Danh hài số 1: Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quang Thắng, Minh Vượng?

18/05/2011 00:18
(GDVN) - 10 nghệ sỹ Xuân Hinh, Vân Dung, Quốc Khánh, Chí Trung, Phạm Bằng, Quang Thắng, Tự Long, Công Lý, Minh Vượng, Xuân Bắc, ai là danh hài số 1 đất Bắc?

(GDVN) - Tuyên bố của Vượng râu "tôi là số 2" ngay lập tức đã vấp phải hầu hết là ý kiến phản đối của dư luận. Như thế đủ thấy, từ lâu trong lòng mỗi khán giả đã định sẵn những "vị trí" cho một số danh hài đất Bắc, mà nếu không phải là quý mến nhất thì cũng là quý mến thứ nhì, ba, tư...

{iarelatednews articleid='2346'}

Vậy nghệ sỹ nào được các chuyên gia, đồng nghiệp, khán giả yêu mến nhất hiện nay? Giáo dục Việt Nam mạnh dạn đưa ra danh sách 10 nghệ sỹ có lẽ là quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam hiện nay, để qua đó đi tìm lời đáp cho câu hỏi: "Ai là danh hài số 1 đất Bắc"? Có thể "đáp án" cũng sẽ chỉ là tương đối, hoặc... không có kết quả chung nào cả, nhưng đó sẽ là dịp nhìn nhận lại cá tính nghệ sỹ và đóng góp của từng người cho khán giả trong những năm qua. 10 nghệ sỹ đó là: Xuân Hinh, Vân Dung, Quốc Khánh, Chí Trung, Phạm Bằng, Quang Thắng, Tự Long, Công Lý, Minh Vượng, Xuân Bắc. Hãy cùng đi tìm câu trả lời...

 

Quang Thắng: "Đại khái thế"!

Nghệ sỹ với biệt danh Thắng “vẹo”, Thắng “mũi to” đã không còn xa lạ gì với công chúng yêu hài miền Bắc. Đôi khi, chỉ cần thấy mặt, nghe giọng Quang Thắng, chưa cần diễn, khán giả đã muốn cười ồ. Điều thú vị là cái tính hiền lành, bộc trực của anh lại vô tình rất hợp với những vai diễn anh đảm nhận, nên cái cười Quang Thắng tạo ra rất tự nhiên, sảng khoái. Câu nói anh “khoái” dùng nhất khi trò chuyện với người khác nhất chính là: “Đại khái thế”! Vì theo anh, cuộc sống không có điều gì là tròn trịa, viên mãn, nên mọi thứ chỉ có thể là “đại khái”.

Diễn viên Quang Thắng.
Tôi, Thắng "mũi to"! (Ảnh: Internet)

Quang Thắng tự nhận là người dễ sống, sống thế nào cũng được. Với mọi chuyện buồn, anh chỉ phiền lòng một lúc, chứ không lấy đó làm thù hằn. Quang Thắng quan niệm, ai tốt thì chơi, ai xấu thì không dính dáng. Đi với bụt ặc áo ca sa, đi với ma mặc áo giấy! Đại khái thế…

Quang Thắng có tính hài hước từ nhỏ. Bé tí tẹo đã biết đứng lên bàn làm trò cho gia đình, ông bà nội ngoại, cô bác xem mà cười vỡ bụng. Xuất thân từ đoàn kịch của Hải Phòng mười mấy năm, vai chính, vai phụ, huy chương đều có cả, nhưng Quang Thắng cảm thấy mình như chưa làm được cái gì. Vậy là quyết định lên Hà Nội học theo học khoa đạo diễn của Trường Sân khấu Điện ảnh. Và tại đây anh đã gặp Quốc Khánh, Vân Dung… những người đã giúp đỡ anh rất nhiều và sau này cũng là những "cặp bài trùng" với anh trên sàn diễn.

Quang Thắng tếu, sợ nhất là đi... viếng đám ma. Vào đó, không chào hỏi thì người ta bảo kinh người, chào một vài câu người ta lại cười sằng sặc. Cái cảm giác người nhà có tang nhìn mình như đang "làm trò" gì đó khiến anh cảm thấy ái ngại. Vì vậy, trừ những mối quan hệ không thể từ chối, Quang Thắng rất ngại xuất hiện trong các tang lễ. Đại khái thế!

Tự Long = Long "chèo"

Xuất thân từ một diễn viên chèo chính hiệu, nên bên việc có thể khiến người khác "hở mười cái răng", Tự Long luôn tự tin thể hiện giọng hát, khả năng múa…rất dẻo của mình trên sân khấu. Điều đó khiến cho vai diễn của Tự Long mềm mại, uyển chuyển đa màu sắc. Trong làng hài miền Bắc, các đồng nghiệp như Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung, Chí Trung đều phải công nhận Tự Long hát giỏi nhất.

Biệt danh Long
Biệt danh Long "chèo" được khán giả tặng cho. (Ảnh: Văn Trinh)

Vì thế cho nên, số người tên Long học chèo thì nhiều, nhưng được công chúng ưu ái gọi thân thiết Long “chèo” chỉ có một . Tự Long luôn giữ đúng quan điểm, sẵn sàng mang chèo vào hài chứ mang hài vào chèo thì quyết không làm.

Xem nhiều chương trình hài Tự Long góp mặt, dễ nhận thấy đó như là bản năng diễn trong con người anh. Tự Long không dùng nhiều kĩ thuật như đài từ, hình thể… để bổ trợ cho vai diễn. “Từ xưa đến nay, tôi vẫn diễn theo bản năng, theo khả năng của tôi, chứ không diễn bằng kĩ xảo”, Tự Long từng nói.

Tự Long biết tiết chế sự diễn xuất của mình, giống như một võ sĩ, lúc nào ra đòn quyết định mới đấm mạnh, còn lại cứ đấm bình thường. Tự Long cho rằng, sự lôi cuốn trên sân khấu chưa hẳn do người nghệ sỹ diễn nông hay sâu, điều quan trọng hơn phải làm bằng được là đừng để lối diễn mất đi cái "lửa". Tự Long ra sân khấu thì lúc nào cũng có "lửa", và chắc chắn điều này không ai phủ nhận được.

Công bằng mà nói, để có chỗ đứng trên sân khấu hài, Tự Long phải mất nhiều năm lăn lộn học cách làm chủ sân khấu. Ít người có vai diễn được người xem nhớ mãi, trong khi nhiều người đóng phim cả đời mà khán giả gặp vẫn chỉ… ngờ ngợ. Hồi mới lên sân khấu Gặp nhau cuối tuần năm 1999, đạo diễn chỉ cho Tự Long làm "chân chạy" không tên, một thời gian sau mới "cho đứng lại, cho nói hai câu". Để đến lúc họ bảo "sân khấu thuộc về anh mười lăm phút", rồi "muốn làm thế nào thì làm", thì là cả một quá trình dài lâu, vất vả chứ không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng.

Công Lý: "Cô" Đẩu không thể thay thế

"Cô" Đẩu trong Gặp nhau cuối năm không ai thay thế được, điều đó đủ cho thấy “trình” diễn hài của Công Lý tới đâu. Nhân vật Bắc Đẩu gắn với Công Lý suốt từ năm 2003, vai diễn này thể hiện rõ nhất sự phá cách của Công Lý dù trước đó anh đã tạo nhiều ấn tượng với các dạng hài trong series Gặp nhau cuối tuần, trên màn ảnh, ngoài sân khấu. Công Lý vô cùng thành công khi khiến một nhân vật thần thoại “không thể thay đổi” như thần Bắc Đẩu bị “nữ hóa” trên sân khấu, khiến cho hàng triệu khán giả vui thích.

Cô đẩu Công Lý ăn ý với Xuân Bắc trong GNCN.
"Cô" Đẩu Công Lý ăn ý với "Nam Tào" Xuân Bắc.

Ban đầu, Bắc Đẩu không ỏn ẻn, ẻo lả như hiện tại mà cũng cứng rắn tương tự Nam Tào (Xuân Bắc đóng). Công Lý đã nhào nặn nên một Bắc Đẩu liến thoắng, hoạt bát, đanh đá trên sân khấu Táo quân, tạo nên điểm nhấn thú vị cho chương trình. Đây là vai công chúng biết, nhớ đến Công Lý nhiều nhất.

Công Lý luôn khiêm tốn, nhưng anh là một trong số ít những diễn viên có thể làm tốt ở nhiều dạng vai từ chính tới phụ, từ bi, hài đến chính thống. Vai Khoái trong bộ phim truyền hình nhiều tập Gió làng Kình của Công Lý là một dấu mốc thành công trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Khoái của Công Lý được ví như “Chí Phèo thời hiện đại”. Một vai khác, là vai Hòa trong vở kịch "Điện thoại di động" (đạo diễn NSND Hoàng Dũng) cũng là vai để đời của Công Lý, giúp anh xuất sắc giành Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc 2009.

NSND Hoàng Dũng từng đánh giá về Công Lý: “Công Lý là người yêu nghề, trăn trở với nghề. Công Lý vào vai chính kịch ngọt hơn các vai hài. Anh đóng hài chưa duyên lắm. Ngoài sàn diễn, sân tập, Công Lý là người mong manh, chọc cho hai câu là khóc. Đối với đồng nghiệp, bạn bè, Công Lý là người sống thật lòng, không màu mè, không làm trò, bài này vở kia. Con người Công Lý rất thô, mộc. Mộc là tốt, nhưng thô thì chưa chắc là hay".

Minh Vượng: Danh hài của trẻ thơ

Đã từ lâu, NSƯT Minh Vượng từ chối xuất hiện trong chương trình Gặp nhau cuối năm, với các băng đĩa hài chị cũng hạn chế. Minh Vương thích được diễn trên sân khấu hơn, vì mỗi đêm diễn là một cảm xúc khác nhau, luôn tươi mới, thú vị. Còn làm băng đĩa, theo chị, nếu nó dở thì hậu quả sẽ không lường hết được, nhất là với trẻ em.

Minh Vượng vô cùng yêu quý trẻ em. Ảnh: Văn Trinh
Minh Vượng vô cùng yêu việc diễn hài cho trẻ em. (Ảnh: Văn Trinh)

Hiện Minh Vượng đang làm MC cho chương trình "Mẹ yêu con" trên một kênh truyền hình chuyên tư vấn, trò chuyện với các nghệ sĩ, các bà mẹ về chuyện ăn uống, nuôi dạy con cái. Ngoài ra, chị còn kết hợp với Liên đoàn xiếc Việt Nam để làm dự án xây dựng các vở kịch kết hợp giữa xiếc và hài cho trẻ em. Những chương trình dành cho trẻ em luôn thu hút Minh Vượng. Chị muốn làm tất cả những gì có ích, thú vị cho các cháu nhỏ bằng tiếng cười dí dỏm, thâm thúy chứ không thô, không dung tục đến mức gây phản cảm.

“Sống chết” với nghề, Minh Vượng không thể nhớ nổi mình đã từng hoá thân vào bao nhiêu nhân vật, vai diễn nữa. Chỉ biết, chị có rất nhiều người yêu mến, từ già tới trẻ. Minh Vượng kể, hằng ngày, chị nhận được rất nhiều thư của khán giả, trong đó phần lớn của trẻ em. Điều “trái khoáy” và thú vị nhất, là việc các bạn nhỏ luôn xưng hô “bạn - tớ” với Minh Vượng rất ngộ nghĩnh và thân thiết. Cứ như thế, chẳng biết từ lúc nào, giữa chị và trẻ em luôn có một sự đồng cảm thật sâu sắc.

Một điều không phải ai cũng biết về Minh Vượng, là chị vẫn thầm lặng dành rất nhiều thời gian đi diễn từ thiện cho các bé mồ côi, trẻ em khiếm thị, trẻ em ở làng SOS, tổ chức bán đồ từ thiện lấy tiền mổ tim cho trẻ em có hoàn cảnh không may mắn. Minh Vượng bộc bạch: “Đi diễn để chọc cười các bé mà tôi cứ phải cố ngăn những dòng nước mắt. Vào bệnh viện, thấy các bé nhiễm HIV sốt cao, môi tím ngắt, diễn mà chẳng dám nhìn thẳng vào mắt các em”.

Minh Vượng tìm thấy niềm vui, hạnh phúc qua việc ngắm nhìn, chơi đùa với con trẻ. Nhưng cũng lắm lúc vô tình, chị chạnh lòng nghĩ tới bản thân. Minh Vượng hiểu, thiên chức người phụ nữ là được làm mẹ, làm vợ, nhưng căn bệnh thấp khớp và hàng tá loại bệnh không tên khác đã “cướp đi” niềm hạnh phúc giản đơn đó. Với chị, “yêu chỉ để yêu” chứ  không thể mạng lại hạnh phúc cho người đàn ông của mình. Thế là chị cứ âm thầm chịu thiệt, nhất quyết không làm liên luỵ người khác. Để rồi, sau ánh hào quang sân khấu, sau những tràng vỗ tay ngưỡng mộ của khán giả, Minh Vượng lại lặng lẽ một mình trở về căn nhà nhỏ, không người đón đưa, không người trò chuyện. Đó là những giây phút tận cùng cô đơn của chị.

Xuân Bắc: Biết tiết chế, diễn ngẫu hứng

Trên chiếu hài đất Bắc, Xuân Bắc được coi là một diễn viên hài thông minh, sáng tạo nghĩ ra nhiều trò thú vị. Ngay trong giới, anh luôn được đánh gia cao. Công Lý nhận xét, Xuân Bắc là người tuy tuy hơi cá nhân, thi thoảng đến muộn và không tập trung nhưng rất thông minh. Tuy nhiên, khi làm việc, vào giai đoạn cuối Xuân Bắc luôn là người nghiêm túc và có trách nhiệm với công việc.

Diễn viên hài Thành Trung từng chia sẻ với người viết rằng: "Số 1 là ai thì tôi không dám khẳng định. Tuy nhiên, theo tôi Xuân Bắc là người toàn diện nhất. Anh vừa dẫn vừa diễn được. Bản thân Xuân Bắc biết tiết chế, biết làm gì cho đủ, cho đúng nơi đúng chốn".

Xuân Bắc trong 1 buổi tập diễn hài. Ảnh: Văn Trinh
Xuân Bắc trong 1 buổi tập diễn hài. (Ảnh: Văn Trinh)

Xuân Bắc rất đắt sô trong vai trò MC cho những chương trình vui nhộn, cần ứng biến nhanh như Đuổi hình bắt chữ, Hành trình kết nối trái tim, Đồ Rê Mí… Riêng với chương trình Đồ Rê Mí, Xuân Bắc hầu như đồng ý tham gia không điều kiện, không quan tâm cát-xê vì tình yêu trẻ em.

Anh Núi của Sóng ở đáy sông vốn yêu quý trẻ em, ngược lại các em cũng vô cùng yêu mến Xuân Bắc. Nhiều lần biểu diễn trong các chương trình dành cho thiếu nhi, anh không lấy thù lao. Đã từ lâu, Tự Long - Xuân Bắc trở thành cặp bài trùng hiếm hoi ở Việt Nam được đông đảo trẻ em  yêu mến. Thay vì gọi bằng "chú", bọn trẻ gọi "cặp bài trùng" này là "bạn", xưng hô "cậu", "tớ", vô cùng gần gũi và thân mật. 

Cách gây cười cho khán giả của Xuân Bắc không chỉ sâu sắc, thâm thúy, mà còn thể hiện tài tài ứng biến, tung hứng của anh trên sân khấu. Trong vai trò dẫn chương trình, Xuân Bắc cho hay anh cũng thường dẫn ngẫu hứng, không tính toán trước quá nhiều. Cái khó nhất là kết quả của sự ngẫu hứng thường nẳm ở ranh giới mong manh giữa hay hoặc dở, và bản thân Xuân Bắc từng có lúc dẫn rất tồi nhưng may ít làm chương trình trực tiếp nên có thể cắt gọt hoặc quay lại trước khi phát sóng. Xuân Bắc là một trong số ít những MC hầu như không dùng đến kịch bản.

Xuân Bắc sinh năm 1976, là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô do Thành đoàn Hà Nội tổ chức năm 2009. Không chỉ được công chúng yêu quý, Xuân Bắc còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ cho trẻ em nghèo. Trong giới nghệ sỹ, anh được biết đến là người khá kín tiếng về chuyện gia đình, bởi muốn giữ một góc nhỏ cho bản thân.

Văn Trinh (tổng hợp)

* Theo bạn, ai là danh hài số 1 miền Bắc trong số 10 nghệ sỹ trên? Hãy nêu ý kiến, gửi bài viết bình luận qua ô thảo luận cuối bài, hoặc qua email toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng cám ơn!