“Lưỡng quốc” học sinh

18/04/2011 10:47
(GDVN) - Sáng em học ở Việt Nam, chiều lại đạp xe quay trở về là học sinh Trường Pã Thốm Sai Đen (Lào).

(GDVN) - Lâu nay, chúng ta chỉ nghe thấy cái danh hiệu Lưỡng quốc tướng quân, lưỡng quốc trạng nguyên, lưỡng quốc anh hùng… nhưng ở mảnh đất miền biên viễn Quảng Trị, có một lưỡng quốc học sinh đang vượt khó, một ngày học hai lớp, ở hai nước.

9 năm qua (từ năm học 2001 - 2002 đến nay), Thão Cô Được vượt quãng đường hơn 7 km từ bản Kà Rôn (huyện Sê Pôn, Savanakhet, Lào) sang Việt Nam để học. Hiện em đang là học sinh lớp 9D, Trường THCS Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Ba Được là người gốc Hà Tĩnh và mẹ là người Hưng Yên, cả hai đều sang Lào định cư từ trước những năm 1980, hiện gia đình đang làm ăn, sinh sống ở bản Kà Rôn (huyện Sê Pôn, Savanakhet, Lào).

Về Việt Nam học để không quên gốc tích

Thão Cô Được khoe với chúng tôi: “Em có tên trong học bạ Việt Nam là Nguyễn Khang Duy Phúc, còn tên Thão Cô Được theo nghĩa tiếng Lào là “tốt đẹp”, “phúc đức”, “tiến triển”.

Năm học 2001 - 2002, Thão Cô Được bắt đầu thực hiện ước nguyện của ba, mẹ là muốn em không được quên gốc tích Việt Nam, với việc buổi sáng ba em chở em bằng xe máy sang Trường THCS Lao Bảo để học sau khi hoàn tất các thủ tục qua lại biên giới tại Hải quan Cửa khẩu Đensavẳn (Savannakhet, Lào) và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa).

Sau 9 năm, Được có thể tự hào kể chuyện lịch sử Việt Nam vanh vách từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Hai môn học mà Được yêu thích và chăm chút nhiều nhất là môn lịch sử và Văn học. Ngoài ra, mỗi lần theo cha mẹ về cố hương là Hà Tĩnh và Hưng Yên, Được đều dùng số tiền mà mình tích góp để mua sách, đặc biệt là các sách về văn hoá Việt Nam.

“Du học sinh” ở bản

Hồi mới sang học Trường THCS Lao Bảo, Thão Cô Được chỉ mới nói bập bẹ tiếng Việt học được từ ba mẹ chứ không như bây giờ. Vốn tiếng Việt hạn chế nên em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập cũng như giao tiếp với thầy, cô giáo, bạn bè trong trường. Những năm còn học lớp 1, 2 mỗi khi thầy, cô giáo giảng bài, Được chỉ hiểu bài lơ mơ nên kết quả cuối năm học luôn ở mức dưới trung bình.

Nhiều lần, chán nản với kết quả học tập, em nói với ba cho em được nghỉ học ở Trường THCS Lao Bảo để chuyên tâm học tại Lào. Ba  Được buồn rầu bảo rằng: “Ba mẹ sang Lào sinh sống, làm ăn, buôn bán chung quy cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo chứ còn Việt Nam mới chính là đất tổ quê cha mà ba, mẹ em hướng về nên ba mẹ luôn kỳ vọng vào việc học tập của em tại Việt Nam”.
 

Thảo Cô Được chăm chỉ học tập trong giờ
Thão Cô Được chăm chỉ học tập trong giờ học.

Quyết tâm không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ, Thão Cô Được càng cố gắng hơn trong học tập. Trong các tiết học, nếu không hiểu đoạn nào em mạnh dạn đứng dậy hỏi thầy, cô giáo để được thầy, cô chỉ dạy cặn kẽ, tường tận từng bài học. Ngoài việc học ở trường, về nhà em tranh thủ những lúc ba rảnh rỗi nhờ ba chỉ dạy thêm vốn tiếng Việt. Thế rồi, vốn tiếng Việt của em ngày càng tốt hơn và giờ thì em nói tiếng Việt “nhanh như gió”.

Chính nhờ vậy, nên trong suốt từ năm học lớp 3 đến nay hầu như năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh khá.

Đó là chuyện học ở Việt Nam, còn tại Lào hiện em đang theo học tại Trường Pã Thốm Sai Đen (huyện Sê Pôn, Savanakhet) với hai môn chính là tiếng Lào và Toán. Học ở Lào khác ở Việt Nam là học theo chứng chỉ. Cứ học xong môn nào thì thi lấy chứng chỉ môn học đó nên cũng khá thuận lợi cho việc học của Thão Cô Được khi một lúc phải theo học hai trường. Vì thế, sáng em học ở Việt Nam, chiều lại quay trở về là học sinh Trường Pã Thốm Sai Đen.

Công dân đặc biệt” của biên giới Việt – Lào

Ngày trước, hải quan hai bên biên giới Lào – Việt  thấy hai ba con Được cứ sáng qua đến trưa lại về thì lấy làm lạ. Sau biết chuyện em sang Việt Nam để học, các chú hải quan vui lắm. Khi làm thủ tục hải quan để qua lại biên giới, các chú luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ba em để ba kịp thời gian chở em đến trường học đúng giờ.

Sau này, khi em đã lớn, có thể tự đi học một mình, ba em mua cho Được chiếc xe đạp để đến trường, khỏi phiền đến ba vì ba mẹ còn phải làm ăn, buôn bán. Có lẽ quá quen thuộc với việc em hàng ngày qua lại biên giới để học nên mỗi khi thấy em là các chú hải quan thường cho em qua mà không phải đăng ký giấy tờ vì lo em trễ học. Bây giờ, các chú Hải quan ở cửa khẩu Lao Bảo hay đùa em là “công dân đặc biệt” của biên giới Việt – Lào”, Thão Cô Được tâm sự.

“Ước mơ lớn nhất của em là sau này sẽ theo học một trường đại học về quản lý kinh tế nào đó tại Việt Nam. Với kiến thức học được em sẽ thành lập doanh nghiệp thương mại để giao thương, buôn bán qua lại giữa hai nước Việt – Lào. Đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ phải học tốt ở hai trường để có kiến thức vì không có kiến thức thì không làm gì được cả.” Thảo Cô Được không ngần ngại bày tỏ ước mơ.

Xầu Cân Mưới