"World Cup và phong bì": Chuyện đặc biệt của cô giáo trường Chu Văn An

18/02/2013 07:00
Theo Thiên Di/SohaNews
"Các em đã bàn nhau góp tiền giúp cô giáo, nhưng hào hứng góp xong rồi không ai dám đưa phong bì cho cô, thế là "thủ quĩ" lại phải lần lượt trả tiền về cho từng bạn"...

LTS: Nạn phong bì và những tiêu cực, biến tướng của việc dạy thêm đang khiến ngành giáo dục đánh mất nhiều thiện cảm của xã hội. Tuy nhiên, cũng vì báo chí phần lớn chỉ phản ánh mặt trái nên người ta quên mất rằng vẫn còn rất nhiều người thầy xứng đáng là tấm gương sáng, chính cách sống của họ giúp định hình nhân cách tốt ở học trò chứ không phải là chữ nghĩa sách vở.

Đầu xuân, Giaoduc.net.vn xin đăng tải lại cuộc phỏng vấn với câu chuyện đặc biệt của TS Trịnh Thu Tuyết để độc giả cùng suy ngẫm...

Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Văn THPT Chu Văn An chia sẻ câu chuyện về nghề giáo.
Tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Văn THPT Chu Văn An.

Không bao giờ chấp nhận phong bì của phụ huynh, học sinh

- Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô đã bao giờ "kêu" hay buồn vì lương giáo viên thấp chưa?

Quan điểm sư phạm của TS Trịnh Thu Tuyết trên Giaoduc.net.vn qua một số vụ việc trước đây:

Học sinh 'xúc phạm' thầy cô trên facebook rất cần sự bao dung (Vụ học sinh Quảng Nam 'xúc phạm' thầy cô trên facebook)

TS Trịnh Thu Tuyết nhắn nhủ cô Hà Thủy 'rộng lòng hơn với cuộc đời' (Vụ cô giáo với đề kiểm tra 'canh gà Thọ Xương')

Thầy giáo "tra tấn" học sinh ở Thái Nguyên: Dùng bạo lực là... bất lực

Đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT thiếu tính khoa học, tính giáo dục

“Có những giới hạn mà người giáo viên không được phép vượt qua..." (chuyện nói tục khi giảng bài của TS Lê Thẩm Dương)

TS Trịnh Thu Tuyết: Khái niệm thấp hay cao trong đồng lương viên chức là chỉ tương quan giữa thu nhập từ lương và nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống trong mặt bằng chung của xã hội. Căn cứ này cho thấy đồng lương giáo viên thật khiêm tốn; nhất là với những giáo viên vùng sâu, vùng xa, hoặc giáo viên dạy các môn ít có điều kiện dạy tăng tiết hay dạy thêm như sử, địa, công nghệ, giáo dục công dân...

Tuy nhiên, không chỉ riêng tôi mà phần lớn các giáo viên (GV) ít khi "kêu" (!), nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ bởi chúng tôi thường tự động viên bằng cách nhìn quanh trong mặt bằng chung với xã hội: nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình!

- Có một quan niệm như thế này: Nếu tính số giờ lên lớp của một giáo viên so với lương cơ bản họ nhận được thì là nhiều. TS có nghĩ thế không?

TS Trịnh Thu Tuyết: Về lí thuyết, GVPT phải dạy từ 17 đến 19 tiết / tuần; có nghĩa là khoảng 80 tiết/ tháng; nghĩa là khoảng 45 phút * 80 tiết / 26 ngày, tương đương 138 phút lao động / ngày.

So sánh với lương cơ bản GV được nhận thì có vẻ còn hơn khá nhiều ngành nghề khác; tuy nhiên, tôi nghĩ chẳng có ai nhìn vấn đề một cách cơ học ấu trĩ như thế; bởi bên cạnh những công việc chắc chắn phải làm ngoài 17-19 tiết ở trường như soạn bài, chấm bài.., thì để có được kết quả trong giảng dạy và giáo dục, những GV có trách nhiệm và tâm huyết với nghề luôn phải đầu tư một lượng thời gian và công sức không thể tính đếm!

- Gần đây, mọi người lại bàn tán lương thưởng của giáo viên chỗ cao, chỗ thấp, cô có quan tâm nhiều về vấn đề này không? Và liệu cần có chế độ đãi ngộ giáo viên tốt hơn không thưa TS?

TS Trịnh Thu Tuyết: Sự chênh lệch trong thu nhập xã hội này không chỉ xuất hiện trong nội bộ ngành giáo dục, và thật xót lòng khi chứng kiến cuộc sống của không ít những người đồng nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa...Chế độ đãi ngộ cho GV đã và đang được quan tâm, từ phụ cấp chung 35% tới việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên...; tuy nhiên, khi "cơm áo không đùa với...giáo viên!" thì những người thầy vẫn phải ngậm ngùi nghĩ: giá như...!

- Đã bao giờ cô nhận phong bì cảm ơn trong những ngày lễ, tết từ học trò, phụ huynh chưa?

TS Trịnh Thu Tuyết: Quả thật, dân ta có truyền thống "tôn sư trọng đạo"; theo thời gian, những món quà quê kiểng mà trân trọng như con gà, chục cam... đã "nhẹ hóa" thành phong bì, bưu thiếp...; và nhiều GV cũng không chỉ nhận quà trong ngày "mồng ba tết Thầy" như mĩ tục xưa!

Những món quà mất dần ý nghĩa tri ân sâu nặng với những người thầy "sống tết, chết giỗ" mà biến tướng như một sự trả giá, bán mua! Có lần, khi đi mua bánh kẹo để chuẩn bị đón học sinh cũ tới thăm ngày 20-11, tôi nghe mấy em nhỏ nói với người bán hàng: "Cô chọn cho cháu thứ bánh thật rẻ tiền nhé, ông thầy cháu chỉ quan tâm đến phong bì để bên trong thôi!". Thật đau lòng cho người thầy khi nhận được những món quà như thế!

Một số bài viết cũng đã đề cập tới vấn đề này, và tôi đã đọc được ý kiến cho rằng: GV có thể nhận phong bì cảm ơn từ học sinh hoặc phụ huynh! Quan niệm này có thể được chia sẻ bởi những cách nghĩ tương đối thực tế là tránh tình huống "quay vòng" những món quà không phù hợp; tuy nhiên, tôi cho rằng thầy không có lí do gì để nhận phong bì của trò bởi lẽ đơn giản là các em chưa làm ra tiền (!); và GV cũng không có lí do gì để nhận phong bì của phụ huynh vì GV đang làm nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ đã được xã hội trả lương! Và đó là lí do khiến tôi không bao giờ chấp nhận phong bì của học sinh hay phụ huynh.

Lòng tin và sự kính trọng của học sinh

- TS đánh giá như thế nào về việc nhiều người lợi dụng dạy thêm, học thêm để tăng thu nhập? Và hình như nhiều người đang hiểu nhầm, đánh đồng hoạt động giáo viên dạy thêm chân chính. Vậy theo TS, chúng ta hiểu rõ như thế nào cho đúng?

TS Trịnh Thu Tuyết: Việc một số GV tổ chức các lớp dạy thêm cho chính học sinh mình đang dạy trên lớp, gây những bức xúc, bất bình cho học sinh, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội là thực tế không hiếm gặp trong các trường phổ thông hiện nay. Thật đáng xấu hổ nếu người thầy làm mất đi một trong những phương tiện giáo dục cao quí nhất là nhân cách của mình bằng việc bớt xén kiến thức, ép buộc học trò đi học ngoài giờ để kiếm tiền!

Theo quan niệm và thực tế giảng dạy của riêng tôi, nếu GV có trách nhiệm trong mỗi bài giảng, luôn hình dung sau một tiết dạy của mình, học sinh sẽ có thêm được điều gì trong vốn tri thức, vốn sống, và trong cả bài thi sau này- khi đó, học sinh sẽ hoàn toàn không cần phải đi học thêm. Với quan niệm ấy, tôi không bao giờ dạy thêm cho bất cứ học trò nào tôi đang dạy ở trường phổ thông.

Hiện tượng học sinh tham gia các lớp ôn luyện thi tuyển sinh đại học, cao đẳng...ở các trung tâm hoặc các chương trình ôn thi trực tuyến cũng đang là thực tế ở rất nhiều tỉnh, thành phố hiện nay.

Tôi cho rằng hiện tượng này về cơ bản là lành mạnh và tích cực đối với nhu cầu nâng cao tri thức, kĩ năng của học sinh trước các kì thi quốc gia. Đáp ứng đúng mối quan hệ cung - cầu của xã hội, đây là mô hình dạy và học hoàn toàn tự nguyện, không mang tính chất ép buộc về phía học trò; sự bắt buộc duy nhất lại thuộc về bản thân người thầy khi họ luôn phải tự nâng cao chính mình về tri thức, tự hoàn thiện chính mình về nhân cách.

- Vậy theo cô điều quan trọng và đáng quý nhất mà một người thầy nhận được từ học trò là gì? Và kỷ niệm nào, học sinh nào mà tạo ấn tượng nhất đối với cô trong suốt năm tháng giảng dạy?

TS Trịnh Thu Tuyết: Đó là lòng tin và sự kính trọng của học sinh dành cho người thầy.

Có rất nhiều kỉ niệm về tình thầy trò trong quãng đời dạy học của tôi. Nhưng vấn đề của bài phỏng vấn hôm nay khiến tôi nhớ một chuyện cách đây hơn chục năm. Năm ấy, tôi gặp một vài vấn đề dẫn đến sức khỏe không được ổn; không hiểu vì sao mà học sinh lớp tôi chủ nhiệm đã ra trường lại biết và thông báo cho nhau về "vận hạn" của cô giáo. Các em không hề nói gì, nhưng gần như phân công nhau "trực nhật" hàng tuần ở nhà tôi, thậm chí năm ấy các em đến chen chúc ngồi xem chung kết World Cup ở ngôi nhà 10m2 của tôi.

Sau này tôi mới biết các em đã bàn nhau góp tiền giúp cô giáo, nhưng hào hứng góp xong rồi mới nghĩ ra là không ai dám đưa phong bì cho cô, thế là "thủ quĩ" lại phải lần lượt trả tiền về cho từng bạn! Câu chuyện giản dị này khiến tôi thấy tôi là người hạnh phúc và thật giàu có.

- Trong năm mới 2013, với vai trò là một người giáo viên đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, cô mong muốn điều gì cho nghề giáo viên nói riêng, ngành giáo dục nói chung?

TS Trịnh Thu Tuyết: Tôi mong nghề GV nhận được sự trân trọng và quan tâm - sự trân trọng phần lớn do chúng tôi tạo nên, còn sự quan tâm là về phía xã hội!

- Trân trọng cảm ơn cô về những câu chuyện nghề đầy ý nghĩa!

Theo Thiên Di/SohaNews