Đoạn tuyệt hỷ, nộ, ái, ố... của cuộc sống phàm tục vì ước mơ từ thiện

25/02/2012 06:00
Đức Tình
(GDVN) - Một chàng trai trẻ sẵn sàng gửi thân nơi cửa Phật, đoạt tuyệt với hỷ, nộ, ái, ố của cuộc sống phàm tục chỉ vì ước mơ làm từ thiện.

Chùa Nôm là một ngôi chùa nổi tiếng được xếp hạng di tích quốc gia tại làng Nôm, xã Đình Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Nói đến ngôi chùa này, người ta không thể không nhắc đến dấu ấn của một sư thầy với lòng từ bi nhân hậu, chuyên làm việc thiện, giúp đỡ chúng sinh. Đó là thầy Huệ, với Pháp danh là Thích Đồng Huệ.

Chỉ với 38 tuổi đời nhưng những gì mà thầy Thích Đồng Huệ làm được cho ngôi chùa cũng như cho bao nhiêu mảnh đời khó khăn, bất hạnh là rất lớn và đáng được tri ân.

Tuổi thơ với khát khao được làm việc thiện

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo nhưng ngay từ nhỏ, cậu bé Huệ đã luôn mong muốn được làm nhiều điều thiện. Mong muốn ấy xuất phát từ chính trái tim và tấm lòng nhân hậu của cậu bé.

Từ khi là học sinh tiểu học, cậu bé đã sớm có nhận thức và thấy xúc động trước những con người kém may mắn, gặp bất hạnh trong cuộc sống.  Hằng ngày đi học, cậu đều mang theo một bao tải để nhặt lá, nhặt củi và mang biếu những cụ già neo đơn, không người nuôi dưỡng. Những khi rảnh rỗi, cậu tham gia cuốc đất, cày ruộng, trồng lúa, nhặt cỏ đồng ruộng giúp những cụ già có con đi lính sống cô đơn. Với cậu, được giúp đỡ mọi người xung quanh là một niềm hạnh phúc, là điều cần phải làm và đáng được ưu tiên trên tất cả.

Nuôi dưỡng ước muốn cao đẹp ấy, năm 18 tuổi cậu đã dấn thân vào cửa chùa. Chàng trai 18 tuổi đã không ngần ngại gửi thân nới cửa phật, sẵn sàng đoạn tuyệt hẳn với những hỷ, nộ, ái, ố, những cám dỗ nơi cuộc sống phàm trần để trao thân cho nhà chùa.

Thầy Thích Đồng Huệ chia sẻ: “Đi tu là ước muốn từ bé của tôi. Chưa khi nào tôi cảm thấy băn khoăn hay có chút mảy may hối hận khi trao thân vào cửa phật. Cánh cửa nhà chùa khiến tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm nơi cõi lòng và có thể làm việc thiện nhiều hơn…”

Mang theo khao khát đó, thầy đã vào Vũng Tàu để đi theo con đường tu trì của mình. Thầy đã học Trung cấp Phật giáo ở Vũng Tàu rồi Cao đẳng Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Và đến năm 1998, thầy được bổ nhiệm làm chủ trì tại chùa Nôm. Sau đó, thầy còn sang Quảng Châu (Trung Quốc) tầm sư học đạo một thời gian.

“Còn hơi thở còn từ thiện…”

Sư thầy Thích Đồng Huệ luôn mang trong mình tâm niệm: “Còn hơi thở còn từ thiện”. Dường như, việc tích đức bằng các công việc từ thiện hằng ngày đã ngấm sâu vào máu xương của vị sư trụ trì trẻ ấy.

Sư thầy Thích Đồng Huệ và 6 em đang được nuôi dưỡng, học tập tại chùa Nôm
Sư thầy Thích Đồng Huệ  và 6 em đang được nuôi dưỡng, học tập tại chùa Nôm

Những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, người tàn tật, các cụ già neo đơn, các đối tượng chính sách thương bệnh binh, bà con nghèo dân tộc vùng cao,…luôn khiến vị sư chủ trì trẻ ấy thấy đau đáu trong lòng. Thầy Thích Đồng Huệ đã gửi tặng nhiều phần quà từ thiện ý nghĩa và đặc biệt là những suất học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó ở các tỉnh Hưng Yên (Văn Lâm - Nghĩa Hoà), Hà Giang... (1.000.000 đồng/suất học bổng dành cho sinh viên, 500.000 đồng/suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó)”.

Điều khiến người ta xúc động hơn là những suất học bổng này do chính thầy dành dụm từ quà riêng, từ công sức do đi lễ và tiền công đức của nhà chùa.

Dành trọn niềm tin cho các thế hệ học sinh, thầy còn tặng hàng trăm cặp kính cận cho những học sinh bị cận thị tại trường THPT Văn Lâm – Hưng Yên.

Hằng năm, thầy còn trao quà cho người nghèo vào những dịp: Tết Nguyên đán, thời điểm giáp hạt tháng 3, tháng 8 với trị giá khoảng 200 triệu/ năm; quà cho các gia đình chính sách vào ngày thương binh liệt sĩ 27/7 với giá trị từ 100- 150 triệu/ năm. Ngoài ra, thầy Thích Đồng Huệ cũng là nhân tố rất tích cực, quan trọng trong các Quỹ người nghèo, Qũy bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, Trung tâm hy vọng Tiên Cầu (huyện Kim Động), Quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt…

Thầy Thích Đồng Huệ nhớ lại: “Năm ngoái, tôi có đi thăm bà con dân tộc vùng cao ở tỉnh Hà Giang. Cuộc sống nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Tận mắt thấy những đứa trẻ nằm đất, không một mảnh chiếu với cái bụng chương phềnh, run lẩy bẩy, toàn thân đầy rận…, tôi thật sự thấy bị ám ảnh. Thương lắm! Sót lắm!”.

Cảm động trước cảnh đó, sư thầy Thích Đồng Huệ đã trao cho họ thức ăn, đồ uống, thuốc men, quần áo, và nhiều thứ cần thiết khác. Chính điều ấy đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và lôi kéo họ cùng tham gia làm việc thiện.

“Ai ai cũng có lòng trắc ẩn. Nhiều lúc họ có thể nhìn thấy những cảnh đời khốn khó nhưng vẫn thờ ơ. Có thể vì họ chưa gặp dịp, gặp lúc và có điều kiện để làm một chút gì đó cho những con người bất hạnh xung quanh mình. Nếu được nhìn thấy những gương làm từ thiện thì chắc chắn họ sẽ đi theo. Cái đó chính là Nhân Duyên”, Thầy Huệ nhấn mạnh.

Người “cha” đáng kính của bao thế hệ.

Không chỉ làm từ thiện, sư thầy còn nhận nuôi và chu cấp tiền ăn học, sinh hoạt cho nhiều thế hệ học sinh. Theo thầy Huệ, đó hầu hết là những trẻ mồ côi được mang đến hoặc bị bỏ rơi nơi cổng chùa từ lúc nhỏ hoặc vì hoàn cảnh quá thiếu thốn mà cha mẹ chúng phải gửi chúng chốn cửa Phật. Tại đây, tất cả các em đều được thầy Huệ và nhà chùa chăm lo, nuôi dưỡng và cho ăn học tử tế.

“Em mất bố lúc mới chỉ lên 5 phải bán nhà, bán đất. Em được Thầy đưa về nuôi lúc đang học lớp 9. Thầy tiếp tục cho em học lên cấp 3, Đại học. Hiện em có công việc ổn định và có thu nhập nhờ tấm bằng tốt nghiệp trường Học viện Ngân hàng. Bản thân em thực sự thấy cảm kích và biết ơn tấm lòng của thầy và nhà chùa…”, em Nguyễn Trọng Khoa ở Mỹ Hào - Hưng Yên tâm sự.

Tính đến nay đã có 15 người tốt nghiệp Đại học và thành đạt, trong đó có người còn đi du học nước ngoài nhờ sự giúp đỡ của thầy Thích Đồng Huệ và chùa Nôm.

Hiện nay, tại chùa Nôm, thầy Huệ đang nuôi 6 em ăn, ở và học hành. Em Phạm Văn Hùng, sinh năm 1995, mới vào chùa tháng 10/2010 nhưng đã cảm nhận được tình thương của sư thầy, em chia sẻ: “Thầy như là một người cha quá tốt, hiền lành và luôn chăm lo tận tình cho con cháu. Ước mơ của em là được theo Thầy và trở thành một người như Thầy”.

Tuy nhỏ tuổi nhất, năm nay mới học lớp 5 nhưng Sài Tiến Lợi, 1 trong 6 em được thầy Huệ nuôi nấng lại có thời gian gắn bó với thầy và nhà chùa lâu dài nhất. Lợi được nhận vào chùa từ lúc 3 tuổi. Vì gia đình khó khăn nên mẹ đã phải gửi em vào chùa để tiện cho công việc mưu sinh. Từng ly sữa thầy pha, từng giấc ngủ thầy chăm sóc, từng bữa cơm thầy mơm mớm…, Lợi đều nhớ như in: “Em thương thầy lắm! Thầy không sinh ra em nhưng là người đã tạo thành em”.

Một bà cụ đi thắp hương tại chùa chia sẻ: “Thầy Huệ hiền lắm! Thầy nhẹ nhàng, từ tốn nhưng rất được lòng mọi người. Dù nghiêm khắc, nhưng thầy rất quan tâm và chăm sóc “con cái”. Từ khi về đây làm chủ trì, thầy Huệ làm từ thiện rất nhiều, giúp đỡ người dân làng Nôm này nhiều lắm!...”

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Pả Vi

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Bữa cơm có thịt


Đức Tình