HLV bóng chuyền đi quét rác: "Chuyện bình thường"

01/07/2011 03:55
Sau câu chuyện về HLV điền kinh Nguyễn Thị Nụ (Hà Nội) bị phân công đi nhổ cỏ, nay lại đến chuyện một nữ HLV bóng chuyền bị điều đi quét rác, dọn vệ sinh...

Sau câu chuyện về HLV điền kinh Nguyễn Thị Nụ (Hà Nội) bị phân công đi nhổ cỏ, nay lại đến chuyện một nữ HLV bóng chuyền bị điều đi quét rác, dọn vệ sinh...

Huy chương Vàng SEA Games đi nhổ cỏ sân bóng

Chuyện này đã diễn ra suốt gần một năm tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh và HLV Vũ Thị Huệ vì quá uất ức đã xin nghỉ việc để chuyển đến đơn vị khác.

Từ HLV trưởng...

Năm nay 40 tuổi, năm 15 tuổi chị Huệ là VĐV bóng chuyền Than Quảng Ninh (sau đó chuyển thành CLB Quảng Ninh rồi Bưu Điện Quảng Ninh) thi đấu tại Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc. Từ năm 1989-2000, chị Huệ đã cùng đội Quảng Ninh đoạt hai chức vô địch quốc gia và được gọi lên tập trung cùng đội tuyển bóng chuyền nữ VN năm 1993.

Vũ Thị Huệ (người giơ tay) trong đội bóng chuyền Quảng Ninh vô địch quốc gia năm 1992.
Vũ Thị Huệ (người giơ tay) trong đội bóng chuyền Quảng Ninh vô địch quốc gia năm 1992.

Sau khi giải nghệ vì chấn thương vỡ gối trái năm 1998, chị chuyển sang công tác huấn luyện bóng chuyền cho đội trẻ Quảng Ninh. Sau khi tham dự các khóa học, chị đã trở thành trọng tài bóng chuyền bãi biển. Năm 2004, chị Huệ là HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền bãi biển nữ VN.

Là cán bộ biên chế chính thức của Sở VH-TT&DL Quảng Ninh, chị Huệ là HLV trưởng đội bóng chuyền trẻ tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh. Ngày 7-6-2010 HLV Vũ Thị Huệ bị tái phát chấn thương giãn dây chằng gối, sau một pha lên bóng khi huấn luyện đội trẻ Quảng Ninh chuẩn bị cho Giải bóng chuyền trẻ toàn quốc diễn ra tại Quảng Trị vào tháng 7- 2010.

Công việc quét rác, dọn vệ sinh, đun nước, pha trà đến với chị từ đó khi đôi chân không còn lành lặn để huấn luyện bóng chuyền.

... Đến người quét rác, dọn vệ sinh

“Hôm nay là vừa tròn một năm ngày đầu tiên tôi cầm chổi, xẻng, xô, giẻ lau nhà... với cái đầu gối sưng to vừa đi vừa tập tễnh làm công việc của một người tạp vụ. Đau xót vô cùng khi viết ra những lời này, cảm giác ấy y như mỗi lúc tôi nghẹn lời khi đứng trước câu hỏi ngây thơ của các VĐV ở trung tâm: Cô ơi, sao giờ cô lại làm việc này?”.

Vũ Thị Huệ nhận danh hiệu trọng tài bãi biển xuất sắc do nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu trao.
Vũ Thị Huệ nhận danh hiệu trọng tài bãi biển xuất sắc do nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu trao.

Bức thư HLV Vũ Thị Huệ viết ngày 22-6-2011, đúng một năm sau ngày đầu tiên chị đi làm tạp vụ tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh.

Sau khi tái phát chấn thương gối, chị Huệ đã làm đơn gửi ông Nguyễn Đình Thủy - giám đốc trung tâm - đề nghị bố trí về phòng nghiệp vụ của trung tâm để tiếp tục làm việc và chữa trị chấn thương.

Tuy nhiên, ngày 15- 6 ông Thủy ký quyết định điều động chị Huệ về phòng hành chính. Tại đây ông Thủy yêu cầu chị Huệ làm bảo vệ trung tâm với lý do “phòng nghiệp vụ không có việc cho chị Huệ làm vì đã đủ người”.

Vì đau chân, chị Huệ từ chối việc bảo vệ nên ông Thủy phân công chị Huệ đi làm tạp vụ với việc chính là quét rác, dọn vệ sinh nhà tập, nhà vệ sinh trung tâm, đun nước cho các phòng ban... Đồng thời với quyết định này, chị Huệ bị cắt chế độ tiền bồi dưỡng HLV sau ngày 15-6-2010. Ngày 22-6-2010, HLV Huệ chính thức bắt tay vào làm công việc tạp vụ. Công việc này kéo dài 9 tháng 14 ngày cho đến ngày 1-4-2010 khi chị Huệ chuyển đến đơn vị mới là Trung tâm Văn hóa - thể thao TP Hạ Long vì không thể tiếp tục đi quét rác do phẫn uất.

“Vì lòng tự trọng tôi không dám nói với cả chồng con việc mình phải đi quét rác. Hiện nay dù đã chuyển sang công việc mới nhưng mỗi lần nghĩ đến hơn chín tháng làm tạp vụ, trái tim tôi vẫn tan nát”, chị Huệ tâm sự.

12 năm là VĐV, 11 năm là HLV bóng chuyền, hàng trăm lần cầm còi tại các trận bóng chuyền trong nước, quốc tế với tư cách trọng tài tại SEA Games 22, điều hành trận chung kết Giải bóng chuyền bãi biển châu Á tại Thái Lan năm 2008... chị Huệ nhiều lần nhận danh hiệu trọng tài xuất sắc giải đấu...

Ông NGUYỄN ĐÌNH THỦY (giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh): Quét rác là việc bình thường

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đình Thủy, giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh, trong cuộc trao đổi với PV chiều 29-6.
 
Ông Nguyễn Đình Thủy.
Ông Nguyễn Đình Thủy.
Ông Thủy cũng cho biết: “Trước chị Huệ, Quảng Ninh đã có trường hợp HLV Nguyễn Thu Hương cũng là HLV nhưng sau đó về làm tạp vụ. Chị Huệ không phải HLV đầu tiên được phân công làm tạp vụ”.

* Sau khi bị chấn thương, chị Huệ đã xin ông bố trí về làm việc tại phòng nghiệp vụ?

- Chị Huệ có xin về phòng nghiệp vụ nhưng do lúc đó phòng đã đủ người và không có việc gì cho chị Huệ làm nên tôi đề nghị chị về phòng hành chính. Khi về phòng hành chính, tôi phân công chị Huệ đi làm bảo vệ vì những công việc khác đã có người làm. Chị Huệ bảo chân đau không bắt trộm được nên không làm. Lúc đó chỉ còn việc tạp vụ, quét dọn vệ sinh, lau nhà cửa nên tôi đề nghị chị Huệ làm việc đó.

* Là công chức biên chế nhà nước, HLV trưởng đội trẻ, vì lý do chấn thương mà chị Huệ bị phân công quét rác là hết sức vô lý?

- Việc này hết sức bình thường. Tôi còn tử tế vì phân xuống làm tạp vụ nhưng không hạ lương từ HLV xuống tạp vụ mà vẫn để lương chị Huệ là HLV. Chỉ riêng tiền bồi dưỡng HLV phải cắt vì chị Huệ không còn là HLV. Về nguyên tắc chị Huệ có đơn xin làm nhiệm vụ mới thì tôi có quyền phân công, điều này không có gì sai.

Công việc này phù hợp với cơ quan vì đang thiếu người quét dọn lại thích hợp với sức khỏe chị Huệ. Ngay chị Huệ khi viết đơn nói phân công làm việc gì cũng được cơ mà. Chị Huệ đã chuyển công tác rồi mà vẫn quay lại nói xấu cơ quan cũ. Nếu biết thế này tôi còn đày ở đây chứ chưa ký cho đi.

* Ông đã không cho chị Huệ đi làm trọng tài tại Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế ở Vũng Tàu vào tháng 10-2010 theo triệu tập của Liên đoàn Bóng chuyền VN?

- Chị Huệ nói cả đời bỏ công sức đi học hành, luyện tiếng Anh để làm trọng tài bóng chuyền bãi biển. Tuy nhiên chỉ có thể làm lúc rảnh rỗi thôi vì nếu chị Huệ đi thì ai quét dọn thay. Vì thế tôi không cho đi.

Vì việc không cho chị Huệ đi làm trọng tài mà anh Trần Đức Phấn (tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN) có lúc không hài lòng với tôi. Tuy nhiên, không có chị Huệ người ta vẫn tổ chức được giải cơ mà.

* Mục tiêu làm trọng tài, HLV bóng chuyền bãi biển của chị Huệ đâu có gì sai?

- Cô Huệ nói đang chấn thương, nếu cho đi có sự cố gì ai chịu trách nhiệm. Chúng tôi có nhiều trọng tài quốc gia chứ đâu phải mỗi chị Huệ. Cán bộ phải có người làm thay chứ, giờ không có người quét rác thay thì không đi được. Một năm bóng chuyền bãi biển có 3- 4 giải mà mỗi giải cả tuần, nếu cứ cho chị Huệ đi thì ai làm việc.

* Ông nói nhiều đến việc chị Huệ có vấn đề về đạo đức, không trung thực trong khi làm việc tại trung tâm. Sao ông không có biện pháp xử lý khi chị Huệ có biểu hiện như vậy? Sau khi mọi chuyện xảy ra, đến lúc này ông mới nói chị Huệ giả vờ chấn thương và không trung thực?

- Họp ở chi bộ tôi từng nói rồi. Tuy nhiên cái này xuất phát sâu xa từ những giám đốc cũ đã quá nuông chiều chị Huệ. Về mặt quản lý, có lẽ về kinh nghiệm lãnh đạo của tôi hơi non. Huệ là học sinh, là nhân viên của tôi nên có lúc tôi cả nể và vì thế không muốn làm căng. Dù vậy, tôi nghĩ mình đã làm đúng.

* Trình độ chuyên môn và năng lực của chị Huệ thế nào, thưa ông?

- Tuy không được trung thực nhưng tôi không phủ nhận chị Huệ là người có trình độ chuyên môn tốt và rất nhiệt tình trong công việc.


Theo Khương Xuân/Tuổi Trẻ