Ông Thành từ thiện

18/02/2012 06:00
Đức Thọ
Dù đã gần 80 nhưng ngày nào ông Thái Văn Thành cũng thức dậy từ sáng sớm, khoác lên mình tấm áo có in hình chữ thập đỏ rồi lại rảo bước…
Năm nay, ông Thái Văn Thành ở Khu Lê Hồng Phong - Thị Trấn Chũ - Lục Ngạn (Bắc Giang) đã gần tuổi 80 nhưng ngày nào cũng vậy, ông thức dậy từ sáng sớm, khoác trên mình tấm áo có in hình chữ thập đỏ và mang theo tấm sổ “tấm lòng vàng” dạo bước khắp các khu phố ở thị trấn để vận động từng gia đình quyên góp tiền của để cùng giúp cho những cảnh đời bất hạnh…. 
Hình ảnh minh họa (nguồn internet)
Hình ảnh minh họa (nguồn internet)
Sau hai lần tìm đến nhà không gặp được ông Thành, lần thứ ba tôi quyết định "ăn chắc" đến nhà ông từ khi trời tờ mờ sáng. Quả nhiên lần này tôi đã gặp được ông. Năm nay ông Thành đã gần 80 tuổi nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn lắm. Tiếp chuyện với tôi, ông cười nhân hậu nói: "Các anh muốn gặp tôi thì phải vào nhà trước 6 giờ sáng, bởi thời gian tôi ở nhà rất ít, tranh thủ lúc còn sức khoẻ tôi muốn làm được nhiều việc thiện hơn nữa... ". 
Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Thành tuy không to nhưng đồ đạc trong nhà được bố trí ngăn lắp, gọn gàng. Tấm ảnh của Bác Hồ được treo trang trọng giữa phòng khách và nhiều nơi trong căn phòng nhỏ này có treo ảnh chân dung của những vị lãnh tụ, ảnh của những tấm gương làm từ thiện tiêu biểu ở trong nước và trên thế giới…

Đặc biệt là ngay đầu giường của ông có treo một chiếc hòm tiết kiệm ghi chữ Hội chữ thập đỏ. Thấy tôi quan sát có phần kỹ lưỡng, ông Thành giới thiệu: “Tôi sinh ra đúng vào ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngay từ thủa nhỏ tôi đã được giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ, mỗi ngày tôi dành ra một số tiền nhỏ để cho vào hòm tiết kiệm này nhằm giúp đỡ một phần khó khăn cho những cảnh đời bất hạnh...” . 
Sinh ra ở miền quê Đà Nẵng, vì gia cảnh quá khó khăn nên ngay từ khi còn nhỏ ông Thành đã phải vào Nam làm con nuôi trong một gia đình có truyền thống cách mạng và giầu lòng nhân ái. Sớm được giác ngộ cách mạng nên ngày từ hồi còn là thanh niên, ông Thành đã tham gia tích cực vào tổ chức “Công hội đỏ”, “Hội thập tự”, bắt đầu thực hiện những việc làm từ thiện giúp đỡ cho những người nghèo khó, bần cùng. Đến tháng 3 năm 1948, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái, đóng quân ở miền Trung Nam Bộ.

Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, ông Thành đã được Nhà nước trao tặng nhiều huân huy chương các loại. Sau khi đơn vị tập kết ra Bắc, ông được làm việc trong Cục quân y - Tổng cục hậu cần…. Đến năm 1971, ông lập gia đình với bà Trần Thị Hiện và định cư ở Lục Ngạn. Năm 1973, ông Thành được nghỉ hưu bắt tay vào công việc xây dựng kinh tế gia đình và tích cực tham gia vào hoạt động của Hội chữ thập đỏ của địa phương.
Mặc dù cuộc sống của gia đình ông chẳng khá giả gì nhưng làm việc thiện đã ăn vào máu thịt của ông Thành ngay từ thủa nhỏ, nó trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của ông. Ông bảo “Nhìn những gia cảnh của những người khó khăn cơ nhỡ, ông không thể cấm lòng được!”.

Vì thế mà chỉ tính từ ông Thành nghỉ hưu (năm 1973) đến nay, bằng một phần lương hưu ít ỏi, ông đã chia sẻ bớt khó khăn cho hàng trăm lượt người đang phải sống cuộc sống cơ cực ở khắp mọi miền tổ quốc. Tiêu biểu trong hai tháng gần đây, bằng hình thức chuyển tiền qua bưu điện, ông Thành gửi đến nhiều gia đình như: bà Nguyễn Thị Lợi (ở phố Thống Nhất - Bố Hạ - Yên Thế - Bắc Giang) 200 nghìn đồng; Bà Diệp Thu (ở số 88 - đường Ký Hoà - Phường 11 - Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh) 200 nghìn đồng… .

Con số cụ thể những gia đình đã được giúp đỡ, ông Thành không nhớ, mà thực tế ông không bao giờ cần nhớ. Quan điểm của ông là khi mình giúp cho ai việc gì thì phải giúp hết lòng hết sức, xong rồi hãy mong chóng quên đi. Còn ai đã giúp cho mình việc gì, dù là việc nhỏ như cái kim sợi chỉ thì mình cũng phải ghi lòng, tạc dạ. Ngoài việc tiết kiệm lương hưu (lương của ông Thành hiện được hơn 2 triệu đồng/tháng), ông còn trồng và chăm sóc cây cảnh, mỗi khi bán được cây, ông để riêng số tiền đó ra để chuyển đến cho người nghèo. Cứ mỗi khi ông Thành giúp đỡ được cho một gia đình khó khăn hoạn nạn là ông cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn đi. 
Ông biết nếu chỉ dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình mình thì dù có cố gắng cũng không thể giúp đỡ được cho nhiều gia cảnh. Vậy là từ năm 2002, ông Thành đã quyết định lập sổ “tấm lòng vàng” rồi đi đến Hội chữ thập đỏ huyện xin dấu chứng nhận, sau đó ông đi vận động từng gia đình ở địa phương cùng tham gia làm việc thiện.

Để làm gương cho mọi người noi theo, trong mỗi lần “khai sổ” ông đều trích một khoản tiền khá lớn của gia đình mình ghi vào trang đầu tiên. Điển hình như quyển sổ năm 2002, tên ông Thái Văn Thành ghi ủng hộ 1 triệu đồng (Khi ấy lương hưu của ông còn chưa đầy 1 triệu). Nhờ thế mà trong 4 quyển sổ “tấm lòng vàng” do ông lập ra dầy hàng trăm trang mà ông còn giữ lại được có ghi tên, địa chỉ hàng nghìn lượt người tham gia ủng hộ. Họ ủng hộ từ 3 nghìn, 5 nghìn đến cả hàng trăm nghìn đồng, ai có tấm lòng là ông nhận hết.

Cứ mỗi khi cộng dồn sổ cảm thấy được một khoản tiền kha khá là ông lại mang ra bàn giao tiền cho Hội chữ thập đỏ của địa phương, ghi ngày tháng và người nhận rõ ràng và đóng dấu của Hội vào quyển sổ đó. Có khi số tiền ông vận động trong sổ còn lớn hơn tổng số tiền do Hội chữ thập đỏ của thị trấn vận động trong một dịp nào đó.
Năm nay mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cứ mỗi sáng thức dậy, cảm thấy mình còn sức khoẻ là ông Thành lại khoác lên mình tấm áo có in hình chữ thập đỏ và mang theo quyển sổ “tấm lòng vàng”, quốc bộ khắp thị trấn để vận động người dân làm việc thiện.

Không chỉ nhận tiền mặt, ông còn đến một số cơ quan xin ủng hộ báo cũ, được bao nhiêu cân ông quy ra tiền và ghi vào sổ. Một mặt ông mang về đọc chắt lọc thông tin, cảm thấy thông tin nào hữu ích với bà con là ông mang đến cho những người khó khăn đọc để mở mang chí thức. Số còn lại ông bàn giao cho vợ mang đi bán để lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Có nhiều lần báo ông mang cho hết, vậy là ông lại bỏ tiền lương ra để bù vào khoảng tiền đã ghi vào sổ. Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, ông Thành đã ủng hộ 1,5 triệu đồng vào quỹ của Hội chữ thập đỏ thị trấn Chũ. 

Sự nhiệt tình trong công tác làm việc thiện của ông Thành không chỉ ảnh hưởng tốt đến vợ và các con ông, mà còn tác động tích cực đến nhân dân ở địa phương. Nhiều người trước kia chưa từng làm việc thiện, khi tiếp xúc với ông, được ông vận động đã trở thành người tiêu biểu làm việc thiện.

Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của ông, không ít người dân khi tham gia ủng hộ vào sổ “tấm lòng vàng” đã để lại lưu bút động viên ông giữ gìn sức khoẻ để tiếp tục làm những công việc hữu ích cho đời. Với những hoạt động tích cực trong việc giúp đỡ những cảnh đời khó khăn hoạn nạn, ông Thành đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Chữ thập đỏ từ cơ sở đến Trung ương. Giờ đây cứ mỗi khi gặp ông, người dân ở địa phương lại gọi tên ông bằng cái tên trìu mến, thân thương “ông Thành từ thiện”.
Đức Thọ