bêu xấu Đại biểu quốc hội.

Trên thế giới, việc các chính trị gia, những người nổi tiếng viết blog không phải là chuyện hiếm, còn chuyện ai đó nhờ viết blog mà bỗng chốc trở nên “có tiếng” cũng không phải là chuyện lạ. Sở dĩ người viết dùng từ “có tiếng” mà không dùng từ “nổi tiếng” bởi hai từ này đều cùng đề cập đến nhân vật được nhiều người biết đến, sự khác nhau chỉ ở chỗ báo chí hay người đọc không mấy khi dùng từ “nổi tiếng” cho những người hay những chuyện “tai tiếng”.

Nhìn ra nước ngoài như ở Ukraina hay Đài Loan, các nghị sĩ đánh nhau ngay trong nghị trường đã được truyền thông đăng tải. 

Còn dùng ngôn từ thóa mạ người khác, nhất là thầy giáo đã từng dạy mình thì người viết chưa từng thấy. Nói chưa từng thấy chỉ là dựa vào thực tế bản thân chứ trong xã hội Việt Nam ngày nay, không thiếu loại con cháu ngồi bới móc chữ nghĩa rồi gọi người ngang tuổi ông mình bằng chú, cũng không hiếm trường hợp học trò khi đã “nên người” quay lại nói thầy dạy mình là “ngu muội”.

Các nghị sĩ Ukraine đấm nhau chảy máu đầu tại quốc hội
Các nghị sĩ Ukraine đấm nhau chảy máu đầu tại quốc hội

Ý kiến gần đây của LS. Trần Trọng Nghĩa: “những đại biểu đang gánh nhiều vai thì phải ráng làm tròn dù có hi sinh, mất mát, còn nếu thấy không thể thì xin từ nhiệm để người khác làm. Đối với một cán bộ, một công chức, một công dân, đó là cách hành xử có lương tâm nhất” [1] thật ra không phải là ý kiến hoàn toàn mới.

Việc ĐBQH không hoàn thành nhiệm vụ cử tri giao phó đã được nhắc đến trong bài “Quốc hội không phải chỗ anh đi phát biểu, bấm nút thuê”. [2] Bài viết nhắc đến ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “có đại biểu phát biểu bài của người khác” và ý kiến của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: “có tình trạng đại biểu bấm nút hộ nhau”.

 Phát biểu của hai vị lãnh đạo cao nhất của QH cho thấy, rõ ràng có một số ĐBQH không hoàn thành trọng trách mà cử tri giao phó, việc dùng bài viết của người khác để phát biểu cho thấy họ không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp QH, cho những vấn đề ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh mà QH bàn thảo. Trong trường hợp như vậy, sự hiện diện của họ tại nghị trường là không cần thiết.

Không biết ông Hoàng Hữu Phước có nghe thấy hoặc được đọc các ý kiến của Chủ tịch QH và Phó Chủ tịch QH không mà không thấy ông lên blog phát biểu chính kiến của mình?

Trò nói thầy “ngu muội”, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có giật mình? ảnh 3“Ghế cao” cần đi cùng với "văn hóa cao"!

(GDVN) - Cổ nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu “Ra cát”?

Những người làm khoa học, chẳng cần phải đạt đến trình độ cao siêu gì cũng hiểu một nguyên tắc: hai đại lượng khi đem so sánh với nhau phải cùng “thứ nguyên”, nói nôm na là cùng “đơn vị đo”. Bảo rằng “hai cái bàn ít hơn ba cái ghế” là cách nói của con trẻ đang bi bô với ông bà, cha mẹ, người lớn vui vì con cháu đang tập nói chứ chẳng ai để ý đến sự không đúng mà trẻ con đang dùng.

Nêu ra điều này chỉ là để dẫn tới một ý kiến, rằng khi ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc tại phòng họp Diên Hồng thì lẽ ra ông Hoàng Hữu Phước cũng nên dùng chính các diễn đàn đó để thể hiện quan điểm của mình (dù là đồng tình hay phản đối). Cả hai ông đều là ĐBQH, ngang nhau về chức vụ sao ông Phước không dùng các diễn đàn đó mà lại lui về blog của mình? 

Phải chăng chính ông Phước cũng hiểu rằng ngôn từ mà ông sử dụng để nói về người thầy đã từng dạy mình như “mông muội, ngu muội…” [3] chắc chả báo nào muốn đăng? Cũng có thể còn một nguyên nhân khác mà ông Phước không nhận thấy, ấy là những điều viết trên blog cá nhân không phải lúc nào cũng mang đầy đủ tiêu chí một bài báo, từ nội dung đến hình thức, trong đó bao gồm cả văn phạm!

Ông Phước đã từng là nhà giáo, ông đã dành nhiều tình cảm cho các thầy cô dạy ông thủa thiếu thời như thầy Nguyễn Quang Tô, cô Trương Ánh Tuyết… Không biết ông còn nhớ hay đã quên thời ông học lớp thạc sĩ quản trị kinh doanh mà thầy Trương Trọng Nghĩa đã dạy?

Cứ cho là ông quên, xem như ông chưa học ông Nghĩa “nửa chữ” nào, nghĩa là ông không bị ràng buộc bởi đạo lý “bán tự vi sư” thì cũng có nên gọi người cùng đoàn đại biểu QH với mình là “ngu muội” hay không? Người xưa bảo “văn là người”, đọc văn ông Phước viết trong blog không khó để nhận biết ông là người như thế nào.

Tự do ngôn luận là quyền hiến định nhưng “Tự do không có văn hóa là thứ tự do hoang dã”. [4] điều này không do người viết nghĩ ra mà đã được lưu truyền.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và người dân các tỉnh phía nam nói chung, nhiều gia đình hiện có người thân định cư tại nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn đề án chi hơn 400 tỷ để phát triển 24 kênh phát thanh truyền hình phục vụ Việt kiều thì ông Phước viết trên blog như sau (lấy bối cảnh đảng của ông Obama):

“Các ứng cử viên Quốc Hội của Đảng thi nhau lấy lòng cử tri, chẳng hạn nữ nghị sĩ X muốn thu nhiều phiếu của cộng đồng người Việt ở California sẽ luôn mồm hô hào chống Cộng sản Việt Nam, luôn miệng sủa Việt Nam vi phạm nhân quyền”. [5]

Trò nói thầy “ngu muội”, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có giật mình? ảnh 4Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa

(GDVN) - Giáo dục bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.

Chính ông Phước đã viết trong blog của mình rằng: “Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài rình rập đánh phá bằng vũ khí truyền thông thì sự bất cẩn trong từ ngữ dùng để nói về những điều trọng đại mang tính quốc gia và quốc thể sẽ nhanh chóng được lợi dụng bởi các kẻ thù của chế độ”.

Cộng đồng người Việt ở California sẽ nghĩ gì về ngôn từ mà một ĐBQH trong nước nhận định về họ? Khi viết rằng “Muốn thu nhiều phiếu của cộng đồng người Việt ở California” thì nữ nghị sĩ X (Mỹ) “sẽ luôn miệng sủa Việt Nam vi phạm nhân quyền”… 

Ông Phước đã cẩn trọng chưa khi đưa vào ví dụ cộng đồng người Việt ở California? Về mặt đối ngoại, Bộ Ngoại giao và chính giới Hoa Kỳ sẽ nghĩ gì khi ông dùng động từ “sủa” để gắn với một “nữ nghị sĩ” thuộc đảng của Tổng thống Hoa Kỳ, dù đó chỉ là ví dụ mà ông tự nghĩ ra? 

Ông có nghĩ đến “quốc gia và quốc thể” khi viết như vậy không, hay ông cho rằng người Việt tại Mỹ và chính giới Hoa Kỳ không có thời gian quan tâm đến cái địa chỉ  blog ông lập ra cũng như những điều ông viết trên đó?

Văn hóa gắn liền với sự tiến hóa của loài người, văn hóa là sản phẩm của loài người thông minh (homo sapiens). Người Á Đông cho rằng “Con người có văn hóa là con người “hành vi ứng xử đúng mực, luôn nhã nhặn lịch thiệp, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng thuần phong mỹ tục, cổ vũ cái tốt và đấu tranh chống cái xấu, có trách nhiệm công dân…”. [6]

Có thể ông Phước tâm đắc với động từ “sủa” ông đã dùng, còn người đọc blog của ông thì lại thấy ở đó sự “tự do hoang dã” giống như chủ thể phát ra từ đó.

Sống trên đời thấy đúng thì khen, thấy dở thì chê, khen không dành riêng cho bậc quyền cao chức trọng, chê không chỉ dành cho người thôn dã. Thấy đúng mà không dám khen, không hợp ý thì chê thật lực kể cả khi người ta nói lên sự thật thì  khó mà gọi đó là trí thức.

Những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Phước ở thành phố Hồ Chí Minh không biết có giật mình khi biết mình đã lựa chọn người đại diện cho mình như vậy? Và liệu việc bôi nhọ, thóa mạ người khác có phải là hành động phạm pháp?

Người viết cũng thấy lạ khi Liên đoàn Luật sư VN kiến nghị xem xét tư cách ĐBQH của ông Đỗ Văn Đương, nhưng lại im lặng trước việc một luật sư trong liên đoàn bị người khác bôi nhọ.

Tài liệu tham khảo:     

 [1]http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20141015/khi-dai-bieu-quoc-hoi-nhieu-vai/658333.html

[2]http://vtc.vn/quoc-hoi-khong-phai-cho-anh-di-phat-bieu-bam-nut-thue.2.497768.htm

[3]http://vov.vn/chinh-tri/dai-bieu-hoang-huu-phuoc-noi-ve-blog-chi-trich-dai-bieu-khac-362433.vov

[4]http://ired.edu.vn/vn/so-tay-giao-duc/218/tu-do-khong-co-van-hoa-la-thu-tu-do-hoang-da

[5]http://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/16/truong-trong-nghia-va-bao-tuoi-tre/

[6] http://hocmai.vn/tai-nguyen/7181/the-nao-la-con-nguoi-co-van-hoa.html

XUÂN DƯƠNG