Chuyện tề gia của 'người hùng' Săn bắt cướp

22/04/2011 13:50
(GDVN) - Trọng Trinh hóm hỉnh ví von, anh và Lan Phương giống như hai vật thể góc cạnh xù xì, va vào nhau sẽ mãi đứng yên cùng một chỗ.

(GDVN) - Đạo diễn Trọng Trinh vừa chuyển từ căn hộ cũ tại Thanh Xuân sang nhà mới ở Kim Liên, bởi muốn cuộc sống mới thoải mái, vui vẻ không còn vương vấn hình ảnh vợ cũ. Đến với cuộc hôn nhân lần thứ hai sau 3 năm ly hôn, diễn viên thủ vai chiến sĩ Nam Hà trong bộ phim nổi tiếng Săn bắt cướp (SBC) hóm hỉnh ví von, anh và Lan Phương giống như hai vật thể góc cạnh xù xì, va vào nhau sẽ mãi đứng yên cùng một chỗ.

Hẹn gặp Đạo diễn Trọng Trinh vào khoảng thời gian anh tập trung hoàn thành phần hậu kỳ bộ phim dài tập “Cầu vồng tình yêu”. Vẫn nụ cười cuốn hút, vẫn giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng từng làm mê mẩn người hâm mộ, anh bộc bạch về cuộc hôn nhân hiện tại...

- Anh có thích phụ nữ đẹp không?

Đương nhiên, phàm là đàn ông ai cũng vậy cả. Nhưng người có bản lĩnh biết kiềm chế, còn kẻ phàm phu thì không. Thích chiêm ngưỡng cái đẹp là bản năng của con người. Ngày xưa, khi còn là học sinh tôi đã từng rất tôn sùng những người phụ nữ đẹp trong phim của Nga rồi cơ đấy.

Trọng Trinh và Lan Phương hạnh phúc trong ngày cưới.
Trọng Trinh và Lan Phương hạnh phúc trong ngày cưới.



- Vậy hẳn chị Lan Phương (người mà Trọng Trinh mới kết hôn tháng 1/2011-PV) phải có những nét đẹp đặc biệt, mới có thể khiến Trọng Trinh "không thể kiềm chế", phải kết thúc cuộc sống độc thân, quyết định đi bước nữa?

Nói thật, dung nhan Phương không có gì xuất sắc nhưng là người phụ nữ dễ nhìn. Và ở đây, điều quan trọng là Phương biết chia sẻ, quan tâm tới tôi. Nói vui thế này, hai vật thể tròn bóng giống hai viên bi va vào nhau mạnh thế nào thì nảy xa nhau như thế. Ngược lại, 2 vật có góc cạnh xù xì, va vào nhau sẽ đứng yên cạnh nhau.

Bạn bè, người thân nói rất đúng khi muốn khuyên tôi đi bước nữa. Đó là đôi khi đừng nghĩ về bản thân nhiều quá, hãy nghĩ nhiều đến mọi người xung quanh. Lứa tuổi tôi bây giờ không chỉ có một mình trên thế gian này. Phương là người phụ nữ nhuần nhụy, biết lo toan, yêu thương chăm sóc chồng. Trước đây, 3 bố con tôi long nhong, đến việc nấu cơm cũng phải phân công nhau, đôi khi thấy quá khổ. Có thêm một bàn tay phụ nữ, tôi thấy cuộc sống đỡ vất vả nhiều.

- Hạnh phúc lớn nhất của phụ nữ là lấy được người đàn ông mình yêu thương, nhưng khi lập gia đình, khao khát lớn nhất của họ là có những đứa con để được yêu thương, che chở và hết lòng vì chúng. Cả hai vợ chồng đều lớn tuổi, hẳn nghĩ nhiều về vấn đề này?

Trong giai đoạn này, chúng tôi có quá nhiều việc bề bộn cần giải quyết, nên cần đợi cuộc sống bình ổn trở lại mới nghĩ đến. Vấn đề có con chỉ là sớm hay muộn, điều đó không thành vấn đề với hai vợ chồng tôi. Hơn nữa, chúng tôi nhất trí quan điểm ngay từ đầu, khi có một đứa con, nó phải được sung sướng, phải là niềm tự hào. Phương chưa có con lần nào, tôi hiểu sự khao khát làm mẹ của cô ấy.
 
Hơn nữa, vợ chồng tôi đến với nhau, không xác định cần có với nhau một đứa con. Nhiều người không cần lấy chồng, mà chỉ cần có một đứa con đấy thôi. Trong cuộc sống hiện đại này, có quá nhiều thứ nhiều thứ cần suy nghĩ. Tôi muốn, một đứa trẻ ra đời phải được hưởng những gì tốt đẹp nhất chứ không muốn nó giống như hai con riêng của tôi chịu nhiều thiệt thòi, mất đi tình cảm người mẹ khi tôi ly hôn. Nuôi một đứa con trong xã hội ngày nay không dễ, cần phải có trách nhiệm về cả sau này nữa.

- Kết hôn lần đầu năm 30 tuổi - độ tuổi đủ chín chắn, lần 2 khi anh 54 tuổi - lứa tuổi thừa trải nghiệm. Qua 2 lần lập gia đình, ý nghĩa cụm từ “tổ ấm hạnh phúc” thay đổi trong anh ra sao?

Lập gia đình lần đầu tiên, trong tôi căng đầy ước mơ, sự nhiệt huyết xây đắp tương lai, nhưng sự sành sỏi, va vấp cuộc sống rất ít. Ngày xưa dù 30 tuổi mới lấy vợ, tôi vẫn hồn nhiên lắm, cuộc sống ngày đó đơn giản mà! Khi quyết định cưới vợ, mong mỏi lớn nhất chỉ là ngày ngày nhìn ngắm thấy nhau, còn cuộc sống thế nào cũng chịu được theo đúng nghĩa “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.

Ngày xưa cuộc sống không khốn khó, nặng nề vấn đề nhà đất, công việc, thu nhập như bây giờ. Trong xu thế, hoàn cảnh lúc bấy giờ, người ta chấp nhận hết mọi khó khăn.

Còn bây giờ, để xây dựng một gia đình vững bền, điều đầu tiên, rõ ràng phải có nhà và điều kiện sinh hoạt ít nhiều đầy đủ tiện nghi. Nên mới nói, bây giờ lấy nhau mà chỉ có hai trái tim vàng, hiếm lắm!

 



- Như vậy, có thể nói, cuộc đời Trọng Trinh chưa bao giờ hết khổ. Trẻ mải lo phấn đấu, tuổi hưởng thụ căng mình lo cuộc sống gia đình mới, rồi đến nhà cửa, công việc cho hai cậu con trai riêng?

Ngoài chuyện lo lắng cho con học hành, kiến thức đầy đủ, dĩ nhiên vẫn phải cho nó một cái nhà, một ít vốn để mau chóng ổn định cuộc sống. Đó chính là bước đệm đầu tiên cần có trong hành trang vào đời. Với cuộc sống gia đình, tôi nghĩ, sinh ra đã là thằng đàn ông, hãy biết chăm lo, vun vén cho tổ ấm của mình. Còn nói tôi khổ cũng chưa hẳn, bởi trong cái khổ đó, tôi tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.

- “Con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai”, nếu phải cảm nhận tình yêu bằng một… bộ phận nào khác trên cơ thể thay cho “mắt”, anh sẽ chọn?

Tôi chưa hình dung ra được điều đó. Vì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, muốn yêu mến một người phụ nữ, cái đầu tiên phải cảm nhận hình ảnh người đó bằng mắt. Chết cũng chỉ vì cái cái đầu tiên là thế mà.

- Thế mà có người nói, dấu ấn đầu tiên người vợ Lan Phương để lại trong lòng Trọng Trinh lại bằng tai chứ không phải mắt?

Chúng tôi quen nhau qua điện thoại, và thú thật, giọng nói cô ấy gây ấn tượng mạnh với tôi. Với đặc thù công việc đạo diễn, tôi được nghe nhiều giọng miền Nam, miền Bắc, nhưng cái giọng miền Trung của Phương không giống như bất cứ ai mà tôi từng nghe. Giọng nói của cô ấy nửa miền Trung nửa Sài Gòn, không nặng quá, không nhẹ quá, có gì đó hơi bè trầm một chút. Lúc mới nghe, tôi cảm nhận được đây là người sẽ rất chiều chồng, chiều con, điều đó gây cho tôi sự cảm tình. Cảm giác ban đầu của tôi với Phương là như thế.

- Trong cuộc sống gia đình, chuyện giận hờn khó tránh khỏi. Nếu người vợ không biết nhường nhịn, đàn ông thường phải đứng trước một vài lựa chọn khó khăn: Đánh vợ thành vũ phu, cãi nhau thành nhỏ nhặt, im lặng mang tiếng nhu nhược. Nếu là anh, anh chọn cách nào?

Tất cả 3 cách này đều không thể chọn. Nếu ép phải chọn, có thể người khác sẽ chọn 1 trong 3 cách, còn tôi thì không!

- Vậy anh sẽ...

Đúng vậy. Tôi sẽ bỏ đi. Vì trước đây, tôi từng làm như thế. Và, sẽ vẫn làm, nếu chuyện đó còn xảy ra.

Văn Trinh