Thủ khoa tốt nghiệp HV Quân Y: Thần tượng mẹ để phấn đấu

18/08/2011 23:58
(GDVN) - Sự đồng cảm khiến em Nguyễn Thị Vân Anh quyết tâm theo đuổi ước mơ làm bác sỹ cứu giúp những bệnh nhân nghèo.

(GDVN) – Nguyễn Thị Vân Anh, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Học viện  Quân Y là một trong những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mắc bệnh mất sớm, mẹ nghỉ việc về chăm sóc hai chị em. Hoàn cảnh đó khiến Vân Anh có suy nghĩ “mình cần phải có trách nhiệm với mẹ hơn”.

{iarelatednews articleid='10500,10110,9597,9000,8517,7919'}

Trong 112 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, học viện được TP Hà Nội tuyên dương sắp tới, Vân Anh là một thủ khoa của một trong những trường quân đội. Nghị lực học tập phi thường của em khiến các thầy, bạn bè, đồng chí, đồng đội nể phục suốt 6 năm học vừa qua.

Phải có trách nhiệm với mẹ

Hôm qua (18/8) là ngày vui nhất đối với Vân Anh, nhiều điều “đầu tiên” đến với em. Là lần đầu tiên cầm trong tay tấm bằng bác sỹ chuyên ngành Dược lâm sàng, nước mắt ngắn dài vì hạnh phúc khi ước mơ đã thành sự thật, lần đầu tiên đón mẹ ra chung vui cùng con, lần đầu tiên được nhận lương thực tập, lần đầu tiên được “ra ngoài” với đúng nghĩa ở trọ và cũng là lần đầu tiên gặp chúng tôi, Vân Anh không khỏi xúc động khi nhớ về người bố đáng kính của mình.

hgv
Vân Anh luôn lạc quan dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn tới đâu. Ảnh Xuân Trung

Trong kí ức của Vân Anh và người chị sinh đôi Nguyễn Thị Kim Anh, hình ảnh người bố vẫn hằng ngày là tấm gương thôi thúc hai chị em cố gắng học tập. Vân Anh chia sẻ với chúng tôi, từ khi còn nhỏ đã phải sống xa bố, cho tới lúc 2 tuổi bố em, ông Nguyễn Văn Điển mắc bệnh tim. Lúc đó, không còn sự lựa chọn nào khác, mẹ em là Nguyễn Thị Châm phải xin nghỉ việc ở một cơ quan nhà nước để về chăm lo gia đình.

Kí ức tuổi thơ của Vân Anh chỉ là hình ảnh người cha đau yếu luôn trên giường bệnh, là người mẹ sớm hôm tảo tần ngược xuôi  vừa bán hàng rong, vừa chăm sóc bố và nuôi dạy hai con. Vân Anh chia sẻ: “Sau khi mắc bệnh, bố em phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai tới 7 năm, lúc đó em còn nhỏ, chỉ nghe mẹ nói là bố đi công tác xa nên không có nhà. Cho tới khi lên cấp 2, bố khỏe lại, các bác sỹ cho xuất viện, lúc đó em mới biết bố bị bệnh.

Năm lên cấp 3, bố đã khỏe hẳn. Thời gian đó, bố lo nghĩ nhiều vì chúng em sắp vào đại học, có những lúc vì mặc cảm bệnh tật, là gánh nặng cho mẹ con bố thường cáu gắt, có lúc đòi về quê ở. Bố và mẹ còn bàn với nhau, nếu hai chị em vào học đại học sẽ không có đủ tiền nuôi, bố muốn một đứa ở nhà học nghề thêu, nhưng mẹ nhất quyết không nghe. Bố suy nghĩ nhiều dẫn đến đột quị và ra đi để lại ba mẹ con” Vân Anh xúc động kể lại.

Vân Anh cho biết, lúc đó do còn ham chơi, cho tới khi bố em mất đi, một cảm giác lo lắng, thương mẹ những lúc cùng bố trong viện, có thời gian rảnh là mẹ đạp xe đi bán hàng rong kiếm chút tiền nuôi con, và nghĩ mình cần phải có trách nhiệm với mẹ hơn trong cuộc sống nên cố gắng học tập tốt.

gfrgdf

Với thành tích học tập xuất sắc của mình, Vân Anh được Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh đích thân trao bằng khen. Ảnh nhân vật cung cấp

“Không ai như mẹ em, mặc dù bố thường cáu gắt nhưng mẹ vẫn kiên trì ở bên, nâng đỡ giấc ngủ, bữa ăn cho bố. Mùa hè nóng bức, mẹ nhường chiếc quạt con cóc cho hai chị em, còn mẹ gần như thức trắng đêm quạt cho bố ngủ, mùa đông mẹ nhường chăn ấm cho ba bố con, còn mẹ chịu rét. Nếu em rơi vào hoàn cảnh đó, chẳng biết em có làm được không” Vân Anh xúc động khi nói về người mẹ đầy tảo tần của mình.

Lớn lên trong gia đình nhiều khó khăn, đồng cảm với nhiều người nghèo không có tiền chữa bệnh, Vân Anh quyết theo nghiệp bác sỹ để phần nào mang sự đồng cảm giúp mọi người.

Học không phải cho riêng mình

Khoác trên mình màu áo lính, Vân Anh luôn tự hào và hạnh phúc khi được học và rèn luyện dưới mái trường Học viện Quân Y. Cách đây 6 năm, hai chị em quyết thi vào bằng được ngành y để sau này có điều kiện giúp mọi người, chị gái Vân Anh học hệ dân sự, mọi chi phí ăn, ở phải tự lo, riêng Vân Anh được nhà nước chu cấp toàn phần.

thtr
Ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng là lúc kết thúc thời học viên, phải ra ngoài thuê trọ. Đồ đạc vẫn còn ngổn ngang khi mới dọn về phòng. Ảnh Xuân Trung

Vân Anh cho biết, vào quân đội vất vả và khắc nghiệt là thế nhưng đối với học viên nữ mà lại học ngành y đó là sự hy sinh vô cùng lớn. “Có thời gian học cao điểm, đêm nào cũng 3-4 giờ sáng mới đi ngủ, nhưng mãi thành quen, thân hình theo đó cũng gầy dọc đi nhiều. Lắm lúc em cũng thấy nản, nhưng mỗi khi tuyệt vọng em lại nghĩ tới bố, tới mẹ (mẹ em hiện cũng đang mắc bệnh thoái hóa khớp, tay viêm thần kinh không nâng được đồ vật), mình học không chỉ cho riêng mình mà còn cho nhiều người khác nữa nên phải cố” Vân Anh trầm ngâm hồi lâu như nhớ về tương lai sẽ được chữa bệnh cho mọi người.

Sống và học tập, Vân Anh luôn giữ cho mình quan điểm, sống phải có chỗ dựa vào nhau, chứ không chỉ là một cuộc sống đơn giản. “Không có gì là tự dừng lại nếu một khi bạn thực sự cố gắng” - Vân Anh vẫn nhớ như in câu châm ngôn của một danh nhân nào đó.

Hiện tại, Vân Anh đã tốt nghiệp ngành Dược lâm sàng với thành tích loại giỏi, chị Vân Anh là Kim Anh cũng đã tốt nghiệp ngành Y cùng trường. Vân Anh cho biết, dược lâm sàng là nghề khá mới, là nơi trung gian giữa bác sỹ và bệnh nhân, nên việc hai chị em thường xuyên có những trao đổi để tìm ra phương án điều trị bệnh nhân sao cho hiệu quả nhất là điều rất tốt.

Phần thưởng mà Vân Anh dành được hôm nay, em xin gửi tới người mẹ, đã tảo tần nuôi hai chị em, gửi tới bố như một lời biết ơn vô bờ bến.

Mong ước của Vân Anh là được làm đúng ngành mình thích để giúp được nhiều người bệnh, hơn nữa có điều kiện em muốn được học thạc sỹ tại nước ngoài để nâng cao vốn tiếng Anh, đó cũng là chìa khóa tìm hiểu nhiều tài liệu y học trên thế giới.

Nguyễn Thị Vân Anh, quê ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội, học viên lớp dài hạn Dược 11, hệ đại học, Học viện Quân Y. Trong 5 năm học, có 4 năm được công nhận là học viên giỏi. Năm 2006-2007, 2009-2010 và 2010-2011 được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua.

Năm 2008-2009 được tặng bằng khen của Học viện Quân Y. Năm 2008 được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2011, nhận được bằng tiếng Anh TOPEFL với số điểm 500. Năm 2009, Vân Anh đạt giải khuyến khích Viphotec với đề tài: Nghiên cứu quy trình tạo Callus Thông đỏ Việt Nam và được đánh giá cao.

Xuân Trung