Chấm điểm Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc, Tùng Dương

05/01/2013 08:11
Bạn đọc viết
(GDVN) - Một bạn đọc chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam những dòng bình luận về đêm nhạc Trịnh 'Gọi tên 4 mùa' diễn ra tại Cung Hữu nghị Việt Xô, tối 3/1. Lời bài viết là quan điểm riêng của tác giả, xin được trích dẫn lại.
"Với tất cả những người nghiện Trịnh ca, cứ nói đến đêm nhạc Trịnh, là đã như thể nói đến một tình yêu.  Có lẽ thế chăng, mà lướt qua các báo, thấy đêm nhạc được đưa lên đến tận nơi cao nhất của 19 tầng trời?

Thôi thì mình đành bình tĩnh lại một tí vậy, cho công bằng.

Trong đêm nhạc ấy, chỉ có một tân binh, đó là Tùng Dương. Trong quán trọ trần gian của Trịnh, thì Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc đều đã ghé qua hoặc ở lại một chút. Chỉ có Tùng Dương là khách lạ.

Mỹ Linh- Hồng Nhung trên sân khấu 'Gọi tên 4 mùa'
Mỹ Linh- Hồng Nhung trên sân khấu 'Gọi tên 4 mùa'


Chính người  khách lạ ấy đã đem đến cho Gọi tên bốn mùa một không khí khác. Nhạc Trịnh là những điều sâu lắng được kể bằng một lối rủ rỉ, mộc mạc. Sự điêu luyện trong kỹ thuật và chìm đắm xúc cảm của một giọng ca nam hàng đầu, đã mang đến cho anh những tràng vỗ tay mà trong lúc sung sướng anh đã nói rằng nó sẽ khiến đêm nay anh mất ngủ.

Bản phối jazz và thậm chí là rock cho Vết lăn trầm và Xin mặt trời ngủ yên đã làm nên một màu sắc khác trong dòng chảy chủ đạo là rủ rỉ, vỗ về của nhạc Trịnh, nhưng thật sự những cái sâu lắng như  Ru ta ngậm ngùi, Tuổi đá buồn mới khiến khán giả ngộp thở trong những nốt tinh tế như gió thoảng và nốt cao lộng lẫy. Lời hứa “không lên đồng” của Tùng Dương đã được thực hiện trọn vẹn mà sự say đắm vẫn còn nguyên.

Sự xuất hiện của Diva Mỹ Linh chính là gam trầm nhất của đêm nhạc. Mỹ Linh đã từng hát Trịnh, nhưng dường như chị chỉ mới chạm nhẹ vào làn da của các bài hát. Chị hát Mưa hồng rất thăng, phá cách và theo cách nói của chị “còn sung hơn” đêm ở TP.HCM, nhưng sao vẫn chưa lột tả được bức tranh quá đẹp mà nhà thơ Trịnh Công Sơn đã vẽ về con đường  mà người tình trong mộng của ông vẫn đi về nơi đất cố đô:

Người ngồi đó trông mưa nguồn

Ôi yêu thương nghe đã buồn

Ngoài kia lá như vẫn xanh

Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng

Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao

Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu

Em đi về cầu mưa ướt áo

Đường phượng bay mù không lối vào

Hàng cây lá xanh gần với nhau

Ca dao mẹ được Mỹ Linh hát đằm hơn, nhưng vì đã trót nghe Khánh Ly rồi, nên vẫn thấy một cảm giác chới với khi cảm xúc không chạm tới tim, dù bài hát là một tuyệt phẩm.

Nhưng Mỹ Linh cũng chẳng có gì phải buồn, như hàng trăm ca sĩ khác, nhạc Trịnh không phải viết ra để dành cho chị. Chị đã vùng vẫy thỏa sức và lên đài danh vọng với nhạc Dương Thụ, Huy Tuấn, Anh Quân, Phó Đức Phương rồi còn gì. Ở trên ấy, gió lộng, chả ai có thể chê trách gì một giọng ca có nhựa  sống và tầm ảnh hưởng đến như thế.

Tùng Dương song ca với Tuấn Ngọc.
Tùng Dương song ca với Tuấn Ngọc.


Rồi giọng hát Hồng Nhung đi trước ra sân khấu trước khi chủ nhân giọng hát đó bước ra. Chưa thấy người nhưng tiếng vỗ tay đã vang dội. Chỉ có một số phá cách nho nhỏ trong các bản phối, còn cơ bản vẫn là lối hát ấy, thanh âm quen thuộc đã từng dụ dỗ người nghe.

Trịnh đã từng nói, sau Khánh Ly, người hát nhạc Trịnh làm ông thích nhất, chính là Hồng Nhung. Cái sự trong vắt không trộn lẫn, không màu mè cùng với những nốt rung tinh tế đã lan tỏa được tinh thần của những bài hát đã từng đóng đinh tên tuổi chị. Đặc biệt, có một bài lần đầu tiên Hồng Nhung hát, một bài rất lạ so với số đông, bài Trịnh viết về sự ra đi của chính mình (Có một ngày như thế anh đi), đã mang lại một cảm xúc đặc biệt.

Có thể nói lấp lánh thế này, sau Khánh Ly, Hồng Nhung là ca sĩ “gần” Trịnh nhất cả trong âm nhạc và ngoài đời. Chính vì thế, mỗi lời giới thiệu của chị trước khi hát, cũng trở thành thứ người ta muốn nghe nhất. Có phải thể không, mà đến phần Nhung hát, cả ánh sáng, cả sự tuyệt hảo của các bản phối đều như dành riêng cho chị?

Không hiểu sắp xếp của đạo diễn có ý gì khi Tuấn Ngọc là người hát cuối. Nam danh ca đã đi sang bên kia của đỉnh núi phong độ. Tuy nhiên, bóng của một quả núi thì vẫn thừa sức phủ trùm lấp cả những ngọn đồi, nên sự xuất hiện của anh vẫn mang lại một hương vị tốt cho bữa tiệc âm nhạc.

Cả một ly nước lớn được đưa ra sân khấu để phục vụ cái cổ họng của anh. Nhưng cái cổ họng ấy vẫn hơi phải gằn khi thể hiện các pha cần luyến láy như đoạn cuối trác tuyệt của bài Cuối cùng cho một tình yêu: “Sầu thôi x…u…ố…n…g… ư…ư…đ…ầ…y”. Các bài hát được phối jazz theo cách ưa thích của Tuấn Ngọc, chính vì vậy nó cũng làm bài hát như rời rạc hẳn ra, không hợp với cách thủ thỉ của Trịnh.

Nghe Tuấn Ngọc hát để gặp lại một giọng ca có những nốt ngân rung riêng khác và bè giọng dày đẹp như bức tường thành thời La Mã (ai hát đôi với Tuấn Ngọc đều là dại. Bằng kiều hơi giọng dày khỏe như thế mà có lần đứng bên Tuấn Ngọc cũng bị lép vế).

Xem Tuấn Ngọc để gặp lại một người không xuất hiện quá thường xuyên trong nước; để nghe những dẫn dụ hóm hỉnh của anh (Tùng Dương nói với Tuấn Ngọc rất hồn nhiên: “Con ra sân khấu 3 lần, nên mới phải thay nhiều quần áo đẹp”. Tuấn Ngọc đáp trả thâm thúy: “Con còn trẻ, con “ra” 3 lần. Bố già rồi bố chỉ “ra” một lần. Cả hội trường cười như lên đồng).

Xem Tuấn Ngọc không phải là xem những phá cách trong âm nhạc. Mà chả ai lại đi dài cổ mong chờ một điều gì mới trong giọng ca đã đứng trên sân khấu đã 60 năm.

Tuy nhiên, ai đã đến đêm nhạc cũng sẽ không hề tiếc khi không chịu bán đi cặp vé 5.000.000đ/ đôi. Trường ca “Đóa hoa vô thường”, các màn hát đôi hát ba “Tiến thoái Lưỡng nan”… quả thật là những món ăn tuyệt hảo cả về giọng ca lẫn phối khí. Tùng Dương không lên đồng, nhưng ban nhạc thì đã hầu đồng thực sự.

Khi từng người hát đơn ca thì còn có thể tìm ra khiếm khuyết, nhưng khi các diva và danh ca hát đôi, hát ba, hát bốn, thì những giọng hát thượng thặng ấy sẽ nâng cánh cho nhau khủng khiếp nhất, cả về kỹ thuật và cảm xúc.

Chỉ có một chữ “giá” thôi: Giá để “Đóa hoa vô thường” làm bài kết, thì khán thính giả sẽ ra về viên mãn trong một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lung và đôi chân lảo đảo như say rượu".
Bạn đọc viết