Phó Chủ tịch Quốc hội xúc động trước 72 dũng sĩ nhỏ

15/05/2013 15:44
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay (15/5), 72 “dũng sĩ nhí” đã có buổi gặp mặt Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hà Nội. Đây là những gương mặt tiêu biểu nhất đã có “nghìn việc tốt” giúp bạn bè trong cuộc sống, có những hành động nghĩa cử đáng biểu dương trong cả nước.
72 em nhỏ đến từ khắp mọi miền đất nước đã báo cáo thành tích học tập cũng như những việc làm tuổi trẻ của mình. Đó là những Đỗ Quốc Anh (Bắc Giang) xả thân cứu 2 bạn khỏi chết đuối giữa trời giá rét, đó là Thanh Thị Cử (Yên Bái) dù nhà nghèo nhưng vẫn đem 40 triệu đồng nhặt được mang trả tận nơi người bị mất, đó là em Nguyễn Hoàng Lan Vy (Bình Định) cõng bạn đi học suốt 5 năm…và nhiều hành động đáng biểu dương nữa.
Cả hội trường sáng nay đều hướng mắt về Đỗ Quốc Anh, cậu học sinh lớp 9B Trường THCS Yên Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang khi nghe tới câu chuyện cách đây mấy tháng em đã xả thân cứu hai bạn (em Đào Thị Hạnh, lớp 6C và em Nguyễn Hiền Vũ, lớp 2B Trường Tiểu học Yên Mỹ) thoát khỏi miệng tử thần. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, cũng không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện về Quốc Anh.
 
Em Đỗ Quốc Anh đã xả thân cứu bạn cùng trường 3 lần. Ảnh Xuân Trung
Em Đỗ Quốc Anh đã xả thân cứu bạn cùng trường 3 lần. Ảnh Xuân Trung
Còn nhớ, đúng vào đợt rét đậm của năm 2012, em Đào Thị Hạnh, lớp 6C, Trường THCS Yên Mỹ được cô ruột nhờ đi đón em Nguyễn Hiền Vũ, lớp 2B Trường Tiểu học Yên Mỹ. Khi về đến cầu bắc qua sông ở thôn Đầu Cầu, không may bàn đạp xe của Hạnh bị mắc vào gờ cầu và lao xuống sông. Nghe mấy em nhỏ đi cùng kêu cứu, Đỗ Quốc Anh nhà ở gần đó vội chạy ra. Lúc này Hạnh và Vũ đã trôi cách cầu khoảng 20m. 
Không ngần ngại, Quốc Anh dũng cảm nhảy xuống sông, kéo em Vũ đưa vào gần bờ cho bám vào bụi cỏ để những người trên bờ kéo lên, còn em tiếp tục quay lại dòng nước sâu kéo tiếp Hạnh. Lúc đó em Hạnh đã trôi thêm một đoạn nữa theo dòng nước. 

Cứu xong hai em nhỏ, được sự hỗ trợ của người lớn, Quốc Anh còn tiếp tục vớt cặp sách đưa lên bờ. Nói với chúng tôi, Quốc Anh cho biết, lúc đó không nghĩ ngợi là trời lạnh đến mấy, miễn chỉ cứu được người là quan trọng nhất. 

Thông tin thêm, chị Nguyễn Thị Vân Khánh, tổng phụ trách Đội trường THCS Yên Mỹ cho biết, không chỉ cứu 2 em nhỏ cùng trường như trên, Quốc Anh trước đó đã cứu sống 1 bạn cùng lớp khi tắm sông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động trước những hành động nghĩa khí của các "dũng sĩ nhí". Ảnh Xuân Trung
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động trước những hành động nghĩa khí của các "dũng sĩ nhí". Ảnh Xuân Trung

Câu chuyện cõng bạn đi học suốt 5 năm của em Nguyễn Hoàng Lan Vy, lớp 7A1 Trường THCS TT Bình Dương (Bình Định) khiến nhiều người phải cảm phục. Lan Vy cho biết, bản thân em chỉ nặng 40kg nhưng trong 5 năm ngày nào cũng cõng bạn Phương Thúy nặng 25kg trên người để tới trường, từ nhà tới trường đi bộ mất 20 phút. Cõng bạn cũng hơi mệt, nhiều lúc thời tiết mưa nắng thất thường Lân Vy cũng rất nản nhưng nghĩ tới người bạn tốt, học giỏi nên đã kiên trì cõng bạn cho tới tận bây giờ. 

Trong 5 năm cõng bạn đi học nhưng chính quyền địa phương chưa một lần động viên, khen ngợi Lan Vy! Nghe tin này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là một hành động đáng được biểu dương mà không ai ở địa phương quan tâm, động viên trong suốt 5 năm thì "cần phải xem lại".

Câu chuyện cảm động về em Thang Thị Cử học sinh lớp 6C, Trường THCS Mường Lai, Lục Yên (Yên Bái) khiến ai nghe cũng cảm phục. Gia đình em Cử thuộc diện đặc biệt khó khăn, trường học cách xa nhà nên em thường đi học sớm. Ngày 3/4, trên đường đi học về, lúc đầu Cử nhặt được 200 nghìn đồng. Đi tiếp một đoạn đường ngắn, em lại nhặt được một chiếc ví trong đó có một bọc bên ngoài ghi “40 triệu đồng”.
Không đắn đo, sau khi về tới nhà Cử đã nói với bố mẹ và biết được danh tính người bị mất chiếc ví là bác Hứa Văn Lưu ở cạnh thôn. Em Cử đã nhờ bố mẹ mang tiền tới tận nhà bác Lưu để trả.

Tuyên dương các "dũng sĩ nhí". Ảnh Xuân Trung
Tuyên dương các "dũng sĩ nhí". Ảnh Xuân Trung

Dù sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cuộc sống của gia đình chỉ trông vào vài sào lúa nước, bố mẹ lại ốm đau, bệnh tật thường xuyên nhưng Cử nói rằng: “Nhặt được tiền và chiếc ví đó em đã nghĩ ngay là sẽ đem trả người đánh rơi. Em nghĩ mình không nên có lòng tham khi số tiền đó không phải là của mình”.

Có suy nghĩ đó vì theo Cử, bài học ở trường các thầy cô vẫn dạy là nhặt được của rơi trả người đánh mất. Có thể người bị mất tiền hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, có thể họ cần tiền để lo chữa bệnh hay cho con ăn học. Đó là suy nghĩ của em Thang Thị Cử. 

Trước những câu chuyện cảm động của những “dũng sĩ” nhí làm “nghìn việc tốt”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhiệt liệt biểu dương. Bà cho rằng, trên đất nước ta ở đâu đó còn rất nhiều các em có hành động giúp mọi người, đó là những em cần được biểu dương kịp thời. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành và Đoàn Thanh niên cần thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc trẻ em. Làm sao để lứa tuổi măng non này trưởng thành sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, học giỏi và làm nhiều việc tốt hơn nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng căn dặn 72 “dũng sĩ” nhí rằng, một  mình mình làm việc tốt thì chưa đủ mà cần động viên các bạn mình tham gia làm việc tốt hơn nữa. Những hành động dũng cảm cứu người như em Đỗ Quốc Anh thì không chỉ ở mình mà cần có trên cả nước. Làm cho phong trào “nghìn việc tốt” không chỉ là 50 năm mà cần phải nhiều hơn thế, những gương làm việc tốt cần được nhân  rộng hơn nữa trong xã hội.  
Xuân Trung