Đình Nguyên mơ có ngày giống Khánh Ly - Trịnh Công Sơn

14/09/2011 07:33
(GDVN) - "Tôi nghĩ là mình sẽ là ca sĩ chuyên hát nhạc của anh nhạc sĩ Vũ Quốc Việt trong thời gian tới", chàng ca sĩ gốc Đà Lạt chia sẻ.

Dòng nhạc tôi chọn khá bình lặng

- Anh có thấy mình có khoảng lặng quá lâu, sau khi đoạt giải nhì tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2004?

Trước khi tham dự cuộc thi, tôi là một nhân viên kinh doanh của một công ty. Tôi không có dự tính mình sẽ là ca sĩ nên chưa trang bị cho mình kiến thức đầy đủ cho nghề. Tôi biết rõ thực lực của mình. Dù đã đoạt giải nhì cuộc thi Tiếng hát truyền hình, dù có được chắp cho thêm nhiều “chiếc cánh” ngay lúc đó, tôi thấy tôi vẫn không thể bật lên được, vì kiến thức còn rất lõm bõm. Tôi giống như một cái vì rất đẹp nhưng bên trong chẳng có tiền.

Tôi đến với âm nhạc và hát chỉ bằng một bản năng. Hát theo bản năng cũng có một cái tốt vì trải lòng bằng cả tình cảm mộc mạc, chân thật nhưng thiếu tính chuyên nghiệp và không thể bền vững được. Vì vậy, sau cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM, tôi đã tạm ngưng tất cả để đi bồi dưỡng kiến thức âm nhạc cho mình. Cho đến đầu năm 2008, khi thấy kiến thức âm nhạc của mình đã chỉn chu, tôi mới tự tin xuất hiện trở lại.

- Anh đã từ bỏ vai trò nhân viên kinh doanh để dấn bước vào âm nhạc?
 
Tôi không có khái niệm “nghề tay trái, nghề tay phải”, mà cần phải tập trung vào một công việc chính. Một người không thể nào làm tốt cùng lúc nhiều việc được. Tôi đã chọn âm nhạc, bỏ hẳn công việc trước đó.

- Trong thời điểm âm nhạc bát nháo như hiện nay, giới trẻ chỉ thích những ca khúc sôi động và chỉ thích những nam ca sĩ có vẻ ngoại hình đẹp, anh có thấy mình trở nên lạc lõng?

Vấn đề nào, cũng có hai mặt. Dòng nhạc tôi chọn khá bình lặng và những người thưởng thức cũng rất là trầm tĩnh, sâu sắc.. Nếu họ thích một ca khúc nào đó tôi mà vừa hát, nhiều lắm họ chỉ vỗ tay lâu hơn so với thông thường, chứ không thể nào có những biểu hiện cuồng nhiệt như reo hò,  gào tên tôi lên, tung hô thái quá như khán của các ca sĩ trẻ được.

Khán giả của dòng nhạc trữ tình thuộc lớp người trung niên, có thu nhập ổn định. Vì vậy họ có thể thoải mái đến phòng trà, tốn nhiều tiền để tìm những giây phút thư giãn. Còn với dòng nhạc trẻ, đa phần khán giả là những học sinh, sinh viên, để bỏ ra vài trăm ngàn để xem nhạc là một sự khó khăn. Cho nên, xét về mặt kinh doanh, khán giả của dòng nhạc trữ tình vẫn tiềm năng hơn, là nguồn thu để ca sĩ có thể đầu tư vào các dự án âm nhạc mới.

Dòng nhạc tôi chọn, đầu “vào” đã khó, đầu “ra” càng khó khăn hơn nhưng đây là dòng nhạc “chậm mà chắc”. Tôi nghĩ,  là khi tên tuổi mình đã được xếp trong dòng nhạc này, thì tuổi thọ nghề nghiệp sẽ được lâu bền.

Làm nghệ thuật, nếu thiếu ngoại hình cũng là một hạn chế, trừ khi đó là một tài năng thật sự hoặc một tên tuổi đủ lớn. Đã là người của công chúng thì phải đẹp. Riêng giới ca sĩ, thanh và sắc phải song hành cùng nhau. Tôi không đẹp nhưng tôi tự tin là mình không xấu.

- Theo đuổi dòng nhạc trữ tình, anh có ngại mình sẽ bị những cái bóng quá lớn của những đàn anh đi trước như Tuấn Ngọc, Quang Dũng…?

Đương nhiên, tôi là ca sĩ đàn em, khi nghe tôi hát những ca khúc mà các đàn anh từng hát, chắc chắn khán giả sẽ có sự so sánh. Khán giả của dòng nhạc trữ tình rất tinh ý và am hiểu, nếu tôi hát theo lối mòn, họ sẽ nhận ra ngay. Nhưng đã làm ca sĩ, khó mà làm hài lòng tất cả khán giả được, có người khen hay, thì cũng có người chê. Tôi chỉ biết thể hiện các ca khúc cho thật tốt, đưa hết tâm tư, tình cảm của mình vào ca khúc. Còn có ai nhận xét tôi hát giống người này, giống người kia thì chỉ là những nhận xét chung chung, không đáng quan tâm lắm.

- Hiện nay ca sĩ nào thành công nhất Việt Nam và đáng để anh có thể  học hỏi?

Hiện tại, tôi thấy Đàm Vĩnh Hưng là tên tuổi lớn nhất. Ở Mr Đàm có những thứ mà người khác khó mà học được. Giọng hát của anh ấy rất đa năng, có thể hát được nhiều thể loại nhạc. Vì vậy anh Đàm dễ dàng thâu tóm được nhiều tầng lớp khán giả, từ bình dân đến trí thức, từ giới trẻ cho đến những người đứng tuổi. Quan trọng hơn nữa, anh biết tạo sự đồng cảm của mình với khán giả, vì vậy họ luôn trung thành với giọng hát của anh. Người nghệ sĩ muốn thành công phải có cá tính và anh Đàm có được điều này.

Anh Đàm là một người nghệ sĩ tài năng nhưng kinh doanh lại rất giỏi. Anh có thể tự biên tập, đạo diễn, sắp xếp, quản lý  tài chính cho mình và  sản xuất những chương trình mang về nhiều lợi nhuận ngay  lúc  khó kiếm tiền trong nghệ thuật như hiện nay.


Một người đàn ông kỳ dị và khá gai góc

- Nếu nhận xét Đình Nguyên là người lười biếng trong nghệ thuật, anh  nghĩ sao?

Tôi cũng chịu khó cập nhật thông tin âm nhạc, tôi cũng chịu khó học hỏi, trau dồi nghề nghiệp thì gọi là làm biếng thì không đúng lắm.

Nhưng tôi tự nhận mình có những tố chất không thể thay đổi, vì nó thuộc về bản năng: Đó là sự kém nhạy bén và hoạt bát trong giao tiếp. Tôi không có khả năng trong việc dự đoán được sở thích, nhu cầu của khán giả trong tương lai để mà chuẩn bị tư thế.

Tôi cũng không khéo léo trong giao tiếp và không biết lấy lòng người khác để tiến thân.

- Ý của anh là….

Tôi nghĩ mình là một người đàn ông kỳ dị và khá gai góc, nhiều sự trầm ngâm, trải nghiệm và có những cá tính đúng nghĩa của người đàn ông. Tôi có một lối sống riêng và tôi nghĩ cũng chẳng hưởng đến ai. Tôi chẳng biết quan tâm, bàn luận những việc không liên quan đến mình. Trong giới nghệ thuật, nếu anh không giỏi “chăm sóc” các mối quan hệ, thì dù anh có tài, anh vẫn phát triển rất chậm chạp.

Vì cá tính này tôi gặp rất nhiều bất lợi trong nghề. Nhưng chính trong quá trình va chạm, tôi đã có những trải nghiệm cuộc sống để có thể trải lòng trong các bài hát. Bên cạnh đó, tôi vẫn có những người bạn, người anh tốt luôn giúp đỡ tôi trong những lúc khó khăn. Đây chính là những người hiểu rõ nhất về con người tôi.

Tôi cứ làm việc cần mẫn, mong đem lại những sản phẩm có chất lượng đến với những khán giả hiểu và trân trọng mình.

- Có phải chính gì muốn giữ hình ảnh một người đàn ông gai góc mà nhìn ngoại hình của anh  thiếu sự hào nhoáng như nhiều nghệ sĩ khác?

Tôi không biết định nghĩa thế nào về sự hào nhoáng. Tôi thấy hài lòng vì mình đã sống đúng với bản thân, vai trò và sở thích của mình. Mẫu đàn ông mà tôi yêu thích không phải quá tỉ mỉ và chu đáo, mà có những bê bối của nó. Sự hào nhoáng cũng lệ thuộc vào thời điểm. Trong các cuộc chơi, tôi vẫn mặc những bộ đồ chỉn chu và trong đời thường tôi thích mặc những bộ đồ giản dị.

- Nãy giờ anh lặp đi lặp lại rất nhiều lần từ “đàn ông” một cách hãnh diện. Có phải vì trong giới nghệ thuật quá hiếm đàn ông thứ thiệt?

Đây là vấn đề tế nhị và như tôi đã nói những việc không liên quan đến tôi, tôi xin không bàn luận.

Tôi không có tiền để kham nổi

- Khó khăn lớn nhất của anh ngay thời điểm này là gì?

Khó khăn thì luôn có nhiều. Nếu xét theo thứ tự, đầu tiên phải kế đến khó khăn trong việc tìm ra những bài hát để có thể tạo sự đột phá, tạo thành bài “hit”,  đẩy tên tuổi mình lên. Đây cũng thuộc về cơ may và duyên số. Có lúc nó tự đến, nhưng cũng có lúc người ta phải vất vả đi tìm. Song song với điều đó, theo quan niệm của tôi, nghệ thuật là một cuộc chơi của những người có tiền. Từ việc mua sắm trang phục diễn, làm album, quảng bá tên tuổi, đều cần phải có tiền cả. Tôi không có tiền để kham nổi, mà chỉ có phí để duy trì thôi.


- Có khi nào quá mệt mỏi nghệ thuật, bạn lại quay về với vai trò một nhân viên kinh doanh như lúc đầu?

Khi bước chân làm ca sĩ, tôi biết rằng thời gian tôi dành cho âm nhạc cũng có giới hạn. Tôi không thể hát hoài, hát mãi được.Thời điểm này tôi đang sung sức và chuẩn bị nội lực tốt, tôi hy vọng sẽ hát nhiều hơn, ra nhiều sản phẩm âm nhạc được khán giả đón nhận hơn. Nếu không tiến triển gì, tôi sẽ nghĩ đến bài toán kinh tế khác.

- Vậy hiện nay nghề hát có mang đến cho anh cuộc sống sung túc không?

Thực tế, với tôi, thu nhập từ nghề hát chưa thể gọi là nguồn thu nhập để sống được. Nó không đạt được những gì mà tôi đã hình dung nhưng cũng đỡ đần phần nào cuộc sống của tôi.

- Anh đang thất vọng với nghề ca hát à?

Không phải. Nhưng những gì tôi đang có trong âm nhạc, khác xa với hình dung của tôi lúc đầu, khi mới bước chân vào nghề. Tôi cứ nghĩ mình có một giọng hát tốt, một ngoại hình… sẽ mang đến thu nhập cao. Nhưng…

- Thời gian gần đây, thấy bạn và nhạc sĩ Vũ Quốc Việt hay đi chung, có vẻ thân thiết?

Tôi và anh Vũ QuốcViệt gặp nhau cách đây hai năm và cảm thấy hợp nhau. Chúng tôi đã trở nên thân thiết. Anh Việt nhìn rất thư sinh, công tử, nhiều người nghĩ cuộc sống của anh rất phẳng phiu.Nhưng chơi với anh, tôi mới biết anh là người có nhiều trải nghiệm cuộc sống và từng “lên bờ, xuống ruộng” nhiều lần.

Hai anh em cũng đã có những buổi biểu diễn chung, được người xem đón nhận và đánh giá tốt. Trong làng âm nhạc Việt Nam vẫn có một số ca sĩ gắn liền tên tuổi của một số nhạc sĩ như: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn,  Thái Thanh – Phạm Duy, Mỹ Linh – Dương Thụ. Tôi nghĩ là mình sẽ là ca sĩ chuyên hát nhạc của anh nhạc sĩ Vũ Quốc Việt trong thời gian tới.

- Nhưng anh là ca sĩ được khán giả biết đến qua những ca khúc tiền chiến. Anh chuyển sang hát ca khúc của Vũ Quốc Việt, dù gì cũng mang màu sắc hiện đại. Anh không sợ mình phải làm lại từ đầu à?

Thật ra, anh Việt là người viết được rất nhiều thể loại nhạc khác nhau. Trước khi hợp tác, chúng tôi phải tìm những điểm tương đồng để có thể làm tốt công việc. Tôi rất yên tâm, là giai điệu và ca từ của anh Việt rất ổn, có giá trị thẫm mỹ văn học, nhẹ nhàng và lãng mạn, chứ không quá dễ dãi và mang tính thị trường. Do đó, khi hát các ca khúc của anh ấy, tôi không thấy quá “lạ lẫm” so với các ca khúc tiền chiến bất hủ, vượt thời gian mà tôi đã hát bấy lâu nay.

Lê Ngọc Dương Cầm (thực hiện)