Người mẫu Xuân Lan: 'Tôi làm việc vì tiền'

03/04/2013 13:30
T.N (ghi)
(GDVN) - Chương trình Văn hóa-Sự kiện-Nhân vật tuần vừa rồi trên kênh VTV3 đã có cuộc trò chuyện với siêu mẫu Xuân Lan. Trong cuộc trò chuyện này, Xuân Lan đã tự họa chân dung mình một cách thú vị.

BTV Mỹ Linh: Sao Xuân Lan tươi thế? Trong khi tần xuất xuất hiện của bạn trên sóng truyền hình, khối lượng công việc của bạn thì…ngạt thở luôn?

Xuân Lan: Để xuất hiện trước mắt công chúng, lúc nào mình cũng phải tạo cho mình 1 sức sống, 1 năng lượng thực sự để tiếp tục làm việc.

Đó là kỹ năng của người làm nghề hay đó là liệu pháp về tinh thần, liệu pháp về tâm lý?

Kỹ năng của người làm nghề cũng có. Nhưng phụ nữ thì ai chả thích mình đẹp! Mình biết mình đẹp thì mình sẽ thấy tự tin và vui vẻ hơn.

Cái câu “mình biết mình đẹp” tôi thấy ít người phụ nữ dám tự tin nói câu đó. Bạn đang nói nó 1 cách thoải mái!

Xuân Lan chia sẻ 1 quan niệm thế này: Người phụ nữ đẹp nhất là người phụ nữ tự tin nhất. Đối với người khác thì có thể chị không đẹp, nhưng chị thích nét đẹp của mình và khai thác nó theo ý thích của mình thì chị hoàn toàn có quyền công nhận mình đẹp.

Quan trọng là mình tự công nhân mình đẹp trước, đối với những người khác, ai khen thì mình cảm ơn, ai chê thì đó là do gu thẩm mỹ của họ không phù hợp với mình.

Theo Xuân Lan, quan trọng là tự thấy mình đẹp.
Theo Xuân Lan, quan trọng là tự thấy mình đẹp.

Sự tự tin của bạn có từ bao giờ? Có phải sau thời gian thử thách và được chứng minh với thời gian, công việc thì bạn mới có thể nói 1 cách thoải mái thế này?

Thật ra Xuân Lan cũng mất tự tin trong khoảng 3 năm đầu vào nghề. Từ năm 1996 đến 1999. Qua năm 2000 thì mặc dù Xuân Lan là người mẫu xấu nhất trong lứa người mẫu năm 2000 nhưng mình vẫn tự tin mình “lạ” và hình ảnh của mình không trùng hợp với ai khác.

Ở đây là Xuân Lan nói về vẻ đẹp trên sàn diễn chứ không nói về vẻ đẹp của người phụ nữ để đàn ông ngắm. Nếu đặt vào vế này thì Xuân Lan sẽ thua.

Đó là lý do trong 1 thời gian dài mình rất cô đơn và không tìm được người nào yêu thương và rung động vì mình thực sự. Các học trò của Xuân Lan nếu đi theo con đường người mẫu chuyên nghiệp thì cũng hơi khó tìm được người yêu hoặc bạn đời.

Vì đàn ông có xu hướng thích những người phụ nữ xinh xắn, tròn trịa và phải…ngu ngu 1 chút. (Cười)

Xuân Lan nói điều này thì tôi nghĩ sẽ sốc cho nhiều người đấy! Bạn nói rằng bạn cô đơn vì đàn ông thích những người “ngu, ngon, ngoan”. Nhưng thực tế hiện nay thì trong giới người mẫu là những người đủ các tố chất này?

Thật ra, người ta nhìn những người khoác trên mình những bộ đồ thời trang, xuất hiện trong vài shoot ảnh, 1 vài show diễn thì người ta coi đó là người mẫu. Nhưng với chúng tôi, khi xác nhận danh xưng người mẫu thì phải có sự chuyên nghiệp, phải có tính kỷ luật và tôn trọng nghề.

Bạn đang nói đến sự “chuyên nghiệp”. Nhưng bạn cũng biết rằng người mẫu ở Việt Nam trong lứa của các bạn thì chủ yếu là chúng ta tự học lẫn nhau, tự rèn luyện cho nhau là chính. Vậy làm sao có thể nói là “chuyên nghiệp” khi mà sự hình thành rất tự phát như vậy?

Sự chuyên nghiệp ấy có hay không nó nằm trong ý thức của mỗi con người. Thực ra thì ban đầu không ai biết gì hết nếu chúng ta không chịu học.

Các bạn được dạy nhưng các bạn không muốn học là chuyện khác, còn các bạn không được dạy nhưng các bạn muốn học, muốn tìm tòi thì chắc chắn sẽ có con đường đi cho các bạn.

Nhưng ở giai đoạn đó, chúng ta không có Fashion Chanel, thỉnh thoảng lắm mới có 1 show diễn, những người đang dạy chúng ta cũng chỉ học lỏm. Vậy thì cái khái niệm “chuyên nghiệp” nó quá mông lung?

Cái tư duy thẩm mỹ của mình nó sẽ định hướng cho mình. Trong 1 show diễn, mình xem lại băng hình xem mình diễn đã đạt chưa, những shoot ảnh mình biết mình đã tạo dáng chuẩn chưa? Lúc đó chưa có TV Fashion nhiều như bây giờ.

Nhưng ở ngoài cửa hàng băng đĩa có những hộp khoảng 20 đĩa thời trang của quốc tế. Tôi luôn nghiền ngẫm những đĩa đó. Những tạp chí đưa những hình xu hướng nhỏ xíu, nhưng qua đó tôi nghiên cứu cách người ta đặt bước chân, cách người ta biểu cảm ánh mắt, cách trang điểm, cách tạo dáng…

Thế phải trông cậy vào sự thông minh hay trực giác?

Phải có sự thông minh để nhìn nhận và biết được những xu hướng của năm. Tôi nghĩ cái đó ngoài thông minh còn là tố chất của mỗi con người.

Chúng ta bắt đầu từ 1 giấc mơ đẹp của 1 cô gái không được coi là đẹp. Rồi cô ấy trở thành một người mẫu lạ. Rồi cô ấy làm nên sự nghiệp của mình, được ghi nhận và trở thành tấm gương để những người trẻ tuổi mới vào nghề soi vào đó.

Tôi nghĩ giấc mơ đó là có thực. Ai cũng có quyền ước mơ. Nhưng để biến ước mơ thành sự thực thì là cả một quá trình và chúng ta phải đầu tư, phải cống hiến.

Ở thế hệ của bạn, có rất nhiều người cũng có giấc mơ như bạn. Nhưng không phải ai cũng thành công. Vậy điều gì để có được một Xuân Lan như ngày nay? Nhiều người nói Xuân Lan “bướng”. Phải chăng sự “bướng” này nó tạo nên thương hiệu của Xuân Lan?

Tôi thừa nhận tôi bướng. Tôi bướng vì tôi bảo vệ lý lẽ, tự trọng và nghề nghiệp của tôi. Tôi xác định 1 con đường và tôi đi trên con đường đó cho dù bất cứ khó khăn nào.

Nhưng giai đoạn đó làm gì có đường?

Do cách suy nghĩ và quyết định của mỗi con người thôi! Có người xác định muốn quen 1 anh nào đó để được bao bọc, có người xác định muốn đăng quang trong 1 cuộc thi nào đó để lấy danh tiếng… Còn riêng tôi, tôi xác định mình là người mẫu.

Ngoại hình của tôi chỉ hợp với nghề người mẫu, tính cách và trái tim của tôi hướng về nghề người mẫu. Với tôi đó là con đường thẳng và tôi chỉ đi trên đó thôi.

Nhưng giai đoạn đó các show thời trang không nhiều. Cát-xê cũng không cao?

Tôi nhớ thời gian đầu 3 tháng mới có 1 show, 1 đêm diễn tôi chỉ được 200 ngàn. Hoàn toàn trong thời gian đầu tiên tôi sống nhờ bố mẹ.

Sau 2 năm tôi được nhận show nhiều hơn. Khi về với CLB Hoa học đường, tôi được nhận show, được chụp lịch, được quảng cáo, lúc đó tôi mới có những đồng tiền đầu tiên. Tôi thừa nhận, những người mẫu mới vào nghề trong 5 năm đầu tiên không thể giàu được, các bạn chỉ có khả năng tự lo cho cuộc sống của mình chứ không thể mua nhà, mua xe, sắm điện thoại đắt tiền.

Giả sử có 1 cô gái trẻ mong muốn vào nghề người mẫu, cô ấy nói với chị rằng: Em muốn trở thành người mẫu, em phải làm gì?

Vẫn là câu tôi vẫn nói với các học trò của tôi: Em cần có sự đam mê. Khi em đam mê thì em mới có động lực để gắn bó với nghề. Em cần có sự kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn trong nghề. Cái thứ 3, em phải xác định em có thực sự yêu nghề không. Nếu có thì em hãy trân trọng và bảo vệ nó.

Nếu cô gái ấy nói: Chị ơi, nhiều cạm bẫy quá?

Chị xác nhận rõ ràng là nhiều cạm bẫy. Nhưng em có muốn vượt qua nó không? Nếu không đủ sức vượt qua thì em có sẵn lòng để các anh chị trong nghề giúp em vượt qua không?

Nhiều cô gái than rằng: Trời ơi cạm bẫy nhiều quá! Nhưng cạm bẫy lại quá hấp dẫn và em thích dấn thân thì làm sao tôi cản được?

Có nhiều người tôi nghĩ họ rất thành công, nhưng họ lại vì những đồng tiền trước mắt, những chiếc túi sang trọng, những chuyến đi nước ngoài mà không đi đường chính, lại đi trên cạm bẫy.

Những điều đó không hấp dẫn chị sao?

Tôi cũng có những điều đó bằng thực lực của tôi sau 1 thời gian tôi gắn bó với nghề.

Có những cô gái sẽ nói với chị rằng: Chị mất mười mấy năm để có túi, có nhà, có xe. Em chẳng việc gì phải mất ngần ấy năm?

Thì các cô cứ đi theo con đường các cô muốn. Nhưng mà để được khán giả trân trọng và ghi nhận thì các cô đó không có.

Có những người sẽ đến nói với chị: Em cũng làm việc cật lực gần như chị, có thể em kém may mắn 1 chút, nhưng em nghèo quá!

Tôi cũng nghèo mà! Xác nhận với chị Mỹ Linh: Bây giờ tôi có nhà, có xe, có công việc ổn định, đâu chỉ bằng nghề người mẫu.

Tôi kinh doanh công ty tổ chức biểu diễn, tôi phải dành dụm, có khi tôi phải thức trắng 3,4 ngày. Tôi phải quay phim, tôi phải diễn kịch, 1 xuất diễn của tôi từ 600-900 ngàn, tôi phải mở lớp, tôi phải quay truyền hình thực tế…

Công việc nhiều như thế mới đủ để tôi có được như bây giờ. Tôi muốn những học trò của tôi đều phải học đàng hoàng. Rồi sau đó các em sẽ tự đi trên con đường của mình.

Vũ khí để chị tự bảo vệ mình trước cạm bẫy trong mười mấy năm qua là gì?

Tôn trọng nghề nghiệp của mình, đừng làm gì để ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và danh dự của chính mình.

Hỏi thật Xuân Lan, có khi nào bạn tổn thương lắm, tự ái lắm vì có những người đàn ông đến với bạn chỉ vì bạn là người mẫu đang nổi danh?

Tôi không việc gì phải tổn thương. Những thể loại đó tôi không quan tâm. Ngoài sự lạnh lùng, quyết đoán, mạnh mẽ trong công việc thì Xuân Lan là 1 người yếu đuối về tình cảm. Tôi yêu người nào, tôi thích người nào thì người đó mới có cơ hội đến gần tôi. Còn tôi đã không thích thì…đi chỗ khác chơi, tôi cũng chẳng cần bận tâm!

Nghe Xuân Lan nói tôi thấy bạn như một người đàn bà thép ấy!

Tôi cũng không thích danh từ đó. Tôi vẫn muốn mọi người nhìn tôi như 1 cô gái dễ thương, thích yêu chiều, thích được quan tâm.

Xuân Lan làm thể nào để có thể bước qua định kiến của dư luận về “người mẫu diễn kịch”?

Phải có sự kiên nhẫn. Khi tôi bước lên sân khấu, dù tôi đã là 1 người mẫu nổi danh, nhưng tôi vẫn phải học lại từ đầu. Và tôi làm việc có tâm.

Bạn muốn mọi người gọi mình là “diễn viên Xuân Lan” hay “người mẫu Xuân Lan”?

Tôi xác định rất rõ tất cả mọi thứ tôi đang có đều từ nghề người mẫu. Thế nên “người mẫu Xuân Lan” là 1 danh từ quen thuộc.

Xuân Lan vẫn muốn được gọi là "người mẫu Xuân Lan".
Xuân Lan vẫn muốn được gọi là "người mẫu Xuân Lan".

Bạn có nghĩ điểm mạnh cũng là điểm yếu của bạn là tỉnh táo quá?

Tỉnh táo để nhìn thẳng vào sự mềm yếu của trái tim để sống với nó chứ không phải để phủ nhận nó.

Điều gì với bạn quan trọng nhất?

Đầu tiên là tình yêu, thứ hai là gia đình, thứ ba là công việc.

Thế tiền đặt ở đâu?

Tôi làm việc vì tiền mà, tôi đâu có làm “chùa” cho ai cái gì? (Cười) Còn những chương trình từ thiện, tôi được nhận lại bằng 1 lần trải nghiệm, nhận lại bằng hình ảnh đẹp hơn trong mắt mọi người. Đối với tôi, tiền chỉ hỗ trợ cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.

Mục đích của bạn là gì?

Mục đích của tôi à: Tận hưởng cuộc sống mỗi ngày!

Cảm ơn Xuân Lan về cuộc trò chuyện này!

T.N (ghi)