Nữ sinh viên 20 tuổi đi khắp năm châu bằng đường tình nguyện

12/07/2011 08:23
(GDVN) - Chỉ bắt đầu tham gia tình nguyện từ những ngày đầu tốt nghiệp THPT nhưng những chương trình mà Liên từng tham gia có lẽ vượt xa cái tuổi 20 của cô.

(GDVN) - “Bốn ngày giữa trời tháng 7 oi ả, không tắm, chợ thì cách cả chục cây số... nhưng khi những đứa trẻ phải vượt qua vài ngọn đồi với đôi mắt ánh lên niềm thích thú khi trông thấy tủ sách, thì nỗi mệt mỏi của mình dường như tan biến hết” - đó là những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm tình nguyện của cô sinh viên nhỏ tuổi này.

Dù mới học năm thứ hai trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhưng Vũ Kiều Liên đã không ít lần được chọn đại diện cho giới trẻ Việt Nam đi tình nguyện và tham dự các diễn đàn thanh niên thế giới.

Cô gái sinh năm 1991 hiện là Phó Chủ tịch Tổ chức Tình nguyện vì Hòa bình (VPV) với số thành viên chính thức lên tới gần 1000.  

Chỉ bắt đầu tham gia tình nguyện từ những ngày đầu tốt nghiệp THPT nhưng những chương trình mà Vũ Kiều Liên từng tham gia có lẽ vượt xa cái tuổi 20 của cô. VPV chính là nơi “dẫn dắt” Kiều Liên đến với tình nguyện khi mới bước chân vào đại học, cũng là nơi cô gắn bó và trưởng thành lên rất nhiều.

Cõng sách vượt ngàn cây số đến với trẻ nghèo

Với Vũ Kiều Liên, chương trình mà cô nhớ nhất là dự án “Tủ sách Hòa bình 2009”. Nhóm tình nguyện do Liên làm điều phối khi đó đã phải lặn lội mang những cuốn sách, tập vở, giấy bút… từ Hà Nội tới một xã hẻo lánh thuộc tỉnh Sơn La, chỉ cách biên giới với Lào khoảng 2 km và chưa từng có đoàn tình nguyện nào đặt chân tới. 

“Bốn ngày giữa trời tháng 7 oi ả, không được tắm, chợ thì cách cả chục cây số, cả đoàn “đánh vật” tìm củi, nhóm lửa nấu nướng. Tối ngủ mà muỗi đốt sưng cả chân tay. Nhưng khi biết những đứa trẻ phải vượt qua vài ngọn đồi và đôi mắt ánh lên niềm thích thú khi trông thấy tủ sách mới của trường, mọi khó khăn dường như tan biến hết”, Kiều Liên nói.

Vũ Kiều Liên cùng các thành viên VPV đã tổ chức rất nhiều hoạt động tình nguyện và giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế như Ngày phát triển lãnh đạo Việt Nam (Hà Nội), Trại tình nguyện tại làng trẻ Thụy An (Hà Nội), Tết trung thu ở trung tâm trẻ em tàn tật Ba Vì (Hà Nội), Ngày Quốc tế thiếu nhi tại làng trẻ SOS Việt Trì (Phú Thọ),…

Không chỉ tích cực tham gia các chương trình hội thảo/ tình nguyện trong nước, Vũ Kiều Liên còn không ít lần vinh dự được chọn là đại diện cho giới trẻ Việt Nam tham gia Trại hè quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ & Nhật Bản, Hội nghị Thanh niên thế giới tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Hội thảo các tổ chức phi chính phủ bàn về Công ước Đa dạng sinh học tại Nagoya (Nhật Bản), Hội nghị quan hệ công chúng của các tổ chức phi chính phủ châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) và mới đây nhất là Diễn đàn Tuổi trẻ ASEAN tại Jakarta (Indonesia).

Bí quyết giành “vé” đi hội thảo/tình nguyện nước ngoài như Liên nói là trình độ ngoại ngữ, bởi đây là yếu tố tiên quyết khi sống trong môi trường đa văn hóa, là ngôn ngữ chính để sinh viên quốc tế thảo luận, trao đổi và chia sẻ quan điểm. Bên cạnh đó, những điều ứng viên đã, đang và sẽ làm được trong tương lai cũng là một tiêu chí rất quan trọng.

Vũ Kiều Liên - hàng trên, đứng thứ 2 từ trái sang phải
Vũ Kiều Liên - hàng trên, đứng thứ 2 từ phải sang trái


Mỗi chuyến đi là một bài học lớn

Với cô gái sinh năm 1991, việc được tham gia các chương trình tình nguyện quốc tế là cơ hội lớn để cô học hỏi và trưởng thành hơn. Sau mỗi chuyến đi, Liên luôn ấp ủ ngày trở về phải làm một điều gì đó để giúp đỡ nhiều hơn cho những người xung quanh.

“Trước đây, mình chỉ tham gia các chương trình tình nguyện với vai trò thành viên. Giờ đây, mình mong muốn tự thân biến những ý tưởng, dự án tình nguyện thành hiện thực để không chỉ bản thân mình mà các bạn trẻ khác cũng có cơ hội trải nghiệm thực tế và trưởng thành hơn”, Kiều Liên chia sẻ.

Vũ Kiều Liên nói, cô đang tìm kiếm học bổng ra nước ngoài học tập nhằm trau dồi thêm kiến thức và mở rộng mối quan hệ. Trong tương lai, Liên hy vọng tiếp tục được làm việc trong các chương trình/ dự án tình nguyện nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của thanh niên, trẻ em và xóa đói giảm nghèo. Với Liên, việc tham gia tình nguyện không chỉ để hiểu người mà trước hết là để hiểu mình. Mỗi chuyến đi, mỗi chương trình là một bài học lớn đem đến những thay đổi tích cực trong mỗi thành viên. 

Tổ chức Tình nguyện vì Hòa bình Việt Nam (VPV) là một tổ chức phi chính phủ, thành viên của mạng lưới tình nguyện toàn cầu. VPV là câu lạc bộ dành cho tất cả các bạn thanh niên có mong muốn tham gia tình nguyện, đóng góp cho cộng đồng và giao lưu văn hóa quốc tế, đồng thời giúp hiện thực hóa các ý tưởng tình nguyện và nâng cao các kỹ năng của bản thân. Hiện tại, số thành viên của VPV đã lên tới con số gần 1000.

Khoảng 50 thành viên của VPV đã được cử đi tình nguyện ở các quốc gia trên thế giới như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Italia, Đức, Estonia, Ba Lan, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ,…

Sơn Tùng