Thầy giáo mù sáng chế dụng cụ học hình không gian "bóng tối"

25/11/2011 07:17
Thu Hằng
(GDVN) - Hành trình “gieo sáng” trong bóng tối mà thầy Nguyễn Văn Hoàn đi gần 30 năm qua đã thắp lên ngọn lửa hi vọng biết bao thế hệ học trò.
Người thầy đầu tiên của trường Nguyễn Đình Chiểu

Tôi đến thăm nhà thầy Nguyễn Văn Hoàn vào một buổi chiều mùa thu, ngôi nhà ẩn mình trong cái ngách nhỏ của ngõ Hội Vũ, hoa sữa quyện vào từng mái ngói rêu phong im lìm. Nơi đây đã chứng kiến biết bao thăng trầm trong cuộc đời của người thầy giáo mù dạy toán. 

Khi còn đang giảng dạy ở huyện Gia Lâm, bệnh thoái hóa võng mạc bẩm sinh khiến cho đôi mắt của thầy chỉ còn thấy thứ ánh sáng mờ đục, ranh giới giữa ngày và đêm dần bị xóa nhòa. Không hề bi lụy, thầy xác định, muốn theo đuổi nghề giáo thì phải học chữ nổi Braille và thầy đã mò mẫm học. Chữ cái đầu tiên mà thầy học là chữ A và từ đầu tiên là từ “Ánh sáng”. Học hỏi những người khiếm thị, dần dần thầy cũng biết viết, đọc loại chữ này.
Chữ cái đầu tiên mà thầy học là chữ A và từ đầu tiên là từ “Ánh sáng”. Ảnh: Ngọc Khánh
Chữ cái đầu tiên mà thầy học là chữ A và từ đầu tiên là từ “Ánh sáng”. Ảnh: Ngọc Khánh
Năm 1983, thầy xin chuyển công tác về trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Thời gian này, ngoài thầy hiệu trưởng ra thì thầy Hoàn là giáo viên duy nhất của trường.

Thầy nhớ lại năm đầu thành lập, mặc dù trường lớp chưa xây, cở sở thiếu thốn trăm bề, học trò ít, thầy cũng không bao giờ nản chí. Thầy tâm sự :“Do mắt kém nên mình phải nỗ lực, quyết tâm gấp đôi để có thể hòa nhập với những người bình thường”. 

Ông trời không phụ lòng người, tình yêu đã mang cô gái Hà thành đến bên cuộc đời thầy. Vượt qua khó khăn, cô giáo Nguyễn Thu Hà đến với thầy bằng cả một trái tim nhân hậu. Cũng là một giáo viên nên cô Hà hiểu được nỗi đau đáu với nghề của chồng mình, vì thế, cô không quản ngại gian khổ để chồng yên tâm công tác. Ngoài giờ lên lớp, cô còn làm thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.

Cô cũng xin chuyển công tác về cùng trường với thầy để tiện đưa thầy đến lớp. Hơn mười một năm, cô chở thầy trên chiếc xe đạp Liên Xô cũ đến với những con người cùng cảnh ngộ. Đội mưa, đội nắng đến trường, có lẽ hình ảnh về hai vợ chồng thầy giáo mù đã in trên những con phố, hàng cây mà họ đi qua.

Phát minh ra dụng cụ dạy trẻ khiếm thị học hình không gian
Dường như ở đâu có bóng tối thì ở đó sẽ nhóm lên ánh sáng của niềm tin và hi vọng, hành trình “gieo sáng” trong bóng tối mà thầy Nguyễn Văn Hoàn đi gần 30 năm qua đã thắp lên ngọn lửa ở biết bao thế hệ học trò. Thầy đã giúp học sinh thu “ánh sáng” từ đôi bàn tay.

“Do là người đồng tật nên tôi hiểu rõ những khó khăn trong cuộc sống và học tập của người khiếm thị”, thầy Hoàn chia sẻ. Trong việc học môn toán, đặc biệt là hình học, học sinh phải tưởng tượng ra để vẽ hình, đây là một cản trở đối với người khiếm thị. Một lần tình cờ chạm tay vào miếng gai dính thấy đoạn dây dù dính vào miếng gai, thầy lóe lên ý tưởng “vẽ” hình bằng miếng gai đó. Thầy giục bà xã ra chợ mua các đồ để thiết kế dụng cụ dạy học độc đáo này.

Khi đưa vào sử dụng, học sinh “thấy” được các hình tam giác, hình vuông, lục giác… có hình có khối qua cảm giác của tay với miếng gai. Với dụng cụ học tập này, học sinh rất dễ tưởng tượng, từ đó tiếp thu bài dễ hơn. Sáng kiến này giúp thầy nhận được giải B toàn quốc về sáng tạo đồ dùng học tập cho người khuyết tật do Viện Khoa học giáo dục tổ chức năm 2008.

Sự sáng tạo không có giới hạn, điều đáng nói là sự sáng tạo của thầy Hoàn là xuất phát từ thực tiễn giảng dạy và phục vụ chính học trò của mình.

Năm 2007, bà xã về hưu, sức khỏe cũng đã yếu hơn nên thầy Hoàn đến trường bằng xe ôm. Dù nắng, dù mưa, thầy vẫn đến trường đều đặn như một thói quen.

Những lúc rảnh rỗi, chiếc máy vi tính có phần mềm hỗ trợ người khiếm thị trở thành người bạn của thầy giáo Hoàn. Hàng ngày, thầy vẫn truy cập vào internet để theo dõi tình hình thời sự trong và ngoài nước. Thầy sử dụng rất thành thạo máy tính, “không nhìn được, không có nghĩa là mọi cánh cửa sẽ khép lại, thế giới mở ra thông qua đôi tai và cảm giác. Máy tính như một người thầy của tôi”, thầy khẳng định.
Thầy Hoàn bên ngồi nhà mơ ước. Ảnh: Ngọc Khánh
Thầy Hoàn bên ngồi nhà mơ ước. Ảnh: Ngọc Khánh
Ngôi nhà 5 tầng... bằng giấy để ở góc nhà khiến tôi hết sức tò mò. Thầy cho biết, đó là mô hình ngôi nhà sẽ xây dựng trong tương lai, “sợ kiến trúc sư không hiểu ý tưởng nên mùa hè năm ngoái ,2 vợ chồng tôi, người hướng dẫn, người cắt dán”. Đó là căn nhà mơ ước của thầy mà chẳng biết bao giờ
thầy có thể biến ước mơ thành hiện thực?
"Ưu ái là giết chết sự phấn đấu của HS khiếm thị!"

Trong gần 30 năm dạy học sinh khiếm thị, điều khó khăn nhất với thầy đó là tạo cho học sinh niềm hứng thú học tập. Thầy trăn trở “nhiều học sinh tâm sự với tôi rằng bị khiếm thị thì việc học khó tiến được xa hơn, chính vì vậy có nhiều em muốn nghỉ học giữa chừng. Hơn nữa, mỗi học trò lại xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau nên làm thế nào để các em vượt khó, không tự ti là điều mà mỗi giáo viên dạy trẻ khuyết tật chúng tôi quan tâm”.

Sự kiên trì, bền bỉ và lắng nghe học trò là điều mà thầy Hoàn tâm niệm mỗi buổi lên lớp.

“Anh hùng thầm lặng” Đào Thu Hương là một trong những học trò xuất sắc của thầy. Trong những năm học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, thầy Hoàn đã vun đắp tình yêu toán học với cô học trò giàu nghị lực này. Thu Hương chia sẻ “có rất nhiều buổi học, mặc dù đã hết giờ nhưng nếu các bạn chưa hiểu rõ thì thầy cũng không nề hà, giảng lại cho tới khi hiểu thì thôi”.

Thầy Hoàn không đồng tình với cách nghĩ của nhiều người, đặc biệt là một số thầy cô cho rằng, với những em khuyết tật thì mình phải có sự ưu ái, nhất là trong cách cho điểm. Theo thầy, làm như vậy không giúp cho học sinh nhận ra khả năng của mình mà còn làm các em cảm thấy bị thương hại, không bình đẳng trong đánh giá với học sinh bình thường. 

Thầy giáo Ngô Văn Hiếu là đồng nghiệp nhưng đồng thời cũng là học trò cũ của thầy Hoàn. Nhớ lại những năm học đầu tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu cách đây hơn 20 năm, thầy Hoàn là người đã dìu dắt anh làm quen với những kiến thức toán học trong “bóng tối”. Hiện nay, anh dạy môn Toán giống như thầy giáo của mình. “Thầy là người hết lòng hết sức với học sinh, làm việc rất có trách nhiệm. Mình luôn yêu quý và kính trọng thầy!”, anh Hiếu chia sẻ.

Người thầy giáo được ví như con đò thầm lặng. Trong cơn giông tố của cuộc đời, con đò vẫn lặng lẽ sang sông. Và có lẽ, như cô học trò Đào Thu Hương từng nói: “Thầy là con đò của tình thương và trí tuệ”.
Thu Hằng