Mỹ Tâm từng là nữ sinh hư

21/12/2011 16:11
Theo Báo Đất Việt
"Tôi đi hát rồi đi chơi, muốn đi bar ngồi một mình vậy thôi hoặc đôi khi rủ các chị trong kí túc xá đi băng thâu đêm luôn", Mỹ Tâm kể.

Tôi suýt bỏ học giữa chừng

- Nghe nói chị thường thức giấc lúc 12 giờ trưa?

- Chị biết không đâu, từ bé tôi đã rất thích thức khuya và ngủ muộn, điều đó ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc đi học, nên tôi không thích học lắm. Có thời gian tôi nghĩ mình phải kiếm công việc gì đó để ngủ thoải mái, có thể thức đêm và được làm những điều mình thích. Việc trở thành ca sĩ như thế này là điều tôi vô cùng mong muốn, tôi thấy ước mơ của mình trở thành hiện thực: được ngủ muộn, được thức khuya, được hát. Nói chung là mọi thứ rất perfect (cười phớ lớ).

- Thói quen ngủ muộn, ghét đi học ấy chị có từng bị ba đánh đòn?

- Không. Vì không thích nhưng vẫn phải cố gắng dậy để không bị cúp học. Mặc dù đến lớp thì có học gì đâu, chơi không à, nhưng ba đâu có biết. Sáng nào cũng ráng hết sức, cố hết sức để dậy đó. Lết đến 12 năm là đuối lắm rồi, đuối lắm luôn, nhưng cũng phải cho xong trung học rồi tính sao mới tính bởi xung quanh mình bạn nào cũng phải học như thế cả.

- Ghét đi học là bệnh cố hữu của không ít bạn trẻ, nhưng chị ghét học, ghét thức dậy sớm đến mức nào?

- Ồ có thời gian tôi còn muốn bỏ học luôn rồi. Đó là thời cấp ba khi đã vô Sài Gòn, lúc đó vừa học văn hóa, vừa học nhạc, vừa đi làm đuối luôn đó chị. Đầu tiên khi vô Sài Gòn phải học cùng lúc cả văn hóa và nhạc. Năm lớp 10 thì học giỏi lắm, tại mình nghĩ đi học xa, không ráng học, học không giỏi người ta sẽ cười, thế là lao vào học. Nhưng đến cuối lớp 11, khi bắt đầu đi hát phòng trà, kiếm được tý tiền tự nhiên cảm thấy mình muốn hư hư. Làm ra tiền là thấy có cảm giác muốn ăn uống thoải mái, muốn mua đồ tùy thích. Rồi đi hát đêm thấy mệt quá, muốn bỏ học luôn cho xong. Khi ấy không nghĩ đến việc phải tốt nghiệp gì hết, chỉ muốn đi hát rồi đi chơi không à.

Khi thầy cô trong trường biết suy nghĩ đó của tôi, kêu lên nói chuyện, bạn bè cũng khuyên can. Nhưng bản tính tôi bạn nói cứ nói, cô nói cứ nói, tôi nghỉ là sẽ nghỉ thôi. Nhưng sau đó suy nghĩ tận cùng rồi thấy ba mẹ nuôi mình, muốn mình đi học, cớ sao vô đây rồi mình nghỉ học. Cái thứ nữa là cũng sợ tổn hại đến danh dự của mình, nghĩ sau này mình muốn làm gì mọi người sẽ nhìn vào cười chê: Ô, cô này từng bỏ học, cô này chưa từng tốt nghiệp cái này, cái kia. Những suy nghĩ đó kéo mình ra khỏi sự ham hố chơi bời, tôi tập trung lại vào việc học. Tôi dành cả 6 tháng tập trung học lại, học văn hóa ở trường xong lại lao vào học kèm với thầy cô dạy ở bên ngoài. Cuối cùng thì cũng tốt nghiệp cấp ba và một năm sau tốt nghiệp thủ khoa Trung cấp nhạc viện. Ra trường còn được cấp học bổng đi Nga mà tôi từ chối vì thấy mình không có khả năng về thể loại ấy (opera), bên cạnh việc nhìn thấy ở lại Việt Nam mình có nhiều cơ hội hơn.

- Cái thời muốn bỏ học ấy, việc hư hỏng nhất mà chị từng làm là gì?

- Tôi đi hát rồi đi chơi, muốn đi bar ngồi một mình vậy thôi hoặc đôi khi rủ các chị trong kí túc xá đi băng thâu đêm luôn. Đi thâu đêm mà không qua đêm nha, chuyện này khác nhau lắm đó chị, chúng tôi hay ra rồi tụ tập ở bên sông Sài Gòn, mua đồ ăn và hát hò đến 1, 2h sáng mới về.

Nếu khi bắt đầu đi biểu diễn, hát tới tầm 11 giờ sẽ về tắm rửa, học bài tới 1 – 2 giờ rồi đi ngủ, sáng hôm sau 7h dậy chuẩn bị đi học thì sau đó không lâu, thay vì hát xong về học bài tôi lại đi chơi. Giờ tôi nghĩ, chắc khi ấy mình bị dồn ép về thời gian quá, chịu không nổi nên mới có thái độ muốn bỏ học.

- Khi ấy ba mẹ có phải dùng biện pháp mạnh nào với chị không?

- Trời, làm gì biết. Giấu chứ. Ba biết là no đòn luôn đó. Ngày ấy ba thỉnh thoảng gọi điện vô, nghe con nói chuyện, thỉnh thoảng ông lại: “Ờ, ờ, con ngoan, ngoan, giỏi, giỏi, giỏi..”. Giỏi hoài vậy đó. Tôi nói: “Dạ, dạ, con mà”.

Tôi từ bé đã được ba cho uống bia khi ngồi ăn cơm với gia đình. Ba thường bảo thỉnh thoảng uống chút bia cho khỏe. Lúc đi học, mỗi khi về nhà hoặc khi ba vô thành phố, tới bữa ba mua bia về để ba con cùng uống tôi thường từ chối: “Dạ thôi, ba uống đi, con không uống” hoặc “hôm nay con mệt không uống được đâu”. Lúc đó ba cứ nghĩ con gái không uống được đâu, chỉ uống sơ sơ thôi. Cũng có thể ba nghĩ con mình ngoan chứ đâu biết thực ra mình uống cũng được được chứ bộ.

Thời tôi chán học, ham chơi chỉ có bạn ở trường và vài thầy cô biết thôi à. Thời điểm ấy tôi tự nổi loạn, tự sống và cũng tự suy nghĩ mình nên dừng lại chứ chẳng có ai tác động bắt dừng lại được cả. Mà nói vậy chứ tôi đâu có hư đến độ làm mất thanh danh của mình. Với gia đình, tôi chỉ mang về những gì tự hào nhất cho ba chứ đâu để ba mẹ biết những muộn phiền. Giờ ngồi đọc lại mấy cuốn nhật ký, ghi chép ngày xưa tôi thấy mình già lắm kìa, đâu có thơ trẻ như bây giờ đâu.

- Trải qua giai đoạn ấy, giờ nghĩ lại chị có cho rằng một người trẻ sớm làm ra tiền thì dễ rơi vào vòng xoáy của cuộc sống hơn không?

- Đúng, làm ra tiền sớm, dễ dàng là dễ sinh hư lắm. Nhưng tôi ngay thời đó cũng biết có bạn không hư dù làm ra tiền sớm. Có điều tôi vẫn nghĩ là con người thì nên trải qua những giai đoạn như thế, có lúc nên hư hư một chút thì mới mong chín chắn được. Tôi kể chuyện của mình chỉ muốn nói rằng, bản thân mỗi người phải tự chiến đấu và chiến thắng được cảm giác của chính mình. Mình nên sống tự nhiên với những sự thu hút xung quanh nhưng cũng chính mình phải tự điều chỉnh sao cho đúng với mong muốn tận sâu bên trong bản thể. Thành thật mà nói tôi rất cảm ơn quãng thời gian ấy. Đó là thời điểm tôi gặp nhiều kiểu người, suy ngẫm được nhiều về cái gọi là tình bạn. Thậm chí có những lúc ngồi một mình nhìn những thứ xung quanh tôi cũng học được nhiều thứ để có được một tôi như hôm nay.

- Nhạc sĩ Đỗ Bảo từng có lần chia sẻ sự nuối tiếc của anh ấy với những ngày còn trẻ, anh ấy cho rằng cái thời ngông cuồng thích gì làm nấy, dù có đôi lúc sai nhưng nó thật tuyệt vời. Còn khi lớn lên, làm mọi thứ và biết rõ đúng sai lại thành ra tẻ nhạt. Còn chị, chị có tiếc gì?

- Sao tiếc được, vì con người mình càng lớn càng phải tốt hơn lên, chín chắn hơn lên. Nhưng tôi cũng chắc rằng dù có tốt đến mấy cũng không thể tốt hết được, chắc chắn mình vẫn có lúc sai. Vậy nên anh Đỗ Bảo cứ yên tâm đi, từ từ rồi anh ấy cũng có cái để sai à.

- Lại một nhạc sĩ tên Bảo, nhưng người này có gắn bó với Mỹ Tâm sâu đậm ở vào giai đoạn chị bắt đầu nghề hát – nhạc sĩ Quốc Bảo. Anh ấy viết về chị rằng: “Từ một cô gái thô ráp như vận động viên điền kinh bỗng vụt thành nàng thục nữ yểu điệu”, nhưng anh ấy vẫn muốn giữ lại cho riêng mình một hình ảnh Mỹ Tâm của ngày xưa. Chị thấy sao khi những người bạn thủa ban đầu đều yêu quý một Mỹ Tâm mộc mạc hơn hình ảnh của chị bây giờ?

- Anh Bảo với tôi có rất nhiều kỷ niệm. Khi bắt đầu vào nghề tôi chỉ có vài người bạn thân mà trong đó có anh Bảo. Mỗi lần ngồi cùng nhau hai anh em thường nói rất nhiều về âm nhạc, về mong ước.

Ngày xưa tôi gồ ghề hơn, thô mộc hơn còn bây giờ đúng là tôi có dịu dàng, đằm thắm hơn nhưng bản tính thì vẫn mạnh mẽ như vậy, không có gì thay đổi. Mà tôi nghĩ phải vậy thôi chứ, 30 tuổi rồi còn gì. Việc mọi người cứ tiếc một Mỹ Tâm của tuổi hai mươi ngày nào thì hơi ích kỷ nhỉ? Bởi nếu cứ trẻ hoài, chỉ sống cho mình, biết mình mãi thì sao chấp nhận được. Thực sự thì tôi rất thích mình bây giờ, tôi hiểu được bản thân rõ ràng hơn, hiểu được cuộc sống nhiều hơn, biết thông cảm, chia sẻ, biết nhìn nhận mọi thứ. Nhưng tôi chưa hoàn hảo, chưa ở đỉnh mọi sự biết và tôi nghĩ mình rồi sẽ vẫn sai thôi, mình cần phải học nhiều thêm nữa.

Đi hát vì có tiền

- Bây giờ người ta đi hát vì muốn trở nên nổi tiếng và muốn đi hát vì nghề này dễ kiếm tiền. Còn chị, chị đã bắt đầu vào nghề bằng suy nghĩ nào?

- Tôi muốn có tiền và làm gì thì làm phải có tiền mới được. Lúc mới vô Sài Gòn là phải kiếm tiền để đi học, tôi đi hát cũng vì tiền mà kể cả đi thi cũng vì có tiền mới đi thi. Tôi không thi để được giải, để nổi tiếng mà thi để có tiền đi học, không phải xin tiền ba mẹ. Chấm hết. Tôi khá thực tế. Tôi làm tất cả mọi việc đều vì cần tiền để lo cho mình như vậy nhưng tôi không đánh đổi mọi thứ để lấy đồng tiền, có nhiều việc đồng tiền không làm tôi lung lay được.

- Đến lúc nào chị không phải lo về chuyện tiền nhiều như thế nữa?

- Khoảng sau một năm vào Sài Gòn chứ mấy.

- Sau này làm ra tiền chị có nhớ đã dùng chúng đầu tiên vào những việc gì không?

- Khi tôi đi học, tôi sống như bao bạn học cùng, cũng ăn mì gói, thiếu nợ cô bán hàng ở gần nhà. Sau này đi thi hát kiếm được tiền, tham gia trung tâm ca nhạc nhẹ có lương hàng tháng dần yên tâm hơn. Tôi nhớ, khi làm ra tiền việc đầu tiên là tôi nghĩ đến ba mẹ nhưng không gởi tiền về… mà tôi mua đồ ăn và bia về gọi các chị ở hai phòng ký túc xá về uống một bữa đã đời luôn. Lúc lãnh được khoản tiền khá hơn, đâu 900 ngàn đồng gì đó tôi gửi về Đà Nẵng cho ba mẹ luôn.

Tính tôi được cái là có nhiêu xài nhiêu. Đến khi kiếm được tiền thoải mái chút tôi bắt đầu mua cho mình mấy bộ đầm phục vụ đi hát. Cảm giác lúc trước nhìn các anh chị ca sĩ diện đồ đẹp mình không có, thỉnh thoảng tủi thân. Con gái là vậy đó. Có tiền rồi tôi cứ để muốn ăn gì thì ăn, xài gì thì xài. Tôi đâu biết để dành tiền cho đến khi một người bạn nhắc nhở phải dành dụm phòng khi có việc. Lúc ấy tôi như tỉnh người ra vậy đó, cũng kiếm con heo đất bỏ vô tiết kiệm. Chừng qua ba tháng sau cả heo, cả tiền đều bị mất trộm hết. Thế là xong.

- Có mong ước mong nào ngoài bản thân mình mà tới bây giờ chị đã có cơ hội thực hiện?

- Ngày xưa tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng, tôi ước có thật nhiều tiền để có thể san sẻ được với cuộc sống của những người khốn khó quanh mình. Tôi đã đi hát 10 năm, tới bây giờ có thể đã gọi là thành công nhưng những năm tháng đầu tiên mình cũng chỉ là một người chập chững bước đi và học sống.

Khoảng thời gian 5 – 7 năm trước có điều kiện tôi vẫn làm những việc chia sẻ mà mình nghĩ nên làm. Nhung chỉ từ 2008 các hoạt động xã hội của tôi mới thực sự được thực hiện có kế hoạch và ngày càng mở rộng.

- Những chuyến đi như thế mang lại cho chị cảm giác gì?

- Tôi không nghĩ nó mang lại cảm giác gì, cũng không đợi nó mang tới cho mình cảm giác nào đó thì mới làm. Càng đi càng thấy nhiều cảnh đời đáng thương, càng tội thì muốn làm. Cứ như thế lần sau muốn làm nhiều hơn lần trước. Nhìn những cuộc đời ấy có lúc người mình như rụng xuống, nhưng ngược lại mình có thêm sự mạnh mẽ để tiếp tục. Vậy thôi.

Theo Báo Đất Việt