Người đàn bà Bôn - sê - vích

08/04/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Có khi là con cá, cân thịt, chục đậu phụ, mớ rau… bà mua và “quẳng vào” cho bếp của đồn. Có khi là một vài món ăn bà tự nấu ở nhà mang ra để cải thiện cho anh em công an. 
Tìm đến căn nhà số 1, ngõ 105, phố Thụy Khê - Tây Hồ - Hà Nội một ngày cuối đông để gặp người phụ nữ với biệt danh “Bôn – sê – vích” của phường Thụy Khuê. Người phụ nữ chúng tôi cần gặp năm nay đã ngoài 80 tuổi. Lúc chúng tôi đến, bà vẫn đang cặm cụi bên bếp than lửa hồng chuẩn bị bữa cơm trưa cho các chiến sỹ công an phường. Mấy chục năm nay, qua 3- 4 đời công an phường, người đàn bà ấy vẫn tình nguyện “nuôi quân” mỗi dịp cuối tuần. Đó là bà Đỗ Thị Thanh, 82 tuổi. Người dân phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội vẫn quen gọi bà là bà Kỷ, theo tên của chồng.
“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
Khi chúng tôi đến, bà Kỷ đang thoăn thoắt xào nấu để kịp 11h30’ cho anh công an trẻ của phường đưa cơm về trụ sở. Nụ cười và ánh mắt hiếu khách của bà vẫn nhìn về phía chúng tôi và không quên chế cho mấy vị khách lạ một ấm trà nóng. Người phụ nữ đang ngồi trước mặt chúng tôi đây được các công an phường Thụy Khuê gọi là “người đàn bà Bôn - sê - vích”.
Cuối tuần nào bà Kỷ cũng cặm cụi nấu nướng để đưa cơm ra cho các chiến sỹ công an phường Thụy Khuê (Ảnh Thu Hòe)
Cuối tuần nào bà Kỷ cũng cặm cụi nấu nướng để đưa cơm ra cho các chiến sỹ công an phường Thụy Khuê (Ảnh Thu Hòe)
Hàng ngày, bà Kỷ vẫn lui tới đồn công an của phường Thụy Khuê thăm non, chăm lo từng miếng ăn cho anh em công an trong phường. “Hôm nay cuối tuần, nhà bếp của công an phường nghỉ, chẳng có ai nấu ăn cho chúng nó, ra quán thì không yên tâm… Bất đắc dĩ tôi trở thành chị nuôi quân vào mỗi dịp cuối tuần cho Công an phường Thụy Khuê”, bà Kỷ bộc bạch lý do làm chị nuôi quân tự nguyện của mình. Có khi là con cá, cân thịt, chục đậu phụ, mớ rau… bà mua và “quẳng vào” cho bếp của đồn. Có khi là một vài món ăn bà tự nấu ở nhà mang ra để cải thiện cho anh em công an. “Bây giờ chẳng có ai phải đói nữa nhưng “xảy nhà ra thất nghiệp”, chúng nó xa nhà, đi trực, đi làm công tác an ninh, dân vận suốt ngày như thế, thời gian đâu mà ăn uống được tử tế. Mình giúp chúng một miếng ăn ngon chúng cũng ấm lòng…mình cũng vui”, bà chia sẻ. Thương cảnh các anh em công an phường cơm bụi bên đường mỗi dịp cuối tuần, bà Kỷ lại hì hụi đi chợ thổi cơm rồi đưa đến đồn. Mỗi suất cơm của các chiến sỹ công an ở đây chỉ có 20.000 đồng nên có phần đạm bạc. Lần nào đi chợ, bà cũng bỏ tiền túi mua thêm một vài món gọi là cải thiện khẩu phần ăn. Mọi người có hỏi thì bà trả lời qua loa: “Hôm nay, bà đi chợ mua được thức ăn vừa rẻ vừa tươi ngon nên có thêm món cho các con…”
Bà không nhớ ngày, tháng, năm sinh của mình chỉ áng chừng mình năm nay khoảng 82 tuổi. Người dân phường Thụy Khuê ai cũng biết bà Kỷ vì tinh thần trách nhiệm, hay làm việc nghĩa (Ảnh Thu Hòe)
Bà không nhớ ngày, tháng, năm sinh của mình chỉ áng chừng mình năm nay khoảng 82 tuổi. Người dân phường Thụy Khuê ai cũng biết bà Kỷ vì tinh thần trách nhiệm, hay làm việc nghĩa (Ảnh Thu Hòe)
Đã mấy chục năm nay, qua 3, 4 đời trưởng đồn Công an phường Thụy Khuê, không một chiến sỹ công an nào lại không biết đến người “vú nuôi quân già” này.
Trung úy Tuấn, cảnh sát hình sự phường Thụy Khuê cho biết: “Bà lúc nào cũng lo công an "đói", những hôm chúng tôi thức đêm trực, không kể mưa, rét thế nào bà mang cơm, mua đồ ăn đến bắt anh em chúng tôi ăn cho bằng hết rồi mới chịu đi về. Anh em chúng tôi có đưa tiền bà không nhận lại còn mắng té tát… Rồi những đợt cao điểm trong năm, bà lại thường trực cùng anh em công an phường.”
Không chỉ chăm lo bữa ăn cho các công an phường Thụy Khuê, bà Kỷ còn thường xuyên giúp đỡ những người nghèo khó gặp cảnh hoạn nạn. “Mấy hôm trước đi chợ thấy thằng bé đánh giầy đứng co ro cạnh góc tường. Trên người nó chỉ có một manh áo mỏng tang, da thịt tím tái vì rét. Nhìn thấy thương quá, tôi chạy theo và dẫn nó vào một cửa hàng quần áo bên đường mua cho một cái áo len. Nhưng khi trả tiền thì lại thiếu, tôi vẫn nhất quyết đòi mua bằng được. Người bán hàng mắng tôi bị hâm không có tiền mà đòi mua đồ. Bực lắm, tôi đã phải ký gửi làn thức ăn vừa mua và số tiền lẻ có trong tay để chạy về nhà lấy thêm tiền ra mua cho cậu bé đánh giầy cái áo…” bà Kỷ kể.Kiếp đi ở của cô Gái Tên tục của bà Kỷ là Đỗ Thị Thanh. Nhưng chẳng mấy ai ngoài con cháu trong nhà biết đến cái tên đó. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời bà lại có một cái tên gọi khác nhau. Chúng tôi hỏi cái tên nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bà. Bà bảo: Đó là “Gái”. Nước mắt bà bỗng rưng rưng. Dường như chúng tôi đã chạm vào “miền kí ức” mà bà đã cất giữ sâu bấy lâu nay. Với bà cái tên đó gắn liền với tuổi thơ, đời con gái với bao mất mát, tủi nhục của thân phận kẻ đi ở. Bà không biết ngày sinh, tháng đẻ của mình, chỉ biết năm nay mình bước sang tuổi 82. Bố mất từ khi chưa chào đời, mẹ bỏ đi bước nữa. Từ đó bà Thanh trở thành đứa trẻ mồ côi, lang thang nơi đầu đường xó chợ kiếm sống qua ngày. Rồi bà được đưa về ở cho một gia đình họ hàng. Nhưng số đời vẫn vậy : “Người ta cho mình ăn một thì mình phải làm cho họ 10”. Chúng tôi là thế hệ con cháu, không biết cảnh đi ở trước kia ra sao, nên chăm chú lắng nghe. Vì thế bà cũng cởi mở tấm lòng mình hơn và nghẹn ngào kể chuyện ngày xưa cũ. Ngày đi ở, cô bé 10 tuổi đã phải cáng đáng nhiều việc lớn bé trong nhà chủ, từ trông em đến cơm nước và đồng áng. Những ngày mùa đông giá lạnh, bà phải thức giấc từ 4h sáng, đi lội sông, nước đến tận cổ vớt bèo nuôi lợn. Rồi đêm về chỉ một manh áo, chiếc quần đụp rách tả tơi, quấn thêm chiếc bao tải nằm co ro trong đống rơm góc bếp. Trong khi đó bụng đói meo đến nỗi không còn ngủ được nữa. Bà Thanh cười như khóc khi nhắc lại lần đói quá, ăn vụng 2 lá bún của chủ nhà và bị bắt gặp. Bà đã bị đánh chửi trong mấy ngày liền. Tủi nhục và quá vất vả, bà bỏ trốn. Nhưng một mình không nơi nương tựa, không tài sản bà chẳng thể đi xa. Rồi “cô Gái” bị bắt lại. Bị đánh nhiều hơn, phải làm nhiều và ăn ít hơn trước đấy. Bà xúc động khi nhắc lại lời chửi của bà chủ: “Dù mày có lên trời tao cũng lôi chân mày xuống, mày xuống địa ngục tao cũng kéo tóc mày mà lôi lên. Mày còn lâu mới thoát khỏi tay tao.” Khi ấy bà mới hơn 10 tuổi.
“Bây giờ chẳng có ai phải đói nữa nhưng “xảy nhà ra thất nghiệp”, chúng nó xa nhà, đi trực, đi làm công tác an ninh, dân vận suốt ngày như thế, thời gian đâu mà ăn uống được tử tế. Mình giúp chúng một miếng ăn ngon chúng cũng ấm lòng… mình cũng vui”
Gánh nước nuôi 7 người con 23 tuổi bà lấy chồng. Quê chồng bà Thanh ở Hòa Xá - Ứng Hòa - Hà Tây cũ, một làng quê nghèo xác xơ. Gia đình bà trở lại làng Thụy Khê mưu sinh. Bà còn nhớ như in cái ngày sinh cậu Hòa con trai đầu lòng: “Sáng đó tôi sinh cu Hòa, chẳng được miếng cơm nào. Đến chiều đói quá, không chịu được, tôi đành mò ra ao hái ít rau về luộc chấm muối. Nghĩ mà tủi quá.”
Bà Kỷ và chồng (Ảnh Thu Hòe)
Bà Kỷ và chồng (Ảnh Thu Hòe)
Chồng bà tên Kỷ làm công nhân nhà máy giấy Trúc Bạch. 7 người con lần lượt ra đời. Lương công nhân của ông chẳng đủ cả nhà ăn đến giữa tháng. Bà đã phải bươn trải làm biết bao việc, từ trông trẻ, phụ hồ, xếp hàng mua gạo, hay gánh nước thuê… Chiến tranh tàn phá, cuộc sống của gia đình bà thêm chật vật, lay lóc. Nhưng dù đang bưng rổ gạo mới vay, nếu gặp ai đói hơn mình, bà sẵn sàng nhường lại một phần gạo. Bốn người con trai của bà đều tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Rồi cả 4 đều trở về nguyên vẹn và rắn rỏi hơn. Bà nói: “Quả là trời cao đất dày thương số mình khổ, các con đều bình an trở về. Có phải bà mẹ nào cũng may mắn được như tôi đây. Vì thế mình càng phải tích đức nhiều hơn nữa…”Dũng sĩ hòa giải Bà thương những đứa trẻ ngày rét chỉ một manh áo rách. Chúng làm hiện lên trong bà hình ảnh “cô Gái” năm nào. Bà không tiếc mấy chục tiền ăn thịt cá để mua cho các em nhỏ những manh áo ấm mùa đông. Đôi khi bà còn không có tiền trong túi, đành phải nói khéo để người bán chịu cho bà, không lỡ các em đi mất. Một cán bộ công an trêu bà rằng, cứ vụ đánh nhau nào bà cũng có mặt, rằng bà thích bao đồng mấy chuyện rắc rối ngoài xã hội. Bà “chửi”: “Phúc 3 đời nhà các con đó. Bà có mặt thì bà còn khuyên ngăn, giải hòa để các con đỡ xét xử tùm lum, mất công sức. Để thời gian rảnh mà làm việc khác” Những tên đầu gấu, đầu bò phường Thụy Khê bà đều nắm vững. Bà không phán xét mà đơn giải chỉ giúp đỡ miếng cơm manh áo. Nhiều vụ va chạm, gây gổ và cãi vã đều được bà giải quyết êm đẹp. Anh công an đi cùng ghé tai chúng tôi bảo rằng: “Bà còn nhiều chiến công hiển hách lắm. Nhưng ngại chuyện kể lể công trạng. Bà có nhiều nghiệp vụ giải hòa mà chúng tôi còn thiếu. Nếu có nhiều người như bà Kỷ thì công an chúng tôi không có việc mà làm.”
Cuộc đời bà Kỷ thực sự là một tấm gương sáng về lòng nhân ái. Không phải đợi đến khi có điều kiện mới làm việc thiện. Đôi khi chỉ cần một sự giúp đỡ rất nhỏ của ta nhưng đúng lúc người khác cần sẽ có giá trị quyết định, có thể làm thay đổi cả một cuộc đời.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Thu Hòe