Không phải lần đầu Rejoice làm quảng cáo "khó ưa"?

12/07/2011 00:17
"Thật ra đây không phải là lần đầu tiên nhãn hàng này bị phản ứng vì quảng cáo phản cảm" - Báo điện tử Dân Việt bình luận.

LTS: Vụ việc clip quảng cáo dầu gội Rejoice do Hoa hậu Mai Phương Thúy đóng vai chính đang tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Đã từng có bài viết trên Nhà báo & Công luận rằng đáng trách hơn cả phải là "nhà đài" (VTV) nhưng đơn vị này lại đổ lỗi lên đầu đối tác; bên cạnh đó là bài viết trên trang mạng xã hội IOne đặt giả thiết phải chăng Mai Phương Thúy thành 'bia đỡ đạn'; tuy nhiên nhiều hơn cả vẫn là những ý kiến chỉ trích Hoa hậu Việt Nam 2006.

{iarelatednews articleid='7036,7039,6985,6950,6882,6873,6829,6741,6744,6754'}

Để rộng đường dư luận, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải lại bài viết dưới đây của Báo điện tử Dân Việt (tiêu đề bài viết này do Tòa soạn đặt dựa theo một nội dung phản ánh chính của bài báo):

Hoa hậu vô lễ

Số là trong clip quảng cáo, cô đóng vai một cô gái được bạn trai dẫn về ra mắt mẹ, thấy tóc cô gái mượt quá, bà mẹ hỏi: “Cháu duỗi tóc ở tiệm à?”, cô gái nhún vai trả lời: “À không, chỉ là Rejoice”. Xem clip này, nhiều khán giả phản ứng ngay và đặt tên là “clip quảng cáo hoa hậu vô lễ với mẹ chồng”.

Mai Phương Thúy đã khiến khán giả truyền hình bức xúc vì clip quảng cáo mà cô thể hiện.
Mai Phương Thúy đã khiến khán giả truyền hình bức xúc vì clip quảng cáo mà cô thể hiện.



Mai Phương Thuý cho biết, khi đọc kịch bản cũng thấy "lấn cấn" và thắc mắc ngay với nhà sản xuất nhưng vì không muốn phá vỡ hợp đồng nên cô đành chấp nhận. Tuy nhiên, lời giải thích này đã bị đại diện của nhãn hàng phản pháo rằng đó chỉ là sự ngụy biện vì trong quá trình quay, Hoa hậu Mai Phương Thuý chưa một lần đưa ra ý kiến về lời thoại trong kịch bản.

Sau những trường hợp quảng cáo gây phản cảm, một vấn đề đặt ra là trách nhiệm kiểm duyệt phát sóng của các đài truyền hình phải nâng cao hơn nữa, đừng để đến khi khán giả lên tiếng thì mới ớ ra là clip quảng cáo đó "có vấn đề".

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên nhãn hàng này bị phản ứng vì quảng cáo phản cảm. Cách đây ít lâu, một spot quảng cáo khác cũng được xây dựng trên câu chuyện chàng trai đưa bạn gái về ra mắt gia đình, các chị em gái bên chồng tỏ vẻ ghen tức cực độ với mái tóc óng mượt của cô gái và nghiến răng ken két bình luận với nhau: “Chắc lại bỏ hết tiền đi duỗi tóc đây mà”.

Khán giả Đỗ Thị Thuý Hương ở phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) gửi email tới Dân Việt bày tỏ: “Tôi chẳng hiểu sao nhãn dầu gội này lại cứ thích thú với ý tưởng đó, hết chị em bên chồng tương lai đến mẹ chồng tương lai thắc mắc về mái tóc óng mượt của nàng dâu, sao lại cứ phải khoét sâu vào mâu thuẫn nàng dâu - mẹ chồng này? Cảm giác của người xem là không có cảm tình một chút nào với khung cảnh gia đình thiếu tình yêu thương như vậy”.

Các hãng dầu gội bán sản phẩm là để phục vụ chị em làm đẹp, thế nhưng hình ảnh những người phụ nữ trong các quảng cáo thường ứng xử không được đẹp lắm, nào là nhìn thấy người có mái tóc đẹp thì các cô lườm nguýt, nghi ngờ hoặc ghen tức đến tím mặt, nào là bà mẹ chồng được con dâu ra đón ở nhà ga thì mặt nặng ra cau có khi tưởng con dâu tiêu hết tiền vào việc duỗi tóc...

Vẫn biết quảng cáo là một nghệ thuật đặt nặng yếu tố thậm xưng nhưng việc tạo dựng hình ảnh những người phụ nữ cứ suốt ngày "ghen ăn tức ở" với mái tóc đẹp của người khác là điều không nên chút nào.

Thiếu phông nền văn hoá

Anh Trương Lê Nguyên - một "copywriter" (người viết ý tưởng quảng cáo) cho biết: "Cái khó nhất của một kịch bản quảng cáo là phải làm sao để nó phù hợp với thuần phong mỹ tục, không gây phản cảm. "Tai nạn" quảng cáo dễ xảy ra với những người mới vào nghề, chưa có đủ phông văn hoá, chỉ chăm chắm chạy theo những ý tưởng lạ, độc.

Thật ra xem quảng cáo trên truyền hình là khán giả nhận ra ngay, đâu là một kịch bản quảng cáo được đầu tư nghiêm túc, đâu là quảng cáo làm theo kiểu "ăn xổi ở thì" với những ý tưởng ngô nghê".

Khán giả Nguyễn Trí Hưng ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: "Tôi khá bất bình với quảng cáo của Ngân hàng Xăng dầu đang phát sóng trên truyền hình, từ đầu đến cuối, họ nói về mối quan hệ của con cái với cha mẹ, có câu “Từ lúc sinh ra, cha mẹ là nơi ta gửi trọn niềm tin...” xong rồi đến cuối thì lại tòi ra hình ảnh cái ngân hàng kèm với lời bình luận “ngân hàng là nơi gửi trọn niềm tin”, vậy thì khách hàng chúng tôi là con cái của các vị ngân hàng hay sao? Quảng cáo như thế là không được”!

Một vụ quảng cáo khác cũng gây ì xèo không kém "quảng cáo hoa hậu vô lễ" chính là quảng cáo máy lọc nước Kangaroo gần đây khi đoạn quảng cáo chỉ có mấy giây: "Cạch! Kangaroo - máy lọc nước hàng đầu Việt Nam" phát liên tục cả chục lần trong chưa đầy nửa phút gây bức xúc cho khán giả. Một khán giả cao tuổi bình luận: "Thật chẳng khác nào có đứa bé hỗn láo thò mặt vào nhà mình hét một câu rồi chạy mất".

Đoạn quảng cáo này sau khi bị khán giả tẩy chay thì được chính nhà sản xuất "vơ vào" nói đó là một "hiệu ứng thành công ngoài mong đợi về mặt truyền thông", thật là hết nói.

Khá nhiều quảng cáo phát sóng trên truyền hình gần đây đã khiến khán giả phải lên tiếng phản đối, ví dụ như quảng cáo hộp sữa của Cô gái Hà Lan được bà mẹ chuyển đến cho con trai nhưng qua chân bao người đá lên đá xuống đã phải dừng phát sóng. Người làm kịch bản quảng cáo này đã không để ý đến một điều trong văn hoá Việt, miếng ăn đồ uống là thứ được xem trọng, sao có thể mang ra đá như vậy được.

Văn hoá trong quảng cáo phải là một yếu tố hàng đầu mỗi khi nhà sản xuất bỏ ra số tiền khổng lồ lên tới cả trăm ngàn đô la để đầu tư cho mấy chục giây quảng cáo.

Theo Dân Việt