Chàng sinh viên Ngoại thương với quán cà phê trăm triệu

03/03/2012 12:00
Kim Ngân
(GDVN) - Trần Lợi, chàng trai 9X ngấm máu kinh doanh và bắt đầu khởi nghiệp từ năm thứ 2 đại học bằng các dự án “khủng”.

14 tuổi một mình vào Huế học

Trần Lợi hiện đang là sinh viên năm 3, Chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại, ĐH Ngoại Thương Cơ sở 2, TPHCM. Lợi sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị nhưng hết cấp 2, Lợi giấu bố mẹ, tự nộp đơn thi tuyển vào trường THPT Quốc học Huế để có nhiều đối thủ nặng ký hơn và có điều kiện để cạnh tranh với bạn bè. Quyết định đó khiến bố mẹ, họ hàng bất ngờ và phản ứng dữ dội.

“Thuyết phục bố mẹ không phải dễ dàng gì vì nhà cũng chẳng khá giả gì mà lại đông anh em. Bố mẹ lo lắng vì ở Huế không có họ hàng, người quen nào cả. Nhưng vì em đã nộp đơn tuyển và cương quyết nên bố mẹ không ngăn cản được nữa. Vả lại, từ xưa ba mẹ đầu tư học hành cho con cái rất nhiều nên về sau cũng ủng hộ quyết định của em”, Trần Lợi thuật lại.

Chàng sinh viên 9X Trần Lợi sống tự lập và "máu" kinh doanh từ khi còn học cấp 2. Lợi nghĩ rằng khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội hơn.
Chàng sinh viên 9X Trần Lợi sống tự lập và "máu" kinh doanh từ khi còn học cấp 2. Lợi nghĩ rằng khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội hơn.

Chàng trai Quảng Trị này không sợ cuộc sống xa nhà không người quen, không bạn bè phải tự làm mọi thứ như ăn uống, sắp xếp học hành…mà chỉ sợ không bắt kịp bạn bè. Lợi xác định tâm lý: “Đã quyết định học xa nhà là không được phân tâm, phải định hình trước trong đầu là chấp nhận hy sinh vì tương lai học hành”.

Năm 2009, Lợi đỗ cả hai trường Y Dược TPHCM và Ngoại thương TPHCM. Mặc dù gia đình muốn Lợi học Y vì muốn ổn định, nhưng cậu lại “máu” kinh doanh nên đã chọn Ngoại Thương. Một lần nữa Lợi phải thuyết phục bố mẹ ủng hộ quyết định của mình vì Lợi khẳng định chắc chắn đó là con đường mình khởi nghiệp.

“Năm nhất em cũng chỉ làm gia sư cho một lớp 12 luyện thi Kinh tế TPHCM, năm 2 mình bắt đầu nản với công việc này, rồi quyết định tuyển vào làm Sales tín dụng cho công ty Prudential Finance Vietnam. Và làm được gần một năm, em cũng  tích lũy kinh nghiệm và kiếm được kha khá tiền”, Lợi kể lại.

Cậu sinh viên năm 2 mê kinh doanh tiếp tục với các dự án cửa hàng thức ăn nhanh với người bạn ở Quận Phú Nhuận, nhưng không thành vì không thuê được địa điểm. Qua năm 2 đại học, Lợi thấy hứng thú với thương mại điện tử và lập nhóm 4 bạn nghiên cứu về thương mại điện tử, càng tìm hiểu càng thích thú và có nhiều cảm hứng ý tưởng như marketing online, thanh toán trực tuyến…nên quyết định làm nó để khởi nghiệp.

Năm 2010, Lợi lập nhóm WorldTeam gồm 5 người và mấy tháng sau nhóm lập công ty Cổ phần Công nghệ WorldTeam, bắt đầu xây dựng một số sản phẩm về công cụ quản lý và giải pháp marketing online cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là nhắm đến thị trường TPHCM. Chưa dừng lại ở đó, Lợi cùng nhóm WorldTeam mở một quán cà phê sinh viên với số vốn hơn 500 triệu đồng.

Quán cà phê sinh viên và xoay vốn 100 triệu

Ngày 5/11/2011, quán cà phê mang đậm chất sinh viên được thành lập với cái tên NICHE. Đây là một dự án của WorldTeam, có hơn 10 nhân viên phục vụ đều là các sinh viên làm thêm. Trong kế hoạch, đối tượng hướng đến là sinh viên và nhân viên văn phòng vì đặc trưng khu vực cũng như những giá trị hướng đến của quán đều phục vụ tốt cho 2 nhóm đối tượng khách hàng này.

Nói về quán cà phê, Lợi cho biết: “Điểm đặc biệt của quán cà phê Niche là đậm chất sinh viên: người quản lý cũng là sinh viên, phục vụ cũng là nhân viên và nhạc sống từ các nhóm nhạc sinh viên ngoại thương, kinh tế và Kĩ thuật công nghệ… tạo một không gian yên tĩnh, năng động và trẻ trung”.

Quán cà phê đậm chất sinh viên của nhóm WorldTeam trải qua nhiều khó khăn nhất là xoay vốn. Quán tập hợp các ban nhạc sinh viên đến từ nhiều trường đại học.
Quán cà phê đậm chất sinh viên của nhóm WorldTeam trải qua nhiều khó khăn nhất là xoay vốn. Quán tập hợp các ban nhạc sinh viên đến từ nhiều trường đại học.

Chia sẻ về ý tưởng lập quán, Trần Lợi tươi cười nhớ lại: “Cách đây gần nửa năm, bọn em có họp nhóm ở công viên Tao Đàn để trao đổi kinh nghiệm lập công ty. Bọn em nhận ra nhóm nghiên cứu quá nhiều về lý thuyết, kế hoạch vẫn nằm trong dự án, rồi thất vọng vì loay hoay mãi mà chưa làm được gì, trong khi trong người ai cũng cồn cào muốn khởi nghiệp. Một anh trong nhóm đưa ý kiến làm cái gì đó thực tế chứ không muốn mãi nghiên cứu lý thuyết nữa. Và mọi người đều có cảm hứng muốn lập một quán cà phê nho nhỏ. Đêm đó thực sự sau khi về ai cũng thức trắng có cái gì đó nôn nao đến tận 3h sáng mọi người vẫn còn nhắn tin cho nhau, quyết tâm làm...”.

“Mở quán cà phê vì đam mê của nhóm muốn xây dựng một quán vừa kinh doanh, vừa là một không gian làm việc thoải mái cho mọi người, trong kế hoạch kinh doanh tương lai, các hoạt động của công ty tương tác rất nhiều với các bạn sinh viên nên đây cũng là cơ hội tụi em được tiếp xúc nhiều hơn với các bạn”, Lợi cho biết thêm.

Không dễ để sinh viên có thể bỏ vốn hơn 100 triệu để lập quán cà phê và quản lý hoạt động. Chỉ có một tháng lên kế hoạch kinh doanh, đội thiếu kinh nghiệm thực tế và vốn đầu tư quá lớn… Khó khăn nhất là xoay vốn để làm. Mọi công việc trang trí như đóng sàn, sơn tường, trồng cây... nhóm đều tự tay làm hết, còn thiết kế quán để tiết kiệm chi phí nhóm nhờ sinh viên kiến trúc giúp một tay.

“Bản thân em gặp hai khó khăn lớn đó là gia đình nhất quyết không cho làm vì đang là sinh viên và nhiều người đồn: “Học cho cố rồi đi bán cà phê”. Chỉ có 1 tháng gom tiền, may là sau gần 1 năm đi làm ở Prudential Vietnam thì em cũng tích lũy được mấy chục triệu, còn lại gần nữa thì ba mẹ vay giúp”, Lợi chia sẻ.

Nhóm WorldTeam có nhiều ý tưởng kinh doanh táo bạo. Quán cà phê chỉ là khởi nghiệp ban đầu cho những kế hoạch làm giàu tiếp theo.
Nhóm WorldTeam có nhiều ý tưởng kinh doanh táo bạo. Quán cà phê chỉ là khởi nghiệp ban đầu cho những kế hoạch làm giàu tiếp theo.

Là một sinh viên năm 3 còn trẻ, Trần Lợi ấp ủ nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ “máu” kinh doanh của mình. Theo Lợi thì yếu tố quan trọng là có niềm đam mê kinh doanh, dám làm và dám đánh đổi. Và đội phải có chất lượng tốt và được hỗ trợ nhiều về kỹ thuật và mạng.

 “Trước đây hai năm khi chưa bước chân đi thì em thấy liều, nhưng giờ thì em nghĩ là không vì tất cả chỉ là quy luật đánh đổi và chi phí cơ hội”, Lợi khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Kim Ngân